Hệ thống pháp luật

Chương 3 Thông tư 03/2016/TT-BKHCN quy định về hồ sơ, nội dung và quy trình, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học của chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

Chương III

HỒ SƠ, NỘI DUNG VÀ QUY TRÌNH, THỦ TỤC THẨM ĐỊNH CÔNG NGHỆ

Điều 8. Hồ sơ thẩm định công nghệ

Hồ sơ thẩm định công nghệ bao gồm:

1. Văn bản đề nghị của Cơ quan chủ trì thẩm định dự án đầu tư.

2. Hồ sơ dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Trong hồ sơ dự án đầu tư, tại nội dung về khoa học và công nghệ cần nêu rõ: tên công nghệ, xuất xứ công nghệ, sơ đồ quy trình công nghệ, phân tích và lựa chọn phương án công nghệ; thông số kỹ thuật chính, tình trạng sử dụng của máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính (danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ; đặc tính, tính năng kỹ thuật, công suất, mới hay đã qua sử dụng).

3. Báo cáo kết quả nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng dự án đầu tư (nếu có).

4. Biên bản đánh giá nghiệm thu kết quả nghiên cứu (nếu có).

5. Đánh giá tác động của công nghệ đến hiệu quả kinh tế - xã hội.

6. Đánh giá sơ bộ tác động của công nghệ đến môi trường.

7. Dự thảo hợp đồng chuyển giao công nghệ (nếu có nội dung góp vốn bằng công nghệ).

8. Danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhập khẩu (nếu có).

Điều 9. Nội dung thẩm định công nghệ

1. Công nghệ của dự án đầu tư:

a) Xem xét công nghệ thuộc Danh mục công nghệ (khuyến khích chuyển giao, hạn chế chuyển giao hoặc cấm chuyển giao) theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

b) Xem xét dây chuyền công nghệ bảo đảm sản xuất được các sản phẩm đã dự kiến cả về số lượng và chất lượng;

c) Xem xét dây chuyền công nghệ bảo đảm các tiêu chuẩn về tiết kiệm năng lượng, vệ sinh công nghiệp, an toàn lao động và vệ sinh môi trường;

d) Xem xét phương án lựa chọn công nghệ nêu trong hồ sơ dự án đầu tư: phân tích, so sánh ưu nhược điểm của từng phương án và trên cơ sở xem xét tính hoàn thiện của công nghệ, mức độ tiên tiến của dây chuyền công nghệ, tính phù hợp của dây chuyền công nghệ để nhận xét về phương án công nghệ được chọn;

đ) Đối với dự án đầu tư trong khu công nghệ cao, ngoài các quy định nêu tại Thông tư này, công nghệ của dự án phải đáp ứng các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật về công nghệ cao.

2. Các sản phẩm do công nghệ tạo ra, thị trường sản phẩm:

a) Tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm được áp dụng;

b) Dự báo nhu cầu thị trường (trong và ngoài nước) có tính đến các sản phẩm cùng loại, độ tin cậy của dự báo;

c) Dự báo thị phần của sản phẩm do công nghệ tạo ra, tỷ lệ xuất khẩu;

d) Khả năng cạnh tranh (về chất lượng, mẫu mã, giá thành) của sản phẩm do công nghệ tạo ra.

3. Thiết bị trong dây chuyền công nghệ:

a) Thiết bị trong dây chuyền công nghệ bảo đảm có tính năng, chất lượng phù hợp với yêu cầu của công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng và số lượng như dự kiến;

b) Tính đồng bộ của thiết bị trong dây chuyền công nghệ (danh mục thiết bị của dự án đầu tư thể hiện khả năng thực hiện các công đoạn trong dây chuyền công nghệ, đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng sản phẩm). Trong trường hợp nhà đầu tư tham gia góp vốn bằng thiết bị, thiết bị cần bảo đảm tính đồng bộ và phù hợp với công nghệ;

c) Trên cơ sở danh mục các thiết bị chính của dự án đầu tư, cần xem xét cụ thể các nội dung chủ yếu sau: Các đặc tính, tính năng kỹ thuật của thiết bị; công suất của thiết bị; tình trạng thiết bị (mới hay đã qua sử dụng); thời gian bảo hành;

d) Đối với dự án đầu tư có liệt kê danh sách máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng dự kiến nhập khẩu, cần thẩm định theo các nội dung nêu tại điểm a, b khoản này và các nội dung sau:

- Xem xét tình trạng của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ (tuổi thiết bị (năm sản xuất), thời gian đã sử dụng, thời gian sử dụng còn lại,...);

- Nguồn gốc, xuất xứ của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ;

- Xem xét mức độ phù hợp của các tiêu chuẩn sản xuất máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ so với quy định của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) hoặc tiêu chuẩn quốc gia (TCVN) của Việt Nam hoặc tiêu chuẩn của các nước G7 về an toàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.

4. Nguyên, nhiên, vật liệu, linh kiện, phụ tùng trong dự án đầu tư:

a) Xem xét khả năng khai thác, cung ứng, vận chuyển, lưu giữ nguyên, nhiên, vật liệu để cung cấp cho dự án đầu tư;

b) Xem xét chủng loại, khối lượng, giá trị các loại linh kiện, phụ tùng hoặc bán thành phẩm phải nhập ngoại hay sử dụng trong nước để gia công, lắp ráp, sản xuất ra sản phẩm;

c) Xem xét chủng loại, khối lượng, giá trị nguyên, nhiên, vật liệu phải nhập ngoại, khả năng sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu tại địa phương và trong nước, khả năng sử dụng nguyên liệu ít gây ô nhiễm môi trường.

5. Tác động của công nghệ đến hiệu quả kinh tế - xã hội:

Xem xét sự tác động của công nghệ đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ngành, lĩnh vực (nâng cao trình độ công nghệ sản xuất của ngành, lĩnh vực, góp phần đổi mới công nghệ sản xuất của địa phương, góp phần làm gia tăng giá trị sản phẩm, tạo ra sản phẩm chủ lực, sản phẩm có thế mạnh của địa phương).

6. Tác động của công nghệ đến môi trường:

Xem xét sự tác động của công nghệ đến môi trường tự nhiên, xã hội, sức khỏe cộng đồng…

7. Những vấn đề khác có liên quan theo yêu cầu của Cơ quan chủ trì thẩm định dự án đầu tư (nếu có).

Điều 10. Quy trình, thủ tục thẩm định công nghệ

1. Cơ quan chủ trì thẩm định dự án đầu tư gửi 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị thẩm định theo quy định tại Điều 8 Thông tư này đến Cơ quan thẩm định công nghệ theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.

2. Trong thời gian 15 ngày làm việc (đối với dự án đầu tư thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư) hoặc 10 ngày làm việc (đối với dự án đầu tư thuộc diện cấp giấy chứng nhận đầu tư mà không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư) kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị thẩm định, Cơ quan thẩm định công nghệ gửi văn bản thẩm định đến Cơ quan chủ trì thẩm định dự án đầu tư.

Phiếu thẩm định công nghệ được lập theo Mẫu 2 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này. Nội dung văn bản thẩm định theo Mẫu 4 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Trong trường hợp dự án đầu tư có nội dung công nghệ phức tạp, liên quan đến nhiều ngành và có phạm vi ảnh hưởng rộng, Cơ quan thẩm định công nghệ tổ chức lấy ý kiến chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn độc lập hoặc hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ để xem xét:

a) Đối với trường hợp lấy ý kiến của chuyên gia, Cơ quan thẩm định công nghệ gửi hồ sơ đến chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn độc lập để lấy ý kiến. Chuyên gia, tổ chức tư vấn độc lập phải là tổ chức, cá nhân có đủ năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực chuyên môn cần tư vấn. Ý kiến của chuyên gia là cơ sở để Cơ quan thẩm định công nghệ có ý kiến thẩm định công nghệ của dự án đầu tư.

Phiếu đánh giá của chuyên gia đối với công nghệ của dự án đầu tư theo Mẫu 6 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Đối với trường hợp cần lấy ý kiến hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ, Thủ trưởng Cơ quan thẩm định công nghệ ra quyết định thành lập hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ. Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ được thành lập, làm việc theo quy định của pháp luật về khoa học và công nghệ.

Phiếu đánh giá của thành viên hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ và Biên bản hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ thực hiện theo Mẫu 7Mẫu 8 tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Việc lựa chọn hình thức thẩm định quy định tại điều này do Thủ trưởng Cơ quan thẩm định công nghệ quyết định.

Thông tư 03/2016/TT-BKHCN quy định về hồ sơ, nội dung và quy trình, thủ tục thẩm định cơ sở khoa học của chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thẩm định công nghệ của dự án đầu tư do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 03/2016/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 30/03/2016
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Quân
  • Ngày công báo: 15/05/2016
  • Số công báo: Từ số 333 đến số 334
  • Ngày hiệu lực: 15/05/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra