Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 017-TC-TĐT-TT

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 1963

THÔNG TƯ

VỀ VIỆC NỘP VÀO NGÂN SÁCH CÁC KHOẢN THU CỦA CƠ QUAN, ĐOÀN THỂ HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP

Theo tinh thần Chỉ thị số 32-CT-LB ngày 26-12-1962 của Liên Bộ Tài chính-Ngân hàng Nhà nước về chế độ cấp phát vốn ngân sách (chế độ cấp phát hạn mức), tài khoản "tiền gửi vãng lai khác 15-48" không phải là tài khoản tiền gửi do Ngân sách cấp, mà là tiền gửi của tập thể cơ quan đó, như tiền Đảng phí; đoàn phí, tiền ủng hộ riêng cho đơn vị, tiền tạm gửi không liên quan đến vốn ngân sách, tiền ăn do công nhân viên, cán bộ, học sinh đóng vào quán ăn tập thể... còn tiền do ngân sách cấp, qua cấp phát hạn mức, thì nhất thiết không được rút ra để lưu ký vào tài khoản "15-48" này. Các nguồn vốn khác của ngân sách như thu hồi các khoản chi năm trước, thu hồi tạm ứng của ngân sách, thu tiền nhà, điện, nước của cán bộ, công nhân viên hoặc bán tài sản của cơ quan vv... cũng không được nộp vào tài khoản "15-48", mà phải nộp trực tiếp vào ngân sách Nhà nước.

Qua việc kiểm tra tài khoản "tiền gửi vãng lai khác 15-48" của cơ quan, đoàn thể ở một số địa phương, Bộ Tài chính phát hiện thấy nhiều cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp sử dụng tài khoản đó không đúng chế độ quy định:

- Rất nhiều khoản tiền không phải của tập thể cơ quan mà là của Ngân sách Nhà nước đã đem gửi vào tài khoản "15-48" đó;

- Vốn lưu động thừa, kinh phí chuyên dùng thừa, thậm chí hạn mức kinh phí còn thừa cũng rút ra, đem lưu ký vào tài khoản đó; những số tiền này, có cơ quan gửi hàng trăm, hàng nghìn đồng, có khi lên tới bốn, năm trăm nghìn đồng;

- Một số trường hợp, có những khoản tiền tạm giữ từ năm này qua năm khác, đáng ra đã thanh toán nộp cho ngân sách, nhưng vẫn cứ để ở tài khoản "15-48";

- Có cơ quan đã lấy tiền ở tài khoản "15-48" chi tiêu trước, rồi rút kinh phí hạn mức để trả sau. Đặc biệt có cơ quan lại mở 2 tài khoản tiền gửi "15-48" ở 2 Chi nhánh Ngân hàng khác nhau rồi rút hạn mức ở nơi này chuyển vào tài khoản "15-48" ở nơi khác.

Những hiện tượng trên đã gây ra tình trạng phân tán vốn chiếm dụng vốn của Ngân sách, tạo điều kiện cho việc chi tiêu nhập nhằng, sai nguyên tắc, chế độ, là những mầm mống đưa đến lãng phí, tham ô.

Để tăng cường công tác quản lý thu chi ngân sách và để đẩy mạnh tăng thu, tiết kiệm chi, Bộ Tài chính thấy cần phải nhắc lại và quy định thêm một số nguyên tắc về việc nộp các khoản thu của cơ quan đoàn thể hành chính, sự nghiệp như sau:

1. Các khoản thu sự nghiệp, thu bán tài sản công, thu hồi các khoản chi năm trước, thu tiền nhà, điện, nước của cán bộ, công nhân viên,vv... nói chung là những khoản thu của ngân sách, phải làm giấy nộp tiền ghi rõ tên và mục lục thu của ngân sách để nộp ngay vào ngân sách, tuyệt đối không được để ở quỹ của cơ quan hay lưu ký vào tài khoản "15-48" ở Ngân hàng.

2. Tiền cấp phát hạn mức rút ra chi tiêu không hết, hoặc không chi tiêu được, dù rút bằng tiền mặt, bằng chuyển khoản hay bằng séc hạn mức mua hàng ở mậu dịch; đều phải nộp trả lại cho Ngân hàng, để khôi phục hạn mức kinh phí theo đúng loại, khoản, hạng, mục đã rút. Đơn vị nộp phải làm giấy nộp tiền (mẫu số 5-TC nói trong chỉ thị số 32-CT-LB ngày 26-12-1962 của liên Bộ Tài chính-Ngân hàng Nhà nước về cấp phát hạn mức), mà nhất thiết không được gửi vào tài khoản "15-48" ở Ngân hàng.

3. Tuyệt đối ngăn cấm việc rút kinh phí hạn mức ra để lưu ký vào tài khoản "15-48" cũng như việc một cơ quan mở 2 tài khoản "15-48" ở hai chi nhánh hoặc chi điếm Ngân hàng khác nhau để rút kinh phí hạn mức ở nơi này đem gửi vào tài khoản "15-48" ở nơi kia và ngược lại. Nguyên tắc là mỗi cơ quan, đơn vị dự toán chỉ được mở một tài khoản tiền gửi vãng lai khác "15-48" ở một chi nhánh hoặc chi điếm Ngân hàng, nơi mà đơn vị đã đăng ký để giao dịch về kinh phí cấp phát theo hạn mức. Nếu cơ quan có nhiều bộ phận đóng trụ sở ở nhiều nơi, sẽ mở tài khoản ở nơi nào thuận tiện nhất (như gần trụ sở chính hay gần bộ phận tài vụ…) hoặc sẽ chuyển những bộ phận ở quá xa và có đủ điệu kiện thành những đơn vị cấp 2 hoặc cấp 3 riêng, để sẽ giao dịch về hạn mức kinh phí và mở tài khoản tiền gửi riêng. Không thể viện lý do cơ quan ở phân tán nhiều nơi để mở nhiều tài khoản tiền gửi. Chỉ khi nào có bộ phận tách ra thành một đơn vị riêng mới mở thêm một tài khoản cho đơn vị mới.

4. Đối với những khoản tiền tạm giữ, từ nay các cơ quan đơn vị phải tìm mọi cách thanh toán nhanh chóng, tuyệt đối không tạm giữ một món tiền nào lâu quá 3 tháng. Để thực hiện nguyên tắc này, cần phải xử lý theo cách thức như sau:

- Nêu tạm giữ do mua bán hộ, thanh toán hộ hay mua tài liệu, ấn chỉ thì phải thanh toán trong vòng 3 tháng kể từ ngày nhận tiền tạm giữ. Hết 3 tháng mà không thực hiện được thì hoàn trả lại người hoặc đơn vị gửi tiền;

- Nếu tạm giữ tiền lương của ngừơi đi vắng cũng phải tìm cách chuyển cho người đó cho nhanh chóng (dĩ nhiên là phải có bảo đảm chắc chắn). Hết hạn 3 tháng hoặc tuy chưa hết hạn nhưng nhận thấy chưa thể chuyển ngay được thì làm giấy nộp tiền vào Ngân hàng, khôi phục lại hạn mức được cấp để khi người đó trở về sẽ rút hạn mức để trả sau, không được tạm giữ ở tài khoản "15-48" hay ở quỹ cơ quan;

- Tiền lương của cán bộ đi học phải trừ theo tỷ lệ quy định và đơn vị chỉ được lĩnh số tiền thực tế phải chi. Tuyệt đối không được lĩnh toàn vẹn số lương theo mức bình thường rồi lấy số tiền thừa đem lưu ký vào tài khoản "15-48". Trường hợp bất thường đã lĩnh về nhiều hơn số tiền thực tế phải trả thì sau khi phát lương phải nộp ngay vào Ngân hàng số tiền còn thừa, coi như nộp giảm cấp phát vào ngân sách. Tiền lương của cán bộ đau ốm, sinh đẻ, bị tai nạn lao động do quỹ bảo hiểm xã hội đài thọ, nếu cơ quan đã trả lương rồi thì coi như là tạm ứng và phải đòi quỹ bảo hiểm xã hội để nộp trả ngân sách coi như giảm chi (không coi là khôi phục kinh phí);

- Hiện nay, nhiều cơ quan còn nhiều số tiền tạm giữ khá lớn, hàng mấy năm chưa thanh toán. Cơ quan Tài chính cần phối hợp với Ngân hàng đồng cấp tổ chức một đợt kiểm tra và cùng với các đơn vị thanh toán cho hết những số tiền tạm giữ đó để nộp vào ngân sách hoặc trả lại cho đơn vị gửi tiền, tuyệt đối không để kéo dài tình trạng tạm giữ mãi. Khi quyết định trả lại cho đơn vị gửi tiền một khoản tạm giữ nào, cơ quan Tài chính cần cân nhắc kỹ lưỡng, chi trả cho đơn vị đó những khoản tiền thực sự cần thiết. Ngược lại, nếu khoản tiền không có lý do cần thiết phải tồn tại ở đơn vị đó nữa (như tiền thuộc niên khóa cũ, đã quyết toán rồi, của đơn vị đã giải thể, vv…)thì phải nộp ngay vào ngân sách mà không chuyển trả cho đơn vị cũ đã gửi tiền nữa.

5. Tiền phí tồn sửa đường các cơ quan rút hạn mức để nộp cho cơ quan giao thông, nhưng về sau vì có một số xe không chạy nên cơ quan giao thông hoàn lại thì không thể đem lưu ký vào tài khoản "15-48" mà phải làm thủ tục phục hồi hạn mức kinh phí theo mẫu số 5-TC trong chỉ thị về "cấp phát hạn mức".

Chú ý là các cơ quan không được rút hạn mức kinh phí để nộp phí tổn sửa đường cho các xí nghiệp mà phải do xí nghiệp tự giải quyết.

Trên đây là một số nguyên tắc cụ thể trong chế độ thu nộp của các cơ quan, đoàn thể hành chính sự nghiệp nhằm giải quyết tình trạng phân tán, ứ đọng vốn của ngân sách, nhất là ứ đọng ở tài khoản tiền gửi vãng lai khác của các cơ quan, đơn vị mở tại Ngân hàng.

Các cơ quan tài chính cần bàn bạc với Ngân hàng các cấp, nghiên cứu kỹ, liên hệ kiểm điểm những thiếu sót của địa phương, có kế hoạch cụ thể bổ khuyết và phổ biến cho các đơn vị dự toán trong phạm vi quản lý của địa phương cùng thi hành. Bản thân cơ quan Tài chính phải phối hợp với ngân hàng để kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện. Nếu có những trường hợp đọng tiền do nguyên nhân khác, cơ quan Tài chính địa phương có thể vận dụng tinh thần những nguyên tắc đã đề ra ở trên để giải quyết cho thích hợp hoặc nếu cần sẽ trao đổi với Bộ Tài chính để góp ý kiến thêm.

Các cơ quan Tài chính cần, qua đợt kiểm tra và công việc bổ khuyết này, tìm ra những thiếu sót, sơ hở của cơ quan mình cũng như của Ngân hàng các cấp để có kế hoạch khắc phục, đồng thời báo cáo cho Bộ tài chính và Ngân hàng trung ương biết.

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG




Đào Thiện Thi

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 017-TC-TĐT-TT năm 1963 về việc nộp vào ngân sách các khoản thu của cơ quan, đoàn thể hành chính, sự nghiệp do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 017-TC-TĐT-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 15/07/1963
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đào Thiện Thi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 25
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản