Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 03/2009/TT-TANDTC

Hà Nội, ngày 05 tháng 03 năm 2009

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VIỆC GIỚI THIỆU BẦU VÀ ĐỀ NGHỊ MIỄN NHIỆM, BÃI NHIỆM HỘI THẨM TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN, QUẬN NƠI KHÔNG TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân;
Căn cứ Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân;
Căn cứ Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 ngày 16 tháng 1 năm 2009 Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh sách huyện, quận, phường của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 ngày 16 tháng 1 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Sau khi thống nhất với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn việc giới thiệu bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm Tòa án nhân dân đối với những Tòa án nhân dân huyện, quận, mà ở đó không tổ chức Hội đồng nhân dân như sau:

I. VỀ CƠ CẤU, SỐ LƯỢNG, TIÊU CHUẨN HỘI THẨM NHÂN DÂN VÀ HỒ SƠ NHÂN SỰ CỦA NGƯỜI ĐƯỢC GIỚI THIỆU BẦU HỘI THẨM TÒA ÁN NHÂN DÂN

Về cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn Hội thẩm Tòa án nhân dân và hồ sơ nhân sự của người được giới thiệu bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân được thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 01/2004/TANDTC-UBTWMTTQVN ngày 1 tháng 3 năm 2004 của Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn về việc chuẩn bị nhân sự và giới thiệu bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân.

II. VỀ VIỆC CHUẨN BỊ NHÂN SỰ VÀ GIỚI THIỆU BẦU HỘI THẨM

Việc chuẩn bị nhân sự và giới thiệu bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân được thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:

Bước một: Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, căn cứ vào nhu cầu xét xử của đơn vị mình thống nhất với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, quận về cơ cấu, thành phần, số lượng nhân sự dự kiến đưa ra bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận.

Bước hai: Căn cứ kết quả thống nhất ở bước một, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, quận chủ trì và phối hợp với Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, xem xét lại đội ngũ Hội thẩm Tòa án nhân dân đương nhiệm những trường hợp vẫn đảm bảo tiêu chuẩn, khả năng hoàn thành nhiệm vụ, đủ điều kiện thì đưa vào danh sách giới thiệu bầu. Nếu còn thiếu thành phần nào thì Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, quận hiệp thương với các cơ quan, tổ chức, đơn vị dự kiến giới thiệu người bầu làm Hội thẩm Tòa án nhân dân.

Bước ba: Sau khi thống nhất với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, quận Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận lập danh sách và hồ sơ nhân sự được giới thiệu bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận để báo cáo với Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Bước bốn: Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào danh sách và hồ sơ nhân sự do Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận báo cáo để trao đổi với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về cơ cấu, thành phần, số lượng và danh sách nhân sự được giới thiệu bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận.

Bước năm: Trên cơ sở thống nhất với Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về danh sách nhân sự bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có văn bản giới thiệu ra Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận.

Trong quá trình chuẩn bị nhân sự, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Tỉnh ủy, Thành ủy, trực thuộc Trung ương để bảo đảm việc bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận tiến hành theo đúng quy định của pháp luật.

III. VỀ VIỆC MIỄN NHIỆM, BÃI NHIỆM HỘI THẨM

Việc đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

Bước một: Khi xét thấy Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận, có thể được miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm theo quy định tại Điều 41 Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân thì Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, sau khi trao đổi thống nhất với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện, quận lập hồ sơ đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm để báo cáo với Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bước hai: Chánh án Tòa án tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào hồ sơ đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm của Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận báo cáo, sau khi trao đổi thống nhất với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội đồng nhân dân huyện, quận.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Việc chuẩn bị nhân sự và giới thiệu bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận phải hoàn thành trước ngày 25/4/2009 để Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giới thiệu với Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận tại phiên họp gần nhất sau ngày 25/4/2009;

2. Sau khi có kết quả bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh báo cáo kết quả bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận về Tòa án nhân dân tối cao (thông qua Vụ Tổ chức – Cán bộ), để tổng hợp trong báo cáo cần gửi kèm theo Nghị quyết bầu Hội thẩm và danh sách trích ngang ghi theo mẫu gửi kèm Thông tư này.

V. HIỆU LỰC THI HÀNH CỦA THÔNG TƯ

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 4 năm 2009.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương báo cáo với Tòa án nhân dân tối cao để giải thích, hướng dẫn.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Bộ Nội vụ;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Thường trực HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: Vụ TCCB.

CHÁNH ÁN




Trương Hòa Bình