Hệ thống pháp luật

BỘ Y TẾ
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04-BYT-TT

Hà Nội, ngày 25 tháng 02 năm 1963

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC TẠM THỜI QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC CỤC BẢO VỆ SỨC KHỎE TRỰC THUỘC BỘ Y TẾ

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Thi hành quyết định số 101-CP ngày 04-09-1962 của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập Cục Bảo vệ sức khỏe trực thuộc Bộ Y tế.
Căn cứ theo điều 2 và điều 4, Bộ Y tế tạm thời quy định nhiệm vụ, tổ chức cho Cục Bảo vệ sức khỏe như sau:

I. TÌNH HÌNH

Từ ngày hòa bình lập lại, số cán bộ trung, cao cấp ngày càng tập trung nhiều ở trung ương, phần lớn là các đồng chí đã bị tù đày hồi còn hoạt động bí mật và chịu đựng gian khổ trong kháng chiến, nay lại phải làm việc nhiều, ít được nghỉ ngơi; mặt khác trong hoàn cảnh kinh tế của ta còn nhiều khó khăn, chưa có điều kiện bồi dưỡng sức khỏe một cách thích đáng, do đó sức khỏe nói chung của cán bộ kém, bệnh tật dễ phát sinh.

Việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ trung, cao cấp, Dân, Chính, Đảng từ trước tới nay do Bệnh viện Hữu nghị Việt – Xô và Ban Bảo vệ sức khỏe trung ương phụ trách, còn bên quân đội do Cục Quân y phụ trách. Ngoài nhiệm vụ trên, Bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô còn phụ trách và công tác điều trị cho khách của Trung ương, Chính phủ, các đoàn thể ở trung ương, Ngoại giao đoàn và các đồng chí chuyên gia các nước bạn, do đó khối lượng công tác ngày càng phát triển, tổ chức chưa được thích hợp, nhiệm vụ chưa được quy định rõ ràng. Chế độ khám bệnh, chữa bệnh giữa Quân đội, và Dân, Chính, Đảng không thống nhất.Vì thế nên việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ trung, cao cấp chưa được triệt để, công tác theo dõi, kiểm tra sức khỏe chưa làm được thường xuyên.

Để chăm sóc sức khỏe cho cán bộ trung, cao cấp được toàn diện, kết hợp chặt chẽ công tác phòng bệnh, chữa bệnh với chế độ làm việc, nghỉ ngơi, giải trí, bồi dưỡng, luyện tập thân thể nhằm tăng cường sức khỏe cho cán bộ để có thể phục vụ Cách mạng được lâi dài, vì những lý do trên, Bộ Y tế đã đề nghị Hội đồng Chính phủ cho thành lập Cục Bảo vệ sức khỏe trực thuộc Bộ Y tế,với nhiệm vụ là: “Cục Bảo vệ sức khỏe giúp Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu để trình Hội đồng Chính phủ ban hành các chính sách, chế độ, biện pháp về phòng bệnh và chữa bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe cho cán bộ trung, cao cấp của Đảng và Nhà nước, và tổ chức chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ, biện pháp ấy”.

II. NHIỆM VỤ CỤ THỂ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CỤC BẢO VỆ SỨC KHỎE

Cục Bảo vệ sức khỏe có nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Y tế:

1. Tổ chức kiểm tra phân loại sức khỏe của cán bộ, để có kế hoạch tiến hành công tác phòng bệnh và chữa bệnh, an dưỡng thích hợp với tình hình sức khỏe của cán bộ.

2. Nghiên cứu đề nghị trên quyết định các chế độ làm việc, nghỉ ngơi, giải trí, ăn uống, bồi dưỡng cho từng loại sức khỏe và từng loại cán bộ.

3. Bước đầu có kế hoạch chỉ đạo chặt chẽ công tác phòng bệnh và chú ý đến một số trường hợp cần thiết có kế hoạch định kỳ kiểm tra sức khỏe của những người cùng chung sinh hoạt gia đình với cán bộ như: cha mẹ, vợ, con, cần vụ, thư ký riêng, cấp dưỡng để phát hiện bệnh tật nhằm phòng bệnh cho cán bộ được tốt.

4. Ngoài những đối tượng đã quy định, còn phụ trách công tác phòng bệnh và chữa bệnh cho các khách quốc tế của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các vị Đại sứ (còn về phần phòng dịch, vệ sinh cho các Sứ quán đến nay vẫn do Sở Y tế Hà Nội đảm nhiệm), và phục vụ các cuộc Hội nghị của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội và các đoàn đại biểu của Đảng và Nhà nước đi ra nước ngoài.

5. Giúp các Ban Bảo vệ sức khỏe cán bộ các tỉnh, thành, khu trong công tác có liên quan đến việc phòng bệnh và chữa bệnh cho cán bộ trung, cao cấp.

6. Để thực hiện được các nhiệm vụ trên, Cục Bảo vệ sức khỏe giúp Bộ trưởng Bộ Y tế nghiên cứu đề ra các chủ trương, phương hướng, vận dụng mọi khả năng, phương tiện của ngành Y tế và kiến nghị với các cơ quan, đoàn thể như: Văn hóa, Thể dục thể thao, Thương nghiệp, Công đoàn v.v… để vận dụng phương tiện cùng phối hợp phục vụ tốt cho công tác bảo vệ sức khỏe cho cán bộ của Đảng và Nhà nước.

III. TỔ CHỨC BỘ MÁY

Lãnh đạo Cục Bảo vệ sức khỏe do một Cục trưởng và một số Cục phó giúp việc; Cục trưởng chịu trách nhiệm lãnh đạo toàn diện và Cục phó giúp việc cho Cục trưởng trong việc lãnh đạo chung, đồng thời tùy theo khả năng của các Cục phó để phân công chỉ đạo từng mặt công tác.

Bộ máy giúp việc có ba bộ phận:

1. Bộ phận chuyên môn.

2. Bộ phận hành chính, tổ chức, quản trị.

3. Các tổ điều trị ngoại trú lưu động.

Về nhiệm vụ cụ thể của từng bộ phận do Cục trưởng căn cứ vào các điều khoản chung sau đây mà quy định cụ thể:

A. BỘ PHẬN CHUYÊN MÔN:

có nhiệm vụ giúp Cục trưởng:

a) Theo dõi hoạt động chuyên môn ở các tổ điều trị lưu động, các cơ sở điều trị, điều dưỡng trực thuộc Cục để tổng hợp tình hình, thống kê kế hoạch phòng bệnh và điều trị, đề xuất ý kiến với Cục trưởng nhằm giúp lãnh đạo tốt các công tác phòng bệnh và chữa bệnh, phòng dịch, điều dưỡng, an dưỡng cho cán bộ.

b) Nghiên cứu tình hình, phát hiện vấn đề, góp ý kiến với Cục trưởng để đề xuất với cấp trên ban hành các chế độ làm việc, nghỉ ngơi, bồi dưỡng cho cán bộ.

c) Liên hệ với các Ban Bảo vệ sức khỏe địa phương để biết tình hình sức khỏe của cán bộ.

Biên chế của bộ phận này có từ ba đến bốn người (gồm y, bác sĩ và y tá).

B. BỘ PHẬN HÀNH CHÍNH, TỔ CHỨC, QUẢN TRỊ:

có nhiệm vụ giúp Cục trưởng:

- Phụ trách các mặt công tác văn thư, lưu trữ, nhân sự, quản trị, kế toán và phối hợp với bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô để thực hiện các chế độ chính sách và đời sống vật chất cho cán bộ, nhân viên của Cục;

- Biên chế của bộ phận này có từ bốn đến năm người.

C. CÁC TỔ ĐIỀU TRỊ, NGOẠI TRÚ LƯU ĐỘNG:

có nhiệm vụ giúp Cục trưởng:

1. Theo dõi phát hiện bệnh tật, tổ chức kiểm tra sức khỏe và bệnh tật cho cán bộ trung, cao cấp, các khách của Trung ương, Chính phủ và Quốc hội.

2. Thực hiện đơn thuốc tại nhà cho một số cán bộ cao cấp theo sự chỉ dẫn của Cục trưởng và thực hiện một số biện pháp vệ sinh phòng dịch cho gia đình cán bộ, đồng thời quản lý hồ sơ bệnh lịch của cán bộ kể trên.

Về tổ chức và biên chế: có năm tổ:

- 1 tổ chuyên trách phục vụ cho cán bộ quốc tế và các cuộc Hội nghị;

- 4 tổ phục vụ cán bộ trong nước, mỗi tổ phụ trách một số cán bộ ở trong một khu vực nhất định và tùy theo khối lượng công tác mà định biên chế cán bộ nhất định, do Cục trưởng quy định.

IV. CƠ SỞ TRỰC THUỘC CỤC

Công tác phòng bệnh, phòng dịch, điều trị nội, ngoại trú và điều dưỡng, an dưỡng là một khối thống nhất trong công tác bảo vệ sức khỏe cho cán bộ về mặt y tế. Vì vậy phải tập trung vào một cơ sở chỉ đạo. Do đó Bộ Y tế ủy nhiệm cho Cục Bảo vệ sức khỏe quản lý bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô là một trung tâm trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh cho cán bộ trung, cao cấp và các bạn quốc tế. Trên cơ sở đó, Cục Bảo vệ sức khỏe có nhiệm vụ và quyền hạn được sử dụng bộ máy của Bệnh viện để phục vụ kịp thời về công tác phòng bệnh và chữa bệnh cho cán bộ trong, ngoài bệnh viện và lãnh đạo bệnh viện làm tốt công tác điều trị và các mặt công tác khác phục vụ cho công tác điều trị trong bệnh viện.

Ngoài bệnh viện Hữu nghị Việt-Xô, Cục liên hệ với các cơ sở điều trị ở trung ương có liên quan đến công tác điều trị cho cán bộ trung, cao cấp.

Trong khi thực hiện thông tư này, nếu gặp khó khăn trở ngại thì báo cáo lên Bộ để Bộ nghiên cứu và có hướng sửa đổi cho thích hợp.

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ




Bác sĩ: Phạm Ngọc Thạch

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 04-BYT-TT năm 1963 tạm thời quy định nhiệm vụ, tổ chức Cục Bảo vệ sức khỏe trực thuộc Bộ Y tế do Bộ Y tế ban hành

  • Số hiệu: 04-BYT-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 25/02/1963
  • Nơi ban hành: Bộ Y tế
  • Người ký: Phạm Ngọc Thạch
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản