Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2022/TT-BTC

Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2022

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG KINH PHÍ SỰ NGHIỆP TỪ NGUỒN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG TÁC XÃ HỘI, TRỢ GIÚP NGƯỜI KHUYẾT TẬT, TRỢ GIÚP XÃ HỘI VÀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG CHO NGƯỜI TÂM THẦN, TRẺ EM TỰ KỶ VÀ NGƯỜI RỐI NHIỄU TÂM TRÍ DỰA VÀO CỘNG ĐỒNG GIAI ĐOẠN 2021-2030

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Thực hiện Quyết định số 1100/QĐ-TTg ngày 21 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về Quyền của người khuyết tật;

Thực hiện Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05 tháng 8 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021-2030 (sau đây viết tắt là Quyết định số 1190/QĐ-TTg);

Thực hiện Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2021-2030 (sau đây viết tắt là Quyết định số 1929/QĐ-TTg);

Thực hiện Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 (sau đây viết tắt là Quyết định số 112/QĐ-TTg);

Thực hiện Quyết định số 2096/QĐ-TTg ngày 14 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 112/QĐ-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2021 phê duyệt Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1929/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2020 phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2021-2030 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Quyết định số 2096/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung);

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính hành chính sự nghiệp:

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình phát triển công tác xã hội, trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

a) Thông tư này quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp của ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2021 - 2030 theo quy định tại Quyết định số 1190/QĐ-TTg; Chương trình phát triển công tác xã hội giai đoạn 2021-2030 theo quy định tại Quyết định số 112/QĐ-TTg; Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí giai đoạn 2021-2030 theo quy định tại Quyết định số 1929/QĐ-TTg và Quyết định số 2096/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung (sau đây viết tắt là Chương trình);

b) Thông tư này không áp dụng đối với các khoản tài trợ, viện trợ thuộc ngân sách nhà nước đã có hướng dẫn riêng của cấp có thẩm quyền về chế độ chi tiêu tài chính;

Trường hợp nhà tài trợ hoặc đại diện có thẩm quyền của nhà tài trợ và Bộ Tài chính chưa có thỏa thuận về nội dung, mức chi thì áp dụng theo nội dung, mức chi quy định tại Thông tư này.

2. Đối tượng áp dụng Thông tư này là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng và quản lý kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện các Chương trình.

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện

1. Kinh phí bố trí trong dự toán chi thường xuyên của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Kinh phí thực hiện các chương trình, dự án, đề án liên quan khác (nếu có) để thực hiện các hoạt động của Chương trình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách và tỉnh Quảng Ngãi để triển khai các nội dung hoạt động của Quyết định số 1929/QĐ-TTg và Quyết định số 112/QĐ-TTg. Đối với các địa phương tự cân đối ngân sách, ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện một số nội dung hoạt động của Quyết định số 1929/QĐ-TTg và Quyết định số 112/QĐ-TTg: xây dựng, triển khai nhân rộng mô hình; đào tạo và nâng cao năng lực.

Điều 3. Nội dung và mức chi chung của các chương trình

1. Chi xây dựng và hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 338/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật (sau đây viết tắt là Thông tư số 338/2016/TT-BTC) và Thông tư liên tịch số 122/2011/TTLT-BTC-BTP ngày 17 tháng 8 năm 2011 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật.

2. Chi thực hiện công tác tuyên truyền

a) Chi sản xuất, biên tập các chương trình, tọa đàm, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng (phát thanh, truyền hình, báo chí), sự kiện truyền thông khác do cơ quan có thẩm quyền quyết định; chi mua, sản xuất, nhân bản, phát hành, sửa chữa các sản phẩm truyền thông, thông tin khác (tờ rơi, áp-phích, pa-nô, khẩu hiệu, đoạn băng hình (video clip)) để tăng cường nội dung thông tin, tuyên truyền: Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ truyền thông chịu trách nhiệm lựa chọn hình thức, nội dung tuyên truyền, chương trình truyền thông đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao và theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ;

b) Chi tổ chức hội nghị tuyên truyền tại cộng đồng: Thực hiện theo quy định tại Chương II và Chương III Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị (sau đây viết tắt là Thông tư số 40/2017/TT-BTC);

c) Chi biên tập các nội dung truyền thông tại cộng đồng: 150.000 đồng/tin, bài từ 350 từ đến dưới 600 từ; 200.000 đồng/bài từ 600 từ trở lên;

d) Chi trả nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; thù lao cho người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm, người sưu tầm tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho việc sáng tạo tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm về thông tin, tuyên truyền: Mức chi theo quy định tại Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 03 năm 2014 của Chính phủ về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản;

đ) Chi tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về chính sách, pháp luật, bao gồm:

- Chi đăng báo và thông tin trên các phương tiện truyền thông để phát động và thông báo thể lệ cuộc thi: Mức chi theo hợp đồng và chứng từ chi tiêu hợp pháp khác, trong phạm vi dự toán được giao;

- Các khoản chi khác (nếu có) như xây dựng kịch bản; thuê hội trường và thiết bị phục vụ cuộc thi; thuê dẫn chương trình; chi biên soạn đề thi, đáp án, bồi dưỡng Ban giám khảo, Ban tổ chức; chi giải thưởng cho cá nhân, tập thể, bồi dưỡng cho người phục vụ, người dẫn chương trình (MC); văn phòng phẩm; hỗ trợ chi phí đi lại, tiền án, thuê phòng nghỉ cho người dự thi ở xa nơi tổ chức: Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

3. Chi nghiên cứu phục vụ các hoạt động của Chương trình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Điều 7, Điều 8 và Điều 9 Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN ngày 22 tháng 4 năm 2015 của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn định mức xây dựng phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây viết tắt là Thông tư số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN).

4. Chi xây dựng, hoàn thiện chương trình, tài liệu

a) Đối với các chương trình, giáo trình đào tạo: Thực hiện theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư số 76/2018/TT-BTC ngày 17 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương trình đào tạo, biên soạn giáo trình môn học đối với giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp;

b) Đối với tài liệu phục vụ tập huấn, bồi dưỡng: Mức chi 70.000 đồng/trang (350 từ).

5. Chi hỗ trợ xây dựng, triển khai nhân rộng các mô hình

Căn cứ chế độ chi tiêu tài chính hiện hành, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương phê duyệt đối với các mô hình do các bộ, cơ quan trung ương thực hiện; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét quyết định lựa chọn mô hình và tổng mức kinh phí thực hiện trong phạm vi dự toán đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua. Trường hợp trong quá trình triển khai thực hiện có phát sinh một số nhiệm vụ chỉ có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách do Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định theo quy định tại Điều 30 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015Điều 21 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn một số nội dung và mức chi như sau:

a) Lập hồ sơ đối tượng: 45.000 đồng/hồ số (bao gồm cả ảnh);

b) Hỗ trợ cho cán bộ cơ sở được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý cho đối tượng: 20.000 đồng/người được tư vấn/lần tư vấn nhưng tối đa 600.000 đồng/cán bộ/tháng;

c) Hỗ trợ mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết cho đối tượng: Tối đa 700.000 đồng/đối tượng;

d) Hỗ trợ tiền thuốc chữa bệnh thông thường: Mức chi theo hóa đơn, chứng từ thực tế phát sinh, tối đa không quá 100.000 đồng/người/tháng (trừ thuốc chữa bệnh cho người tâm thần theo chỉ định của bác sĩ và hóa đơn chứng từ thực tế phát sinh);

đ) Hỗ trợ tiền ăn trên đường, chi phí đi lại: Hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng trong thời gian trên đường 70.000 đồng/đối tượng/ngày, không quá 03 ngày; Hỗ trợ tiền tàu xe cho đối tượng hoặc chi phí thuê mướn phương tiện vận chuyển theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương. Trường hợp bố trí bằng phương tiện của cơ quan, đơn vị, mức hỗ trợ bằng 0,2 lít xăng/km tính theo số km thực tế và giá xăng tại thời điểm vận chuyển. Trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng thỏa thuận, phù hợp với giá cả trên địa bàn tại thời điểm thuê;

e) Chi hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất, kỹ thuật và mua sắm trang thiết bị: Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị (đối với dự án do các bộ, ngành, cơ quan trung ương thực hiện), Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các dự án do địa phương thực hiện) xem xét, quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền Quyết định phê duyệt Dự án trong phạm vi dự toán được giao đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, quản lý, sử dụng tài sản công, tiêu chuẩn, định mức sử dụng máy móc, thiết bị theo quy định tại Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây viết tắt là Quyết định số 50/2017/QĐ-TTg). Việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định tại Thông tư 65/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 7 năm 2021 của Bộ Tài chính về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công (sau đây viết tắt là Thông tư số 65/2021/TT-BTC);

6. Chi xây dựng sổ tay hỗ trợ, sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ: Mức chi theo thực tế phát sinh, hợp đồng, hóa đơn, chứng từ chi tiêu hợp pháp và theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ.

7. Chi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao năng lực: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Điều 4 và Điều 5 Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (sau đây viết tắt là Thông tư số 36/2018/TT-BTC). Riêng chi tài liệu phục vụ tập huấn, bồi dưỡng: Mức chi thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều này.

8. Chi thực hiện đánh giá quy hoạch: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2007/TT-BTC ngày 26 tháng 01 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra thực hiện chính sách chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

9. Chi chia sẻ thông tin, trao đổi, hợp tác và học tập kinh nghiệm trong nước và quốc tế: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 71/2018/TT-BTC ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Bộ Tài chính quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ chi tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước, Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21 tháng 06 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí cho cán bộ, công chức nhà nước đi công tác ngắn hạn ở nước ngoài do ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí và Chương II, Chương III Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

10. Chi điều tra, rà soát, khảo sát đánh giá các hoạt động thuộc phạm vi quy định tại Quyết định số 1190/QĐ-TTg, Quyết định số 1929/QĐ-TTg, Quyết định số 112/QĐ-TTg: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Tài chính quy định lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra thống kê, tổng điều tra thống kê quốc gia (sau đây viết tắt là Thông tư số 109/2016/TT-BTC).

12. Chi tổ chức sơ kết, tổng kết, kiểm tra, giám sát thực hiện các Chương trình: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC.

Điều 4. Nội dung và mức chi đặc thù của Chương trình phát triển công tác xã hội

1. Chi hỗ trợ các cơ sở giáo dục công lập có khoa đào tạo công tác xã hội

a) Hỗ trợ nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện chương trình đào tạo về công tác xã hội: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 3 Thông tư này;

b) Hỗ trợ cơ sở tham gia khảo sát, đánh giá, học hỏi kinh nghiệm trong và ngoài nước về công tác xã hội: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 9 và khoản 10 Điều 3 Thông tư này.

2. Chi hỗ trợ đào tạo cho đội ngũ giảng viên chuyên ngành công tác xã hội: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Thông tư này.

3. Chi hỗ trợ xây dựng và triển khai nhân rộng mô hình

Thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư này. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn một số nội dung, mức chi của một số mô hình cụ thể như sau:

a) Mô hình nuôi con nuôi và mô hình gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn

- Hỗ trợ cho gia đình, cá nhân nhận nuôi con nuôi và nhận nuôi có thời hạn đối tượng có hoàn cảnh khó khăn: Trợ cấp hàng tháng và các chế độ trợ giúp khác theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 20 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (sau đây viết tắt là Nghị định số 20/2021/NĐ-CP);

- Hỗ trợ cho cơ sở trợ giúp xã hội chi phí đưa đối tượng bảo trợ xã hội về cộng đồng để gia đình, cá nhân nuôi dưỡng: Thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 3 Thông tư này;

- Hỗ trợ cho cơ sở trợ giúp xã hội chi phí thông tin liên lạc với gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng đối tượng (hỗ trợ 01 lần/đối tượng): Tối đa 200.000 đồng/đối tượng;

b) Mô hình ngôi nhà tạm lánh

Căn cứ vào mô hình ngôi nhà tạm lánh do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn, tùy theo điều kiện, yêu cầu cụ thể và khả năng ngân sách; cơ quan, đơn vị theo phân cấp của Bộ, cơ quan trung ương, địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt mô hình ngôi nhà tạm lánh. Một số nội dung và mức chi mô hình thực hiện như sau:

- Lập hồ sơ đối tượng; hỗ trợ cho cán bộ cơ sở được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý cho đối tượng; hỗ trợ mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết cho đối tượng; hỗ trợ tiền thuốc chữa bệnh thông thường trong thời gian lưu trú tại địa điểm tạm lánh: Thực hiện theo quy định tại điểm a, b, c và điểm d khoản 5 Điều 3 Thông tư này;

- Hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng được tiếp nhận, chăm sóc tại địa điểm tạm lánh: 70.000 đồng/người/ngày;

- Mua tài liệu hướng dẫn chuyên môn về chăm sóc đối tượng: Tối đa 500.000 đồng/đối tượng hoặc nhóm đối tượng (trong trường hợp có nhiều đối tượng cùng nhóm trợ giúp);

- Hỗ trợ chi phí đưa đối tượng lên tuyến trên đối với trường hợp phải can thiệp, trợ giúp vượt khả năng của cộng đồng về cơ sở trợ giúp xã hội, về gia đình hoặc đến trung tâm trợ giúp pháp lý: Thực hiện theo quy định tại điểm đ khoản 5 Điều 3 Thông tư này. Ngoài ra, cán bộ đi kèm được hỗ trợ 70.000 đồng/người/ngày (ngoài tiền công tác phí hiện hành);

c) Mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cơ sở cai nghiện ma túy, trại giam, trường giáo dưỡng, hệ thống tư pháp, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế công lập (sau đây gọi tắt là các cơ sở công lập)

- Lập hồ sơ đối tượng; hỗ trợ cho cán bộ cơ sở được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý cho đối tượng; hỗ trợ mua sắm vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết; hỗ trợ tiền thuốc chữa bệnh thông thường trong thời gian lưu trú: Thực hiện theo quy định tại điểm a, b, c và d khoản 5 Điều 3 Thông tư này;

- Chi hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất, kỹ thuật và mua sắm trang thiết bị mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cơ sở công lập: Thực hiện theo quy định tại điểm e khoản 5 Điều 3 Thông tư này;

d) Mô hình công tác xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội

Nội dung và mức chi hỗ trợ cho các đối tượng tại cơ sở trợ giúp xã hội thực hiện theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP và Thông tư số 76/2021/TT-BTC ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn khoản 1 và khoản 2 Điều 31 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn một số nội dung và mức chi thực hiện mô hình công tác xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội như sau:

- Lập hồ sơ đối tượng; hỗ trợ cho cán bộ cơ sở được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý cho đối tượng: Thực hiện theo quy định tại điểm a và b khoản 5 Điều 3 Thông tư này;

- Chi hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất, kỹ thuật và mua sắm trang thiết bị mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cơ sở công lập: Thực hiện theo quy định tại điểm e khoản 5 Điều 3 Thông tư này;

đ) Mô hình cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại cộng đồng: Tùy thuộc vào nội dung của từng mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo phân cấp của địa phương), Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định áp dụng mức chi tương ứng theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư này.

4. Chi hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành công tác xã hội trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học (thạc sỹ, tiến sỹ): Thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức: Căn cứ nguồn kinh phí đào tạo, bồi dưỡng được phân bổ và các nguồn kinh phí khác, các cơ quan, đơn vị quyết định việc hỗ trợ một phần chi phí (học phí, mua giáo trình) cho đối tượng được cấp có thẩm quyền có quyết định cử đi đào tạo.

5. Chi phụ cấp hàng tháng đối với cộng tác viên công tác xã hội: Số lượng cộng tác viên công tác xã hội và mức chi phụ cấp hàng tháng đối với cộng tác viên công tác xã hội do địa phương quyết định theo quy định tại điểm a khoản 2 Mục I Điều 1 Quyết định số 112/QĐ-TTg và quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 5. Nội dung và mức chi đặc thù của Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng

1. Chi thực hiện dịch vụ phát hiện sớm trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí; tư vấn về phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí:

a) Chi tiền công cho cán bộ y tế thực hiện đánh giá theo quy định tại Quyết định số 2254/QĐ-BYT ngày 07 tháng 05 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Bộ công cụ phát hiện sớm rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em hoặc đánh giá trầm cảm khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế: 20.000 đồng/bảng đánh giá;

b) Chi tổ chức diễn đàn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC;

c) Chi tiền công thuê chuyên gia tư vấn: Mức chi thực hiện theo mức chi thù lao quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư số 36/2018/TT-BTC.

2. Chi hỗ trợ phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người bị rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng

Người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người bị rối nhiễu tâm trí thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hỗ trợ phục hồi chức năng: Mức chi theo giá dịch vụ phục hồi chức năng của cơ quan có thẩm quyền quy định đối với cơ sở y tế công lập hiện hành.

3. Chi rà soát, cập nhật, quản lý dữ liệu về giáo dục đặc biệt của trẻ em tự kỷ và người chưa thành niên rối nhiễu tâm trí: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức chi tạo lập thông tin điện tử nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước (sau đây viết tắt là Thông tư số 194/2012/TT-BTC).

4. Chi hướng nghiệp, tổ chức lao động trị liệu, hỗ trợ sinh kế và văn hóa, thể thao phù hợp cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí tại cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở phục hồi chức năng

a) Chi hỗ trợ người tâm thần, trẻ em tự kỷ, người rối nhiễu tâm trí tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao tại các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở phục hồi chức năng: Thủ trưởng các cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở phục hồi chức năng quyết định hình thức, quy mô tổ chức và khen thưởng đảm bảo phù hợp với phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền giao;

b) Chi xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với gia đình người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; xây dựng mô hình hỗ trợ gia đình có người tâm thần và người rối nhiễu tâm trí khởi nghiệp; xây dựng và nhân rộng mô hình cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí; xây dựng và nhân rộng mô hình cơ sở phòng và trị liệu rối nhiễu tâm trí cho người mắc bệnh tâm thần, trẻ em tự kỷ: Tùy thuộc vào nội dung của từng mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo phân cấp của địa phương), Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định áp dụng mức chi tương ứng theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư này.

5. Chi hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị cho cơ sở trợ giúp xã hội chăm sóc, giáo dục và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định 103/2017/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội và Thông tư số 33/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội: Thực hiện theo quy định tại điểm e khoản 5 Điều 3 Thông tư này.

6. Chi thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá

a) Chi các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thông tư số 03/2020/TT-BTTTT ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về lập đề cương và dự toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKH&ĐT-BTTTT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

b) Chi xây dựng chỉ số theo dõi, giám sát và đánh giá kết quả trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng đối với người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 109/2016/TT-BTC và Thông tư số 338/2016/TT-BTC;

c) Chi tạo lập thông tin điện tử: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 Thông tư số 194/2012/TT-BTC.

Điều 6. Nội dung và mức chi đặc thù của Chương trình trợ giúp người khuyết tật

1. Chi tổ chức diễn đàn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề tư vấn phát hiện sớm những khiếm khuyết ở trẻ trước khi sinh và trẻ sơ sinh: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC;

2. Chi tiền công thuê chuyên gia tư vấn: Mức chi thực hiện theo mức chi thù lao quy định tại điểm a khoản 2 Điều 5 Thông tư số 36/2018/TT-BTC.

3. Chi phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình

a) Đối tượng nhận hỗ trợ

- Trẻ em khuyết tật dưới 6 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số;

- Người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số;

b) Nội dung và mức chi hỗ trợ

- Chi hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, hỗ trợ phục hồi năng dựa vào cộng đồng trong trường hợp bảo hiểm y tế không thanh toán: Mức chi theo giá dịch vụ y tế do cơ quan có thẩm quyền quy định đối với cơ sở y tế công lập tại thời điểm thực hiện;

- Chi hỗ trợ khám sau khi phẫu thuật chỉnh hình để xác định tình trạng sức khỏe và đưa ra giải pháp điều trị tiếp: Nội dung khám theo chỉ định của bác sỹ; Mức chi theo giá dịch vụ y tế do cơ quan có thẩm quyền quy định đối với cơ sở y tế công lập tại thời điểm thực hiện;

- Hỗ trợ chi phí đi lại cho đối tượng quy định tại điểm a khoản này và 01 người di cùng (nếu có) từ nơi cư trú đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và ngược lại: Mức hỗ trợ theo giá phương tiện công cộng phổ thông áp dụng tại địa phương. Trường hợp bố trí bằng phương tiện của cơ quan, đơn vị, mức hỗ trợ bằng 0,2 lít xăng/km tính theo số km thực tế và giá xăng tại thời điểm vận chuyển. Trường hợp thuê xe bên ngoài thì giá thuê xe theo hợp đồng thỏa thuận, phù hợp với giá cả trên địa bàn tại thời điểm thuê;

d) Chi hỗ trợ tiền ăn cho đối tượng quy định tại điểm a khoản này và 01 người đi cùng (nếu có) trong thời gian phẫu thuật chỉnh hình: Mức hỗ trợ 70.000 đồng/người/ngày.

4. Chi hỗ trợ dụng cụ, phương tiện trợ giúp cho người khuyết tật: Tùy thuộc dạng khuyết tật, mức độ khuyết tật, người khuyết tật được hỗ trợ 1.000.000 đồng/người để mua dụng cụ, phương tiện trợ giúp phù hợp.

5. Chi nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật; xây dựng mô hình hỗ trợ người khuyết tật khởi nghiệp; mô hình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm đối với người khuyết tật; mô hình hợp tác xã có người khuyết tật tham gia chuỗi giá trị sản phẩm; xây dựng mô hình phòng chống dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai bảo đảm khả năng tiếp cận đối với người khuyết tật; xây dựng và nhân rộng mô hình “cây gậy trắng” chỉ dẫn thông minh đối với người khiếm thị; mô hình sống độc lập và hòa nhập cộng đồng; xây dựng mô hình truyền thông lồng ghép vận động hỗ trợ phụ nữ yếu thế tại cộng đồng; xây dựng mô hình phụ nữ khuyết tật tự lực; xây dựng các tuyến mẫu và nhân rộng các xe vận tải hành khách công cộng để người khuyết tật tham gia giao thông: Tùy thuộc vào nội dung của từng mô hình được cấp có thẩm quyền phê duyệt (theo phân cấp của địa phương), Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định áp dụng mức chi tương ứng theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Thông tư này.

6. Chi rà soát, cập nhật, quản lý dữ liệu về nhu cầu giáo dục đặc biệt của người khuyết tật vào phần mềm quản lý hệ thống hỗ trợ giáo dục người khuyết tật: Thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư này.

7. Chi ứng dụng công nghệ thông tin: Thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 6 Điều 5 Thông tư này.

Điều 7. Lập dự toán, phân bổ và quyết toán

Việc lập dự toán ngân sách 05 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm và hàng năm, phân bổ, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí thực hiện các Chương trình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật về kế toán. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn thêm một số điểm đối với lập dự toán kinh phí thực hiện các nội dung hoạt động của Quyết định số 112/QĐ-TTg và Quyết định số 1929/QĐ-TTg như sau:

1. Các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập dự toán kinh phí thực hiện Chương trình chi tiết theo từng nội dung hoạt động và lĩnh vực chi gửi Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước 20 tháng 7 năm kế hoạch.

2. Trên cơ sở đề xuất của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương và thông báo số kiểm tra của Bộ Tài chính; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát, dự kiến phân bổ ngân sách cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương (phần kinh phí thực hiện chương trình từ nguồn ngân sách trung ương) gửi Bộ Tài chính trước ngày 15 tháng 8 năm kế hoạch để xem xét, tổng hợp vào dự toán ngân sách, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

3. Dự toán kinh phí sự nghiệp gửi cơ quan quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải kèm thuyết minh nêu rõ các chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyên môn, nguyên tắc, định mức phân bổ và kinh phí thực hiện các hoạt động của Chương trình.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 3 năm 2022.

2. Các quy định sau hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành:

a) Điều 1; Điều 2; điểm a, b và c khoản 1 Điều 3; điểm a, b, c và đ khoản 3 Điều 3; khoản 5 và khoản 10 Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 115/2012/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 18 tháng 7 năm 2017 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2011-2020;

b) Điều 1; Điều 2; khoản 5 Điều 3; điểm 6.1 và 6.4, tiết a, b, c, đ và e điểm 6.2 khoản 6 Điều 3; Điều 4 và Điều 5 Thông tư liên tịch số 11/2011/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 26 tháng 01 năm 2011 của Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020;

c) Thông tư liên tịch số 48/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 26 tháng 4 năm 2013 của liên Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020.

3. Các khoản chi hỗ trợ cán bộ cơ sở được giao nhiệm vụ tư vấn tâm lý quy định tại điểm b khoản 5 Điều 3, điểm b, c và điểm d khoản 3 Điều 4 Thông tư này hết hiệu lực thi hành khi văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định về chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21 tháng 5 năm 2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp có hiệu lực thi hành.

4. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng các Điều, khoản, điểm tương ứng tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 03/2022/TT-BTC quy định về quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách Nhà nước thực hiện chương trình phát triển công tác xã hội, trợ giúp người khuyết tật, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030 do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 03/2022/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 12/01/2022
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Võ Thành Hưng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 215 đến số 216
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản