Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN | VIỆT |
Số: 015-TT | Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 1960 |
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC QUY ĐỊNH VỀ TRANG BỊ PHÒNG HỘ CỦA CÔNG NHÂN VIÊN NGÀNH GIAO THÔNG VÀ BƯU ĐIỆN
Kính gửi: | - Các ông Tổng cục trưởng; |
Căn cứ vào chính sách chung của Đảng và Chính phủ và tình hình cụ thể của các ngành Giao thông vận tải, Bộ đã công bố bản quy định về trang bị dụng cụ và áo quần không bộ của công nhân viên các ngành đường sắt, đường thủy, đường bộ và bưu điện vào ngày 07 tháng 12 năm 1960 theo đúng tinh thần thông tư số 18 ngày 17 tháng 6 năm 1958 của Bộ Lao động.
Bản quy định này sẽ áp dụng thống nhất trong tất cả các cơ sở thuộc Bộ Giao thông và Bưu điện kể từ ngày 01-01-1961.
Để việc thực hiện được tốt, Bộ thấy cần chú trọng những vấn đề sau đây:
Về phần mục đích yêu cầu, cần làm cho anh chị em nhận rõ việc trang phòng hộ là cốt để ngăn ngừa tai nạn, đề phòng bệnh tật, bảo vệ sức khỏe của công nhân viên làm việc trong những điều kiện khó khăn để không ngừng nâng cao năng suất lao động (như đã nói ở điều 1). Nhận thức đúng vị trí đó của vấn đề để mọi người có thể chấp hành đúng đắn bản quy định này theo phạm vi trách nhiệm của mình. Đồng thời chú trọng phê phán nhận thức sai lầm coi việc trang bị phòng hộ như một vấn đề phúc lợi nhằm giải quyết một vài thiếu thốn của công nhân viên trong sinh hoạt hàng ngày. Nhận thức này thường dễ đưa đến những hiện tượng sai lệch như yêu cầu mở rộng việc trang bị các thứ áo quần, giầy dép một cách không hợp lý. Khi xác định kiểu mẫu và phẩm chất từng thứ dụng cụ và áo quần phòng hộ, không chú ý đầy đủ đến yêu cầu phòng hộ, sử dụng không đúng đắn các thứ dụng cụ và áo quần đã được cấp hoặc suy bì tị nạnh giữa nghề được cấp và nghề không được cấp. Không thấy rõ là các thứ trang bị phòng hộ chỉ được cấp trong những trường hợp thật cần phòng hộ, trường hợp không thật cần thiết về phương diện phòng hộ thì mặc dù cùng làm một nghề, cũng không cấp. Ví dụ: có nơi cấp kính che mắt cho thợ mài để đề phòng mặt đá bắn vào mắt, nhưng khi máy mài đã được thiết bị thêm tấm kính chống mặt đá bắn vào công nhân thì không cấp kính che mắt nữa.
Về phần nguyên tắc và phạm vi cấp phát, cần làm cho anh chị em rõ việc trang bị phòng hộ chỉ giải quyết trong những trường hợp điều kiện làm việc khó khăn, nếu không có trang bị phòng hộ sẽ không đảm bảo an toàn và sức khỏe của công nhân viên trong khi làm việc. Ví dụ: việc trang bị phải thích hợp với yêu cầu phòng hộ của từng nghề, điều kiện thiết bị ở từng nơi; mặt khác lại phải căn cứ vào phương châm “cần kiệm xây dựng đất nước”, “cải thiện dần dần” “nâng cao từng bước”, không thể giải quyết thỏa đáng mọi vấn đề trong một lúc. Ngoài ra còn phải chú ý đến một vấn đề thực tế khác là khả năng mua sắm và tình hình nguyên vật liệu có trong nước để xác định. Vì thế, lần này chỉ giải quyết những thứ thật cần thiết của những nghề làm việc trong 10 trường hợp nói ở điều 2 bản quy định. Trước khi quyết định vấn đề này, Bộ đã cùng các Tổng cục và Công đoàn Đường sắt Việt Nam, Công đoàn Giao thông vận tải Việt Nam, Công đoàn Bưu điện Việt Nam, nghiên cứu kỹ lưỡng những ý kiến của anh chị em công nhân viên trong ngành nêu lên, và đã căn cứ vào những nguyên tắc trên đây để xét từng trường hợp – nhưng dĩ nhiên là không thể làm thỏa mãn hết ý kiến của mọi người. Trong khi thực hiện cần chú trọng giải thích cho anh chị em công nhân viên thấy thật rõ ràng những nguyên tắc chủ yếu trên để tránh thắc mắc giữa nghề này với nghề khác, ngành này với ngành khác.
Về phần trách nhiệm của mọi người trong việc trang bị phòng hộ, cần làm cho anh chị em nhận rõ: dụng cụ và áo quần phòng hộ là tài sản của Nhà nước cấp cho cá nhân hoặc tập thể dùng để làm việc trong những trường hợp điều kiện làm việc khó khăn. Nhận rõ điều đó để một mặt thấy được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, thấy được tính chất tốt đẹp của chế độ ta, nâng cao nhiệt tình lao động của mọi người thêm một bước. Mặt khác, đề cao trách nhiệm và ý thức của anh chị em công nhân viên trong việc mua sắm, bảo quản tốt và sử dụng đúng đắn các thứ được cấp phát như đã quy định trong các điều 10, 11 của bản quy định. Cần phê phán những hiện tượng không đúng trong việc mua sắm, cấp phát và nhất là trong việc sử dụng không đúng đắn, bảo quản không chu đáo các thứ trang bị phòng hộ như bỏ hư hỏng, trong khi làm việc không chịu sử dụng các thứ trang bị phòng hộ đã được cấp phát theo đúng sự hướng dẫn, có người chỉ mang theo chiếu lệ, cá biệt có người đưa dùng vào việc riêng hay đem bán.
Về hình thức tuyên truyền giáo dục sẽ tùy từng nơi để dùng Công đoàn bố trí cho thích hợp. Điều quan trọng là không nên chỉ làm ồ ạt trong một lúc rồi bỏ lỏng và tránh những hình thức nặng nề tốn nhiều thì giờ của anh chị em công nhân.
a) Trường hợp trước đã được cấp phát nhưng nay thời gian sử dụng thay đổi, thì theo thời gian mới quy định lần này để cấp phát thứ mới.
b) Trường hợp trước đã cấp phát nhưng nay kiểu mẫu thay đổi thì cho đến khi hết thời gian sử dụng thứ đã cấp phát từ trước rồi mới cấp phát thứ mới theo kiểu mẫu quy định lần này.
BỘ TRƯỞNG |
Thông tư 015-TT năm 1960 thực hiện trang bị phòng hộ của công nhân viên ngành Giao thông và Bưu điện do Bộ Giao Thông và Bưu Điện ban hành.
- Số hiệu: 015-TT
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 08/12/1960
- Nơi ban hành: Bộ Giao thông và Bưu điện
- Người ký: Phan Trọng Tuệ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 55
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra