Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
NHA KHÍ TƯỢNG | VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ |
Số: 01-VLĐC | Hà Nội, ngày 19 tháng 08 năm 1967 |
THÔNG TƯ
GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 121-CP NGÀY 08-08-1967 CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC TÍNH LỊCH VÀ QUẢN LÝ LỊCH CỦA NHÀ NƯỚC
Ngày 08-08-1967 Hội đồng Chính phủ đã ra quyết định về việc tính lịch và quản lý lịch củaNhà nước. Để thấu triệt ý nghĩa và thống nhất việc thi hành, Nha Khí tượng giải thích một số điểm sau đây:
I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA VIỆC BAN HÀNH QUYẾT ĐỊNH.
Đồng hồ và cuốn lịch là những phương tiện cần thiết cho hoạt động của xã hội. Việc định giờ chính thức và lịch chính thức là quyền hạn của Nhà nước. Ngày nay, với sự phát triển của các giao dịch quốc tế và của khoa học kỹ thuật, các nước đã đi đến áp dụng một phương pháp xác định thời gian thống nhất như sau:
1. Dùng hệ thống múi giờ quốc tế để tính giờ trong một ngày.
2. Dùng dương lịch để tính ngày, tháng, năm trong từng năm và trong những khoảng thời gian dài.
Nhà nước ta, từ Cách mạng tháng tám đến nay, đã định giờ chính thức cho cả nước và vẫn dùng dương lịch như lịch chính thức. Nhưng có một vấn đề tồn tại chưa được giải quyết dứt khoát về mặt pháp lý theo đúng quan điểm khoa học:
1. Chưa có văn bản chính thức của Nhà nước xác nhận giờ chính thức của nước ta theo hệ thống múi giờ quốc tế;
2. Chưa có văn bản công nhận dương lịch (lịch Grê-goa) là lịch chính thức và quy định vị trí của âm lịch, nói đúng hơn là lịch cổ truyền, do đó việc dùng lịch còn tùy tiện, có thể dùng dương lịch hay âm lịch hay cả hai, gây ra nhiều khó khăn trong việc chỉ đạo sản xuất nhất là đối với nông nghiệp;
3. Hiện nay Nhà nước còn quy định một số ngày nghỉ chính thức theo âm lịch (Tết Nguyên đán, Phật đản) và trong nhân dân còn lưu hành một số ngày kỷ niệm lịch sử và lễ cổ truyền theo âm lịch. Âm lịch có nhiều căn cứ tính và cách tính khác nhau. Vì không có quy định chặt chẽ về mặt này cho nên đã xảy ra tình trạng âm lịch xuất bản không thống nhất gây ra những xáo động không cần thiết;
4. Việc làm lịch chưa được Nhà nước quản lý, cho đến nay chưa chính thức giao cho một cơ quan khoa học đảm nhiệm việc tính lịch.
Việc dùng tuỳ tiện dương lịch và âm lịch với những tồn tại trên đây là không hợp lý và bất lợi. Nó không phù hợp với yêu cầu tiêu chuẩn hóa việc tính toán và ghi chép thời gian theo hệ thống tiêu chuẩn của Nhà nước. Nó bất lợi cho việc kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân để phục vụ công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Đặc biệt trong nông nghiệp nó bất lợi cho việc đẩy mạnh phong trào thâm canh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc. Tình trạng đó đã trở ngại cho việc xây dựng một nếp sống và làm việc theo khoa học. Công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa càng ngày càng đòi hỏi phải thống nhất việc tính thời gian theo dương lịch.
Hiện nay chưa đến lúc bỏ hẳn âm lịch. Nhưng cần xác định vị trí của âm lịch và thống nhất cách tính âm lịch. Quyết định của Hội đồng Chính phủ, căn cứ vào mối quan hệ giữa giờ và lịch, đề ra việc tính âm lịch theo giờ chính thức của nước ta, làm cho âm lịch dùng ở nước ta từ nay phù hợp với vị trí địa lý của nước ta, do đó nó sẽ chính xác hơn trước.
Hội đồng Chính phủ ra quyết định cải tiến một bước việc tính lịch và dùng lịch trong lúc cuộc chiến tranh của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược đang ở giai đoạn quyết liệt là tỏ rõ quyết tâm đẩy mạnh cuộc cách mạng kỹ thuật song song với cuộc cách mạng văn hoá và tư tưởng nhằm củng cố quan hệ sản xuất mới, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, ngay trong điều kiện chiến tranh để tránh để đánh thắng giặc Mỹ.
II. NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA QUYẾT ĐỊNH
1. Điều 1 xác định rõ chính thức của nước ta là giờ của múi giờ 7 mà kinh tuyến trung tâm (1050 đông) đi qua gần thủ đô của nước ta. Giờ đó đã được dùng như giờ chính thức từ Cách mạng tháng tám. Quyết định này nhằm bổ sung căn cứ khoa học cho nghị định của Bộ Nội vụ ban hành ngày 01/9/1945 về giờ chính thức, chứ không ảnh hưởng gì đến giờ giấc hiện dùng trong cơ quan Nhà nước và trong sinh hoạt của nhân dân.
Việc xác nhận chính thức còn được dùng tính lịch.
Trong công tác nghiên cứu khoa học và thông tin liên lạc với nước ngoài, có thể giờ khác (giờ quốc tế, giờ lịch, giờ địa phương…) nhưng phải xác định mối quan hệ với giờ chính thức.
2. Điều 2 khẳng định dương lịch (lịch Grê-goa) là công lịch tức là lịch duy nhất được dùng trong các cơ quan Nhà nước, trong các tổ chức chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội nước ta, trong giao dịch giữa Nhà nước với nhân dân và giao dịch với nước ngoài.
Hiện nay các cơ quan Nhà nước (hành chính, tư pháp, chuyên môn) và đoàn thể các cấp, đã dùng dương lịch một cách phổ biến nhưng vẫncòn một số ngành trong một số công việc chưa tôn trọng triệt để công lịch, còn ghi ngày tháng theo âm lịch hay theo cả dương lịch và âm lịch. Bất lợi nhất nói chung là việc đặt kế hoạch sản xuất, nói riêng là việc định thời vụ nông nghiệp theo âm lịch. Tình trạng đó cần phải chấm dứt. Trong việc chỉ đạo nông nghiệp cần bỏ hẳn việc lấy ngày, tháng âm lịch để định thời vụ.
Quyết định này bắt buộc phải dùng dương lịch trong các giấy tờ văn bản của các cơ quan Nhà nước giữa các cơ quan Nhà nước với nhân dân (thí dụ các đơn từ, các hợp đồng giữa nhân dân và Nhà nước …).
Về phần âm lịch, thì quyết định xác nhận là căn cứ để tính ngày Tết dân tộc, một số ngày kỷ niệm lịch sử và lễ cổ truyền. Như vậy là vẫn giữ nguyên những ngày lễ hiện hành còn tính theo âm lịch. Trong số đó, có những ngày thuần túy là ngày mặt trăng, có âm lịch mới tính được, như ngày Tết đầu năm âm lịch,ngày trung thu, rằm tháng tám v.v… nhưng cũng có những ngày lịch sử như ngày giỗ Tổ Hùng Vương, ngày kỷ niệm Hai Bà Trưng… sau này có thể chuyển sang dương lịch để thống nhất với cách tính các ngày lễ chính thức.
Như vậy là âm lịch chỉ cần dùng trong việc định một số ngày lễ cổ truyền, ngoài ra thì các sinh hoạt tập thể và công cộng hoàn toàn có thể tính theo dương lịch.
3. Điều 3 đề ra việc sửa đổi cách tính âm lịch cho phù hợp với vị trí của nước ta. Âm lịch từ nay phải căn cứ vào giờ chính thức của nước ta trong khi tính các tuần trăng, có như vậy mới đúng với ngày giờ xuất hiện mặt trăng trên đất nước ta. Theo cách tính cũ thì các ngày mồng một không có trăng có thể chậm hơn một ngày, do đó tháng đủ, tháng thiếu, năm nhuận, tháng nhuận có thể xê xích đi. Nay tính theo giờ chính thức của nước ta để cho chính xác hơn thì nhất định sẽ có những ngày Tết, những tháng nhuận, những năm nhuận khác với các lịch cũ.
Theo quyết định của Hội đồng Chính phủ tất cả các loại âm lịch còn tồn tại ở nước ta đều không thể dùng để tính ngày tháng âm lịch được kể từ ngày 01/01/1968. Bảng ngày tháng âm lịch dùng làm căn cứ để Bộ Nội vụ định các ngày lễ lớn hàng năm sẽ do Nha khí tượng tính theo điều 3 này.
Việc sửa đổi này mở đường cho công tác tính âm lịchở nước ta thành một công tác khoa học gắn liền với các tiến bộ về thiên văn học trong nước và trên thế giới. 4. Điều 4 nêu rõ trách nhiệm quản lý công tác làm lịch thuộc về Nhà nước. Nha khí tượng là cơ quan chuyên trách về các lịch thiên văn, được giao nhiệm vụ biên soạn bảngngày tháng âm lịch hàng năm, lập các bảng đối chiếu ngày tháng âm và dương lịch và quản lý một số việc về lịch mà Chính phủ sẽ quy định cụ thể như sau.
Việc xuất bản và phát hành lịch phổ thông lưu hành trong nhân dân vẫn do Tổng cục thông tin đảm nhiệm. Các loại lịch xuất bản: lịch tường, lịch túi, lịch bàn,… đều phải ghi ngày tháng dương lịch là chính, ngoài ra có thể ghi thêm 24 tiết và ngày, tháng âm lịch theo tài liệu do Nha khí tượng cung cấp.
Các lịch xuất bản có thể ghi tên các năm theo số Can, Chi cổ truyền, nhưng không được tuyên truyền những điều có tính chất mê tín dị đoan về âm lịch.
Để phục vụ cho công tác sưu tầm lịch sử và việc đổi ngày, tháng trong nhân dân, Tổng cục Thông tin sẽ xuất bản cuốn "Lịch thế kỷ thứ 20" là một bảng đối chiếu âm và dương lịch từ năm 1901 đến năm 2001 do Nha Khí tượng biên soạn.
III. NHIỆM VỤ TUYÊN TRUYỀN GIẢI THÍCH QUYẾT ĐỊNH
Quyết định của Hội đồng Chính phủ là một cải cách về lịch nhằm xóa bỏ tập quán cũ làm ăn theo âm lịch, xây dựng nếp sống và làm việc theo khoa học. Nó có ý nghĩa sâu sắc về mặt cách mạng văn hóa và tư tưởng. Nó sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng và tình cảm của nhiều người. Trước mắt là ngày Tết Mậu Thân (1968) và năm Kỷ Dậu (1969) tính theo lịch mới sẽ sớm hơn một ngày. Cho nên cần được tuyên truyền giải thích một cách kiên trì và sâu rộng.
Việc tuyên truyền giải thích đòi hỏi sự phối hợp của các ngành tuyên huấn, thông tin, đài phát thanh, báo chí, văn hóa, khoa học, giáo dục, nông nghiệp, khí tượng, hội phổ biến khoa học và kỹ thuật và các đoàn thể.
Đề nghị các ngành, các cấp nghiên cứu kỹ quyết định của Hội đồng Chính phủ và Thông tư này để đặt kế hoạch tuyên truyền phổ biến trước tiên trong cơ quan, trong ngành, rồi lan rộng trong nhân dân.
Trên đây là một số điểm chính mà Nha Khí tượng thấy cần phải thấu triệt trong việc thi hành quyết định này. Trong quá trình thực hiện, nếu còn gặp khó khăn gì, đề nghị các cơ quan và các đoàn thể phản ảnh về Nha Khí tượng nghiên cứu trình Chính phủ giải quyết.
GIÁM ĐỐC NHA KHÍ TƯỢNG |
Thông tư 01-VLĐC-1967 giải thích và hướng dẫn thi hành Quyết định 121-CP-1967 về việc tính lịch và quản lý lịch của Nhà nước do Nha khí tượng ban hành
- Số hiệu: 01-VLĐC
- Loại văn bản: Thông tư
- Ngày ban hành: 19/08/1967
- Nơi ban hành: Nha Khí tượng
- Người ký: Nguyễn Xiển
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra