Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 03/2021/TT-BGTVT quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Bộ Giao thông vận tải ban hành

Chương II

QUẢN LÝ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG SẮT, BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG SẮT

Điều 4. Yêu cầu đối với công tác quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt được thực hiện thống nhất, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị và trách nhiệm phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị.

2. Tách bạch giữa quản lý nhà nước của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

3. Toàn bộ kết cấu hạ tầng đường sắt đều được nhà nước giao cho đối tượng quản lý và đối tượng sử dụng, kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Nội dung công tác quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt theo quy định của pháp luật.

2. Quản lý nguồn tài chính cho quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt và bảo trì công trình đường sắt.

3. Quản lý việc xây dựng, ban hành, công bố và thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; định mức, đơn giá, giá sản phẩm, chất lượng dịch vụ công ích đường sắt.

4. Quản lý việc lập, thẩm định, phê duyệt, giao kế hoạch, quyết định phương thức thực hiện, tổ chức thực hiện, quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.

5. Quản lý việc lập, thẩm định, phê duyệt phương án, kinh phí và tổ chức thực hiện công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lụt bão, thiên tai, tai nạn giao thông đường sắt.

6. Quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt.

7. Lập hồ sơ theo dõi các vị trí hay xảy ra tai nạn giao thông đường sắt, các vị trí làm giảm khả năng thông qua đoàn tàu; hồ sơ theo dõi số vụ tai nạn đường sắt, xác định nguyên nhân ban đầu từng vụ tai nạn.

8. Cập nhật hồ sơ quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt vào hệ thống cơ sở dữ liệu để theo dõi, quản lý; thành phần và nội dung hồ sơ theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này.

9. Cập nhật dữ liệu kết cấu hạ tầng đường sắt vào hệ thống quản lý, theo dõi và giám sát công tác bảo trì công trình đường sắt quốc gia theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

10. Kiểm tra, thanh tra, giám sát; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt và bảo trì công trình đường sắt theo quy định.

11. Báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy định.

Điều 6. Hồ sơ quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt

1. Mỗi công trình đường sắt đều phải lập hồ sơ quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, bao gồm: Hồ sơ quản lý kỹ thuật công trình và hồ sơ quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt để phục vụ quản lý, vận hành và bảo trì công trình theo quy định của pháp luật về xây dựng.

2. Hồ sơ quản lý kỹ thuật công trình được lập cho từng công trình, hạng Mục công trình theo từng tuyến đường sắt và theo từng phạm vi quản lý (khu gian, khu đoạn). Hồ sơ quản lý kỹ thuật công trình đường sắt bao gồm: hồ sơ phục vụ quản lý, vận hành, bảo trì công trình theo đúng quy định tại Khoản 3 Điều 12 của Thông tư 26/2016/TT-BXD ngày 26 tháng 10 năm 2016 của Bộ Xây Dựng; hồ sơ hoàn thành bảo trì công trình và các tài liệu khác theo quy định của quy trình bảo trì công trình đường sắt và tại phụ lục này. Thành Phần hồ sơ chủ yếu cụ thể như sau:

a) Hồ sơ quản lý, vận hành, bảo trì công trình đường sắt:

Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình và báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng;

Nhiệm vụ khảo sát, báo cáo kết quả khảo sát xây dựng công trình;

Hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đã được chủ đầu tư xác nhận (có danh Mục bản vẽ kèm theo) và các thay đổi thiết kế trong quá trình thi công;

Bản vẽ hoàn công (có danh mục bản vẽ kèm theo);

Các kết quả quan trắc, đo đạc, kiểm định chất lượng công trình, thí nghiệm khả năng chịu lực kết cấu công trình (nếu có) trong quá trình thi công, danh Mục các thiết bị, phụ tùng, vật tư dự trữ thay thế và các tài liệu khác có liên quan;

Lý lịch thiết bị lắp đặt trong công trình;

Quy trình vận hành, khai thác công trình; quy trình bảo trì công trình;

Hồ sơ giải quyết sự cố công trình (nếu có);

Biên bản nghiệm thu hoàn thành hạng Mục công trình, công trình xây dựng đưa vào sử dụng của chủ đầu tư;

Thông báo chấp thuận kết quả nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, công trình xây dựng của cơ quan chuyên môn về xây dựng.

b) Hồ sơ hoàn thành bảo trì công trình đường sắt bao gồm:

Hồ sơ hoàn thành bảo dưỡng công trình: Nội dung, thành phần hồ sơ theo quy định tại Điều 53 của Quy trình bảo trì công trình đường sắt đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2320/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2015; hồ sơ xác nhận hoàn thành công tác bảo dưỡng công trình đường sắt;

Hồ sơ hoàn thành sửa chữa định kỳ công trình: Nội dung, thành phần hồ sơ theo quy định tại Điều 54 của Quy trình bảo trì công trình đường sắt đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2320/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2015;

Hồ sơ hoàn thành sửa chữa đột xuất công trình: nội dung, thành phần hồ sơ theo quy định tại Điều 55 của Quy trình bảo trì công trình đường sắt đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 2320/QĐ-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2015;

Lý lịch kỹ thuật và sổ kiểm tra theo dõi công trình: mỗi công trình đều phải có lý lịch kỹ thuật công trình và sổ kiểm tra theo dõi công trình (Bản lý lịch kỹ thuật ghi rõ những đặc điểm kỹ thuật và trạng thái chủ yếu của công trình, ghi rõ tình hình diễn biến, thay đổi cấu tạo qua các lần sửa chữa, gia cố, các sự cố đã xảy ra trong quá trình khai thác, các kết quả kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, kết quả kiểm định chất lượng công trình: sổ kiểm tra theo dõi ghi chép các kết quả kiểm tra, theo dõi hư hỏng thường xuyên của từng công trình; Sổ được đóng thành quyển có đóng dấu giáp lai của đơn vị quản lý; mỗi sổ có thể ghi chép cho một công trình hoặc nhiều công trình tùy thuộc điều kiện thực tế của công tác quản lý công trình; hết năm, đơn vị ghi chép phải gửi sổ về đơn vị quản lý để lưu, kiểm tra, đối chiếu);

Hồ sơ quản lý chung: hồ sơ quản lý chung công bao gồm, bình đồ duỗi thẳng tuyến đường sắt; mặt bằng bố trí chung ga đường sắt và trắc dọc rút gọn đường sắt (Bình đồ duỗi thẳng tuyến đường sắt: bình đồ duỗi thẳng có tỷ lệ 1/500. Phạm vi lập bình đồ duỗi thẳng: chiều dài theo phạm vi tuyến; chiều rộng tối thiểu hết phạm vi đất dành cho đường sắt và phạm vi các hạng mục công trình của đường sắt. Bình đồ phải thể hiện đầy đủ các yếu tố bình diện, địa hình, địa vật, các công trình đường sắt, phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn, mốc chỉ giới đường sắt. Bình đồ duỗi thẳng phải được cập nhật thường xuyên mỗi khi có sự thay đổi, biến động về các yếu tố có liên quan. Mẫu bình đồ duỗi thẳng xem chi tiết tại bản vẽ kèm theo; mặt bằng bố trí chung ga đường sắt: mặt bằng bố trí chung (tỷ lệ 1/500) thể hiện đầy đủ địa hình, địa vật, các công trình phụ trợ có liên quan; phạm vi bảo vệ công trình, hành lang an toàn, mốc chỉ giới; thể hiện đầy đủ các biểu thống kê ghi, kiến trúc tầng trên, đường cong, chiều dài đường ga; mặt bằng bố trí chung phải được cập nhật thường xuyên mỗi khi có sự thay đổi, biến động về các yếu tố có liên quan; mẫu mặt bằng bố trí chung xem chi tiết tại bản vẽ kèm theo);

Trắc dọc rút gọn đường sắt: trắc dọc rút gọn tuyến đường sắt (tỷ lệ cao; dài: 1/200 và 1/1000) thể hiện đầy đủ các yếu tố về bình diện, độ dốc, kiến trúc tầng trên và các công trình phù trợ liên quan; trắc dọc rút gọn tuyến đường sắt phải được cập nhật thường xuyên mỗi khi có sự thay đổi, biến động về các yếu tố có liên quan. Mẫu trắc dọc rút gọn tuyến đường sắt xem chi tiết tại bản vẽ kèm theo.

3. Hồ sơ quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt phải được lập cho từng tuyến đường sắt và theo địa giới hành chính quản lý cấp xã, huyện, tỉnh và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện để phục vụ quản lý; hồ sơ quản lý hành lang an toàn giao thông đường sắt bao gồm:

a) Bình đồ duỗi thẳng công trình và hành lang an toàn giao thông, trên đó thể hiện đầy đủ các yếu tố chủ yếu, đặc biệt là vị trí, quy mô các công trình lấn chiếm, các công trình vi phạm hành lang an toàn giao thông;

b) Hồ sơ liên quan đến lối đi tự mở phải lập riêng để phục vụ cho công tác quản lý, theo dõi nhằm đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, đường bộ;

c) Hồ sơ quản lý đường gom nằm trong hành lang an toàn giao thông đường sắt bao gồm hồ sơ hoàn công, hồ sơ thiết kế, giấy phép thi công và các văn bản liên quan khác;

d) Hồ sơ quản lý hàng rào ngăn cách giữa đường sắt với đường bộ bao gồm hồ sơ hoàn công, hồ sơ thiết kế và các văn bản liên quan khác;

đ) Hồ sơ cọc mốc, hàng rào, chỉ giới đất dành cho đường sắt theo đúng quy định hiện hành; các biên bản bàn giao cọc mốc, chỉ giới đất, mốc lộ giới dành cho hành lang an toàn giao thông đường sắt (nếu có);

e) Các biên bản cam kết có xác nhận của địa phương về việc không lấn chiếm, tái lấn chiếm phạm vi bảo vệ công trình đường sắt của các hộ dân nằm dọc hành lang an toàn giao thông đường sắt (nếu có).

Điều 7. Yêu cầu đối với công tác bảo trì công trình đường sắt

1. Bảo trì công trình đường sắt phải thực hiện theo kế hoạch bảo trì hàng năm và quy trình bảo trì công trình đường sắt được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức thực hiện bảo trì theo quy định của Thông tư này.

2. Việc bảo trì công trình đường sắt phải bảo đảm an toàn cho người, tài sản, công trình; bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt; phòng, chống cháy nổ và bảo vệ môi trường.

3. Việc bảo trì công trình đường sắt phải được thực hiện theo quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật và quy trình bảo trì công trình tương ứng đối với loại công trình đó được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

4. Đối với các công việc xây dựng chưa có trong hệ thống định mức, dự toán xây dựng được công bố hoặc đã có trong hệ thống định mức, dự toán xây dựng được công bố nhưng chưa phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, Điều kiện thi công, biện pháp thi công cụ thể của công trình được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng.

Điều 8. Nội dung công tác bảo trì công trình đường sắt

Nội dung bảo trì công trình đường sắt bao gồm một, một số hoặc toàn bộ các công việc sau: Kiểm tra, quan trắc, kiểm định chất lượng, bảo dưỡng và sửa chữa, cải tạo công trình đường sắt nhưng không bao gồm các hoạt động làm thay đổi công năng, quy mô công trình theo yêu cầu của quy trình bảo trì công trình đường sắt được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và quy định của pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Điều 9. Hồ sơ bảo trì công trình đường sắt

Hồ sơ bảo trì công trình đường sắt bao gồm:

1. Các tài liệu phục vụ công tác bảo trì công trình đường sắt: quy trình bảo trì công trình đường sắt; bản vẽ hoàn công công trình (nếu có); lý lịch thiết bị lắp đặt trong công trình đường sắt; hồ sơ điều tra trạng thái cơ bản của công trình đường sắt; hồ sơ bảo đường công trình đường sắt; hồ sơ sửa chữa công trình đường sắt.

2. Kế hoạch bảo trì công trình đường sắt quốc gia hàng năm được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt;

3. Kết quả kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất công trình đường sắt (nếu có);

4. Kết quả bảo dưỡng, sửa chữa công trình đường sắt hàng năm;

5. Kết quả quan trắc, kết quả kiểm định chất lượng công trình (nếu có);

6. Kết quả đánh giá an toàn chịu lực và vận hành công trình trong quá trình khai thác, sử dụng (nếu có);

7. Các hồ sơ, tài liệu khác có liên quan đến bảo trì công trình đường sắt.

Điều 10. Đánh giá an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình đường sắt trong quá trình khai thác, sử dụng

1. Công trình đường sắt có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp ảnh hưởng đến an toàn công trình theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng phải được tổ chức đánh giá an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình đường sắt trong quá trình khai thác, sử dụng theo định kỳ hoặc đột xuất.

2. Nội dung đánh giá, trình tự thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

3. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt kiểm tra, theo dõi, đề xuất kế hoạch đánh giá an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình, gửi Cục Đường sắt Việt Nam để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Xử lý đối với công trình đường sắt có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho khai thác, sử dụng

1. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt khi được nhà nước giao, cho thuê hoặc chuyển nhượng có trách nhiệm:

a) Thường xuyên theo dõi, tuần, gác, kiểm tra, quan trắc để kịp thời phát hiện công trình, bộ phận công trình, thiết bị lắp đặt vào công trình hư hỏng, xuống cấp về chất lượng, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng;

b) Khi phát hiện công trình đường sắt có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng phải có trách nhiệm báo cáo ngay về Cục Đường sắt Việt Nam; đồng thời thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Khi phát hiện hoặc nhận được báo cáo về công trình đường sắt có dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn cho việc khai thác, sử dụng, Cục Đường sắt Việt Nam kiểm tra, đề xuất biện pháp xử lý để Bộ Giao thông vận tải quyết định.

3. Trường hợp công trình đường sắt xảy ra sự cố trong quá trình khai thác, sử dụng, việc giải quyết sự cố thực hiện theo quy định tại Chương VI Nghị định số 46/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Điều 12. Xử lý đối với công trình đường sắt hết thời hạn sử dụng có nhu cầu sử dụng tiếp

1. Căn cứ hồ sơ quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt báo cáo Cục Đường sắt Việt Nam về thời gian sử dụng công trình đang quản lý khai thác, sử dụng.

2. Công trình đường sắt hết thời hạn sử dụng là công trình đã có thời gian khai thác, sử dụng lớn hơn thời hạn sử dụng theo hồ sơ thiết kế của công trình. Trường hợp hồ sơ thiết kế của công trình bị mất hoặc không quy định thời hạn sử dụng, thời hạn sử dụng của công trình được xác định theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan hoặc theo kết quả kiểm định chất lượng công trình.

3. Tối thiểu một năm trước khi công trình đường sắt hết thời hạn sử dụng, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng, doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt, tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng có thời hạn, thuê quyền khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư phải báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường sắt Việt Nam để tổ chức thực hiện kiểm tra, kiểm định, đánh giá chất lượng hiện trạng của công trình và sửa chữa hư hỏng công trình (nếu có) để đảm bảo công năng và an toàn sử dụng.

4. Cục Đường sắt Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và báo cáo, đề xuất phương án xử lý, lộ trình thực hiện theo quy định của pháp luật về Bộ Giao thông vận tải để được xem xét quyết định.

Điều 13. Quan trắc công trình, bộ phận công trình đường sắt trong quá trình khai thác, sử dụng

1. Quan trắc công trình, bộ phận công trình đường sắt trong quá trình khai thác, sử dụng bắt buộc phải được thực hiện đối với:

a) Các công trình đường sắt theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng;

b) Các công trình yêu cầu tại quy trình bảo trì công trình đường sắt;

c) Công trình đường sắt có dấu hiệu lún, nghiêng, nứt và các dấu hiệu bất thường khác có khả năng gây sập đổ công trình;

d) Các công trình đường sắt khác khi xảy ra sự cố có thể xảy ra thảm họa theo đề nghị của doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt.

2. Các bộ phận công trình đường sắt cần được quan trắc là hệ kết cấu chịu lực chính của công trình mà khi bị hư hỏng có thể dẫn đến sập đổ công trình.

3. Nội dung quan trắc công trình đường sắt bao gồm: vị trí quan trắc, thông số quan trắc và giá trị giới hạn của các thông số này (biến dạng, chuyển vị, nghiêng, lún, nứt, võng), thời gian quan trắc, số lượng chu kỳ đo và các nội dung cần thiết khác. Phương án quan trắc phải quy định về phương pháp đo, các thiết bị đo, sơ đồ bố trí và cấu tạo các dấu mốc; tổ chức thực hiện quan trắc; phương pháp xử lý số liệu đo và các nội dung cần thiết khác.

4. Doanh nghiệp kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt có trách nhiệm kiểm tra, đề xuất quan trắc công trình, bộ phận công trình đường sắt trong quá trình khai thác, sử dụng để đưa vào kế hoạch bảo trì công trình đường sắt hàng năm.

5. Cục Đường sắt Việt Nam có trách nhiệm:

a) Tổ chức quan trắc công trình, bộ phận công trình đường sắt trong quá trình khai thác, sử dụng và lập báo cáo kết quả quan trắc, trong đó các số liệu quan trắc phải được đánh giá, so sánh với giá trị giới hạn cho phép nêu trong quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn có liên quan; đánh giá an toàn công trình theo các quy định hiện hành;

b) Báo cáo kết quả quan trắc, đề xuất kiến nghị Bộ Giao thông vận tải có biện pháp xử lý kịp thời đối với trường hợp số liệu quan trắc vượt quá giá trị cho phép hoặc có dấu hiệu bất thường.

6. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng có thời hạn, thuê quyền khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do nhà nước đầu tư tổ chức lập đề cương, trình Cục Đường sắt Việt Nam thẩm định, phê duyệt; tự phê duyệt dự toán, tổ chức thực hiện và lập báo cáo theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều này.

7. Việc thực hiện quan trắc công trình, bộ phận công trình đường sắt trong quá trình khai thác, sử dụng thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Điều 14. Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật trong công tác bảo trì công trình đường sắt

1. Đối với công tác bảo dưỡng công trình đường sắt:

a) Áp dụng theo các tiêu chuẩn; tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật do cơ quan có thẩm quyền ban hành;

b) Đối với các hạng mục công trình chưa có định mức kinh tế - kỹ thuật, áp dụng các định mức tương ứng của các ngành hoặc của địa phương đã được cơ quan có thẩm quyền ban hành sau khi có ý kiến chấp thuận của Bộ Giao thông vận tải.

2. Đối với công tác sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất công trình đường sắt: áp dụng theo quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình và các quy định của pháp luật có liên quan

Thông tư 03/2021/TT-BGTVT quy định về quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 03/2021/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 08/02/2021
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Ngọc Đông
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 459 đến số 460
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH