Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 03/2000/TT-BXD

Hà Nội, ngày 25 tháng 5 năm 2000

THÔNG TƯ

CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 03/2000/TT-BXD NGÀY 25 THÁNG 5 NĂM 2000 VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG THÔNG TƯ LIÊN TỊCH SỐ 09/1999/TTLT-BXD-TCĐC NGÀY 10/12/1999 CỦA BỘ XÂY DỰNG VÀ TỔNG CỤC ĐỊA CHÍNH HƯỚNG DẪN CẤP GIẤY PHÉP XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 04 tháng 03 năm 1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ ban hành Điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/05/2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/07/1999 của Chính phủ;
Sau khi thống nhất với Tổng cục Địa chính, Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điểm trong Thông tư liên tịch hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng số 09/1999/TTLT-BXD-TCĐC ngày 10/12/1999 của Bộ Xây dựng và Tổng cục Địa chính như sau:

1. Bổ sung điểm 4.3 khoản 4 phần I:

Đối với nhà ở của hộ gia đình, cá nhân có chiều cao từ 3 tầng trở xuống (một trệt + 2 lầu) và có diện tích sàn không quá 200 m2 thì chủ đầu tư có thể tự lập hồ sơ thiết kế xây dựng theo hướng dẫn của Sở Xây dựng và phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về an toàn, bền vững công trình của mình;

Đối với các loại nhà ở của hộ gia đình, cá nhân có chiều cao lớn hơn 3 tầng và có diện tích sàn vượt quá 200 m2 thì chủ đầu tư cũng có thể tự lập hồ sơ thiết kế xây dựng theo hướng dẫn của Sở Xây dựng, nhưng hồ sơ thiết kế xây dựng do chủ đầu tư lập phải được một cơ quan tư vấn thiết kế xây dựng có chức năng kiểm tra, xác nhận đảm bảo tuân thủ các Quy chuẩn và tiêu chuẩn xây dựng được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành.

2. Bỏ khoản 4 phần IV về cấp giấy phép xây dựng ở Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Sửa đổi khoản 5 phần V về kiểm tra, theo dõi việc thực hiện giấy phép xây dựng như sau:

Các chủ đầu tư phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định tại giấy phép xây dựng.

Khi có nhu cầu thay đổi, bổ sung những nội dung ghi trong giấy phép xây dựng, thì chủ đầu tư phải làm đơn xin phép cơ quan cấp giấy phép xây dựng, trong đó phải giải trình rõ lý do và nội dung cần thay đổi, bổ sung.

Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng xem xét và quyết định thay đổi, bổ sung giấy phép xây dựng trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn giải trình của chủ đầu tư.

Khi tiến hành định vị công trình, xác định cao độ nền cốt ±0,00, xây móng và công trình ngầm, chủ đầu tư phải báo cáo cho cơ quan cấp giấy phép xây dựng biết để cử cán bộ đến kiểm tra tại hiện trường và xác nhận việc thi công công trình theo đúng giấy phép xây dựng đã cấp. Sau ba ngày kể từ khi nhận được giấy báo của chủ đầu tư mà cơ quan cấp giấy phép xây dựng không cử người đến kiểm tra, xác minh tại hiện trường, thì chủ đầu tư được tiếp tục triển khai thi công công trình. Mọi sai sót do việc kiểm tra chậm trễ gây ra, cơ quan cấp giấy phép xây dựng phải chịu trách nhiệm.

Đối với các giai đoạn thi công còn lại, chủ đầu tư phải thi công theo đúng giấy phép xây dựng được cấp. Trường hợp chủ đầu tư xây dựng sai với quy định của giấy phép xây dựng thì phải được xử lý theo quy định pháp luật, sau đó mới được tiếp tục thi công.

Khi công trình đã được xây dựng xong thì chủ đầu tư phải tổ chức nghiệm thu theo đúng quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Trường hợp công trình xây dựng có những thay đổi so với giấy phép xây dựng nhưng có lý do chính đáng và đã được cơ quan cấp giấy phép xây dựng chấp thuận thì những thay đổi đó phải được thể hiện trong hồ sơ hoàn công.

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những hướng dẫn trước đây trái với Thông tư này đều không có hiệu lực thi hành.

Nguyễn Mạnh Kiểm

(Đã ký)