Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03-PC

Hà Nội, ngày 22 tháng 05 năm 1967

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CÁCH VẬN DỤNG NGUYÊN TẮC TRẢ TRƯỚC TIỀN CƯỚC VẬN TẢI TRONG THỜI CHIẾN

Nguyên tắc trả trước tiền cước vận tải là nguyên tắc bảo đảm chế độ quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa. Nguyên tắc này đã được quy định trong các điều lệ vận chuyển hàng hóa bằng ô tô, bằng đường sông, đường biển của Hội đồng Chính phủ. Các cơ quan vận tải cũng như cơ quan chủ hàng đều có nhiệm vụ nghiêm chỉnh chấp hành.

Trong tình hình có chiến tranh, khác với hoàn cảnh hòa bình xây dựng, chúng ta thường phải khẩn trương sơ tán, phân tán xí nghiệp, kho tàng, bến bãi, cơ quan, hoặc phải vận chuyển khẩn cấp để cứu đê, chống lụt, chống hạn, chống dịch hoặc phục vụ nhiệm vụ an ninh quốc phòng, v.v…

Do đó, để cho phù hợp với hoàn cảnh thời chiến hiện nay, nguyên tắc trả trước tiền cước cần vận dụng cho linh hoạt, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chủ hàng và vận tải kịp thời bảo đảm kế hoạch vận chuyển trong những trường hợp đột xuất có tính chất khẩn cấp, không lường trước được và không chuẩn bị kịp cước phí vận tải.

Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn cách vận dụng nguyên tắc trả trước tiền cước phí vận tải trong hoàn cảnh có chiến tranh như sau:

1. Nguyên tắc thanh toán cước phí và phụ phí vận tải là thanh toán ngay trước từng chuyến, khi bên vận tải đã nhận xong hàng hóa và đã làm xong giấy vận chuyển. Nhưng trong những trường hợp đột xuất, cần vận chuyển ngay mà cơ quan chủ hàng chưa thể chuẩn bị kịp cước phí, thì cơ quan tận tải vẫn phải vận chuyển cho kịp thời và tiền cước sẽ được trả sau là những trường hợp đột xuất có tính chất khẩn cấp như phải giải tỏa các bến, bãi, kho tàng, cảng, ga, phải phân tán, sơ tán hàng hóa, người, tài sản và những trường hợp khẩn cấp phục vụ trực tiếp cho chiến đấu, sản xuất và đời sống nhân dân khi có lệnh của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và của Ủy ban hành chính các khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

2. Khi vận chuyển, nhất thiết cơ quan vận tải phải lập giấy vận chuyển hàng hóa để làm cơ sở pháp lý cho việc thanh toán. Đối với những trường hợp cước phí và phụ phí vận tải thanh toán sau, cơ quan vận tải sẽ áp dụng hình thức thanh toán “Nhờ thu nhận trả không cần chấp nhận” theo thể lệ hiện hành của ngân hàng Nhà nước quy định.

3. Để đạt mục đích trên, cơ quan vận tải cũng như cơ quan chủ hàng phải đề cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần làm chủ, thực sự cộng tác chặt chẽ với nhau trên tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa để đảm bảo tốt nhiệm vụ vận chuyển chung, tránh tình trạng ỷ lại, hoặc gây xáo trộn công tác quản lỳ tài chính của Nhà nước, hoặc quá cứng nhắc, máy móc gây trở ngại cho việc vận chuyển hàng hóa, người, v.v…. trong những trường hợp khẩn cấp.

4. Thông tư này áp dụng chung cho các ngành đường sắt, đường ô tô, đường sông, đường biển, Tổng cục đường sắt, các Cục vận tải đường bộ, đường sông, đường biển, các sở, ty giao thông vận tải có trách nhiệm thi hành thông tư này. Các Ủy ban hành chính khu, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức phổ biến và đôn đốc kiểm tra các cơ quan xí nghiệp vận tải và cơ quan chủ hàng chấp hành đầy đủ thông tư này.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
THỨ TRƯỞNG




Dương Bạch Liên

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 03-PC-1967 hướng dẫn cách vận dụng nguyên tắc trả trước tiền cước vận tải trong thời chiến do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 03-PC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 22/05/1967
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Dương Bạch Liên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 06/06/1967
  • Ngày hết hiệu lực: 01/09/1973
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản