Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 01/2020/TT-BGTVT

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2020

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ BÁO CÁO VÀ ĐIỀU TRA TAI NẠN HÀNG HẢI

Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam số 95/2015/QH13 ngày 25 tháng 11 năm 2015;

Căn cứ Bộ luật về các tiêu chuẩn và khuyến nghị quốc tế đi với hoạt động điều tra tai nạn hoặc sự cố hàng hải của T chức Hàng hải quốc tế (IMO);

Căn cứ Nghị định số 12/2017/NĐ-CP ngày 10 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu t chức của Bộ Giao thông vận tải;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định v báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải trong các trường hợp sau đây:

a) Tai nạn hàng hải liên quan đến tàu biển Việt Nam;

b) Tai nạn hàng hải liên quan đến tàu biển nước ngoài khi hoạt động tại: vùng nước cảng biển, vùng nội thủy và lãnh hải của Việt Nam; vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong trường hợp tai nạn đó có liên quan đến tàu thuyền Việt Nam, các công trình, thiết bị ngoài khơi của Việt Nam hoặc gây ô nhiễm môi trường.

2. Các quy định của Thông tư này cũng được áp dụng để điều tra tai nạn xảy ra đối với tàu công vụ, thủy phi cơ trong các vùng nước cảng biển Việt Nam; phương tiện thủy nội địa mang cấp VR-SB, kho chứa nổi, giàn di động trong các vùng nước cảng biển Việt Nam và trên vùng biển Việt Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Tai nạn hàng hải là sự kiện liên quan trực tiếp đến hoạt động của tàu biển gây ra một trong những hậu quả sau: làm chết người, mất tích, bị thương nặng; làm cho tàu biển đâm va; hư hỏng nghiêm trọng đến cấu trúc tàu; làm cho tàu mất tích, chìm đắm, mắc cạn, mất khả năng điều động; làm hư hỏng kết cấu hạ tầng hàng hải hoặc gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Tai nạn hàng hải không bao gồm những hành vi cố ý gây thiệt hại đối với con người, tàu biển, kết cấu hạ tầng hàng hải hoặc môi trường.

2. Sự cố hàng hải là sự việc xảy ra liên quan trực tiếp đến hoạt động của tàu biển mà không phải là tai nạn hàng hải được quy định tại khoản 1 Điều này gây nguy hiểm hoặc nếu không được khắc phục sẽ gây nguy hiểm cho an toàn của tàu con người hoặc môi trường.

Điều 4. Phân loại mức độ tai nạn hàng hải

1. Tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng là tai nạn hàng hải gây ra một trong các thiệt hại dưới đây:

a) Làm chết hoặc mất tích người;

b) Làm tàu biển bị chìm đắm hoặc mất tích;

c) Làm tràn ra môi trường từ 100 tấn dầu trở lên hoặc từ 50 tấn hóa chất độc hại trở lên;

d) Làm ngưng trệ giao thông trên luồng hàng hải từ 48 giờ trở lên.

2. Tai nạn hàng hải nghiêm trọng là tai nạn hàng hải không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này và gây ra một trong các thiệt hại dưới đây:

a) Làm tàu biển bị cháy, nổ, mắc cạn từ 24 giờ trở lên, làm hư hỏng kết cấu của tàu ảnh hưởng đến khả năng đi biển của tàu;

b) Làm tràn ra môi trường từ 20 tấn dầu đến dưới 100 tấn dầu hoặc từ 10 tấn hóa chất đến dưới 50 tấn hóa chất độc hại;

c) Làm ngưng trệ giao thông trên luồng hàng hải từ 24 giờ đến dưới 48 giờ.

3. Tai nạn hàng hải ít nghiêm trọng là sự cố hàng hải hoặc tai nạn hàng hải xảy ra ngoài các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

Điều 5. Trách nhiệm của thuyền trưởng, chủ tàu, người quản lý tàu, người khai thác tàu và các tổ chức, cá nhân liên quan tới tai nạn hàng hải

1. Thuyền trưởng, chủ tàu, người quản lý tàu, người khai thác tàu và các tổ chức, cá nhân liên quan tới tai nạn hàng hải có trách nhiệm báo cáo tai nạn hàng hải cho Cảng vụ hàng hải hoặc Cục Hàng hải Việt Nam hoặc Bộ Giao thông vận tải nhanh chóng, chính xác theo quy định tại Thông tư này.

2. Thuyền trưởng của tàu biển liên quan tới tai nạn hàng hải có trách nhiệm tổ chức cứu nạn nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả phù hợp với điều kiện an toàn của tàu.

3. Thuyền trưởng, thuyền viên của tàu biển liên quan tới tai nạn hàng hải có trách nhiệm tổ chức bảo vệ hiện trường tai nạn và thiết bị ghi dữ liệu hành trình tại thời điểm xảy ra tai nạn hàng hải và cung cấp các chứng cứ liên quan đến tai nạn hàng hải cho cơ quan điều tra.

4. Thuyền trưởng, thuyền viên của tàu biển và các tổ chức, cá nhân liên quan tới tai nạn hàng hải có trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực và kịp thời cho cơ quan điều tra và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin cung cấp.

5. Đối với tai nạn hàng hải gây tổn thất về thân thể thuyền viên thì thuyền trưởng, chủ tàu, người sử dụng lao động, ngoài nghĩa vụ báo cáo theo quy định của Thông tư này, phải thực hiện việc khai báo tai nạn lao động hàng hải theo quy định pháp luật.

Chương II

BÁO CÁO TAI NẠN HÀNG HẢI

Điều 6. Báo cáo tai nạn hàng hải

1. Báo cáo tai nạn hàng hải bao gồm Báo cáo khẩn, Báo cáo chi tiết, Báo cáo định kỳ theo quy định tại các Phụ lục 1, 23 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Nội dung Báo cáo tai nạn hàng hải phải trung thực, chính xác, đúng thời hạn.

Điều 7. Báo cáo khẩn

1. Báo cáo khẩn thực hiện như sau:

a) Trong trường hợp tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam, thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm cao nhất trên tàu biển phải gửi ngay Báo cáo khẩn cho Cảng vụ hàng hải nơi gần nhất. Trường hợp những người này không thực hiện được Báo cáo khẩn thì chủ tàu hoặc đại lý tàu biển liên quan đến tai nạn có trách nhiệm báo cáo.

b) Cảng vụ hàng hải nơi gần nhất khi nhận được Báo cáo khẩn hoặc biết tin về tai nạn hàng hải xảy ra có trách nhiệm chuyển ngay Báo cáo khẩn hoặc các thông tin đó cho các cơ quan, tổ chức sau đây: Cảng vụ hàng hải được giao quản lý khu vực tàu xảy ra tai nạn; Cục Hàng hải Việt Nam; Tổng Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải, nếu tai nạn gây hư hỏng, làm mất tác dụng các thiết bị trợ giúp hàng hải hoặc ảnh hưởng đến an toàn hàng hải của tàu thuyền; tổ chức, cá nhân quản lý hoặc khai thác các công trình, thiết bị nếu tai nạn gây hư hỏng, thiệt hại cho các công trình, thiết bị này; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu tai nạn gây ra hoặc có khả năng gây ra ô nhiễm môi trường hoặc tổn hại đến nguồn lợi thủy sản.

2. Trường hợp tai nạn hàng hải liên quan đến tàu biển Việt Nam khi hoạt động trong vùng biển của quốc gia khác, thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm cao nhất trên tàu biển hoặc chủ tàu phải báo cáo theo yêu cầu của quốc gia ven biển nơi tàu bị tai nạn và gửi ngay Báo cáo khẩn cho Cục Hàng hải Việt Nam. Nếu tai nạn thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng, thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm cao nhất trên tàu biển hoặc chủ tàu phải báo cáo cho cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại quốc gia ven biển nơi tàu bị tai nạn biết để hỗ trợ giải quyết.

3. Trường hợp tai nạn hàng hải liên quan đến tàu biển Việt Nam khi hoạt động ở vùng biển quốc tế, thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm cao nhất trên tàu biển hoặc chủ tàu phải gửi ngay Báo cáo khẩn cho Cục Hàng hải Việt Nam.

4. Báo cáo khẩn có thể được chuyển trực tiếp hoặc gửi bằng các phương thức thông tin liên lạc phù hợp.

5. Đối với tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng, sau khi nhận được Báo cáo khẩn, Cục Hàng hải Việt Nam phải báo cáo ngay cho Bộ Giao thông vận tải.

6. Cục Hàng hải Việt Nam thông báo cho Chính quyền hàng hải của quốc gia tàu mang cờ đối với tai nạn hàng hải xảy ra trong các trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 của Thông tư này.

Điều 8. Báo cáo chi tiết

Tiếp theo Báo cáo khẩn, thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm cao nhất trên tàu biển phải gửi Báo cáo chi tiết theo thời hạn quy định dưới đây:

1. Trường hợp tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển và vùng nội thủy của Việt Nam, Báo cáo chi tiết phải gửi Cảng vụ hàng hải được giao quản lý tại khu vực vùng nước đó trong vòng 24 giờ, kể từ khi tai nạn xảy ra.Trường hợp không thể hoàn thành Báo cáo chi tiết trong vòng 24 giờ thì phải tiến hành báo cáo bổ sung nhưng không chậm hơn 48 giờ kể từ khi tai nạn xảy ra.

2. Trường hợp tai nạn hàng hải xảy ra trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 2 của Thông tư này, sau khi xảy ra tai nạn, tàu vào neo đậu tại vùng nước cảng biển Việt Nam, Báo cáo chi tiết phải gửi Cảng vụ hàng hải được giao quản lý tại khu vực vùng nước đó trong vòng 24 giờ, kể từ khi tàu vào neo đậu tại vị trí được chỉ định. Trường hợp sau khi xảy ra tai nạn, tàu không vào neo đậu tại vùng nước cảng biển Việt Nam, Báo cáo chi tiết phải gửi Cục Hàng hải Việt Nam trong vòng 48 giờ, kể từ khi tàu hoặc thuyền viên của tàu bị nạn đến cảng ghé đầu tiên.

3. Trường hợp tai nạn hàng hải liên quan đến tàu biển Việt Nam khi hoạt động ở vùng biển quốc tế và vùng biển của quốc gia khác, sau khi xảy ra tai nạn, tàu vào neo đậu tại vùng nước cảng biển Việt Nam, Báo cáo chi tiết phải gửi Cảng vụ hàng hải được giao quản lý tại khu vực vùng nước đó trong vòng 24 giờ, kể từ khi tàu vào neo đậu tại vị trí được chỉ định. Trường hợp sau khi xảy ra tai nạn, tàu không vào neo đậu tại vùng nước cảng biển Việt Nam, Báo cáo chi tiết phải được gửi Cục Hàng hải Việt Nam trong vòng 48 giờ, kể từ khi tàu đến cảng ghé đầu tiên.

Điều 9. Báo cáo định kỳ

1. Định kỳ sáu tháng và hàng năm, Cảng vụ hàng hải phải lập báo cáo bằng văn bản và gửi Cục Hàng hải Việt Nam về các tai nạn hàng hải xảy ra theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Định kỳ sáu tháng và hàng năm, Cục Hàng hải Việt Nam phải lập báo cáo bằng văn bản và gửi Bộ Giao thông vận tải về các tai nạn hàng hải theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Thời hạn báo cáo:

a) Thời hạn gửi báo cáo sáu tháng: Cảng vụ hàng hải chậm nhất là ngày 16 tháng 6 hàng năm và Cục Hàng hải Việt Nam chậm nhất là ngày 20 tháng 6 hàng năm, báo cáo 6 tháng cuối năm được thay thế bằng báo cáo năm;

b) Thời hạn gửi báo cáo năm: Cảng vụ hàng hải chậm nhất ngày 16 tháng 12 hàng năm và Cục Hàng hải Việt Nam chậm nhất là ngày 20 tháng 12 hàng năm.

Chương III

ĐIỀU TRA TAI NẠN HÀNG HẢI

Điều 10. Mục đích, yêu cầu điều tra tai nạn hàng hải

1. Điều tra tai nạn hàng hải là việc xác định điều kiện, hoàn cảnh, nguyên nhân hay những khả năng có thể là nguyên nhân gây ra tai nạn hàng hải nhằm có những biện pháp hữu hiệu phòng tránh và hạn chế tai nạn tương tự.

2. Điều tra tai nạn hàng hải không xác định trách nhiệm hay nghĩa vụ pháp lý của các bên.

3. Tai nạn hàng hải phải được điều tra đúng quy định, kịp thời, toàn diện và khách quan.

Điều 11. Các trường hợp điều tra tai nạn hàng hải

1. Tai nạn hàng hải nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng phải được điều tra.

2. Các tai nạn hàng hải ít nghiêm trọng có thể được điều tra hay không điều tra do Giám đốc Cảng vụ hàng hải quyết định. Trường hợp không điều tra, Cảng vụ hàng hải phải báo cáo Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 12. Tổ chức điều tra tai nạn hàng hải

1. Thẩm quyền điều tra tai nạn hàng hải

a) Giám đốc Cảng vụ hàng hải khu vực có trách nhiệm tổ chức điều tra tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển thuộc phạm vi quản lý và tai nạn hàng hải khác do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam giao;

b) Trong trường hợp tai nạn hàng hải xảy ra tại vùng nước cảng biển, tàu biển liên quan đến tai nạn tiếp tục hành trình đến vị trí neo đậu được chỉ định tại vùng nước cảng biển khác, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định giao tổ chức điều tra tai nạn hàng hải đó cho Cảng vụ hàng hải nơi xảy ra tai nạn hoặc nơi tàu biển neo đậu. Khi tàu đến vị trí neo đậu được chỉ định trong vùng nước cảng biển thuộc khu vực quản lý, Giám đốc Cảng vụ hàng hải có trách nhiệm cử ngay người có chuyên môn, nghiệp vụ lên tàu kiểm tra hiện trường và thu thập các chứng cứ.

c) Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định giao tổ chức điều tra tai nạn hàng hải xảy ra ngoài vùng nước cảng biển Việt Nam cho một Cảng vụ hàng hải phù hợp.

2. Khi nhận được thông tin về tai nạn hàng hải trong vùng nước cảng biển thuộc khu vực quản lý, trong điều kiện cho phép, Giám đốc Cảng vụ hàng hải phải cử người có chuyên môn nghiệp vụ đến ngay hiện trường xảy ra tai nạn hàng hải và lên tàu kiểm tra hiện trường, xem xét các vị trí làm việc và thu thập các chứng cứ cần thiết cho công tác điều tra. Khi tiến hành các công việc này, nhất thiết phải lập biên bản và có sự chứng kiến, xác nhận của người có thẩm quyền trên tàu và tránh ảnh hưởng đến sự vận hành an toàn của tàu. Người được cử đến hiện trường sẽ là thành viên của Tổ điều tra tai nạn hàng hải được quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Giám đốc Cảng vụ hàng hải tổ chức điều tra tai nạn hàng hải có trách nhiệm ra quyết định thành lập Tổ điều tra tai nạn hàng hải.

4. Trong quá trình điều tra tai nạn hàng hải, nếu phát hiện có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì Giám đốc Cảng vụ hàng hải thông báo cho cơ quan điều tra có thẩm quyền và chuyển giao hồ sơ, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ tai nạn hàng hải theo yêu cầu của cơ quan điều tra có thẩm quyền; trước khi chuyển giao, hồ sơ, tài liệu phải được sao y hoặc phô tô để lưu lại phục vụ việc điều tra tai nạn hàng hải; việc chuyển giao hồ sơ, tài liệu, chứng cứ phải được lập thành biên bản bàn giao.

5. Đối với tai nạn hàng hải mà các cơ quan khác có thực hiện điều tra theo thẩm quyền, việc điều tra tai nạn hàng hải vẫn được tiến hành theo quy định của Thông tư này.

6. Cục Hàng hải Việt Nam thông báo cho các chính quyền hàng hải của quốc gia tàu mang cờ về việc điều tra tai nạn hàng hải đối với các tàu nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều 2 của Thông tư này.

7. Giám đốc Cảng vụ hàng hải được tạm giữ tàu biển không quá 05 ngày để thu thập chứng cứ phục vụ công tác điều tra. Việc tạm giữ quá thời hạn trên trong trường hợp tai nạn xảy ra trong vùng nước cảng biển sẽ do Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Cảng vụ hàng hải, thời gian gia hạn tạm giữ không quá 05 ngày; trường hợp tai nạn xảy ra ngoài vùng nước cảng biển thì thời gian gia hạn tạm giữ tàu biển do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải xem xét, quyết định trên cơ sở đề nghị của Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 13. Thỏa thuận điều tra tai nạn hàng hải

Trong trường hợp cần thiết, Cục Hàng hải Việt Nam thỏa thuận điều tra tai nạn hàng hải như sau:

1. Đối với các vụ tai nạn hàng hải liên quan đến tàu biển nước ngoài, Cục Hàng hải Việt Nam thỏa thuận với Chính quyền hàng hải của quốc gia tàu mang cờ về việc điều tra tai nạn hàng hải phù hợp với điều kiện thực tế và hoàn cảnh, địa điểm xảy ra tai nạn hàng hải.

2. Đối với các vụ tai nạn hàng hải liên quan đến tàu biển Việt Nam xảy ra ở nước ngoài, Cục Hàng hải Việt Nam thỏa thuận với Chính quyền hàng hải của quốc gia ven biển về việc điều tra tai nạn hàng hải phù hợp với điều kiện thực tế và hoàn cảnh, địa điểm xảy ra tai nạn hàng hải.

3. Trường hợp không thỏa thuận được với Chính quyền hàng hải của quốc gia tàu mang cờ, quốc gia ven biển, tai nạn hàng hải được tiến hành điều tra độc lập theo quy định của Thông tư này.

Điều 14. Tổ điều tra tai nạn hàng hải và thành viên của Tổ điều tra tai nạn hàng hải

1. Tổ điều tra tai nạn hàng hải

a) Tổ điều tra tai nạn hàng hải phải có Tổ trưởng trực tiếp điều hành và tối thiểu phải có 01 Tổ phó giúp việc cho Tổ trưởng, 01 tổ viên do Giám đốc Cảng vụ hàng hải quyết định theo thẩm quyền;

b) Trong trường hợp cần thiết, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam bổ sung người có chuyên môn phù hợp cùng tham gia Tổ điều tra tai nạn hàng hải. Giám đốc Cảng vụ hàng hải căn cứ chỉ đạo của Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam để quyết định thành lập Tổ điều tra tai nạn hàng hải.

2. Thành viên Tổ điều tra tai nạn hàng hải phải đáp ứng các điều kiện sau: là thuyền trưởng, máy trưởng hoặc kỹ sư các chuyên ngành điều khiển tàu biển, vận hành máy tàu biển, khai thác máy tàu biển, đóng tàu, điện và điện tự động tàu thủy, luật hàng hải hoặc ngành nghề tương đương; có thời gian kinh nghiệm thực tế với ngành nghề đã học tối thiểu 05 năm và đã qua các khóa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về điều tra tai nạn hàng hải.

Điều 15. Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổ điều tra tai nạn hàng hải

1. Lập kế hoạch điều tra, xây dựng dự toán kinh phí điều tra thực hiện điều tra tai nạn hàng hải theo quy định của Thông tư này và các quy định có liên quan khác của pháp luật. Kế hoạch điều tra phải được Giám đốc Cảng vụ hàng hải phê duyệt. Báo cáo bằng văn bản về quá trình điều tra và kết quả điều tra tai nạn hàng hải cho Giám đốc Cảng vụ hàng hải thành lập Tổ điều tra tai nạn hàng hải.

2. Thông báo bằng văn bản cho thuyền trưởng hoặc người có trách nhiệm cao nhất trên tàu biển, chủ tàu và đại lý tàu biển về việc tiến hành điều tra tai nạn hàng hải, Nội dung thông báo bao gồm những thông tin chính sau đây:

a) Tai nạn hàng hải được điều tra;

b) Thời gian và địa điểm cuộc điều tra bắt đầu;

c) Tên và địa chỉ liên hệ của Tổ điều tra tai nạn hàng hải;

d) Quyền và nghĩa vụ của các bên đối với cuộc điều tra tai nạn hàng hải.

3. Sử dụng trang bị, thiết bị cần thiết để phục vụ điều tra tai nạn hàng hải.

4. Yêu cầu các bên liên quan đến tai nạn hàng hải có biện pháp giữ nguyên hiện trường và bảo vệ các chứng cứ liên quan theo yêu cầu của việc điều tra tai nạn hàng hải.

5. Yêu cầu những người liên quan đến tai nạn hàng hải tường trình bằng văn bản những vấn đề họ biết về điều kiện, hoàn cảnh, diễn biến của tai nạn hàng hải và đối tượng liên quan đến tai nạn hàng hải. Trong trường hợp cần thiết, phải thẩm vấn những người này thì phải thông báo cho họ biết trước về thời gian, địa điểm tiến hành thẩm vấn.

6. Yêu cầu thuyền trưởng, người có trách nhiệm liên quan cung cấp bản sao các nhật ký của tàu, hải đồ khu vực tàu bị nạn và các biên bản, tài liệu cần thiết khác về tàu và trang bị, thiết bị trên tàu.

7. Yêu cầu tổ chức phân cấp và giám sát kỹ thuật tàu, chủ tàu, đại lý tàu biển, tổ chức thông tin hàng hải, trung tâm phối hợp tìm kiếm - cứu nạn hàng hải, trung tâm điều hành hệ thống giám sát giao thông tàu thuyền, bảo đảm an toàn hàng hải, hoa tiêu hàng hải và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khác cung cấp thông tin cần thiết để phục vụ điều tra tai nạn hàng hải.

8. Kiểm tra, thu thập bản sao các giấy tờ đăng ký, đăng kiểm, bảo hiểm của tàu, các giấy tờ cần thiết khác có liên quan và các loại chứng chỉ chuyên môn của thuyền viên để phục vụ điều tra tai nạn hàng hải.

9. Ghi âm, chụp ảnh, ghi hình, khảo sát, trưng cầu giám định và thực hiện những công việc khác nếu thấy cần thiết đối với việc điều tra tai nạn hàng hải.

10. Tổng hợp, xác minh, phân tích, đánh giá và đề xuất kết luận nguyên nhân gây ra tai nạn hàng hải. Trong trường hợp cần thiết, đề xuất Giám đốc Cảng vụ hàng hải quyết định trưng cầu ý kiến của tổ chức phân cấp và giám sát kỹ thuật tàu hoặc các cơ quan chuyên môn liên quan.

11. Lập Báo cáo điều tra tai nạn hàng hải.

12. Lưu trữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu và các vật chứng có liên quan đến tai nạn hàng hải theo đúng quy định.

13. Tổ chức dịch sang tiếng Anh Dự thảo Báo cáo điều tra tai nạn, Báo cáo điều tra tai nạn đối với các vụ tai nạn hàng hải đặc biệt nghiêm trọng và các vụ tai nạn hàng hải liên quan đến tàu mang cờ quốc tịch nước ngoài.

14. Tổ chức điều tra lại tai nạn hàng hải theo quy định tại Điều 20 của Thông tư này.

Điều 16. Thời hạn điều tra tai nạn hàng hải

1. Đối với tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển Việt Nam thì thời hạn điều tra không quá 60 ngày kể từ ngày tai nạn hàng hải xảy ra; đối với các tai nạn hàng hải xảy ra ngoài vùng nước cảng biển thì thời hạn điều tra không quá 60 ngày kể từ ngày được giao điều tra tai nạn hàng hải.

2. Trong trường hợp phức tạp, nếu việc điều tra tai nạn hàng hải không thể hoàn thành theo thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này, trên cơ sở đề xuất của Tổ trưởng Tổ điều tra tai nạn hàng hải, Giám đốc Cảng vụ hàng hải phải kịp thời báo cáo bằng văn bản cho Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam xem xét, quyết định gia hạn thời gian điều tra tai nạn hàng hải.

Điều 17. Trình tự thực hiện điều tra tai nạn hàng hải

1. Thành lập Tổ điều tra tai nạn hàng hải.

2. Lập Kế hoạch điều tra tai nạn hàng hải.

3. Lập dự toán kinh phí điều tra tai nạn hàng hải.

4. Thông báo cho các bên liên quan về việc tiến hành điều tra.

5. Phỏng vấn thuyền viên, nhân chứng; tổng hợp các thông tin thu thập được. Nếu thấy cần thiết, có thế tiến hành kiểm tra và phỏng vấn bổ sung để làm rõ những vấn đề còn nghi vấn.

6. Căn cứ quy định của pháp luật về hàng hải, tiến hành phân tích các thông tin thu thập được, kể cả các kết luận giám định vật mẫu, vết tích liên quan đến tai nạn hàng hải,

7. Lập Dự thảo Báo cáo điều tra tai nạn hàng hải gửi các bên liên quan để góp ý theo quy định tại Điều 18 Thông tư này.

8. Công bố Báo cáo điều tra tai nạn hàng hải.

Điều 18. Dự thảo Báo cáo điều tra tai nạn hàng hải

1. Sau khi lập Dự thảo Báo cáo điều tra tai nạn hàng hải, Tổ điều tra gửi một bản Dự thảo cho chủ tàu, người quản lý tàu, người khai thác tàu có liên quan, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam (nếu tai nạn xảy ra có liên quan đến phương tiện thủy nội địa) và Cục Hàng hải Việt Nam để góp ý về bản Dự thảo Báo cáo. Sau khi nhận được Dự thảo Báo cáo điều tra tai nạn hàng hải từ Tổ điều tra, Cục Hàng hải Việt Nam gửi một bản Dự thảo Báo cáo cho Chính quyền hàng hải của quốc gia tàu mang cờ để góp ý (đối với tai nạn hàng hải liên quan đến tàu biển nước ngoài).

2. Chính quyền hàng hải của quốc gia tàu mang cờ, chủ tàu, người quản lý tàu, người khai thác tàu có liên quan không được phổ biến, công bố hoặc cho phép tiếp cận Dự thảo Báo cáo hoặc bất cứ phần nào của Dự thảo Báo cáo khi chưa có sự đồng ý của Tổ điều tra tai nạn hàng hải, Giám đốc Cảng vụ hàng hải hoặc Cục Hàng hải Việt Nam.

3. Chậm nhất 30 ngày hoặc trong thời gian thống nhất giữa Tổ điều tra và các bên liên quan nhưng không quá 30 ngày, kể từ ngày gửi Dự thảo Báo cáo, Chính quyền hàng hải của quốc gia tàu mang cờ, chủ tàu, người quản lý tàu, người khai thác tàu có liên quan có ý kiến đóng góp về bản Dự thảo Báo cáo. Quá thời hạn trên, nếu chưa nhận được ý kiến đóng góp, Tổ điều tra tiến hành trình Báo cáo điều tra tai nạn hàng hải để Giám đốc Cảng vụ hàng hải ký, công bố Báo cáo điều tra tai nạn hàng hải.

Điều 19. Báo cáo điều tra tai nạn hàng hải

1. Báo cáo điều tra tai nạn hàng hải bao gồm các thông tin chính sau:

a) Tóm tắt các yếu tố cơ bản của tai nạn hàng hải và nêu rõ số người chết, mất tích, bị thương hoặc tình trạng ô nhiễm môi trường;

b) Thông tin về quốc tịch, chủ tàu, công ty quản lý tàu, khai thác tàu nêu trong giấy chứng nhận quản lý an toàn và tổ chức phân cấp;

c) Các thông số chính của tàu, động cơ của tàu; thông tin về thời gian làm việc, nghỉ ngơi của thuyền viên và các công việc đã thực hiện trước khi xảy ra tai nạn hàng hải;

d) Mô tả chi tiết về hoàn cảnh xảy ra tai nạn hàng hải;

đ) Phân tích, lập luận và chứng minh các yếu tố dẫn đến nguyên nhân của tai nạn hàng hải;

e) Đề xuất áp dụng các biện pháp nhằm phòng ngừa các tai nạn hàng hải tương tự.

2. Tổ điều tra tai nạn hàng hải phải gửi Báo cáo điều tra tai nạn hàng hải tới Chính quyền hàng hải của quốc gia tàu mang cờ, chủ tàu, người quản lý tàu, người khai thác tàu có liên quan và Cục Hàng hải Việt Nam chậm nhất vào ngày kết thúc thời hạn điều tra tai nạn hàng hải. Bản sao Báo cáo điều tra tai nạn hàng hải có thể được cấp cho cá nhân hoặc pháp nhân khác có liên quan trực tiếp đến tai nạn, nếu có yêu cầu bằng văn bản.

3. Tổ điều tra tai nạn hàng hải phải gửi một bộ bản chụp hồ sơ (nếu có yêu cầu) và hai bản Báo cáo điều tra tai nạn liên quan đến việc điều tra tai nạn đặc biệt nghiêm trọng tới Cục Hàng hải Việt Nam.

4. Đối với tai nạn hàng hải nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm gửi Bộ Giao thông vận tải và Tổ chức Hàng hải quốc tế ngay sau khi có kết luận điều tra tai nạn hàng hải.

5. Báo cáo điều tra tai nạn hàng hải được Cục Hàng hải Việt Nam phổ biến công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục Hàng hải Việt Nam.

Điều 20. Điều tra lại tai nạn hàng hải

Trong trường hợp có những bằng chứng mới được cung cấp hay thu thập được mà những bằng chứng này làm thay đổi cơ bản nguyên nhân của vụ tai nạn hàng hải, Giám đốc Cảng vụ hàng hải quyết định tiến hành điều tra lại vụ tai nạn đó.

Điều 21. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

Khiếu nại, tố cáo (nếu có) liên quan đến việc điều tra tai nạn hàng hải sẽ được giải quyết theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Điều 22. Kinh phí điều tra tai nạn hàng hải

Kinh phí điều tra các vụ tai nạn hàng hải thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 3 năm 2020. Bãi bỏ Thông tư số 34/2015/TT-BGTVT ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải và Thông tư số 39/2017/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 34/2015/TT-BGTVT ngày 24 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải.

Điều 24. Tổ chức thực hiện

1. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 24;
- Bộ trưởng (để báo cáo)
- Văn phòng Chính phủ (để báo cáo);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Công báo; Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng Thông tin điện tử Bộ GTVT;
- Báo Giao thông;
- Lưu: VT, ATGT(Hiếu-20).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Công

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 01/2020/TT-BGTVT quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 01/2020/TT-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 20/01/2020
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Văn Công
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 227 đến số 228
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản