Hệ thống pháp luật

TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 04-1974/TT

Hà Nội, ngày 20 tháng 05 năm 1974

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VIỆC XẾP LOẠI BƯU CHÍNH VÀ NHỮNG LOẠI BƯU PHẨM ĐƯỢC TRAO ĐỔI VỚI NƯỚC NGOÀI

Thi hành những điều khoản trong chương II, phần thứ nhất của Điều lệ gửi, nhận và chuyển phát bưu phẩm, ban hành kèm theo Nghị định số 91-CP ngày 02-5-1973 của Hội đồng Chính phủ, Tổng cục quy định như sau:

A. CÁC LOẠI BƯU PHẨM TRONG NƯỚC VÀ BƯU PHẨM NGOÀI NUỚC

Điều lệ trên của Hội đồng Chính phủ thống nhất quy định chỉ có năm loại bưu phẩm chung cho cả nước và ngoài nước: thư, bưu thiếp, ấn phẩm, học phẩm cho người mù, gói nhỏ:

1. Thư: kể cả gói thư, gồm có thư công, thư tư và các bưu phẩm khác được được dán kín, đóng kín. Thư công gọi là công văn.

2. Bưu thiếp là loại bưu phẩm có khuôn khổ như quy định trong Quyết định số 741-QĐ ngày 1-12-1973 của Tổng cục (ở đoạn cuối điều 2), làm bằng giấy các tông hoặc bằng giấy dai, dùng để thông tin vắn tắt. Bên trên mặt trước của bưu thiếp, phải có đề rõ chữ Bưu thiếp bằng Việt ngữ hoặc bằng một thứ tiếng khác. Nếu là bưu thiếp có hình, thì không bắt buộc phải có chữ Bưu thiếp.

Bưu thiếp phải được gửi trần, không được gửi dưới băng hoặc trong phong bì. Ít nhất một phần nữa bên phải mặt trước của bưu thiếp được dành để ghi địa chỉ người nhận, để dán tem (hoặc in sẵn mẫu tem) và để ghi những chú dẫn hoặc dán nhãn công vụ đặc biệt khi cần thiết. Người gửi được sử dụng cả mặt sau và phần bên trái của mặt trước để thông tin riêng, để dán vi-nhết, ảnh, tem các loại, các nhãn hiệu mỏng, băng địa chỉ… Còn các loại tem có thể nhầm lẫn với tem thư dùng để trả cước, thì chỉ được dán ở mặt sau bưu thiếp.

Những bưu thiếp không đúng theo điều kiện quy định trên thì xử lý như thư (với cước phí cao hơn).

3. Ấn phẩm là những tài liệu in không có tính chất riêng tư, không dán kín, đóng kín. Nói chung, có thể gửi theo loại ấn phẩm nhưng tài liệu in thành nhiều bản giống nhau trên giấy thường, giấy các-tông hoặc những chất khác thông dụng trong ngành ấn loát. Ngoài ra, Bưu điện còn chấp nhận theo giá cước ấn phẩm:

a) Những bưu phẩm trao đổi giữa các học sinh các trường học với nhau, với điều kiện là những bưu phẩm này do hiệu trưởng các trường hữu quan đứng ra gửi;

b) Những bài vở của học sinh, ngoại trừ mọi chú dẫn nào không liên quan trực tiếp đến việc làm bài, chữa bài;

c) Những bản thảo viết tay, thuộc về sách in hoặc báo chí;

d) Những bản nốt nhạc viết tay;

e) Báo chí, tập san (ngoài các báo chí, tập san do ngành bưu điện phát hành);

g) Danh thiếp, thiếp báo hiếu hỉ, thiếp mời;

h) Giấy tờ giao dịch;

i) Những ấn phẩm gửi trần, không đặt dưới băng hoặc trong phong bì, nhưng có hình dáng, chiều dầy và kích thước như của bưu thiếp.

4. Học phẩm cho người mù: (trước đây được gọi là ấn phẩm cho người mù) được gửi theo loại học phẩm người mù: các thư bằng chữ nổi và bản in bằng chữ nổi. Cũng được xếp vào loại này những đĩa nhạc, băng thu thanh và giấy đặc biệt dùng riêng cho người mù, với điều kiện là những vật phẩm này phải do các cơ quan chính thức nghiên cứu về người mù gửi hay nhận.

5. Gió nhỏ: là những gói hoặc hộp nặng không quá 1 kilôgam đựng vật phẩm không có tính chất thông tin riêng và không dán kín, đóng kín.

Mặt trước của gói nhỏ phải có chú dẫn chữ. Gói nhỏ bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng của nước đến (nếu gửi đi nước ngoài).

Người gửi được phép cho vào trong gói nhỏ một hóa đơn hoặc 1 tài liệu khác không có tính chất thông tin riêng, miễn là tài liệu ấy không phải của một người gửi nào khác gửi cho một người nhận nào khác hơn người gửi, người nhận của gói nhỏ. Cũng có thể gửi trong gói nhỏ đĩa hát, băng thu thanh, phim điện ảnh câm hoặc có tiếng nói…

Tên và địa chỉ người gửi phải được ghi rõ ở mặt ngoài gói nhỏ.

B. NHỮNG LOẠI BƯU PHẨM ĐƯỢC TRAO ĐỔI VỚI TỪNG NƯỚC NGOÀI

1. Thư được trao đổi:

a) Tới mức khối lượng tối đa (2 kilôgam) với các nước xã hội của nghĩa và Thụy sĩ, Ghi-nê, Cộng hòa A-rập Ai-cập, Hồng-công

b) Tới 1 kilôgam với Cam-pu-chia (tạm thời không chấp nhận bưu phẩm gửi đường bộ đi Cam-pu-chia);

c) Tới 20 gam với các nước khác.

Riêng gói thư nhận hàng hóa chỉ được gửi đi Tiệp-khắc, An-ba-ni, Cộng hòa dân chủ Đức, Ru-ma-ni, Bun-ga-ri, Cu-ba, Thụy-sĩ, Hồng-công, Cam-pu-chia.

2. Bưu thiếp: được trao đổi với tất cả các nước.

3. Ấn phẩm: được trao đổi:

a) Tới mức trọng lượng tối đa 2 kilôgam, (nếu là sách: 5 kilôgam) với các nước xã hội chủ nghĩa và Thụy-sĩ, Ghi-nê, Cộng hòa A-rập Ai-cập, Hồng-công;

b) Tới 1 kilôgam với Cam-pu-chia, Pháp và các nước trong Liên hiệp Pháp.

4. Học phẩm cho người mù (khối lượng tối đa 7 kilôgam) được trao đổi với các nước xã hội chủ nghĩa và Thụy sĩ, Ghi-nê, Cộng hòa A-rập Ai-cập.

5. Gói nhỏ (khối lượng tối đa 1 kilôgam) được trao đổi với các nước xã hội chủ nghĩa và Ghi-nê, Cộng hòa A-rập Ai-cập.

Những quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ.

K.T. TỔNG CỤC TRƯỞNG
TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN
TỔNG CỤC PHÓ





Nguyễn Văn Đạt

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 04-1974/TT quy định việc xếp loại bưu chính và những loại bưu phẩm được trao đổi với nước ngoài do Tổng Cục Bưu Điện ban hành

  • Số hiệu: 04-1974/TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/05/1974
  • Nơi ban hành: Tổng cục Bưu điện
  • Người ký: Nguyễn Văn Đạt
  • Ngày công báo: 31/05/1974
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 04/06/1974
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản