Hệ thống pháp luật

Chương 1 Thông tư 03/2022/TT-BTP hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, đơn vị lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thủ tục hành chính (sau đây viết tắt là cơ quan lập đề nghị), cơ quan, đơn vị chủ trì soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính (sau đây viết tắt là cơ quan chủ trì soạn thảo).

2. Cơ quan, đơn vị thẩm định đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thủ tục hành chính; thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính (sau đây viết tắt là cơ quan thẩm định).

3. Tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, Sở Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

4. Cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính (sau đây viết tắt là cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính).

5. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến thủ tục hành chính (sau đây viết tắt là đề nghị xây dựng văn bản) là việc đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có chính sách liên quan đến thủ tục hành chính.

2. Dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định thủ tục hành chính (sau đây viết tắt là dự án, dự thảo văn bản) là dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định đầy đủ hoặc một, một số bộ phận tạo thành thủ tục hành chính hoặc quy định bãi bỏ thủ tục hành chính.

3. Đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng văn bản là việc nghiên cứu, xem xét về sự cần thiết, tính hợp pháp, tính hợp lý và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính nhằm lựa chọn phương án, giải pháp tối ưu để thực hiện chính sách.

4. Đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong soạn thảo dự án, dự thảo văn bản là việc nghiên cứu, xem xét về sự cần thiết, tính hợp pháp, tính hợp lý và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính đã được lựa chọn hoặc cân nhắc, lựa chọn phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính.

5. Tính chi phí tuân thủ thủ tục hành chính là việc lượng hóa các chi phí mà cá nhân, tổ chức phải bỏ ra khi thực hiện thủ tục hành chính dự kiến ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc lượng hóa chi phí cắt giảm khi thủ tục hành chính được bãi bỏ.

6. Bản đánh giá thủ tục hành chính của dự án, dự thảo văn bản là bản tổng hợp kết quả đánh giá thủ tục hành chính được thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính

1. Cơ quan lập đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm đánh giá tác động của thủ tục hành chính, lấy ý kiến của cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính.

Tại Bộ Tư pháp, đơn vị lập đề nghị, đơn vị chủ trì soạn thảo có trách nhiệm đánh giá tác động của thủ tục hành chính, lấy ý kiến của Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và Văn phòng Bộ Tư pháp.

2. Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật giúp Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về công tác đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản.

3. Cơ quan thẩm định có trách nhiệm thẩm định quy định thủ tục hành chính theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và quy định của pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính.

Trong quá trình thẩm định, cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính có ý kiến tại cuộc họp thẩm định (trong trường hợp được mời tham gia họp thẩm định) hoặc ý kiến bằng văn bản theo yêu cầu của cơ quan thẩm định về việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và quy định thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản.

Tại Bộ Tư pháp, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật có ý kiến tại cuộc họp thẩm định (trong trường hợp được mời tham gia họp thẩm định) hoặc ý kiến bằng văn bản theo yêu cầu của đơn vị thẩm định về việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và quy định thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản do bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì lập đề nghị, soạn thảo văn bản. Văn phòng Bộ Tư pháp có ý kiến tại cuộc họp thẩm định (trong trường hợp được mời tham gia họp thẩm định) hoặc ý kiến bằng văn bản theo yêu cầu của đơn vị thẩm định về việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và quy định thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì lập đề nghị, soạn thảo văn bản.

Trong trường hợp cần thiết, Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức có liên quan và đối tượng chịu sự tác động của quy định thủ tục hành chính để hoàn thiện nội dung thẩm định về quy định thủ tục hành chính trước khi gửi đơn vị thẩm định tổng hợp, hoàn thiện Báo cáo thẩm định.

Thông tư 03/2022/TT-BTP hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 03/2022/TT-BTP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 10/02/2022
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Phan Chí Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 28/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH