Hệ thống pháp luật

Điều 8 Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

Điều 8. Xây dựng đề án, chuẩn bị điều kiện mở ngành đào tạo

Trên cơ sở chủ trương mở ngành được phê duyệt, hiệu trưởng hoặc giám đốc đại học (đối với ngành đào tạo có nhiều đơn vị thành viên tham gia thực hiện chương trình đào tạo) chỉ đạo và tổ chức xây dựng đề án mở ngành đào tạo. Nội dung đề án mở ngành đào tạo gồm có:

1. Một số thông tin cơ bản giới thiệu về cơ sở đào tạo: giới thiệu sơ lược về cơ sở đào tạo.

2. Sự cần thiết mở ngành đào tạo: báo cáo khái quát các nội dung về chủ trương mở ngành đào tạo đã được phê duyệt.

3. Điều kiện về chương trình đào tạo để mở ngành đào tạo: hiệu trưởng cơ sở đào tạo chỉ đạo và tổ chức xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo, bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Giáo dục đại học, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành.

4. Điều kiện về đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học để mở ngành đào tạo

a) Căn cứ các quy định về điều kiện đội ngũ giảng viên trong mở ngành đào tạo theo quy định tại Thông tư này và điều kiện thực tế của cơ sở đào tạo, hiệu trưởng cơ sở đào tạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc chuẩn bị về đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học nhằm đáp ứng điều kiện mở ngành đào tạo tương ứng với mỗi trình độ đào tạo theo quy định tại Thông tư này và các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành;

b) Xây dựng kế hoạch, xác định thời gian, lộ trình và cam kết thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị, tổ chức, cá nhân của cơ sở đào tạo và tổ chức triển khai thực hiện việc tuyển dụng, ký hợp đồng, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học, bảo đảm về số lượng và chất lượng theo yêu cầu của chương trình đào tạo, phân công giảng dạy, phù hợp với kế hoạch giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của giảng viên và người học cho từng năm học của toàn bộ khóa học, phù hợp với qui mô đào tạo, đáp ứng điều kiện mở ngành đào tạo theo quy định của Thông tư này, quy định của cơ sở đào tạo, bảo đảm tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành và phải được cam kết thực hiện trong đề án mở ngành đào tạo.

5. Điều kiện về cơ sở vật chất để mở ngành đào tạo

a) Căn cứ các quy định về điều kiện cơ sở vật chất trong mở ngành đào tạo theo quy định tại Thông tư này và điều kiện thực tế của cơ sở đào tạo, hiệu trưởng cơ sở đào tạo chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng điều kiện mở ngành đào tạo tương ứng với mỗi trình độ đào tạo theo quy định tại Thông tư này và các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành;

b) Xây dựng kế hoạch, xác định thời gian, lộ trình và cam kết thực hiện, phân công nhiệm vụ cụ thể cho đơn vị, tổ chức, cá nhân của cơ sở đào tạo và triển khai thực hiện việc đầu tư cơ sở vật chất, bảo đảm về số lượng và chất lượng theo yêu cầu của chương trình đào tạo, phù hợp với kế hoạch giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học của giảng viên và người học cho từng năm học của toàn bộ khóa học, phù hợp với quy mô đào tạo, đáp ứng điều kiện mở ngành đào tạo theo quy định của Thông tư này, quy định của cơ sở đào tạo, bảo đảm tuân thủ các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành và phải được cam kết trong đề án mở ngành đào tạo.

6. Điều kiện về tổ chức bộ máy quản lý để mở ngành đào tạo

a) Xác định đơn vị chuyên môn cấp khoa hoặc tương đương để quản lý các hoạt động chuyên môn, giảng viên, người học và các nhiệm vụ quản lý khác đối với ngành đào tạo dự kiến mở;

b) Phân công cán bộ quản lý chuyên môn và giao trách nhiệm, quyền hạn cho tập thể và cá nhân cán bộ quản lý chuyên môn để quản lý và tổ chức các hoạt động chuyên môn đối với ngành đào tạo dự kiến mở.

7. Phương án, giải pháp đề phòng, ngăn ngừa, xử lý rủi ro trong mở ngành đào tạo

a) Báo cáo phân tích tình hình phát triển kinh tế xã hội, dự báo những biến động có thể xảy ra, phân tích điểm mạnh, điểm yếu của cơ sở đào tạo và những nội dung khác có liên quan, từ đó dự báo các rủi ro có thể xảy ra khi mở ngành và triển khai tuyển sinh, đào tạo cùng các giải pháp chung để ngăn ngừa kịp thời nhằm hạn chế rủi ro cũng như đề xuất các phương án cụ thể mang tính chủ động để ngăn ngừa và xử lý khi rủi ro xảy ra;

b) Báo cáo thuyết minh về các giải pháp xử lý rủi ro trong trường hợp cơ sở đào tạo bị đình chỉ hoạt động ngành đào tạo với các phương án, giải pháp cụ thể để bảo vệ quyền lợi cho người học, giảng viên, cơ sở đào tạo và các bên liên quan.

8. Các minh chứng kèm theo đề án

a) Nghị quyết của hội đồng trường, hội đồng đại học phê duyệt chủ trương mở ngành đào tạo hoặc văn bản phê duyệt chủ trương mở ngành của cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở đào tạo (trong trường hợp cơ sở đào tạo chưa có hội đồng trường);

b) Biên bản thẩm định đề án mở ngành của hội đồng khoa học và đào tạo;

c) Quyết định thành lập hội đồng xây dựng, hội đồng thẩm định; biên bản thẩm định chương trình đào tạo của hội đồng thẩm định; quyết định ban hành chương trình đào tạo;

d) Danh sách đội ngũ giảng viên, cán bộ khoa học đáp ứng điều kiện mở ngành đào tạo theo quy định tại khoản 4 Điều này, gồm các thông tin theo mẫu báo cáo quy định tại Mục 1 (về giảng viên) và Mục 2 (về kết quả nghiên cứu khoa học) Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này; bản sao các quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động, bản sao chứng thực văn bằng do cơ sở đào tạo Việt Nam cấp hoặc văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp và giấy công nhận văn bằng do cơ quan có thẩm quyền cấp;

đ) Bảng thống kê về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ thí nghiệm, thực hành, thực tập đáp ứng điều kiện mở ngành đào tạo đã chuẩn bị theo quy định tại khoản 5 Điều này, gồm các thông tin theo các mẫu báo cáo được quy định tại Mục 3 (về cơ sở vật chất, trang thiết bị, thư viện phục vụ cho thực hiện chương trình đào tạo) Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này;

e) Hợp đồng nguyên tắc về đào tạo thực hành theo quy định của Chính phủ về tổ chức đào tạo thực hành trong đào tạo khối ngành sức khỏe (đối với đề án mở ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe).

9. Cơ sở đào tạo quy định cụ thể việc xây dựng đề án mở ngành đào tạo, quy định việc xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm vụ, thời gian thực hiện, dự kiến sản phẩm và tổ chức thực hiện kế hoạch, quy định về trách nhiệm, quyền hạn và sự phối hợp giữa các tập thể và cá nhân của cơ sở đào tạo trong việc xây dựng đề án và chuẩn bị các điều kiện mở ngành đào tạo, quy định việc theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện, xử lý điều chỉnh và quyết định đối với từng nội dung của đề án theo quy định từ khoản 1 đến khoản 8 Điều này trong quá trình xây dựng đề án mở ngành đào tạo của cơ sở đào tạo.

Thông tư 02/2022/TT-BGDĐT quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo, đình chỉ hoạt động của ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành

  • Số hiệu: 02/2022/TT-BGDĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 18/01/2022
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Hoàng Minh Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/03/2022
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra