Hệ thống pháp luật

Mục 3 Chương 3 Thông tư 02/2017/TT-BTP hướng dẫn nội dung quản lý công, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

Mục 3. BỔ NHIỆM LÃNH ĐẠO CẤP VỤ THUỘC TỔNG CỤC THI HÀNH ÁN DÂN SỰ

Điều 28. Quy trình bổ nhiệm Vụ trưởng hoặc tương đương thuộc Tổng cục

1. Bước 1: Xác định nhu cầu, đề xuất phê duyệt chủ trương bổ nhiệm

Trên cơ sở đề xuất của đơn vị có cấp trưởng cần bổ nhiệm hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự, Tổng cục trưởng tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục để xác định nhu cầu, thống nhất và đề xuất chủ trương bổ nhiệm Thủ trưởng đơn vị thuộc Tổng cục.

Kết quả Hội nghị, Tổng cục có Tờ trình đề nghị Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp phê duyệt chủ trương bổ nhiệm.

2. Bước 2: Giới thiệu và đề xuất phê duyệt chủ trương nhân sự bổ nhiệm

Trên cơ sở chủ trương bổ nhiệm của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, căn cứ nguồn cán bộ trong quy hoạch và ý kiến giới thiệu của công chức, viên chức, người lao động của đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm (việc lấy ý kiến giới thiệu của công chức, viên chức, người lao động do Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự thực hiện thông qua hình thức phát phiếu thăm dò trên cơ sở danh sách những người trong quy hoạch, bảo đảm sự bảo mật, được thông báo tại cuộc họp tập thể lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự), Tổng cục trưởng tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục để thảo luận, lựa chọn và giới thiệu nhân sự bổ nhiệm. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp.

Kết quả Hội nghị, Tổng cục có Tờ trình báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp phê duyệt chủ trương nhân sự bổ nhiệm.

3. Bước 3:

a) Đối với nhân sự tại chỗ: Trên cơ sở kết quả phê duyệt chủ trương nhân sự bổ nhiệm của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, lãnh đạo Tổng cục hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội nghị toàn thể công chức, viên chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của đơn vị thuộc Tổng cục có cấp trưởng cần bổ nhiệm để nhận xét, đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm đối với nhân sự dự kiến bổ nhiệm.

- Nội dung: Thông báo, quán triệt chủ trương, yêu cầu bổ nhiệm, tiêu chuẩn cán bộ; thông báo danh sách cán bộ, công chức được giới thiệu bổ nhiệm; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; lấy phiếu tín nhiệm đối với nhân sự được giới thiệu bổ nhiệm.

Sau Hội nghị, lãnh đạo Tổng cục hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy hoặc tổ chức Đảng của đơn vị thuộc Tổng cục có cấp trưởng cần bổ nhiệm.

b) Đối với nhân sự từ cơ quan khác: Trên cơ sở phê duyệt chủ trương nhân sự bổ nhiệm của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, lãnh đạo Tổng cục gặp gỡ nhân sự dự kiến bổ nhiệm để trao đổi về yêu cầu công tác, nhu cầu bổ nhiệm; làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy nơi nhân sự dự kiến bổ nhiệm đang công tác để tìm hiểu, đánh giá nhân sự, xác minh lý lịch nhân sự dự kiến bổ nhiệm và lấy ý kiến bằng văn bản; trong trường cần thiết, lãnh đạo Tổng cục làm việc với tập thể lãnh đạo và cấp ủy của đơn vị nơi dự kiến bổ nhiệm.

4. Bước 4: Tổng Cục trưởng tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt của Tổng cục để nhận xét, đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm đối với nhân sự đề nghị bổ nhiệm đang công tác tại Tổng cục Thi hành án dân sự:

- Thành phần Hội nghị, gồm: Lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo cấp Vụ thuộc Tổng cục, Đảng ủy Tổng cục, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội thuộc Tổng cục. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp.

- Nội dung: Thông báo, quán triệt chủ trương, yêu cầu bổ nhiệm, tiêu chuẩn cán bộ; thông báo danh sách cán bộ, công chức được giới thiệu đề nghị bổ nhiệm; tóm tắt lý lịch, quá trình học tập, công tác; nhận xét, đánh giá ưu khuyết điểm, mặt mạnh, mặt yếu, triển vọng phát triển; dự kiến phân công công tác; cán bộ, công chức được giới thiệu đề nghị bổ nhiệm trình bày chương trình hành động về thực hiện nhiệm vụ nếu được bổ nhiệm và trả lời những vấn đề có liên quan; lấy phiếu tín nhiệm đối với nhân sự đề nghị bổ nhiệm.

5. Bước 5, bước 6: Thực hiện như đối với quy trình bổ nhiệm lãnh đạo Tổng cục quy định tại các khoản 4, 5 Điều 26 Thông tư này.

6. Bước 7: Căn cứ kết quả thực hiện các bước theo quy trình, Tổng cục báo cáo để Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp:

- Nhận xét, đánh giá kết quả lấy phiếu tín nhiệm;

- Xem xét, kết luận những vấn đề mới phát sinh (nếu có);

- Thảo luận, biểu quyết nhân sự.

7. Bước 8: Căn cứ Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định bổ nhiệm nhân sự.

8. Bước 9: Bộ trưởng tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm Vụ trưởng hoặc tương đương thuộc Tổng cục.

9. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm: Thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, k, l, m khoản 8 Điều 26 Thông tư này.

Điều 29. Bổ nhiệm đối với Phó Vụ trưởng hoặc tương đương thuộc Tổng cục

1. Bước 1: Xác định nhu cầu, đề xuất phê duyệt chủ trương bổ nhiệm

Trên cơ sở cơ cấu, số lượng lãnh đạo của từng đơn vị, Thủ trưởng đơn vị thuộc Tổng cục tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị để xác định nhu cầu, thống nhất về số lượng, dự kiến phân công công tác đối với vị trí dự kiến bổ nhiệm.

Kết quả Hội nghị, đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm có Tờ trình đề nghị lãnh đạo Tổng cục phê duyệt chủ trương bổ nhiệm. Trường hợp cần thiết, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự có Tờ trình đề nghị lãnh đạo Tổng cục phê duyệt chủ trương bổ nhiệm.

2. Bước 2: Giới thiệu và đề xuất phê duyệt chủ trương nhân sự bổ nhiệm

Trên cơ sở chủ trương bổ nhiệm của lãnh đạo Tổng cục, căn cứ nguồn cán bộ trong quy hoạch và ý kiến giới thiệu của công chức, viên chức, người lao động của đơn vị (việc lấy ý kiến giới thiệu của công chức, viên chức, người lao động do Thủ trưởng đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm thực hiện thông qua hình thức phát phiếu thăm dò trên cơ sở danh sách những người trong quy hoạch, bảo đảm sự bảo mật, được thông báo tại cuộc họp tập thể lãnh đạo đơn vị), Thủ trưởng đơn vị có nhu cầu bổ nhiệm tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo đơn vị để thảo luận, lựa chọn, giới thiệu nhân sự bổ nhiệm. Hội nghị có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự.

Kết quả Hội nghị, đơn vị có Tờ trình báo cáo lãnh đạo Tổng cục phê duyệt chủ trương nhân sự bổ nhiệm.

3. Bước 3:

a) Đối với nhân sự tại chỗ: Sau khi thống nhất chủ trương về nhân sự bổ nhiệm, việc tổ chức Hội nghị toàn thể công chức, viên chức, người lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP và lấy ý kiến của cấp ủy hoặc tổ chức Đảng của đơn vị có vị trí lãnh đạo, quản lý cần bổ nhiệm được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 28 Thông tư này.

b) Đối với nhân sự từ cơ quan khác: Sau khi thống nhất chủ trương về nhân sự bổ nhiệm, thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 28 Thông tư này.

4. Bước 4: Thực hiện như đối với quy trình bổ nhiệm Vụ trưởng hoặc tương đương thuộc Tổng cục quy định tại các khoản 4 Điều 28 Thông tư này.

5. Bước 5, bước 6: Thực hiện như đối với quy trình bổ nhiệm lãnh đạo Tổng cục quy định tại các khoản 4, 5 Điều 26 Thông tư này.

6. Bước 7: Tổng Cục trưởng thực hiện bổ nhiệm Phó Vụ trưởng hoặc tương đương thuộc Tổng cục.

7. Bước 8: Tổng Cục trưởng tổ chức công bố quyết định bổ nhiệm Phó Vụ trưởng hoặc tương đương thuộc Tổng cục.

8. Hồ sơ bổ nhiệm thực hiện theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, k, m Khoản 8 Điều 26 Thông tư này.

Điều 30. Bổ nhiệm lãnh đạo cấp Vụ do đơn vị thay đổi tên gọi

Trường hợp đơn vị thay đổi tên gọi thì Tổng cục trưởng xem xét, quyết định hoặc phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Tư pháp trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét, quyết định bổ nhiệm lãnh đạo cấp Vụ theo phân cấp.

Điều 31. Giao quyền cấp trưởng, giao phụ trách đơn vị

1. Trường hợp chưa có nhân sự đáp ứng yêu cầu bổ nhiệm cấp trưởng đơn vị thuộc Tổng cục, Tổng cục Thi hành án dân sự tổ chức Hội nghị tập thể lãnh đạo Tổng cục để giới thiệu, đề xuất nhân sự giao quyền cấp trưởng hoặc giao phụ trách đơn vị thuộc Tổng cục; lấy ý kiến bằng văn bản của Đảng ủy Tổng cục và báo cáo Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp.

2. Căn cứ Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự trình Bộ trưởng Bộ Tư pháp quyết định giao quyền cấp trưởng hoặc giao phụ trách đơn vị thuộc Tổng cục.

Thông tư 02/2017/TT-BTP hướng dẫn nội dung quản lý công, viên chức, người lao động thuộc hệ thống tổ chức thi hành án dân sự do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành

  • Số hiệu: 02/2017/TT-BTP
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 23/03/2017
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Lê Thành Long
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 07/05/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH