Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
TỔNG CỤC THỐNG KÊ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 02/2000/TT-TCTK | Hà Nội, ngày 23 tháng 8 năm 2000 |
Sản lượng lương thực là chỉ tiêu kinh tế rất quan trọng phục vụ cho việc tính toán, cân đối sản xuất và tiêu dùng lương thực xã hội. Trong hơn 40 năm qua, phạm vi chỉ tiêu sản lượng lương thực không những bao gồm sản lượng thóc (lúa), ngô sản xuất mà còn cả sản lượng một số cây chất bột có củ (như: khoai lang, sắn, khoai mỡ, khoai sọ, khoai nước, khoai tây, dong riềng, củ từ, khoai lấy củ khác) qui đổi ra thóc theo những hệ số qui ước (1 kg thóc = 1 kg ngô hạt = 3 kg khoai lang tươi, sắn tươi = 5 kg dong riềng, khoai nước...). Việc quy định tính toán như trên, trong nột thời gian dài đã phục vụ cho các ngành, các cấp chỉ đạo sản xuất, đánh giá cân đối lương thực phù hợp điều kiện sản xuất tự cung, tự cấp theo cơ chế bao cấp khi nước ta còn thiếu lương thực.
Đến nay, quy định này không còn phù hợp và cần thiết phải sửa đổi vì:
Ở trong nước sau 15 năm đổi mới tình hình sản xuất, cân đối lương thực nước đã chuyển mạnh theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với cơ chế thị trường, sản lượng thóc (lúa) sản xuất không những cung cấp đủ cho nhu cầu tiêu dùng, dự trữ trong nước mà còn dư thừa xuất khẩu ngày càng lớn. Từ đó, tập quán sử dụng lương thực của dân cư ở các địa phương đã có nhiều thay đổi: lương thực cho người chủ yếu là thóc (lúa) và ngô, còn các loại cây chất bột lấy củ trước đây dùng làm lương thực hỗ trợ cho người thì nay chủ yếu được dùng làm nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến (sắn cao sản dùng làm nguyên liệu sản xuất mỳ chính, dong riềng dùng để làm miến, chế biến thực phẩm,....) hoặc làm thức ăn cho gia súc (khoai lang, sắn, khoai nước,...). Cân đối lương thực trên phạm vi cả nước cũng chủ yếu tập trung vào thóc (lúa) và ngô là những sản phẩm có thể xuất khẩu và bảo quản lâu dài. Giá cả giữa thóc (lúa), các loại cây chất bột lấy củ cũng đã thay đổi khác trước hệ số qui đổi cũ không còn thích hợp.
Chỉ tiêu sản lượng lương thực qui thóc theo quy định trước đây đã lạc hậu, không phục vụ được yêu cầu của Chính phủ cũng như các ngành, các địa phương trong cơ chế mới và không còn được quan tâm.
Ở ngoài nước, thống kê của FAO (Tổ chức nông nghiệp và lương thực của Liên hợp quốc) và của các nước trên thế giới từ trước đến nay không dùng chỉ tiêu sản lượng lương thực qui thóc như nước ta. Do đó việc so sánh quốc tế giữa nước ta với các nước và Tổ chức quốc tế về các chỉ tiêu có liên quan đến sản lượng lương thực rất khó khăn, hạn chế tốc độ hội nhập của thống kê nước ta và thế giới.
Xuất phát từ thực tế trên đây, từ năm 1997 đến nay, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan ở Trung ương nghiên cứu, trao đổi và đã đi đến thống nhất quan điểm và nội dung sửa đổi quy định về chỉ tiêu sản lượng lương thực.
Được sự uỷ nhiệm của liên Bộ, Tổng cục Thống kê đã trình và xin ý kiến của Thủ trướng Chính phủ. Ngày 22 tháng 8 năm 2000 Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã có ý kiến chỉ đạo: Đồng ý cả về chủ trương và nội dung sửa đổi theo đề nghị của Tổng cục Thống kê, đồng thời bổ sung một số ý kiến cụ thể.
II. NỘI DUNG SỬA ĐỔI QUY ĐỊNH TÍNH CHỈ TIÊU SẢN LƯỢNG LƯƠNG THỰC
Tiếp thu ý kiến của liên Bộ và thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, Tổng cục Thống kê quy định: Từ nay không tính toán và không sử dụng chỉ tiêu sản lượng lương thực quy thóc, thay vào đó sẽ tính toán và sử dụng chỉ tiêu sản lượng lương thực có hạt (cereals) với tên gọi, phạm vi và phương pháp tính như sau:
- Tên gọi: Sản lượng lương thực có hạt. (Gọi tắt là sản lượng lương thực)
- Phạm vi: Bao gồm sản lượng thóc (lúa), ngô, cao lương, kê, mỳ, mạch...
- Phương pháp tính: Cộng giản đơn sản lượng các cây lương thực có hạt nói trên không quy đổi, với hình thái sản phẩm hạt khô, sạch.
Các cây chất bột lấy củ (như: khoai lang, sắn, khoai mỡ, dong riềng, khoai nước, ....) vẫn được thống kê và xếp vào nhóm cây chất bột có củ, những sản lượng của nó không qui đổi để tính vào sản lượng lương thực như trước.
Những quy định trong Thông tư này được áp dụng thống nhất trong cả nước. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định khác về sản lượng lương thực trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Nhận được Thông tư này, Tổng cục Thống kê yêu cầu các Bộ, ngành ở Trung ương có liên quan đến công tác tính toán và sử dụng chỉ tiêu sản lượng lương thực và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phổ biến, hướng dẫn các cấp dưới thi hành.
Các đơn vị trực thuộc Tổng cục Thống kê có nhiệm vụ thực hiện những quy định trong Thông tư đồng thời tham mưu cho lãnh đạo các ngành, các cấp trong việc tính toán các chỉ tiêu có liên quan và chỉnh lý số liệu lịch sử về sản lượng lương thực có hạt của cả nước cũng như từng tỉnh, huyện,... theo đúng tinh thần của Thông tư này.
Nguyễn Văn Tiến (Đã ký) |
Thông tư 02/2000/TT-TCTK sửa đổi quy định tính chỉ tiêu sản lượng lương thực do Tổng cục thống kê ban hành
- Số hiệu: 02/2000/TT-TCTK
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 23/08/2000
- Nơi ban hành: Tổng cục Thống kê
- Người ký: Nguyễn Văn Tiến
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 41
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra