Hệ thống pháp luật

BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 01/2011/TT-BKHCN

Hà Nội, ngày 16 tháng 03 năm 2011

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THÀNH LẬP VÀ ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI, VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN, CHI NHÁNH CỦA TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09 tháng 6 năm 2000;
Căn cứ Nghị định số 81/2002/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 80/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ;
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ,
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn điều kiện thành lập và thủ tục đăng ký hoạt động của tổ chức nghiên cứu khoa học, tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài); thủ tục thành lập, quyền và nghĩa vụ của văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 2. Ngôn ngữ sử dụng và hình thức nộp hồ sơ

1. Hồ sơ và các văn bản chính thức gửi các cơ quan nhà nước Việt Nam được làm bằng tiếng Việt hoặc bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài thông dụng. Trường hợp có sự khác nhau giữa bản tiếng Việt và bản tiếng nước ngoài thì áp dụng bản tiếng Việt.

Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền nước ngoài cấp hoặc chứng nhận trong hồ sơ phải được dịch ra tiếng Việt và được hợp pháp hoá lãnh sự.

2. Hồ sơ đề nghị thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài, hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam được nộp trực tiếp hoặc thông qua hệ thống bưu chính đến Bộ Khoa học và Công nghệ.

Chương II

ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP VÀ THỦ TỤC ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CÓ VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI

Điều 3. Điều kiện thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài

Tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại Điều 13 Nghị định số 80/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là Nghị định số 80). Khoản b, c, d Điều 13 Nghị định số 80 được hướng dẫn cụ thể như sau:

1. Điều lệ hoạt động của tổ chức phải có đầy đủ các nội dung cơ bản theo quy định tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này. Trong đó, lĩnh vực hoạt động được ghi rõ ràng, cụ thể, phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

2. Điều kiện về nhân lực khoa học và công nghệ, trụ sở chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật áp dụng theo quy định tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư số 02/2010/TT-BKHCN ngày 18 tháng 3 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là Thông tư số 02).

Đối với trường hợp tổ chức khoa học và công nghệ liên doanh giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài, số vốn của phía nước ngoài phải chiếm ít nhất 10% tổng số vốn đăng ký hoạt động của tổ chức và không được thấp hơn 100.000.000 đồng.

Điều 4. Trình tự, thủ tục ra quyết định thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài

1. Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đề nghị thành lập đến Văn phòng Đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ (sau đây viết tắt là Văn phòng Đăng ký) trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ.

Trình tự, thủ tục ra quyết định thành lập được thực hiện theo quy định tại Điều 14 và Điều 15 Nghị định số 80, trừ trường hợp đặc biệt, Bộ Khoa học và Công nghệ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Văn phòng Đăng ký có trách nhiệm là đầu mối tiếp nhận và thẩm định hồ sơ thành lập của tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài.

a) Đối với tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài thuộc thẩm quyền thành lập của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Đăng ký lập báo cáo thẩm tra và báo cáo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ để trình Thủ tướng Chính phủ.

Trường hợp Bộ Khoa học và Công nghệ được Thủ tướng Chính phủ giao phê duyệt điều lệ hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được giao nhiệm vụ, Văn phòng Đăng ký trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định phê duyệt điều lệ hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài.

b) Đối với tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài thuộc thẩm quyền thành lập của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Đăng ký thẩm tra và trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ ra quyết định thành lập và quyết định phê duyệt điều lệ hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài.

c) Khi có thay đổi về điều lệ hoạt động, tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài gửi văn bản đề nghị kèm theo dự thảo điều lệ đến Văn phòng Đăng ký. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, Văn phòng Đăng ký trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định phê duyệt điều lệ thay đổi, bổ sung hoặc báo cáo Bộ trưởng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định theo thẩm quyền.

3. Trong quá trình thẩm định hồ sơ thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài, nếu xét thấy cần thiết, Văn phòng Đăng ký có quyền:

a) Lấy ý kiến chuyên gia để xem xét hồ sơ, đánh giá năng lực của tổ chức.

b) Trao đổi trực tiếp với đại diện tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài để làm rõ các nội dung liên quan tới hồ sơ thành lập.

c) Trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ văn bản xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức có liên quan đối với các lĩnh vực hoạt động mà Nhà nước có quy định điều kiện riêng.

d) Trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập hội đồng thẩm định hồ sơ thành lập; thành phần hội đồng bao gồm các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học có trình độ và uy tín trong các lĩnh vực liên quan.

Điều 5. Đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài

1. Tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ đăng ký hoạt động đến Văn phòng Đăng ký sau khi được Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định thành lập và phê duyệt điều lệ theo thẩm quyền.

2. Điều kiện và hồ sơ đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 3, 4, 5, 6 Thông tư số 02.

3. Tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài nộp phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư số 187/2009/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí thẩm định điều kiện hoạt động về khoa học và công nghệ và lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.

Điều 6. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ

1. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp cho tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.

2. Thời hạn Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ theo đúng thời hạn thực hiện dự án được ghi trong Giấy chứng nhận đầu tư của tổ chức.

Trường hợp tổ chức khoa học và công nghệ có vốn của nước ngoài đã đăng ký hoạt động trước ngày Nghị định số 80 có hiệu lực thi hành thì Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ có thể không ghi thời hạn hiệu lực.

3. Quy định về sử dụng, đăng ký lại, đăng ký sửa đổi, bổ sung, thu hồi, huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ của tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện theo quy định tại Điều 8 và Điều 9 Thông tư số 02.

Điều 7. Đăng ký hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài

1. Tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh tại Sở Khoa học và Công nghệ nơi đặt trụ sở văn phòng đại diện, chi nhánh.

2. Điều kiện và hồ sơ đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài, trình tự, thủ tục đăng ký và thu hồi, huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận hoạt động thực hiện theo quy định tại Điều 11 và Điều 12 Thông tư số 02.

3. Tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài khi đăng ký hoạt động văn phòng đại diện, chi nhánh phải nộp phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư số 187/2009/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí thẩm định điều kiện hoạt động về khoa học và công nghệ và lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.

Chương III

VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN, CHI NHÁNH CỦA TỔ CHỨC KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NƯỚC NGOÀI TẠI VIỆT NAM

Điều 8. Điều kiện thành lập và hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam

1. Văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam được thành lập khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện thành lập và hồ sơ quy định tại Điều 26 và Điều 27 Nghị định số 80.

2. Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục III kèm theo Thông tư này.

Điều 9. Nội dung Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam

1. Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp và phải có những nội dung chính sau:

a) Tên, địa chỉ trụ sở của văn phòng đại diện, chi nhánh.

b) Tên, địa chỉ trụ sở của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài.

c) Thông tin về người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh.

d) Nội dung hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh.

đ) Số người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại văn phòng đại diện, chi nhánh.

e) Số, ngày cấp và thời hạn của Giấy phép.

2. Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam được cấp theo mẫu quy định tại Phụ lục IV kèm theo Thông tư này.

Điều 10. Trình tự, thủ tục cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam

1. Văn phòng Đăng ký có trách nhiệm là đầu mối tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam.

2. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Văn phòng Đăng ký xem xét hồ sơ, trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ văn bản gửi lấy ý kiến Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài đặt trụ sở văn phòng đại diện, chi nhánh và các Bộ, cơ quan liên quan về các vấn đề sau:

a) Tình hình hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài có liên quan tại địa phương (nếu có) và ý kiến của Uỷ ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương nơi tổ chức nước ngoài đặt trụ sở văn phòng đại diện, chi nhánh.

b) Tình hình hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài có các chương trình, dự án liên quan tới Bộ, ngành (nếu có).

c) Xác minh các yếu tố về nhân thân của người dự kiến làm trưởng văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam (trong trường hợp cần thiết).

3. Trong quá trình xem xét hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép, đề nghị cấp sửa đổi, bổ sung và gia hạn Giấy phép, Bộ Khoa học và Công nghệ có quyền yêu cầu tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài xuất trình các tài liệu liên quan để chứng minh nếu trong hồ sơ có thông tin cần làm rõ.

4. Trong quá trình xem xét hồ sơ xin cấp sửa đổi, bổ sung và gia hạn Giấy phép, nếu xét thấy cần thiết, trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ của tổ chức, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan cử đoàn công tác tiến hành thẩm tra tại chỗ hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh.

5. Tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài đăng ký thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam nộp phí, lệ phí theo quy định tại Thông tư số 166/2010/TT-BTC ngày 27 tháng 10 năm 2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí thẩm định điều kiện hoạt động về khoa học và công nghệ, lệ phí cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam

1. Văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam có các quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 13, Khoản 1 và Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 06/2005/NĐ-CP ngày 19 tháng 01 năm 2005 của Chính phủ quy định về việc lập và hoạt động của văn phòng đại diện của các tổ chức hợp tác, nghiên cứu của nước ngoài tại Việt Nam.

2. Văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam thực hiện chế độ báo cáo bằng văn bản định kỳ hàng năm cho Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình hoạt động tại Việt Nam theo mẫu quy định tại Phụ lục V kèm theo Thông tư này, đồng thời có trách nhiệm báo cáo, cung cấp tài liệu hoặc giải thích những vấn đề liên quan tới hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh cho Bộ Khoa học và Công nghệ khi có yêu cầu.

Điều 12. Tuyển dụng và quản lý người làm việc tại văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam

1. Số lượng người nước ngoài và người Việt Nam làm việc tại văn phòng đại diện, chi nhánh là số cán bộ, nhân viên làm việc thường xuyên trong thời hạn Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam và không vượt quá số lượng đã quy định trong Giấy phép.

2. Trường hợp văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam được thành lập theo chương trình, dự án hợp tác, nghiên cứu với các đối tác là Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương của Việt Nam thì trong văn bản thoả thuận phải quy định chi tiết số nhân viên nước ngoài và thời hạn làm việc của các nhân viên tại văn phòng đại diện, chi nhánh tại Việt Nam. Văn bản thoả thuận này là một trong những căn cứ để Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam.

3. Việc tuyển dụng người nước ngoài vào làm việc tại văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam thực hiện theo quy định của pháp luật về tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

4. Trong quá trình hoạt động tại Việt Nam, nếu có sự thay đổi về nhân sự được tuyển dụng làm việc tại văn phòng đại diện, chi nhánh, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có sự thay đổi, văn phòng đại diện, chi nhánh phải gửi báo cáo kèm theo bản sao những tài liệu có liên quan đến Văn phòng Đăng ký.

Trường hợp văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam có nhu cầu thay đổi số lượng nhân viên nước ngoài làm việc thì phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Quy định chuyển tiếp

1. Văn phòng Đăng ký thực hiện rà soát các Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ đã cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, thông báo bằng văn bản cho tổ chức khoa học và công nghệ có vốn của nước ngoài để đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định tại Thông tư này.

Thông báo của Bộ Khoa học và Công nghệ gửi tổ chức khoa học và công nghệ tối đa 03 lần, mỗi lần cách nhau 30 ngày. Nếu quá thời hạn này mà tổ chức khoa học và công nghệ có vốn của nước ngoài không thực hiện thủ tục đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Thông tư này, Văn phòng Đăng ký trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ làm thủ tục huỷ bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định.

2. Các tổ chức khoa học và công nghệ có vốn của nước ngoài thành lập và đăng ký hoạt động trước ngày Thông tư này có hiệu lực phải thực hiện thủ tục đăng ký cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của Thông tư này.

a) Trường hợp đăng ký thay đổi cơ cấu vốn đăng ký (bên nước ngoài rút vốn hoặc chuyển nhượng vốn cho bên Việt Nam), tổ chức khoa học và công nghệ có vốn của nước ngoài phải có văn bản gửi Văn phòng Đăng ký, kèm theo Biên bản họp hội đồng sáng lập/những người sáng lập thông qua nội dung rút vốn của bên nước ngoài hoặc chuyển nhượng vốn của bên nước ngoài cho bên Việt Nam.

Sau khi không còn vốn góp của nước ngoài, tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện việc đăng ký hoạt động tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh/thành phố nơi tổ chức đặt trụ sở chính theo quy định tại Điểm b, Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 02.

b) Trường hợp giữ nguyên phần vốn góp của bên nước ngoài, tổ chức khoa học và công nghệ có vốn của nước ngoài phải hoàn thiện hồ sơ đăng ký lại theo quy định của Thông tư này.

Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Văn phòng Đăng ký trình Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ cho tổ chức theo mẫu quy định tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này, đồng thời ra quyết định công nhận tổ chức và phê duyệt điều lệ tổ chức và hoạt động.

3. Các văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam đã được cấp Giấy phép thành lập vẫn được tiếp tục hoạt động theo đúng nội dung quy định trong Giấy phép.

Điều 14. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Bãi bỏ quy định về thành lập tổ chức khoa học và công nghệ có vốn của nước ngoài tại Điểm a, Khoản 2, Điều 1 Thông tư số 02.

Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức phản ánh kịp thời bằng văn bản về Bộ Khoa học và Công nghệ để xem xét, quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 01/2011/TT-BKHCN hướng dẫn thành lập và đăng ký hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài, văn phòng đại diện, chi nhánh của tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài tại Việt Nam do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành

  • Số hiệu: 01/2011/TT-BKHCN
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 16/03/2011
  • Nơi ban hành: Bộ Khoa học và Công nghệ
  • Người ký: Nguyễn Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 163 đến số 164
  • Ngày hiệu lực: 30/04/2011
  • Ngày hết hiệu lực: 15/05/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản