Hệ thống pháp luật

Chương 2 Thông tư 01/2018/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 8. Mục đích sử dụng khoản vay đặc biệt

1. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt chỉ được sử dụng khoản vay đặc biệt quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 5 Thông tư này để chi trả tiền gửi của người gửi tiền là cá nhân tại tổ chức tín dụng, việc sử dụng khoản vay đặc biệt để chi trả tiền gửi của đối tượng khác do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định trong từng trường hợp cụ thể.

2. Các đối tượng được chi trả quy định tại khoản 1 Điều này không bao gồm:

a) Người có liên quan của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 28 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan;

b) Người điều hành của tổ chức tín dụng;

c) Người có liên quan của người quản lý, người điều hành, thành viên góp vốn hoặc cổ đông sở hữu từ 5% vốn điều lệ hoặc vốn cổ phần có quyền biểu quyết trở lên của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 28 Điều 4 Luật các tổ chức tín dụng và quy định khác của pháp luật có liên quan.

3. Tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt sử dụng khoản vay đặc biệt quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 5 Thông tư này theo thỏa thuận giữa bên cho vay và bên đi vay.

Điều 9. Mức cho vay đặc biệt

1. Mức cho vay đặc biệt quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 5 Thông tư này do Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định trên cơ sở tình hình khả năng chi trả của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.

2. Mức cho vay đặc biệt quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 5 Thông tư này thực hiện theo thỏa thuận giữa bên cho vay và bên đi vay.

Điều 10. Thời hạn cho vay đặc biệt

1. Thời hạn cho vay đặc biệt quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 5 Thông tư này do Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định nhưng tối đa là 02 năm.

2. Thời hạn cho vay đặc biệt quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 5 Thông tư này thực hiện theo thỏa thuận giữa bên cho vay và bên đi vay.

Điều 11. Lãi suất

1. Đối với khoản cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước:

a) Lãi suất cho vay đặc biệt, lãi suất gia hạn cho vay đặc biệt là lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước công bố trong từng thời kỳ tại thời điểm khoản cho vay đặc biệt được giải ngân, gia hạn;

b) Lãi suất đối với nợ gốc cho vay đặc biệt quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay đặc biệt trong hạn của khoản vay ngay trước thời điểm chuyển quá hạn, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Thông tư này.

2. Đối với khoản cho vay đặc biệt của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, tổ chức tín dụng khác:

a) Đối với khoản cho vay đặc biệt quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 5 Thông tư này, lãi suất cho vay đặc biệt, lãi suất gia hạn cho vay đặc biệt, lãi suất đối với nợ gốc cho vay đặc biệt quá hạn thực hiện theo thỏa thuận giữa bên cho vay và bên đi vay;

b) Đối với khoản cho vay đặc biệt quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 5 Thông tư này, lãi suất cho vay đặc biệt, lãi suất gia hạn cho vay đặc biệt là lãi suất ưu đãi đến mức 0% do Ngân hàng Nhà nước quyết định. Lãi suất đối với nợ gốc cho vay đặc biệt quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay đặc biệt trong hạn của khoản vay ngay trước thời điểm chuyển quá hạn.

3. Việc miễn, giảm tiền lãi cho vay đặc biệt của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, tổ chức tín dụng khác thực hiện theo thỏa thuận giữa bên cho vay và bên đi vay.

Điều 12. Gia hạn cho vay đặc biệt

1. Trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đề nghị gia hạn khoản vay đặc biệt quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 5, điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này khi phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng chưa được phê duyệt hoặc thay đổi phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng nhưng chưa được phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước xem xét việc gia hạn khoản cho vay đặc biệt trên cơ sở tình hình khả năng chi trả của tổ chức tín dụng hoặc chủ trương cơ cấu lại tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước quyết định hoặc chủ trương cơ cấu lại tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; thời gian gia hạn mỗi lần tối đa là 02 năm.

2. Trường hợp tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đề nghị gia hạn khoản vay đặc biệt quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3, điểm a khoản 4 Điều 5 Thông tư này khi phương án cơ cấu lại chưa được phê duyệt hoặc thay đổi phương án cơ cấu lại nhưng chưa được phê duyệt, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, tổ chức tín dụng cho vay xem xét, quyết định việc gia hạn khoản cho vay đặc biệt.

Điều 13. Trả nợ vay đặc biệt

1. Khi khoản vay đặc biệt đến hạn, bên đi vay phải trả hết nợ gốc, lãi vay đặc biệt cho bên cho vay. Bên đi vay có thể trả nợ vay đặc biệt trước hạn.

2. Biện pháp xử lý của Ngân hàng Nhà nước trong trường hợp bên đi vay không trả hết khoản vay đặc biệt đúng hạn và không được gia hạn:

a) Chuyển khoản cho vay đặc biệt sang theo dõi quá hạn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phương pháp tính và hạch toán thu, trả lãi trong hoạt động nhận tiền gửi và cho vay giữa Ngân hàng Nhà nước với tổ chức tín dụng; áp dụng lãi suất đối với nợ gốc quá hạn theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Thông tư này;

b) Trích tài khoản tiền gửi của tổ chức tín dụng tại Ngân hàng Nhà nước sau khi có văn bản thông báo cho tổ chức tín dụng về việc trích tài khoản tiền gửi để thu hồi nợ;

c) Thu hồi nợ từ các nguồn khác của tổ chức tín dụng.

3. Biện pháp xử lý của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, tổ chức tín dụng khác trong trường hợp bên đi vay không trả hết khoản vay đặc biệt đúng hạn và không được gia hạn:

a) Chuyển sang theo dõi quá hạn số tiền gốc, lãi cho vay đặc biệt đến hạn tổ chức tín dụng chưa trả, áp dụng lãi suất đối với nợ gốc quá hạn theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Thông tư này;

b) Thu hồi nợ theo thỏa thuận và quy định của pháp luật.

4. Khoản vay đặc biệt được ưu tiên hoàn trả trước tất cả các khoản nợ khác, kể cả các khoản nợ có tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng trong các trường hợp sau:

a) Khi đến hạn trả nợ, trừ trường hợp trong thời gian phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng chưa được phê duyệt hoặc trường hợp thay đổi phương án cơ cấu lại nhưng chưa được phê duyệt;

b) Khi giải thể, phá sản tổ chức tín dụng.

5. Trong trường hợp có nhiều bên cho vay và khoản vay đặc biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này, nếu bên đi vay không đủ nguồn để trả hết nợ vay đặc biệt cho nhiều bên cho vay thì trả nợ theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Điều 14. Trình tự Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản

1. Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và có nhu cầu vay đặc biệt, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt gửi 04 bộ hồ sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt đến Ban kiểm soát đặc biệt.

Hồ sơ đề nghị gồm:

a) Giấy đề nghị vay đặc biệt, trong đó nêu rõ: tên tổ chức tín dụng, số tài khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam mở tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, lý do, số tiền, thời hạn, lãi suất đề nghị vay, mục đích sử dụng tiền vay, cam kết sử dụng tiền vay đúng mục đích và tuân thủ quy định pháp luật về cho vay đặc biệt;

b) Báo cáo về nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc tình hình mất khả năng chi trả, các biện pháp đã áp dụng và dự kiến áp dụng để khắc phục, dự kiến nhu cầu vay đặc biệt;

c) Số liệu tiền gửi bằng đồng Việt Nam theo Phụ lục số 01 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Số liệu về nguồn vốn, sử dụng vốn bằng đồng Việt Nam theo Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

đ) Văn bản, tài liệu khác theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (nếu có).

2. Trường hợp đồng ý với đề nghị vay đặc biệt của tổ chức tín dụng, trong thời hạn tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ban kiểm soát đặc biệt gửi 02 bộ hồ sơ đề nghị đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ), 01 bộ hồ sơ đề nghị đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố (trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có nhiệm vụ thực hiện thanh tra, giám sát), kèm theo văn bản của Ban kiểm soát đặc biệt có ý kiến về các nội dung sau:

a) Tình hình hoạt động, khả năng chi trả của tổ chức tín dụng;

b) Ý kiến cụ thể tổ chức tín dụng có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống;

c) Kiến nghị cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng, ý kiến cụ thể về mức cho vay đặc biệt, mục đích, thời hạn, lãi suất cho vay đặc biệt.

3. Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của tổ chức tín dụng và văn bản ý kiến của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có ý kiến bằng văn bản gửi Vụ Chính sách tiền tệ về các nội dung sau:

a) Tình hình hoạt động, khả năng chi trả của tổ chức tín dụng;

b) Ý kiến cụ thể về việc tổ chức tín dụng thuộc hay không thuộc trường hợp có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống;

c) Ý kiến đồng ý hay không đồng ý cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng; ý kiến cụ thể về mức cho vay đặc biệt, mục đích, thời hạn, lãi suất cho vay đặc biệt, nội dung khác (nếu có); trường hợp không đồng ý cho vay đặc biệt phải nêu rõ lý do.

4. Trong thời hạn tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của tổ chức tín dụng và văn bản ý kiến của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều này, Vụ Chính sách tiền tệ gửi hồ sơ lấy ý kiến Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

5. Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị có ý kiến của Vụ Chính sách tiền tệ theo quy định tại khoản 4 Điều này, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có ý kiến bằng văn bản gửi Vụ Chính sách tiền tệ về các nội dung sau:

a) Tình hình hoạt động, khả năng chi trả của tổ chức tín dụng;

b) Ý kiến cụ thể về việc tổ chức tín dụng thuộc hay không thuộc trường hợp có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống;

c) Ý kiến đồng ý hay không đồng ý cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng; ý kiến cụ thể về mức cho vay đặc biệt, mục đích, thời hạn, lãi suất cho vay đặc biệt, đề xuất việc Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư này hoặc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam cho vay đặc biệt theo quy định tại điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 5 Thông tư này, nội dung khác (nếu có); trường hợp không đồng ý cho vay đặc biệt phải nêu rõ lý do.

6. Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến của các đơn vị theo quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều này, Vụ Chính sách tiền tệ tổng hợp, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định việc Ngân hàng Nhà nước hoặc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hoặc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cho vay đặc biệt, mức cho vay đặc biệt, mục đích, thời hạn, lãi suất cho vay đặc biệt; trường hợp không đồng ý cho vay đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng.

7. Căn cứ văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật có liên quan, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, người đại diện hợp pháp của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, người đại diện hợp pháp của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam ký hợp đồng cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

Điều 15. Trình tự Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt

1. Khi có nhu cầu vay đặc biệt theo quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 1 Điều 5 Thông tư này, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt gửi 03 bộ hồ sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho vay đặc biệt đến Ban kiểm soát đặc biệt.

Hồ sơ đề nghị bao gồm:

a) Giấy đề nghị vay đặc biệt, trong đó nêu rõ số tiền, mục đích, thời hạn, lãi suất đề nghị vay đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt, cam kết sử dụng tiền vay đúng mục đích và tuân thủ quy định của pháp luật về cho vay đặc biệt;

b) Văn bản, tài liệu khác theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (nếu có).

2. Trường hợp đồng ý với đề nghị vay đặc biệt của tổ chức tín dụng, trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của tổ chức tín dụng, Ban kiểm soát đặc biệt gửi 02 bộ hồ sơ đề nghị đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ), kèm theo văn bản kiến nghị cụ thể mức cho vay đặc biệt, mục đích, thời hạn, lãi suất cho vay đặc biệt.

3. Trong thời hạn tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của tổ chức tín dụng và văn bản ý kiến của Ban kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 2 Điều này, Vụ Chính sách tiền tệ gửi hồ sơ lấy ý kiến Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

4. Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị có ý kiến của Vụ Chính sách tiền tệ theo quy định tại khoản 3 Điều này, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có ý kiến bằng văn bản gửi Vụ Chính sách tiền tệ về các nội dung sau:

a) Nội dung về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt;

b) Ý kiến đồng ý hay không đồng ý cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng; ý kiến cụ thể về mức cho vay đặc biệt, mục đích, thời hạn, lãi suất cho vay đặc biệt, nội dung khác (nếu có); trường hợp không đồng ý cho vay đặc biệt phải nêu rõ lý do.

5. Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được ý kiến của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng theo quy định tại khoản 4 Điều này, Vụ Chính sách tiền tệ tổng hợp, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

6. Căn cứ văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật có liên quan, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố ký hợp đồng cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

Điều 16. Trình tự Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định gia hạn cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản

1. Khi có nhu cầu gia hạn khoản vay đặc biệt quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2, điểm b khoản 3 Điều 5, điểm a khoản 1 Điều 6 Thông tư này, trong thời hạn tối thiểu 40 ngày làm việc trước ngày đến hạn trả nợ, tổ chức tín dụng phải gửi hồ sơ đề nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn đến Ban kiểm soát đặc biệt.

Hồ sơ đề nghị bao gồm:

a) Giấy đề nghị gia hạn vay đặc biệt, trong đó nêu rõ: tên tổ chức tín dụng, số tài khoản tiền gửi bằng đồng Việt Nam mở tại bên cho vay, lý do, số tiền, thời hạn, lãi suất đề nghị gia hạn, cam kết tuân thủ quy định của pháp luật về cho vay đặc biệt;

b) Báo cáo về tình hình khả năng chi trả của tổ chức tín dụng;

c) Số liệu về nguồn vốn, sử dụng vốn bằng đồng Việt Nam theo Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

d) Văn bản, tài liệu khác theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước (nếu có).

2. Trường hợp đồng ý với đề nghị gia hạn khoản vay đặc biệt của tổ chức tín dụng, trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ban kiểm soát đặc biệt gửi 02 bộ hồ sơ đề nghị đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ), 01 bộ hồ sơ đề nghị đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố (trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có nhiệm vụ thực hiện thanh tra, giám sát), kèm theo văn bản có ý kiến về các nội dung sau:

a) Tình hình hoạt động, khả năng chi trả của tổ chức tín dụng;

b) Kiến nghị gia hạn cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng, ý kiến cụ thể về số tiền, thời hạn, lãi suất gia hạn.

3. Trong thời hạn tối đa 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của tổ chức tín dụng và văn bản ý kiến của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có ý kiến bằng văn bản gửi Vụ Chính sách tiền tệ về các nội dung sau:

a) Tình hình hoạt động, khả năng chi trả của tổ chức tín dụng;

b) Ý kiến đồng ý hay không đồng ý gia hạn khoản vay đặc biệt của tổ chức tín dụng; ý kiến cụ thể về số tiền, thời hạn, lãi suất gia hạn, nội dung khác (nếu có); trường hợp không đồng ý gia hạn cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng phải nêu rõ lý do.

4. Trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của tổ chức tín dụng và văn bản ý kiến của Ban kiểm soát đặc biệt quy định tại khoản 2 Điều này, Vụ Chính sách tiền tệ gửi hồ sơ lấy ý kiến Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

5. Trong thời hạn tối đa 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị có ý kiến của Vụ Chính sách tiền tệ theo quy định tại khoản 4 Điều này, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có ý kiến bằng văn bản gửi Vụ Chính sách tiền tệ về các nội dung sau:

a) Tình hình hoạt động, khả năng chi trả của tổ chức tín dụng;

b) Chủ trương cơ cấu lại tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước quyết định; chủ trương cơ cấu lại tổ chức tín dụng do Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; nội dung về khoản vay đặc biệt của tổ chức tín dụng trong chủ trương cơ cấu lại tổ chức tín dụng, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt (nếu có);

c) Ý kiến đồng ý hay không đồng ý gia hạn khoản vay đặc biệt của tổ chức tín dụng; ý kiến cụ thể về số tiền, thời hạn, lãi suất gia hạn, nội dung khác (nếu có); trường hợp không đồng ý gia hạn cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng phải nêu rõ lý do.

6. Trong thời hạn tối đa 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ ý kiến của các đơn vị theo quy định tại khoản 3, khoản 5 Điều này, Vụ Chính sách tiền tệ tổng hợp, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định việc gia hạn cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng, số tiền, thời hạn, lãi suất gia hạn; trường hợp không đồng ý gia hạn cho vay đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước có văn bản gửi tổ chức tín dụng.

7. Căn cứ văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc gia hạn cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật có liên quan, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện gia hạn cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

Điều 17. Trình tự Ngân hàng Nhà nước gia hạn khoản vay đặc biệt theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt

1. Đối với khoản vay đặc biệt quy định tại điểm b, c, d, đ khoản 1 Điều 5 Thông tư này, trên cơ sở nội dung về gia hạn khoản vay đặc biệt của tổ chức tín dụng trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt, tổ chức tín dụng gửi Giấy đề nghị gia hạn vay đặc biệt (03 bản) đến Ban kiểm soát đặc biệt. Giấy đề nghị gia hạn vay đặc biệt nêu rõ số tiền, thời hạn, lãi suất đề nghị gia hạn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt và cam kết tuân thủ quy định của pháp luật về cho vay đặc biệt.

2. Trong thời hạn tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị của tổ chức tín dụng theo quy định tại khoản 1 Điều này, Ban kiểm soát đặc biệt gửi 02 bản Giấy đề nghị đến Ngân hàng Nhà nước (Vụ Chính sách tiền tệ) kèm theo văn bản có ý kiến đối với đề nghị gia hạn vay đặc biệt của tổ chức tín dụng.

3. Trong thời hạn tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Giấy đề nghị gia hạn vay đặc biệt của tổ chức tín dụng và văn bản ý kiến của Ban kiểm soát đặc biệt theo quy định tại khoản 2 Điều này, Vụ Chính sách tiền tệ gửi lấy ý kiến Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng.

4. Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị có ý kiến của Vụ Chính sách tiền tệ theo quy định tại khoản 3 Điều này, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng có ý kiến bằng văn bản gửi Vụ Chính sách tiền tệ về nội dung gia hạn khoản vay đặc biệt của tổ chức tín dụng trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phương án cơ cấu lại, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt, ý kiến đối với đề nghị gia hạn khoản vay đặc biệt của tổ chức tín dụng.

5. Trong thời hạn tối đa 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản ý kiến của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng quy định tại khoản 4 Điều này, Vụ Chính sách tiền tệ tổng hợp, trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc gia hạn cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

6. Căn cứ văn bản của Ngân hàng Nhà nước về việc gia hạn cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng và các quy định của pháp luật có liên quan, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện gia hạn cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

Điều 18. Trình tự Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, tổ chức tín dụng khác cho vay đặc biệt, gia hạn cho vay đặc biệt

1. Trình tự Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, tổ chức tín dụng khác xem xét cho vay đặc biệt, gia hạn cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản:

a) Khi có nhu cầu vay đặc biệt, gia hạn khoản vay đặc biệt quy định tại điểm a khoản 2, điểm a khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 5 Thông tư này, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt gửi 04 bộ hồ sơ đề nghị đến Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoặc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hoặc tổ chức tín dụng khác. Trường hợp đề nghị gia hạn, tổ chức tín dụng gửi hồ sơ trước ngày đến hạn trả nợ tối thiểu 20 ngày làm việc.

Hồ sơ đề nghị bao gồm:

i) Các văn bản theo quy định của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoặc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hoặc tổ chức tín dụng khác;

ii) Văn bản của Ban kiểm soát đặc biệt đề nghị cho vay đặc biệt, gia hạn cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

b) Trong thời hạn tối đa 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của tổ chức tín dụng theo quy định tại điểm a khoản này, trường hợp có thể cho vay đặc biệt, gia hạn cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoặc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hoặc tổ chức tín dụng khác gửi hồ sơ lấy ý kiến Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố (trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có nhiệm vụ thực hiện thanh tra, giám sát) về các nội dung sau:

i) Tình hình hoạt động, khả năng chi trả của tổ chức tín dụng;

ii) Tổ chức tín dụng thuộc hay không thuộc trường hợp có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả, đe dọa sự ổn định của hệ thống (áp dụng trong trường hợp tổ chức tín dụng đề nghị vay đặc biệt);

iii) Nội dung về khoản cho vay đặc biệt của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoặc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hoặc tổ chức tín dụng khác trong phương án cơ cấu lại đã được phê duyệt (nếu có).

c) Trên cơ sở ý kiến của các đơn vị quy định tại điểm b khoản này, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoặc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam hoặc tổ chức tín dụng khác xem xét, quyết định việc cho vay đặc biệt, gia hạn cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng.

2. Trình tự Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, tổ chức tín dụng khác cho vay đặc biệt, gia hạn cho vay đặc biệt theo phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt:

Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, tổ chức tín dụng khác cho vay đặc biệt, gia hạn cho vay đặc biệt quy định tại điểm c khoản 2, điểm c khoản 3, điểm b khoản 4 Điều 5 Thông tư này thực hiện theo phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt và quy định nội bộ của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, tổ chức tín dụng khác.

Điều 19. Giải ngân khoản vay đặc biệt

1. Đối với khoản cho vay đặc biệt do Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định cho vay hoặc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc, phương án chuyển nhượng đã được phê duyệt

a) Khi có nhu cầu được giải ngân vốn vay đặc biệt, tổ chức tín dụng gửi văn bản đề nghị giải ngân khoản vay đến Ban kiểm soát đặc biệt, trong đó nêu rõ số tiền, thời điểm, lý do đề nghị giải ngân;

b) Trên cơ sở nhu cầu sử dụng vốn vay của tổ chức tín dụng, Ban kiểm soát đặc biệt xem xét, có ý kiến cụ thể bằng văn bản đối với đề nghị giải ngân khoản vay của tổ chức tín dụng gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hoặc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoặc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, kèm theo văn bản đề nghị giải ngân của tổ chức tín dụng;

c) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố hoặc Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hoặc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam xem xét giải ngân khoản vay đặc biệt trên cơ sở hợp đồng cho vay đặc biệt, đề nghị giải ngân khoản vay của tổ chức tín dụng và ý kiến của Ban kiểm soát đặc biệt.

2. Đối với khoản cho vay đặc biệt do Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, tổ chức tín dụng khác xem xét, quyết định cho vay, việc giải ngân khoản vay thực hiện theo quy định nội bộ của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, tổ chức tín dụng khác và thỏa thuận với bên đi vay.

Thông tư 01/2018/TT-NHNN quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 01/2018/TT-NHNN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 26/01/2018
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Thị Hồng
  • Ngày công báo: 17/02/2018
  • Số công báo: Từ số 379 đến số 380
  • Ngày hiệu lực: 29/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
MỤC LỤC VĂN BẢN
MỤC LỤC VĂN BẢN
HIỂN THỊ DANH SÁCH