Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 02/2018/TT-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Quyết định 38/2016/QĐ-TTg về chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với công ty nông, lâm nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Chương 2

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư

Việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công và Nghị định số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật đầu tư công và Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Điều 4. Phạm vi dự án

1. Quy mô một dự án bảo vệ và phát triển rừng, dự án trồng rừng tối thiểu là 500 ha; đối với rừng ngập mặn tối thiểu là 300 ha. Trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) không có đủ diện tích trên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được lập một dự án bảo vệ và phát triển rừng.

2. Trên địa bàn một huyện được lập tối đa một dự án bảo vệ và phát triển rừng sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ do địa phương quản lý, việc hỗ trợ ngân sách Trung ương theo quy định tại Khoản 4, Điều 17, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg. Trường hợp trên địa bàn đã có ban quản lý rừng đặc dụng thì ban quản lý rừng đặc dụng làm chủ đầu tư.

Điều 5. Thực hiện dự án trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng của tổ chức do Nhà nước thành lập làm chủ đầu tư

1. Việc triển khai các dự án bảo vệ và phát triển rừng, trồng rừng, khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung cần được khoán ổn định cho người dân từ khâu trồng, chăm sóc, bảo vệ theo chu kỳ lâm sinh và hưởng lợi theo quy định của Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg.

2. Chủ đầu tư ký hợp đồng trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng với hộ dân, nhóm hộ tham gia trồng rừng bao gồm hướng dẫn thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình lâm sinh được duyệt.

3. Người dân khi được giao khoán đất trồng rừng, phát triển rừng có thể tự trồng rừng trước và được hỗ trợ sau theo định mức quy định.

4. Đối với đất lâm nghiệp đã giao cho người dân ổn định lâu dài, người dân được tự trồng rừng trước. Diện tích trồng thành rừng sẽ được ưu tiên đưa vào dự án trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh hỗ trợ sau đầu tư và hỗ trợ vốn theo quy định.

5. Danh sách các hộ tham gia trồng rừng, phát triển rừng được niêm yết công khai tại Ủy ban nhân dân xã, nhà văn hóa thôn, bản về diện tích và số tiền được nhận.

6. Đối với đất trồng rừng của các công ty nông, lâm nghiệp đã được cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ khi nhận hỗ trợ để thực hiện dự án trồng rừng thì khoán ổn định lâu dài cho hộ gia đình.

Điều 6. Thực hiện dự án trồng rừng, bảo vệ và phát triển rừng do doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có mức vốn Nhà nước sở hữu dưới 50% vốn điều lệ, công ty hợp danh, hợp tác xã làm chủ đầu tư

1. Chủ đầu tư lập hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình lâm sinh, tự phê duyệt hồ sơ thiết kế kỹ thuật, dự toán công trình theo quy định tại Khoản 2, Điều 19, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg.

2. Chủ đầu tư được tự thực hiện trồng rừng, phát triển rừng và được hỗ trợ sau đầu tư theo định mức quy định khi rừng được nghiệm thu.

Điều 7. Thực hiện trồng cây phân tán

1. Chủ đầu tư tổ chức ươm cây hoặc hợp đồng mua cây giống, lập kế hoạch trồng, tổ chức cho các đối tượng tham gia đăng ký trồng trong đó xác định rõ địa điểm trồng, thời gian trồng, loài cây trồng.

2. Trồng cây phân tán của hộ gia đình trên bờ lô, khoảnh ở nương rẫy kết hợp bảo vệ cây nông nghiệp.

3. Cây phân tán trên đất công cộng (đường giao thông, bờ mương), ưu tiên giao cho tổ chức như: Đoàn thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, hợp tác xã, cộng đồng dân cư đứng ra trồng và hưởng lợi.

4. Trồng cây phân tán được thực hiện theo phương thức trồng trước, hỗ trợ sau đầu tư khi cây được nghiệm thu.

Điều 8. Thực hiện đầu tư đường ranh phòng chống cháy rừng (đường ranh cản lửa)

1. Chủ đầu tư lập phương án (quy hoạch) đầu tư đường ranh cản lửa. Không sử dụng tiền hỗ trợ của Nhà nước để đền bù giải phóng mặt bằng nếu đường ranh cản lửa đi qua diện tích đất của chủ rừng.

2. Khi lập phương án (quy hoạch), ưu tiên bổ sung đường ranh phòng chống cháy rừng đối với diện tích rừng sản xuất đã trồng trước đây nhưng chưa được hỗ trợ.

Điều 9. Thực hiện đầu tư và đặt hàng đối với các công ty nông lâm nghiệp (quy định tại Khoản 2, Điều 1 Nghị định số 118/2014/NĐ-CP)

1. Công ty nông, lâm nghiệp có diện tích rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên chưa đến thời kỳ khai thác, căn cứ định mức khoán quản lý bảo vệ rừng hiện hành, lập dự toán theo mức hỗ trợ bằng 50% mức bình quân khoán quản lý bảo vệ rừng theo quy định điểm a, Khoản 2, Điều 15 Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg. Chu kỳ hỗ trợ đặt hàng khoán bảo vệ rừng là 5 năm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, giao kế hoạch đặt hàng quản lý bảo vệ rừng với công ty nông, lâm nghiệp để quản lý bảo vệ rừng.

2. Hỗ trợ xây dựng trạm quản lý bảo vệ rừng, các công trình phòng chống cháy rừng, nhà tập thể cho người lao động.

a) Công ty nông, lâm nghiệp xây dựng dự án bảo vệ và phát triển rừng trong đó có các nội dung xây dựng trạm quản lý bảo vệ rừng, các công trình phòng chống cháy rừng, nhà tập thể cho người lao động.

b) Trường hợp Công ty nông, lâm nghiệp không xây dựng dự án bảo vệ và phát triển rừng, dự án trồng rừng mà có nhu cầu xây dựng trạm quản lý bảo vệ rừng, các công trình phòng chống cháy rừng, nhà tập thể cho người lao động. Công ty nông, lâm nghiệp xây dựng dự án riêng cho các công trình này. Các công trình này được dùng thiết kế mẫu để sử dụng chung nhằm giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, Ủy ban nhân dân các tỉnh ban hành thiết kế mẫu để thực hiện.

c) Sau khi dự án được duyệt, chủ đầu tư thực hiện thiết kế, thi công và được hỗ trợ sau đầu tư theo định mức quy định tại Phụ lục I.

Điều 10. Nghiệm thu dự án bảo vệ và phát triển rừng, các dự án rừng giống; vườn giống; sản xuất giống cây rừng chất lượng cao; vườn ươm giống; khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chế biến gỗ của doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có mức vốn Nhà nước sở hữu dưới 50% vốn điều lệ, công ty hợp danh được hỗ trợ sau đầu tư

1. Căn cứ đề nghị nghiệm thu của chủ đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì mời các cơ quan liên quan để nghiệm thu cho chủ đầu tư trong vòng 15 ngày.

2. Nội dung nghiệm thu: Nghiệm thu hạng mục/toàn bộ dự án khối lượng đầu tư cần hỗ trợ theo định mức quy định tại Phụ lục I; trong đó, nghiệm thu công suất thực tế của thiết bị (nếu có).

3. Thành phần nghiệm thu: Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì Hội đồng nghiệm thu, thành viên gồm đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các cơ quan liên quan khác.

4. Biên bản nghiệm thu của Hội đồng nghiệm thu là đủ căn cứ để giải ngân vốn hỗ trợ sau đầu tư cho chủ đầu tư.

5. Hồ sơ thanh toán:

Chủ đầu tư gửi hồ sơ đề nghị giải ngân vốn hỗ trợ gồm: Biên bản nghiệm thu, Quyết định hỗ trợ vốn của cơ quan có thẩm quyền gửi Kho bạc Nhà nước để được giải ngân khoản hỗ trợ.

Điều 11. Nghiệm thu các dự án, công trình hỗ trợ trước

1. Nghiệm thu đối với các công trình lâm sinh thực hiện theo Thông tư 23/2016/TT-BNNPTNT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các quy định hiện hành.

2. Đối với các dự án còn lại (quy định tại Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg), thực hiện và nghiệm thu theo quy định xây dựng hiện hành.

Thông tư 02/2018/TT-BKHĐT hướng dẫn thực hiện Quyết định 38/2016/QĐ-TTg về chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với công ty nông, lâm nghiệp do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

  • Số hiệu: 02/2018/TT-BKHĐT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 14/05/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Chí Dũng
  • Ngày công báo: 05/06/2018
  • Số công báo: Từ số 677 đến số 678
  • Ngày hiệu lực: 19/06/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH