Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2018/TT-BTC

Hà Nội, ngày 02 tháng 01 năm 2018

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ HỖ TRỢ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI KHU KINH TẾ QUỐC PHÒNG

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26/7/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 83/2010/QĐ-TTg ngày 15/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế, chính sách tài chính đối với Khu kinh tế Quốc phòng;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn cơ chế hỗ trợ tài chính đối với Khu kinh tế quốc phòng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn mức hỗ trợ và việc quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho các Đoàn kinh tế quốc phòng và các doanh nghiệp quốc phòng an ninh thuộc Bộ Quốc phòng được giao nhiệm vụ xây dựng Khu kinh tế quốc phòng, tuyên truyền, vận động quần chúng, thực hiện công tác chính sách xã hội trong Khu kinh tế quốc phòng theo quy định tại Điều 5 Quyết định số 83/2010/QĐ-TTg ngày 15/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế, chính sách tài chính đối với Khu kinh tế quốc phòng, các doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ thực hiện các Đề án hợp tác xây dựng các cụm bản phát triển trên đất Lào (sau đây viết tắt là nhiệm vụ tại địa bàn C).

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Đoàn kinh tế quốc phòng xây dựng Khu kinh tế quốc phòng được thành lập theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh thuộc Bộ Quốc phòng tham gia hoạt động xây dựng Khu kinh tế quốc phòng.

3. Doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ tại địa bàn C (sau đây gọi là doanh nghiệp làm nhiệm vụ tại địa bàn C).

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

MỤC 1. HỖ TRỢ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP QUỐC PHÒNG, AN NINH THAM GIA HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG KHU KINH TẾ QUỐC PHÒNG VÀ DOANH NGHIỆP LÀM NHIỆM VỤ TẠI ĐIẠ BÀN C

Điều 3. Hỗ trợ tài chính cho hoạt động xây dựng Khu kinh tế quốc phòng

1. Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động nhà trẻ, mẫu giáo do doanh nghiệp trực tiếp quản lý tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục (có xác nhận của Sở Giáo dục và Đào tạo địa phương có Khu kinh tế quốc phòng):

a) Kinh phí đầu tư ban đầu cho việc xây dựng trường lớp, mua sắm trang bị bàn, ghế và đồ dùng dạy học, mức hỗ trợ không quá 200.000.000 đồng/lớp (đối với cơ sở chưa được đầu tư trang bị). Đối với trường lớp, đồ dùng dạy học đã được đầu tư trang bị, nay bị hư hỏng cần được thay thế và bổ sung thì mức hỗ trợ không quá 30.000.000 đồng/lớp/ năm.

b) Kinh phí đảm bảo tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ khác cho giáo viên, cô nuôi dạy trẻ theo quy định hiện hành của nhà nước đối với địa bàn đơn vị đóng quân (bao gồm cả giáo viên, cô nuôi dạy trẻ hoạt động tại các Đội sản xuất theo quy định hiện hành của nhà nước tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa).

2. Hỗ trợ kinh phí công tác y tế tại các địa bàn do điều kiện đặc biệt cần phải duy trì bệnh viện, bệnh xá, cụ thể:

a) Kinh phí để đầu tư, trang bị vật chất lần đầu với mức tối đa không quá 300.000.000 đồng/1 bệnh xá dưới 10 giường bệnh; 400.000.000 đồng/1 bệnh xá có từ 10 đến dưới 20 giường bệnh và 500.000.000 đồng /1 bệnh xá từ 20 giường bệnh trở lên.

b) Kinh phí chi thường xuyên đối với các bệnh viện, bệnh xá đang hoạt động:

- Đảm bảo tiền lương theo ngạch bậc, bảo hiểm y tế theo ngạch bậc và các khoản phụ cấp cho đội ngũ nhân viên y tế, căn cứ vào số thực chi của năm trước của đơn vị để xác định mức đảm bảo cho năm sau (bao gồm cả nhân viên y tế hoạt động tại các Đội sản xuất theo quy định hiện hành của nhà nước tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa).

- Kinh phí mua thuốc khám chữa bệnh cho dân đối với đơn vị đóng quân tại địa bàn hiểm trở cách xa trung tâm y tế huyện theo mức chi thực tế nhưng tối đa không quá 70.000.000 đồng/năm đối với bệnh xá dưới 10 giường bệnh, 80.000.000 đồng/năm đối với bệnh xá có từ 10 đến dưới 20 giường bệnh, 100.000.000 đồng/năm đối với bệnh xá, bệnh viện từ 20 giường bệnh trở lên.

c) Đối với bệnh viện, bệnh xá mới thành lập: mức hỗ trợ kinh phí thường xuyên căn cứ vào dự toán chi thường xuyên cho hoạt động của đơn vị và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

d) Việc xác định mức hỗ trợ chi thường xuyên cho hoạt động của bệnh viện, bệnh xá có thể tham khảo, vận dụng mức chi thường xuyên của các cơ sở y tế cùng loại, cùng quy mô trên địa bàn đơn vị đóng quân.

Bộ Quốc phòng phê duyệt danh sách các bệnh viện, bệnh xá trực thuộc doanh nghiệp nhà nước được hưởng khoản hỗ trợ này.

3. Hỗ trợ kinh phí chi cho công tác chính sách xã hội, công tác tuyên truyền vận động quần chúng bao gồm: đào tạo, dạy nghề cho lao động là người dân tộc với thời gian không quá 06 tháng; xoá đói giảm nghèo, định canh, định cư mức hỗ trợ không quá 300.000 đồng/người/tháng.

4. Hỗ trợ doanh nghiệp nộp bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động trong thời gian 7 năm kể từ ngày lao động làm việc theo hợp đồng.

5. Hưởng các cơ chế chính sách ưu đãi về tài chính khác theo quy định hiện hành đối với doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ quốc phòng hoạt động trên địa bàn chiến lược kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh.

Điều 4. Hỗ trợ tài chính hoạt động tại địa bàn C

Doanh nghiệp làm nhiệm vụ tại địa bàn C được hỗ trợ theo quy định tại Điều 3 Thông tư này và các khoản hỗ trợ khác như sau:

1. Hỗ trợ sinh hoạt phí như đi công tác nước ngoài cho số người trong biên chế và thời hạn làm việc được Bộ Quốc phòng phê duyệt.

2. Hỗ trợ việc dạy tiếng Việt cho Bạn theo mức khoán 12.000.000 đồng/người/năm.

MỤC 2. HỖ TRỢ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI ĐOÀN KINH TẾ QUỐC PHÒNG (HOẠT ĐỘNG THEO CHẾ ĐỘ ĐƠN VỊ DỰ TOÁN)

Điều 5. Hỗ trợ kinh phí cho hoạt động nhà trẻ, mẫu giáo do Đoàn kinh tế quốc phòng trực tiếp quản lý tại địa bàn chưa có trường lớp theo hệ thống giáo dục (có xác nhận của Sở Giáo dục và Đào tạo tại địa phương)

1. Kinh phí đầu tư ban đầu cho việc xây dựng trường lớp, mua sắm trang bị bàn, ghế và đồ dùng dạy học mức hỗ trợ không quá 200.000.000 đồng/lớp (đơn vị chưa được đầu tư trang bị). Trường hợp trường lớp, đồ dùng dạy học đã hư hỏng cần được thay thế và bổ sung thì mức chi không quá 30.000.000 đồng/lớp/ năm.

2. Kinh phí đảm bảo tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các chế độ quy định khác cho giáo viên, cô nuôi dạy trẻ theo quy định hiện hành của nhà nước đối với địa bàn đơn vị đóng quân (bao gồm cả giáo viên, cô nuôi dạy trẻ hoạt động tại các Đội sản xuất theo quy định hiện hành của nhà nước tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa).

Điều 6. Hỗ trợ kinh phí cho các bệnh viện, bệnh xá do Đoàn kinh tế quốc phòng trực tiếp quản lý thuộc danh sách biên chế của Bộ Quốc phòng

1. Kinh phí để đầu tư, trang bị vật chất lần đầu mức hỗ trợ tối đa không quá 300.000.000 đồng/1 bệnh xá dưới 10 giường bệnh; 400.000.000 đồng/1 bệnh xá có từ 10 đến dưới 20 giường bệnh và 500.000.000 đồng /1 bệnh xá từ 20 giường bệnh trở lên.

Riêng bệnh viện, bệnh xá khu vực có biên chế 20 giường bệnh trở lên được hỗ trợ thêm kinh phí trang bị 01 máy chụp XQ đồng bộ (14 inch) cả tráng rửa sấy phim theo số thực chi nhưng không quá 400.000.000 đồng /máy; một phòng để máy chụp XQ theo tiêu chuẩn tối đa không quá 400.000.000 đồng; một xe ô tô cứu thương theo số thực chi nhưng không quá 500.000.000 đồng /xe; 01 máy siêu âm cho bệnh viện, bệnh xá thuộc cấp sư đoàn và tương đương theo số thực chi nhưng không quá 400.000.000 đồng; 01 bộ tiểu phẫu không quá 70.000.000 đồng. Việc mua sắm tài sản được thực hiện theo quy định hiện hành của nhà nước.

Các khoản kinh phí đầu tư nêu trên chỉ được hỗ trợ trong trường hợp chưa được đầu tư, trang bị.

2. Kinh phí thực hiện công tác chính sách xã hội:

a) Kinh phí mua thuốc khám chữa bệnh cho dân đối với đơn vị đóng quân tại địa bàn hiểm trở cách xa trung tâm y tế huyện theo mức chi thực tế nhưng tối đa không quá 70.000.000 đồng/năm đối với bệnh xá dưới 10 giường bệnh, 80.000.000 đồng/năm đối với bệnh xá có từ 10 đến dưới 20 giường bệnh, 100.000.000 đồng/năm đối với bệnh xá, bệnh viện từ 20 giường bệnh trở lên.

b) Hỗ trợ tiền ăn cho bệnh nhân là nhân dân trong khu vực Đoàn kinh tế quốc phòng phải điều trị nội trú tại bệnh viện, bệnh xá tương đương với mức ăn của bộ đội bộ binh tại thời điểm do Bộ Quốc phòng quy định.

Điều 7. Kinh phí cho công tác tuyên truyền, vận động quần chúng

1. Đối với các Đội sản xuất biên chế từ 3 người trở lên (không nằm trong đội hình biên chế các đội công tác tăng cường cơ sở địa bàn Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc và các tỉnh biên giới Việt Lào) được hỗ trợ:

a) Kinh phí mua 1 xe máy và 01 bộ lọc nước (trường hợp cần thiết) tối đa không quá 25.000.000 đồng.

b) Kinh phí trang bị nhà văn hóa thôn bản để phục vụ sinh hoạt văn hóa chung với mức hỗ trợ 30.000.000 đồng/thôn (bản), có xác nhận của địa phương.

c) Kinh phí mua xăng, dầu, sửa chữa các trang bị, phương tiện theo mức khoán 400 lít/đội/năm cho các đoàn kinh tế quốc phòng trên đất liền và 800 lít/ đội/năm cho các đoàn kinh tế trên biển, đảo.

d) Kinh phí bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và học tiếng dân tộc với mức 1.000.000 đồng/người/năm.

e) Các cá nhân làm nhiệm vụ tuyên truyền bám dân được hưởng chế độ sinh hoạt phí theo mức khoán 12.000.000 đồng/người/năm. Khi hưởng chế độ này không được hưởng phụ cấp công tác phí nếu công tác tại địa bàn đóng quân.

g) Kinh phí sửa chữa, bảo quản phương tiện theo mức khoán 3.000.000 đồng/đội/năm.

Đối với các nội dung hỗ trợ nêu tại điểm a, b chỉ được hỗ trợ trong trường hợp chưa được trang bị. Sau khoảng thời gian từ 5 đến 7 năm được xem xét hỗ trợ để trang bị lại (Riêng trường hợp mua sắm xe máy sau 3 năm được xem xét trang bị lại).

2. Đối với các xí nghiệp sản xuất trực thuộc Đoàn kinh tế quốc phòng được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Đối với các Đoàn kinh tế quốc phòng hoạt động trên biển, đảo được thành lập theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ được hưởng chế độ hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều này (trừ điểm a khoản 1 Điều này).

Được hỗ trợ kinh phí để mua 2 (hai) xuồng cao tốc/đoàn kinh tế với mức hỗ trợ 3 tỷ đồng/chiếc. Kinh phí bảo dưỡng 30.000.000 đồng/xuồng/năm.

4. Đối với cấp trên của Đội

Hỗ trợ tiền công tác phí, xăng dầu cho công tác thực hiện, chỉ đạo nắm tình hình chung tại địa bàn thuộc các Đội được phân công phụ trách theo mức khoán hàng năm:

a) Cấp Trung, Lữ đoàn và các đơn vị tương đương: 15.000 lít xăng/năm

b) Cấp Sư đoàn và các đơn vị tương đương: 20.000 lít xăng/năm

5. Kinh phí chi gặp mặt, tặng quà trong dịp lễ, tết đối với già làng, trưởng bản, đối tượng chính sách, theo mức khoán hàng năm:

a) Cấp Trung, Lữ đoàn và tương đương: 70.000.000 đồng/năm

b) Cấp Sư đoàn và tương đương: 100.000.000 đồng/năm

6. Hỗ trợ các đoàn kinh tế mua tài liệu, tổ chức hội nghị hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và chế biến với mức 60.000.000 đồng/ Đoàn/năm.

MỤC 3. LẬP DỰ TOÁN, CẤP PHÁT VÀ THANH QUYẾT TOÁN KINH PHÍ HỖ TRỢ

Điều 8. Lập dự toán

1. Mọi khoản hỗ trợ cho doanh nghiệp quốc phòng an ninh, Đoàn kinh tế quốc phòng và doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ tại địa bàn C phải được bố trí mức ổn định trong dự toán ngân sách hàng năm giao cho Bộ Quốc phòng.

2. Căn cứ nhiệm vụ được giao, doanh nghiệp quốc phòng an ninh, Đoàn kinh tế quốc phòng và doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ tại địa bàn C lập dự toán chi tiết từng nội dung được quy định cụ thể tại Mục 1 và Mục 2 Chương II nêu trên báo cáo cơ quan quản lý cấp trên thẩm định báo cáo Bộ Quốc phòng để tổng hợp chung trong dự toán ngân sách của Bộ Quốc phòng.

3. Bộ Quốc phòng căn cứ mức ngân sách cố định đã được bố trí để thẩm định dự toán chi của các đơn vị, tổng hợp dự toán của các doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng an ninh, Đoàn kinh tế quốc phòng và doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ tại địa bàn C gửi Bộ Tài chính để trình Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định.

Trường hợp có nhiệm vụ cấp thiết mới phát sinh, Bộ Quốc phòng chủ động điều chỉnh giảm các dự toán chi khác chưa cấp thiết để bảo đảm kinh phí cho nhiệm vụ chi cấp thiết mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng không được vượt quá tổng dự toán kinh phí đã bố trí ổn định hàng năm.

Điều 9. Cấp phát kinh phí

Căn cứ dự toán được thông báo, Bộ Quốc phòng tiến hành phân bổ theo quy định.

Điều 10. Quyết toán kinh phí

1. Kết thúc năm báo cáo, đơn vị phải lập báo cáo quyết toán kinh phí hỗ trợ kèm theo báo cáo tài chính năm (trường hợp là doanh nghiệp quốc phòng an ninh, doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng làm nhiệm vụ tại địa bàn C) gửi Bộ Quốc phòng và Bộ Tài chính.

2. Bộ Quốc phòng có trách nhiệm kiểm tra quyết toán việc sử dụng kinh phí hỗ trợ đảm bảo đúng chế độ của nhà nước và quy định tại Thông tư này, trường hợp chi sai chế độ hoặc vượt mức chi quy định, Bộ Quốc phòng có quyền xuất toán khoản chi sai chế độ, vượt mức quy định. Người nào ra lệnh chi sai phải bồi thường và tùy theo mức độ phải chịu hình thức xử phạt theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng

1. Quy định trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng trong việc tổ chức thực hiện, bổ sung kinh phí cho các doanh nghiệp quốc phòng an ninh, doanh nghiệp làm nhiệm vụ tại địa bàn C và Đoàn kinh tế quốc phòng, bảo đảm điều kiện vật chất cho đơn vị thực hiện tốt công tác chính sách xã hội, công tác tuyên truyền vận động quần chúng tại địa bàn khu kinh tế quốc phòng.

2. Hàng năm, Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra, giám sát việc cấp phát, quản lý, sử dụng kinh phí hỗ trợ theo quy định.

Điều 12. Trách nhiệm của doanh nghiệp quốc phòng an ninh, doanh nghiệp làm nhiệm vụ tại địa bàn C và Đoàn kinh tế quốc phòng

Sử dụng kinh phí được nhà nước hỗ trợ đúng mục đích, có hiệu quả; thực hiện việc hạch toán, quản lý, sử dụng tài sản được trang bị theo quy định hiện hành của nhà nước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 17 tháng 02 năm 2018 và áp dụng cho năm ngân sách 2018 trở đi. Bãi bỏ Thông tư số 97/2005/TT-BTC ngày 09/11/2005 và Thông tư số 126/2009/TT-BTC ngày 18/6/2009 của Bộ Tài chính.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật dẫn chiếu tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản quy phạm pháp luật đó.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng QH, VP Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng;
- Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao;
- Toà án Nhân dân tối cao;
- KTNN; VP BCĐ TW PCTN;
- Ủy ban giám sát tài chính quốc gia;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan TW các đoàn thể;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Các đơn vị Vụ I, Vụ NSNN;
- Lưu VT, Cục TCDN.

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Văn Hiếu

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 02/2018/TT-BTC về hướng dẫn cơ chế hỗ trợ tài chính đối với Khu kinh tế quốc phòng do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 02/2018/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 02/01/2018
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Trần Văn Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản