Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG LÂM
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01-NL-TT

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 1956

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CÁC ỦY BAN HÀNH CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC QUỐC DOANH NÔNG LÂM NGHIỆP VÀ CÁC CƠ SỞ THÍ NGHIỆM THUỘC BỘ NÔNG LÂM

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM

Kính gửi:

- Các ông Giám đốc:
- Sở Quốc doanh Nông nghiệp,
- Sở Quốc doanh Lâm khẩn,
- Viện Khảo cứu Nông lâm,
- Vụ Ngư nghiệp,
- Các ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính các liên khu,
- Các ông Chủ tịch Ủy ban Hành chính các tỉnh

Sự liên hệ giữa Ủy ban các cấp với Quốc doanh Nông lâm nghiệp và các trại thí nghiệm từ trước đến nay chưa được quy định rõ ràng, do vậy trong lề lối làm việc đã có những khó khăn ảnh hưởng đến công tác.

Thông tư này đặt rõ nhiệm vụ, quyền hạn và lề lối làm việc của các Uỷ ban các cấp đối với Quốc doanh Nông lâm nghiệp và các trại thí nghiệm về việc lãnh đạo, tham gia của các Ủy ban được chặt chẽ.

A. CÁC QUỐC DOANH NÔNG LÂM NGHIỆP

Các Quốc doanh Nông lâm nghiệp (các Quốc doanh Nông nghiệp, các chi nhánh Quốc doanh Lâm khân) đều tổ chức theo hệ thống song trùng lãnh đạo. Mọi quyền quyết định đều tập trung về Bộ hoặc được Bộ uỷ nhiệm cho các Sở ở Trung ương. Các Quốc doanh chịu trách nhiệm trước Bộ về việc thực hiện các chủ trương, chương trình, kế hoạch công tác do Bộ đã ấn định.

Để giúp Bộ lãnh đạo được sát và kịp thời, cần có sự tham gia lãnh đạo của các Uỷ ban. Bộ quy định sau đây nhiệm vụ quyền hạn của Ủy ban Hành chính các cấp với các Quốc doanh Nông nghiệp, Quốc doanh Lâm khẩn.

1) Nguyên tắc liên hệ

- Các Ủy ban Hành chính tỉnh trực tiếp tham gia lãnh đạo các Quốc doanh Nông nghiệp và chi nhánh Quốc doanh Lâm khẩn trong tỉnh mình.

- Các Ủy ban Hành chính liên khu tham gia lãnh đạo các Quốc doanh Nông nghiệp và chi nhánh Quốc doanh Lâm khẩn qua các Ủy ban tỉnh.

2) Nhiệm vụ, quyền hạn của các Uỷ ban Hành chính liên khu và tỉnh đối với các Quốc doanh Nông lâm nghiệp:

a) Tham gia ý kiến vào việc lập chương trình kế hoạch công tác và theo dõi đôn đốc Quốc doanh thực hiện. Các Ủy ban không chỉ thị trực tiếp cho các Quốc doanh thực hiện các chủ trương kế hoạch sản xuất; nhưng có quyền ra vấn đề, và có nhận xét hoặc gửi thẳng cho Quốc doanh và sao trình Bộ nếu vấn đề không quan trọng lắm hoặc gửi kèm lên cho Bộ nếu là vấn đề quan trọng.

b) Kiểm soát việc sử dụng tài chính, tài sản, dự các hội đồng giám định tài sản cuối năm và bất thường. Khi xét cần, các Uỷ ban sẽ đề nghị với Bộ để Bộ cho thành lập hoặc uỷ nhiệm cho Ủy ban thành lập các đoàn kiểm tra về mặt công tác này.

c) Theo dõi, giúp đỡ, giáo dục và kiểm tra cán bộ công nhân viên về phương diện chính trị: tổ chức học tập chính trị và tham gia ý kiến, giúp đỡ về các vấn đề cán bộ khác (kiểm tra thi hành luật lao động, tổ chức cơ sở công nhân) …

d) Lãnh đạo, hướng dẫn các Quốc doanh trong việc bảo vệ chính trị: bảo vệ an toàn cơ sở, bảo vệ tài sản, tài liệu, cán bộ công nhân viên.

e) Giúp đỡ thực hiện kế hoạch lao động, tiếp liệu và kế hoạch phân phối tiêu thụ sản phẩm.

g) Theo dõi tình hình chung, nhận xét, đề nghị chủ trương lên Bộ khi thấy cần thiết.

h) Triệu tập các Quản đốc đến để hỏi về tình hình công việc ở Quốc doanh, hoặc để dự các hội nghị do Ủy ban tổ chức trong những trường hợp có liên quan công tác.

3) Nhiệm vụ các Quốc doanh Nông lâm nghiệp đối với các Ủy ban:

Nói chung, các Quốc doanh phải chịu sự tham gia lãnh đạo của các Uỷ ban như đã quy định trên. Cụ thể cần chú ý các việc:

- Hỏi ý kiến Ủy ban khi lập chương trình kế hoạch công tác và các vấn đề khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban như ghi trên.

- Gửi báo cáo thường kỳ và bất thường nếu xét cần về hoạt động của Quốc doanh đến Uỷ ban tỉnh và sao gửi cho Uỷ ban khu.

B. CÁC CƠ SỞ THÍ NGHIỆM

Các trại thí nghiệm trồng trọt và chăn nuôi Bộ đặt ở các địa phương là những cơ sở trực thuộc Trung ương do các cơ quan Trung ương thuộc Bộ lãnh đạo về mọi mặt nhưng để giúp cho sự lãnh đạo của Bộ được sát và kịp thời, cũng như đối với các Quốc doanh cần có sự tham gia lãnh đạo của các Ủy ban áp dụng các điểm trên như quy định đối với các Quốc doanh.

C. LIÊN HỆ GIỮA UỶ BAN HÀNH CHÍNH XÃ VỚI CÁC QUỐC DOANH NÔNG LÂM NGHIỆP VÀ CÁC CƠ SỞ THÍ NGHIỆM

- Công nhân và nhân viên thường xuyên làm việc trong các Quốc doanh nông lâm nghiệp và các trại thí nghiệm hay các cơ sở quốc doanh đều là công nhân viên của Chính phủ và sinh hoạt chính trị trong các công phân đoàn, không có liên hệ hành chính đối với Ủy ban Hành chính xã. Riêng các gia đình cán bộ công nhân viên ở trong phạm vi trại nhưng không làm việc cho trại thì chịu sự điều khiển về hành chính của chính quyền xã sở tại như công dân thường.

- Nhân dân ở trong địa hạt các quốc doanh và các trại thí nghiệm và các xã lân cận được tuyển làm công nhân bất thường hoặc khoán đều chịu sự điều khiển về hành chính của chính quyền sở tại như những công dân thường trong lúc không làm việc với trại.

- Các Ủy ban Hành chính xã trong phạm vi quyền hạn của mình, có nhiệm vụ giúp đỡ các quốc doanh và các trại thí nghiệm về mọi mặt cần thiết đặc biệt trong việc bảo vệ an toàn cơ sở, bảo vệ tài sản, cán bộ công nhân viên, tuyển dụng nhân công …

- Các quốc doanh và các trại thí nghiệm có nhiệm vụ giáo dục cán bộ công nhân viên tôn trọng các luật lệ của chính quyền sở tại, động viên cán bộ công nhân viên tham gia giúp đỡ các Ủy ban Hành chính xã và nhân dân địa phương trong phạm vi có điều kiện như: hướng dẫn, trao đổi về kỹ thuật canh tác…

K.T BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG LÂM
THỨ TRƯỞNG




Lê Duy Trinh

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 01-NL-TT năm 1956 quy định nhiệm vụ, quyền hạn các Ủy ban Hành chính đối với các Quốc doanh Nông lâm nghiệp và các cơ sở thí nghiệm thuộc Bộ Nông lâm do Bộ Nông lâm ban hành

  • Số hiệu: 01-NL-TT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 11/01/1956
  • Nơi ban hành: Bộ Nông lâm
  • Người ký: Lê Duy Trinh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 43
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản