Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 04/2021/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2021

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VIỆC CHẤP THUẬN, THẨM ĐỊNH CÁC HOẠT ĐỘNG LIÊN QUAN ĐẾN ĐÊ ĐIỀU

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 113/20077NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện việc chấp thuận, thẩm định các hoạt động liên quan đến đê điều.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện việc lấy ý kiến chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với các hoạt động liên quan đến đê điều và thẩm định các nội dung liên quan đến thoát lũ, an toàn đê điều đối với dự án đầu tư xây dựng ở bãi sông, bãi nổi hoặc cù lao nơi chưa có công trình xây dựng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến đê điều.

Điều 3. Quy định về việc chấp thuận

1. Các hoạt động phải lấy ý kiến chấp thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bao gồm:

a) Cấp giấy phép cho các hoạt động quy định tại các điểm a, b, c và h khoản 1 Điều 25 Luật Đê điều đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II, cấp III;

b) Xây dựng, cải tạo công trình giao thông có liên quan đến đê điều đối với công trình ảnh hưởng đến hai tỉnh trở lên.

2. Nội dung xem xét chấp thuận

a) Sự tuân thủ các quy định của pháp luật về đê điều;

b) Sự phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều; phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Việc bảo đảm an toàn đê điều, thoát lũ khi xây dựng công trình;

d) Giải pháp phòng, chống lũ trong quá trình thi công và đảm bảo an toàn cho đê trong quá trình quản lý, sử dụng công trình;

đ) Biện pháp đảm bảo an toàn giao thông trên đê trong quá trình thi công;

e) Các vấn đề liên quan khác (nếu có).

3. Cách thức thực hiện việc lấy ý kiến chấp thuận

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai bộ Hồ sơ đề nghị chấp thuận, bao gồm:

a) Công văn đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Ý kiến bằng văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Hồ sơ kỹ thuật công trình được cấp có thẩm quyền phê duyệt bao gồm: Thuyết minh và Bản vẽ mặt bằng tổng thể, mặt cắt đại diện, trong đó thể hiện những nội dung liên quan đến đê điều, thoát lũ khi xây dựng công trình;

d) Văn bản khác có liên quan đến việc xây dựng, thực hiện dự án (nếu có);

đ) Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đối với công trình ảnh hưởng đến hai tỉnh trở lên.

4. Tiếp nhận, xử lý hồ sơ đề nghị chấp thuận

a) Tổng cục Phòng, chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ đề nghị chấp thuận.

b) Trong quá trình xem xét hồ sơ, nếu xét thấy công trình có ảnh hưởng đến an toàn đê điều và thoát lũ, tùy theo từng trường hợp cụ thể, Tổng cục Phòng, chống thiên tai có thể gửi văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ sung thêm các tài liệu để phục vụ cho quá trình xem xét, chấp thuận bao gồm: văn bản thẩm tra của đơn vị tư vấn độc lập về sự ảnh hưởng của công trình đến an toàn đê điều và thoát lũ lòng sông (sự giảm lưu lượng lũ thiết kế; tăng mực nước lũ thiết kế; ảnh hưởng đến dòng chảy khu vực lân cận, thượng lưu, hạ lưu; ổn định lòng dẫn; ổn định thân đê, nền đê khu vực xây dựng công trình); ý kiến bằng văn bản của các cơ quan chức năng liên quan; tài liệu khảo sát địa hình, địa chất phục vụ cho việc kiểm tra, tính toán.

c) Trường hợp hồ sơ chưa đủ theo quy định hoặc cần bổ sung tài liệu quy định tại điểm b khoản này, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Tổng cục Phòng, chống thiên tai có thông báo bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

d) Trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Tổng cục Phòng, chống thiên tai xem xét có ý kiến chấp thuận bằng văn bản; trường hợp không chấp thuận, Tổng cục Phòng, chống thiên tai có văn bản thông báo, nêu rõ lý do việc không chấp thuận và gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 4. Quy định về việc thẩm định

1. Các dự án đầu tư xây dựng công trình sử dụng bãi sông, bãi nổi hoặc cù lao nơi chưa có công trình xây dựng trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải thẩm định theo quy định của pháp luật về xây dựng, pháp luật về đầu tư và phải được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định các nội dung liên quan đến thoát lũ, an toàn đê điều.

2. Nội dung thẩm định

a) Sự tuân thủ các quy định của pháp luật về đê điều;

b) Sự phù hợp với quy hoạch phòng, chống thiên tai và thủy lợi, quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch tỉnh đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

c) Vị trí xây dựng công trình so với phạm vi bảo vệ đê điều;

d) Các nội dung đảm bảo không được làm giảm quá giới hạn cho phép của lưu lượng lũ thiết kế; không làm tăng quá giới hạn cho phép của mực nước lũ thiết kế; không ảnh hưởng đến dòng chảy của khu vực lân cận, thượng lưu, hạ lưu đối với việc xây dựng công trình;

đ) Việc bảo đảm an toàn đê điều, ổn định bờ, bãi sông, bãi nổi hoặc cù lao, lòng dẫn khi xây dựng công trình.

e) Giải pháp phòng, chống lũ trong quá trình thi công, quản lý, sử dụng công trình;

g) Các vấn đề liên quan khác (nếu có).

3. Cách thức thực hiện việc đề nghị thẩm định

Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hai bộ Hồ sơ đề nghị thẩm định, bao gồm:

a) Tờ trình của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Ý kiến bằng văn bản của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

c) Hồ sơ dự án đầu tư xây dựng trong đó thể hiện những nội dung liên quan đến quy hoạch phòng, chống lũ của tuyến sông có đê, quy hoạch đê điều, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được phê duyệt và kết quả tính toán đáp ứng theo yêu cầu về an toàn đê điều, thoát lũ theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật Đê điều, khoản 13 Điều 13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạchĐiều 5 Nghị định số 113/2007/NĐ-CP ngày 28/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đê điều;

d) Văn bản khác có liên quan đến việc xây dựng, thực hiện dự án (nếu có);

đ) Văn bản thẩm tra của đơn vị tư vấn độc lập về sự ảnh hưởng của công trình đến an toàn đê điều và thoát lũ lòng sông, cụ thể về sự giảm lưu lượng lũ thiết kế; tăng mực nước lũ thiết kế; ảnh hưởng đến dòng chảy khu vực lân cận, thượng lưu, hạ lưu; ổn định lòng dẫn; ổn định thân đê, nền đê khu vực xây dựng công trình;

e) Văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh liên quan đối với công trình ảnh hưởng đến hai tỉnh trở lên.

4. Tiếp nhận, xử lý hồ sơ đề nghị thẩm định

a) Tổng cục Phòng, chống thiên tai thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ đề nghị thẩm định.

b) Trường hợp hồ sơ chưa đủ theo quy định hoặc cần bổ sung tài liệu, trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, Tổng cục Phòng, chống thiên tai có thông báo bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.

c) Trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, Tổng cục Phòng, chống thiên tai xem xét hồ sơ, tổ chức thẩm định, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến thẩm định bằng văn bản và gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 5. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2021 và thay thế Thông tư số 46/2011/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về trình tự thực hiện chấp thuận, thẩm định các hoạt động liên quan đến đê điều.

2. Trong quá trình thực hiện, trường hợp có phát sinh vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để nghiên cứu, giải quyết./.


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở NN&PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo; website Chính phủ; website Bộ NN&PTNT;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, VP, Ttra thuộc Bộ NN&PTNT;
- Lưu: VT, PCTT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Hoàng Hiệp

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 04/2021/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện việc chấp thuận, thẩm định hoạt động liên quan đến đê điều do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

  • Số hiệu: 04/2021/TT-BNNPTNT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 28/06/2021
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Hoàng Hiệp
  • Ngày công báo: 11/07/2021
  • Số công báo: Từ số 663 đến số 664
  • Ngày hiệu lực: 15/08/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản