Hệ thống pháp luật

BỘ LAO ĐỘNG
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 02/2007/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2007

THÔNG TƯ

SỐ 02/2007/TT-BLĐTBXH CỦA BỘ LAO ĐỘNG, THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI BỔ SUNG, SỬA ĐỔI MỘT SỐ ĐIỂM CỦA THÔNG TƯ SỐ 07/2006/TT-BLĐTBXH NGÀY 26 THÁNG 7 NĂM 2006 CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI HƯỚNG DẪN VỀ HỒ SƠ, LẬP HỒ SƠ THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG

BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số Điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn bổ sung, sửa đổi một số điểm của Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 7 năm 2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng như sau:

1. Sửa đổi và bổ sung khoản 2 mục I phần I như sau:

Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Thành ủy, Vụ Tổ chức các Bộ, Ban, Ngành (gọi chung là cơ quan tổ chức) lập hồ sơ các trường hợp đủ điều kiện trình Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy hoặc Ban Đảng, Đảng Đoàn, Ban Cán sự Đảng Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương xét, ra quyết định công nhận và chuyển đến Sở Lao động - Thương binh Xã hội nơi người có công cư trú để đăng ký quản lý và ra quyết định trợ cấp, phụ cấp; lập phiếu trợ cấp, phụ cấp và thực hiện chế độ ưu đãi.

Các căn cứ để xem xét công nhận cụ thể như sau:

- Lý lịch gốc của cán bộ, đảng viên khai từ năm 1960 trở về trước, nếu lý lịch này bị thất lạc có lý do chính đáng và các lý lịch liền đó (1961, 1962) cũng thất lạc thì căn cứ vào lý lịch khai theo Chỉ thị số 90-CT/TW ngày 01 tháng 03 năm 1965 và Thông tri số 297-TT/TW ngày 20 tháng 4 năm 1974 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (viết từ năm 1975, 1976).

- Trường hợp người hoạt động cách mạng liên tục ở các chiến trường B, C, K từ năm 1954 đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì căn cứ hồ sơ, lý lịch cán bộ, đảng viên viết năm 1975 hoặc năm 1976 để xem xét.

2. Bổ sung thêm tiết c vào điểm 1.1 khoản 1 mục II phần I như sau:

c. Trường hợp hy sinh hoặc bị thương từ sau ngày 30 tháng 9 năm 2006, thì trong thời gian 90 ngày cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật phải cấp giấy báo tử hoặc giấy chứng nhận bị thương để làm căn cứ lập hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng.

3. Bổ sung thêm tiết d vào điểm 2.2 khoản 2 mục II phần I như sau:

d. Việc cấp lại Bằng "Tổ quốc ghi công" trong các trường hợp bị hư hỏng, thất lạc được thực hiện như sau:

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm:

+ Căn cứ vào hồ sơ gốc của liệt sĩ để viết Bằng "Tổ quốc ghi công" .

+ Lập tờ trình kèm danh sách và viết Bằng "Tổ quốc ghi công" trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ cấp lại Bằng "Tổ quốc ghi công" cho gia đình liệt sĩ.

Hồ sơ cấp lại Bằng "Tổ quốc ghi công" chuyển đến Văn phòng Chính phủ.

4. Sửa đổi điểm 1.1 khoản 1 mục III phần II như sau:

1.1. Nơi đi:

- Giấy (hoặc đơn) đề nghị di chuyển hồ sơ của người có công với cách mạng.

- Bản sao hộ khẩu nơi cư trú mới hoặc bản sao sổ tạm trú dài hạn tại nơi cư trú mới.

- Giấy giới thiệu di chuyển hồ sơ và trợ cấp ưu đãi người có công của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kèm theo toàn bộ hồ sơ (bản gốc) của người có công với cách mạng. Hồ sơ được niêm phong và giao cho người có công (có ký nhận bàn giao hồ sơ). Các vướng mắc về chế độ và hồ sơ phải được giải quyết trước khi di chuyển. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ký giấy giới thiệu di chuyển, người có công với cách mạng phải nộp hồ sơ tại Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi đến.

5. Sửa đổi điểm 1.2 khoản 1 mục III phần II như sau:

1.2. Nơi đến

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ, đăng ký quản lý đối tượng và thực hiện tiếp các chế độ ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo quy định.

6. Bổ sung thêm khoản 5 vào phần III như sau:

5. Kể từ ngày 01 tháng 10 năm 2006, hồ sơ xác nhận người có công với cách mạng thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 7 năm 2006.

Các trường hợp đã lập hồ sơ nhưng chưa hoàn thiện và chưa có quyết định trợ cấp ưu đãi trước ngày 01 tháng 10 năm 2006 thì phải lập lại hồ sơ theo Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 7 năm 2006.

7. Tổ chức thực hiện:

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc các địa phương phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để hướng dẫn giải quyết.

BỘ TRƯỞNG





Nguyễn Thị Hằng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 02/2007/TT-BLĐTBXH bổ sung, sửa đổi Thông tư 07/2006/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về hồ sơ, lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng do Bộ Lao động,Thương binh và Xã hội ban hành

  • Số hiệu: 02/2007/TT-BLĐTBXH
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/01/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Hằng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 53 đến số 54
  • Ngày hiệu lực: 07/02/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 01/07/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản