Hệ thống pháp luật

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04/1998/TT-NHNN1

Hà Nội, ngày 02 tháng 5 năm 1998

THÔNG TƯ

CỦA NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM SỐ 04/1998/TT-NHNN1 NGÀY 2 THÁNG 5 NĂM 1998 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 7/1998/NĐ-CP NGÀY 15/1/1998 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH LUẬT KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ TRONG NƯỚC

Để thực hiện Nghị định số 7/1998/NĐ-CP ngày 15/1/1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể một số điểm về việc bảo lãnh, cho vay để sản xuất, thu mua hàng xuất khẩu và lãi suất cho vay các dự án đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu hoặc sản xuất nguyên vật liệu, phụ liệu trực tiếp làm hàng xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu quy định tại Điều 17, Điều 29 của Nghị định trên như sau:

1. Các Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển có trách nhiệm xem xét và đáp ứng đề nghị bảo lãnh, nhu cầu tín dụng xuất khẩu của cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu hoặc sản xuất nguyên liệu, phụ liệu trực tiếp làm hàng xuất khẩu, kể cả thu mua hàng xuất khẩu, cho vay đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu và ưu đãi về lãi suất cho vay đối với các dự án đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu hoặc sản xuất nguyên vật liệu, phụ liệu trực tiếp làm hàng xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước.

2. Đối tượng được ưu tiên bảo lãnh, đáp ứng nhu cầu tín dụng xuất khẩu là các tổ chức, cá nhân được quy định tại Điều 3 Nghị định số 7/1998/NĐ-CP ngày 15/1/1998 của Chính phủ thực hiện việc sản xuất, thu mua hàng xuất khẩu bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và xuất khẩu qua uỷ thác (sau đây gọi tắt là cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu).

Đối tượng cho vay của tín dụng xuất khẩu bao gồm:

- Giá trị vật tư hàng hoá trong các khâu dự trữ, lưu thông và các chi phí cấu thành giá mua hoặc giá thành sản phẩm.

- Chi phí của các dự án đầu tư mở rộng, cải tiến kỹ thuật, xây dựng mới cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu.

3. Điều kiện để được ưu tiên bảo lãnh, đáp ứng nhu cầu tín dụng xuất khẩu:

3.1. Điều kiện bảo lãnh thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật. Điều kiện cho vay thực hiện theo quy định tại thể lệ tín dụng hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra để được ưu tiên về bảo lãnh hoặc đáp ứng nhu cầu tín dụng xuất khẩu cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu còn phải đáp ứng đủ hai điều kiện sau:

3.2. Cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu phải có giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư theo danh mục A, B, C quy định tại Nghị định số 7/1998/NĐ-CP ngày 15/1/1998; giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định tại Chương IV, Nghị định số 7/1998/NĐ-CP.

3.3. Các giấy tờ chứng minh đã ký kết Hợp đồng sản xuất, hàng xuất khẩu hoặc Hợp đồng xuất khẩu hoặc đã bán hàng ra nước ngoài, đơn đặt hàng của phía nước ngoài, các L/C đã mở...

4. Việc ưu tiên đáp ứng nhu cầu bảo lãnh, nhu cầu tín dụng xuất khẩu đối với cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu theo Luật Khuyến khích đầu tư trong nước được thực hiện như sau:

4.1. Khi các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu đủ điều kiện theo quy định tại điểm 3 của Thông tư này có đề nghị bảo lãnh hoặc đáp ứng nhu cầu tín dụng xuất khẩu thì các Ngân hàng Thương mại Quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu bảo lãnh hoặc nhu cầu tín dụng xuất khẩu cần thiết của cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu.

4.2. Mức đáp ứng nhu cầu bảo lãnh hoặc nhu cầu tín dụng xuất khẩu cần thiết của các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu được căn cứ vào khả năng tài chính và hạn mức bão lãnh, hạn mức tín dụng (nếu có) của Ngân hàng Thương mại Quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển; đồng thời phải tuân thủ quy định của pháp luật về các hạn chế để đảm bảo an toàn trong hoạt động của Tổ chức tín dụng.

4.3. Trường hợp Ngân hàng Thương mại Quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển đã thực hiện hết hạn mức bảo lãnh, hạn mức tín dụng hoặc không đủ vốn để cho vay các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu thì các ngân hàng này phải lập kế hoạch cụ thể về đối tượng, lãi suất và hạn mức bảo lãnh, hạn mức tín dụng xin điều chỉnh hoặc mức vốn xin vay tái cấp vốn gửi Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét điều chỉnh hạn mức bảo lãnh, hạn mức tín dụng hoặc cho vay bổ sung bằng phương thức cho vay tái cấp vốn.

4.4. Trình tự tiến hành bảo lãnh thực hiện theo các quy định hiện hành của pháp luật, trình tự cho vay và thu nợ thực hiện theo Thể lệ tín dụng hiện hành của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

5. Mức lãi suất cho vay đối với các dự án đầu tư sản xuất hàng xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu hoặc sản xuất nguyên vật liệu, phụ liệu trực tiếp làm hàng xuất khẩu, thay thế hàng nhập khẩu là mức lãi suất ưu đãi, thấp hơn mức lãi suất cho vay thông thường cùng loại; Tổng Giám đốc các Ngân hàng thương mại Quốc doanh, Ngân hàng Đầu tư và phát triển xem xét quy định cụ thể các mức lãi suất cho vay ưu đãi trong khung lãi suất do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố.

6. Thông tư này thay thế Thông tư số 3-TT/NH1 ngày 01/9/1995 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành Nghị định 29/CP ngày 12/5/1995 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước, có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký, những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bị bãi bỏ.

Tổng Giám đốc các Ngân hàng Thương mại quốc doanh, Ngân hàng đầu tư và phát triển chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Thông tư này trong hệ thống ngân hàng mình; vướng mắc trong quá trình thực hiện, phản ánh về Ngân hàng Nhà nước để giải quyết.

Lê Đức Thuý

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 04/1998/TT-NHNN1 hướng dẫn thi hành Nghị định 7/1998/NĐ-CP thi hành Luật Khuyến khích đầu tư trong nước do Ngân Hàng Nhà Nước ban hành

  • Số hiệu: 04/1998/TT-NHNN1
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/05/1998
  • Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
  • Người ký: Lê Đức Thuý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản