Hệ thống pháp luật

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/2001/TT-BKHĐT

Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 2001

THÔNG TƯ

CỦA BỘ KẾ HỌACH VÀ ĐẦU TƯ SỐ04/2001/TT-BKHĐT NGÀY 05 THÁNG 06 THÁNG 2001 HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ64/2001/QĐ-TTGNGÀY 26 THÁNG 04 NĂM 2001 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾQUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN VIỆN TRỢ PHICHÍNH PHỦ NƯỚC NGÒAI

Căn cứ Nghị định số 75/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Căn cứ Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 04 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCP), sau đây được gọi tắt là Quy chế viện trợ PCP.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Quyết định số 64/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 04 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế viện trợ PCP đối với các chương trình, dự án như sau:

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1.1. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế viện trợ PCP và trong Thông tư này, một số từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

a) "Bên tài trợ" là các đối tượng cung cấp viện trợ PCP bao gồm:

- Các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

- Các tập đoàn, công ty nước ngoài.

- Các trường đại học, các viện nghiên cứu, các trung tâm, các quỹ hoặc các cơ quan nước ngoài.

- Hội đoàn và các hội hữu nghị được thành lập ở nước ngoài, trong đó có cộng đồng người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

- Các cá nhân là người nước ngoài, kể cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

b) "Bên Việt Nam" gồm các cơ quan và tổ chức sau:

- Các cơ quan trực thuộc Ban chấp hành Trung ương Đảng.

- Các cơ quan Nhà nước (Văn phòng Quốc hội, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao...).

- Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, các cơ quan trực thuộc Chính phủ.

- Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

- Các đoàn thể chính trị thuộc Mặt trận tổ quốc Việt Nam.

- Các tổ chức nhân dân gồm:

+ Các tổ chức xã hội - nghề nghiệp.

+ Các hội, hiệp hội (kể cả tổ chức trực thuộc) có phạm vi hoạt động toàn quốc do cấp có thẩm quyền quyết định thành lập.

+ Các hội, hiệp hội (kể cả tổ chức trực thuộc) hoạt động tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ra quyết định thành lập.

c) "Cơ quan chủ quản" là các cơ quan nêu tại Mục b ở trên.

d) "Chủ chương trình" hoặc "Chủ dự án" (sau đây gọi tắt là Chủ dự án) là tổ chức được giao trách nhiệm trực tiếp quản lý, sử dụng nguồn vốn của Bên tài trợ để thực hiện chương trình, dự án viện trợ theo nội dung đã được phê duyệt.

II. CHUẨN BỊ NỘI DUNG, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT VÀ KÝ KẾT CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN

2.1. Yêu cầu lập văn kiện chương trình, dự án sử dụng viện trợ PCP

a) Mọi chương trình, dự án viện trợ PCP nước ngoài đều phải xây dựng Đề cương chương trình, dự án để vận động viên trợ với những nội dung chủ yếu nêu tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.

Đề cương chương trình, dự án được Cơ quan chủ quản sử dụng để phối hợp với Bên tài trợ trong việc xây dựng văn kiện chương trình, dự án (Programme/Project Document).

b) Sau khi Bên tài trợ có văn bản thông báo cam kết tài trợ hoặc cam kết xem xét tài trợ cho chương trình, dự án, Cơ quan chủ quản phối hợp với Bên tài trợ hoàn chỉnh và thống nhất hồ sơ chương trình, dự án để thẩm định và phê duyệt.

2.2. Thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án:

a) Văn kiện chương trình, dự án sử dụng viện trợ PCP nêu tại Điều 6, Khoản 1, Mục a, b, e, Khoản 2, Mục a của Quy chế viện trợ PCP phải được cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để ký kết và thực hiện.

b) Đối với chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 6, Khoản 1, Mục a, b và e của Quy chế viện trợ PCP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì thẩm định.

c) Đối với chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ trưởng các Cơ quan chủ quản của Bên Việt Nam quy định tại Điều 6 Khoản 2 Mục a của Quy chế viện trợ PCP, cơ quan chủ trì thẩm định do Cơ quan chủ quản quyết định.

d) Trong quá trình thẩm định, những ý kiến đã được thống nhất hoặc còn khác nhau giữa các bên phải được cơ quan chủ trì thẩm định phản ánh trong báo cáo thẩm định.

e) Các cơ quan hữu quan tham gia thẩm định chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung ý kiến đóng góp đối với các chương trình, dự án PCP.

g) Cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan (bằng văn bản do lãnh đạo cơ quan ký) và lập báo cáo thẩm định. Báo cáo thẩm định phải làm rõ những nội dung sau:

- Mục tiêu của chương trình, dự án phải phù hợp với ưu tiên của Chính phủ;

- Tính khả thi của chương trình, dự án: i) về năng lực quản lý và thực hiện dự án; ii) về cơ chế phối hợp trong quá trình thực hiện; iii) về khả năng đóng góp của phía Việt Nam, đặc biệt là nguồn vốn đối ứng;

- Tính hợp lý trong cơ cấu ngân sách của chương trình, dự án: i) dành cho chuyên gia trong và ngoài nước; ii) dành cho đào tạo trong và ngoài nước; iii) dành cho trang thiết bị và vật tư; iv) chi phí quản lý và các chi phí khác;

- Những cam kết, điều kiện tiên quyết và các điều kiện khác của Bên tài trợ đối với khoản viện trợ (nếu có); cũng như những cam kết của Bên Việt Nam để thực hiện chương trình, dự án;

- Hiệu quả và tính bền vững của chương trình, dự án sau khi kết thúc;

h) Hồ sơ thẩm định chương trình, dự án PCP hợp lệ gồm:

- Tờ trình đề nghị thẩm định của Chủ dự án.

- Văn bản đề nghị thẩm định và phê duyệt chương trình, dự án của Thủ trưởng Cơ quan chủ quản (áp dụng đối với chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ).

- Văn kiện chương trình, dự án gốc bằng ngôn ngữ được Bên tài trợ sử dụng và bản dịch tiếng Việt đã được thống nhất giữa Chủ dự án và Bên tài trợ.

- Văn bản thông báo cam kết tài trợ hoặc cam kết xem xét tài trợ cho chương trình, dự án của Bên tài trợ.

- Bản Ghi nhớ (Memorandum of Understanding) hoặc Thoả thuận (Agreement) viện trợ PCP được ký kết giữa đại diện Bên Việt Nam và đại diện Bên tài trợ.

- Toàn bộ văn bản góp ý kiến của các cơ quan liên quan đối với chương trình, dự án.

- Bản sao Giấy phép được Uỷ ban công tác về các tổ chức phi chính phủ cấp cho các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (theo Quyết định số 340/TTg, ngày 24/05/1996 của Thủ tướng Chính phủ). Trong trường hợp chưa có Giấy phép, Cơ quan chủ quản phải có văn bản giải trình rõ về việc này.

i) Quy trình và thời hạn thẩm định chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ như sau:

- Trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ (08 bộ) của Cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi văn bản tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, các cơ quan quản lý chuyên môn của Chính phủ và các địa phương liên quan đề nghị có ý kiến chính thức về chương trình, dự án.

- Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hành văn bản, các cơ quan liên quan phải có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau thời hạn trên, nếu các cơ quan không có ý kiến bằng văn bản thì được xem là đồng ý với nội dung các tài liệu chương trình, dự án.

- Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn đóng góp ý kiến của các cơ quan, tuỳ thuộc vào tính chất, nội dung và quy mô của chương trình, dự án Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ:

+ Tổng hợp ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định hoặc

+ Tổ chức thẩm định các chương trình, dự án với sự tham gia của các cơ quan như: Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

Kết quả thẩm định sẽ được thể hiện bằng báo cáo kết quả thẩm định.

Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày thẩm định (nếu chương trình, dự án không cần chỉnh sửa) hoặc kể từ ngày nhận được văn kiện chương trình, dự án đã được hoàn chỉnh theo kết luận ghi trong báo cáo kết quả thẩm định (nếu chương trình, dự án cần phải chỉnh sửa), Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt.

Trong trường hợp chương trình, dự án cần điều chỉnh, Cơ quan chủ quản có trách nhiệm phối hợp với Bên tài trợ tiến hành chỉnh sửa theo kết luận ghi trong báo cáo kết quả thẩm định. Đối với những đề xuất cần chỉnh sửa không được Bên tài trợ chấp thuận, Cơ quan chủ quản phải thông báo bằng văn bản cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình, dự án, Cơ quan chủ quản thông báo cho Bên tài trợ về kết quả phê duyệt để tiến hành ký kết và thực hiện chương trình, dự án.

- Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày ký kết, Cơ quan chủ quản phải gửi tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam văn kiện chương trình, dự án đã được ký kết giữa đại diện của Bên Việt Nam và đại diện của Bên tài trợ, có đóng dấu giáp lai.

k) Đối với các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ trưởng các Cơ quan chủ quản quy định tại Điều 6, Khoản 2, Mục a của Quy chế viện trợ PCP:

- Thủ trưởng các Cơ quan chủ quản phê duyệt các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền của mình và phải chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định của mình.

- Quy trình và thời hạn thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án do Cơ quan chủ quản quy định và ban hành.

- Đối với các chương trình, dự án được triển khai trên các địa bàn, lãnh thổ liên quan tới quốc phòng, an ninh, tôn giáo và các vấn đề dân tộc, trước khi quyết định phê duyệt chương trình, dự án, Cơ quan chủ quản cần thống nhất ý kiến với các cơ quan liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Ban Tôn giáo của Chính phủ. Đối với các chương trình, dự án do các cơ quan Trung ương triển khai tại các địa phương, trước khi quyết định phê duyệt cần phải lấy ý kiến của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện chương trình, dự án viện trợ. Trong trường hợp còn có ý kiến khác nhau thì cấp có thẩm quyền phê duyệt phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt, Cơ quan chủ quản thông báo cho Bên tài trợ về quyết định phê duyệt để tiến hành ký kết và thực hiện chương trình, dự án.

- Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày ký kết văn kiện chương trình, dự án, Cơ quan chủ quản phải gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam quyết định phê duyệt (bản gốc), kèm theo văn kiện chương trình, dự án đã được phê duyệt, ký kết có đóng dấu giáp lai.

l) Đối với các khoản viện trợ khắc phục hậu quả sau khẩn cấp (nêu tại Điều 2 Khoản 6 của Quy chế viện trợ PCP) được triển khai dưới dạng chương trình, dự án, quy trình và thủ tục thẩm định, phê duyệt được áp dụng như nêu trên.

III. QUẢN LÝ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN PCP

3.1. Chủ dự án

Chủ dự án (kể cả Chủ dự án thành phần, nếu có) phải được xác định trong quyết định phê duyệt chương trình, dự án của cấp có thẩm quyền của Bên Việt Nam.

3.2. Ban quản lý chương trình, dự án

a) Cơ quan chủ quản ban hành quyết định thành lập Ban quản lý chương trình, dự án (sau đây gọi tắt là Ban quản lý dự án) ngay sau khi văn kiện chương trình, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Ban quản lý dự án là cơ quan đại diện cho Chủ dự án, được toàn quyền thay mặt Chủ dự án thực hiện các quyền hạn và nhiệm vụ được giao từ khi bắt đầu thực hiện cho đến khi kết thúc dự án, kể cả việc quyết toán, nghiệm thu, bàn giao đưa dự án vào khai thác, sử dụng.

c) Ban quản lý dự án phải có quy chế tổ chức hoạt động được Cơ quan chủ quản phê duyệt.

3.3. Điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình, dự án PCP trong quá trình thực hiện

a) Về nguyên tắc, cấp quyết định phê duyệt chương trình, dự án sẽ phê duyệt các điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong quá trình thực hiện.

b) Đối với các chương trình, dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt:

- Các điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung sau đây phải trình Thủ tướng Chính phủ:

+ Các điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung dẫn đến thay đổi mục tiêu, nội dung, các kết quả của chương trình, dự án đã được phê duyệt.

+ Các điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung làm tăng tổng vốn quá 10% so với tổng vốn đã được phê duyệt hoặc chưa quá 10% nhưng quá 50.000 USD (đối với một lần hoặc luỹ kế đối với nhiều lần).

- Các điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung khác do Thủ trưởng các Cơ quan chủ quản phê duyệt.

Quy trình và thời hạn thẩm định, phê duyệt điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình, dự án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được quy định như sau:

* Trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị kèm theo giải trình chi tiết của Cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi văn bản tới Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và cơ quan quản lý chuyên môn liên quan của Chính phủ đề nghị có ý kiến chính thức về đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nội dung chương trình, dự án.

* Trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ ngày Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát hành văn bản, các cơ quan liên quan phải có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau thời hạn trên, nếu các cơ quan không có ý kiến bằng văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì được xem là đồng ý và Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

c) Đối với chương trình, dự án do Cơ quan chủ quản phê duyệt:

- Những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung làm cho chương trình, dự án thuộc vào một trong các trường hợp quy định tại Điều 6 Khoản 1 Mục a, b, và e của Quy chế viện trợ PCP thì phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

- Các điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung khác do Thủ trưởng các Cơ quan chủ quản phê duyệt. Quy trình phê duyệt do Cơ quan chủ quản quy định và ban hành.

VI. theo dõi, đánh giá chương trình dự án PCP

4.1. Chế độ báo cáo thực hiện các chương trình, dự án viện trợ PCP được tiến hành định kỳ 6 tháng, hằng năm và khi kết thúc thực hiện quy định tại Điều 20 của Quy chế viện trợ PCP theo mẫu trong Phụ lục 2 và 3 kèm theo Thông tư này.

4.2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ phối hợp với Bộ Tài chính chủ trì chuẩn bị nội dung và tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ hằng năm tại những địa bàn được lựa chọn theo quy định tại Khoản 1 Điều 21 Quy chế viện trợ PCP.

V. Tổ chức thực hiện

5.1. Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Thủ trưởng cơ quan Trung ương của các đoàn thể và các tổ chức nhân dân có trách nhiệm thi hành Thông tư này.

5.2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện nếu có những vướng mắc, các Bộ, địa phương và các đơn vị có liên quan cần phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh Thông tư này.

Trần Xuân Giá

(Đã ký)

PHỤ LỤC 1

ĐỀ CƯƠNG CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ĐỂ VẬN ĐỘNG TÀI TRỢ

Những thông tin cần có trong Trang đầu của dự án

1. Tên/mã số chương trình, dự án:

2. Địa điểm thực hiện chương trình, dự án:

3. Cơ quan chủ quản:

4. Chủ chương trình hoặc chủ dự án:

- Tên:

- Địa chỉ liên lạc:

5. Tổng giá trị của chương trình, dự án:

Trong đó:

+ Vốn do tổ chức PCPNN tài trợ (nguyên tệ và quy thành Đôla Mỹ):

+ Vốn đối ứng bằng tiền mặt hay hiện vật (đồng Việt Nam):

6. Thời gian thực hiện chương trình, dự án (dự kiến bắt đầu và kết thúc):

Những nội dung cơ bản trong văn kiện chương trình, dự án:

1. Mô tả tóm tắt dự án:

2. Sự cần thiết phải có dự án (vị trí của dự án và những vấn đề đặt ra trong bối cảnh chung của ngành, của địa phương...):

3. Các mục tiêu của dự án:

- Mục tiêu dài hạn:

- Các mục tiêu ngắn hạn:

4. Các kết quả của dự án:

5. Các hoạt động của dự án:

6. Ngân sách của dự án: (phân bổ cụ thể cho từng hoạt động và theo từng năm)

7. Kế hoạch triển khai thực hiện dự án (trong trường hợp cần thiết phân thành các giai đoạn thực hiện).

8. Phân tích hiệu quả dự án:

- Sơ bộ đánh giá hiệu quả tài chính

- Hiệu quả xã hội, nhất là tăng cường và phát triển nguồn nhân lực

- Hiệu quả môi trường

- Tính bền vững của dự án trong quá trình phát triển tiếp theo.

PHỤ LỤC 2

BÁO CÁO TIẾP NHẬN VÀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI ĐỐI VỚI CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN VÀ PHI DỰ ÁN
(Định kỳ 6 tháng, hàng năm và khi kết thúc dự án/khoản viện trợ)

ÁP DỤNG CHO CƠ QUAN CHỦ QUẢN

1. Tên tổ chức viện trợ/Nước

2. Tên chương trình, dự án viện trợ (với khoản viện trợ có chương trình, dự án)

3. Mục tiêu của dự án/khoản viện trợ

4. Cơ quan chủ quản và Chủ dự án (đơn vị trực tiếp nhận và sử dụng viện trợ)

5. Thời gian thực hiện dự án (theo thoả thuận): từ tháng... năm... đến tháng... năm...

6. Trị giá viện trợ theo thoả thuận (phân tích rõ các hạng mục viện trợ, bằng tiền, bằng hàng...) và vốn đối ứng (nếu có).

7. Văn bản phê duyệt của cấp có thẩm quyền

8. Kết quả tiếp nhận: Từ khi bắt đầu thực hiện dự án đến trước kỳ báo cáo, thực hiện kỳ báo cáo.

- Bằng tiền: nguyên tệ - quy ra USD - quy ra VNĐ

- Bằng thiết bị (có danh mục chi tiết, tình trạng, giá trị)

- Chi chuyên gia, hỗ trợ kỹ thuật, chi đào tạo, tập huấn....

9. Kết quả phân phối, sử dụng viện trợ.

10. Nhận xét, đánh giá hiệu quả viện trợ.

Cơ quan chủ quản

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 04/2001/TT-BKHĐT hướng dẫn Quyết định 64/2001/QĐ-TTg về Quy chế quản lý và sử dụng nguồn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 04/2001/TT-BKHĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 05/06/2001
  • Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư
  • Người ký: Trần Xuân Giá
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 29
  • Ngày hiệu lực: 20/06/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 14/05/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản