Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2004/TT-BTC

Hà Nội, ngày 07 tháng 1 năm 2004

THÔNG TƯ

BỘ TÀI CHÍNH SỐ 01/2004/TT-BTC NGÀY 07 THÁNG 01 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN CẤP PHÁT, SỬ DỤNG VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẦU CỬ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2004-2009

Căn cứ Luật bầu cử Hội đồng nhân dân đã được Quốc hội khoá XI kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Chỉ thị số 02/2004/CT-TTg ngày 02 /01/2004 của Thủ tướng Chính phủ "Về chỉ đạo tổ chức thực hiện cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004-2009";
Sau khi trao đổi thống nhất với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính hướng dẫn cấp phát, sử dụng và quyết toán kinh phí phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (HĐND) nhiệm kỳ 2004-2009 như sau:

I. NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG:

1. Kinh phí phục vụ cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 do ngân sách Trung ương bảo đảm.

2. Kinh phí phục vụ cho cuộc bầu cử Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp phải được quản lý chặt chẽ, chi tiêu theo đúng mục đích, đúng chế độ, hiệu quả, tận dụng các phương tiện phục vụ các cuộc bầu cử trước đây còn sử dụng được để tiết kiệm chi cho ngân sách nhà nước. Sau khi cuộc bầu cử kết thúc, các phương tiện phục vụ bầu cử phải được quản lý, bảo quản cẩn thận để sử dụng cho các cuộc bầu cử sau.

3. Kết thúc bầu cử, các Tổ bầu cử, Ban bầu cử, Hội đồng bầu cử và các cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng kinh phí bầu cử có trách nhiệm quyết toán số kinh phí đã sử dụng theo chế độ tài chính hiện hành và các quy định tại thông tư này.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Kinh phí phục vụ cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 được sử dụng chi cho các nội dung:

1.1- Chi tài liệu, ấn phẩm phục vụ bầu cử:

- Chi về in ấn thẻ cử tri, phiếu bầu, nội quy nơi bầu cử, viết thẻ cử tri, danh sách cử tri, phù hiệu cho nhân viên tổ bầu cử, biên bản bầu cử; Các biểu mẫu, tiểu sử, danh sách người ứng cử, người tự ứng cử, người trúng cử và các loại giấy tờ khác phục vụ cho công tác bầu cử.

- Chi soạn thảo, in ấn tài liệu phục vụ, hướng dẫn công tác bầu cử.

- Chi về tài liệu phục vụ cho cuộc bầu cử như Luật tổ chức Hội đồng nhân dân, Luật Bầu cử Hội đồng nhân dân, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các ấn phẩm phục vụ cho cuộc bầu cử.

1.2- Chi cho công tác tuyên truyền, hướng dẫn và chi phí hành chính cho công tác bầu cử:

- Chi tuyên truyền, hướng dẫn, vận động bầu cử;

- Chi văn phòng phẩm, chi phí hành chính trong đợt bầu cử;

- Chi phí thông tin liên lạc phục vụ bầu cử;

- Chi thuê hội trường và địa điểm bỏ phiếu;

- Chi về trang trí loa đài, bảo vệ tại tổ bầu cử;

- Chi làm hòm phiếu bổ sung, khắc dấu của tổ chức bầu cử;

- Chi bồi dưỡng cho những người trực tiếp phục vụ trong đợt bầu cử;

- Chi phí khác phục vụ trực tiếp cho công tác bầu cử.

1.3- Chi phí Hội nghị:

- Chi cho hội nghị hiệp thương, tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử.

- Hội nghị tập huấn, hội nghị triển khai, hội nghị tổng kết, khen thưởng.

1.4- Chi cho công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát bầu cử:

- Chi xăng xe, thuê xe, công tác phí;

- Chi kiểm phiếu và vận chuyển phiếu bầu;

- Chi phí khác liên quan đến công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát bầu cử.

Trong phạm vi kinh phí phục vụ bầu cử được cơ quan có thẩm quyền phân bổ và tình hình thực tế của từng đơn vị bầu cử, các đơn vị và tổ chức được giao sử dụng kinh phí thực hiện bố trí kinh phí chi tiêu theo các nội dung trên đây cho phù hợp và đảm bảo theo đúng các định mức, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.

2. Phân bổ và chấp hành kinh phí phục vụ bầu cử:

- Trên cơ sở tổng mức chi cho cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 được duyệt; Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ lập phương án phân bổ kinh phí phục vụ bầu cử cho các Bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Căn cứ quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính thông báo bổ sung dự toán ngân sách năm 2004 đến từng Bộ, cơ quan trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện nhiệm vụ bầu cử HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009.

- Căn cứ thông báo của Bộ Tài chính về việc bổ sung dự toán ngân sách năm 2004 để thực hiện nhiệm vụ bầu cử; các Bộ, cơ quan trung ương thực hiện rút kinh phí trực tiếp từ Kho bạc nhà nước nơi giao dịch.

- Căn cứ thông báo của Bộ Tài chính về việc bổ sung dự toán ngân sách năm 2004 để thực hiện nhiệm vụ bầu cử, căn cứ vào đặc điểm cụ thể của địa phương và hướng dẫn tổ chức thực hiện nhiệm vụ bầu cử của cấp có thẩm quyền; Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định việc phân bổ kinh phí phục vụ bầu cử của địa phương. Bộ Tài chính thực hiện bổ sung có mục tiêu cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định cụ thể phương thức thực hiện kinh phí phục vụ bầu cử của địa phương. Việc chấp hành kinh phí phục vụ bầu cử của các cơ quan, đơn vị ở địa phương thực hiện theo đúng quy định Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

- Kho bạc nhà nước thực hiện kiểm soát chi từ nguồn kinh phí phục vụ bầu cử theo đúng quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật và nội dung chi quy định tại Thông tư này.

3. Quyết toán kinh phí:

- Đối với các địa phương: Khi kết thúc cuộc bầu cử, các cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp sử dụng kinh phí phục vụ bầu cử ở địa phương tiến hành ngay việc quyết toán kinh phí phục vụ bầu cử với cơ quan tài chính theo đúng thời gian do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định. Trường hợp Tổ bầu cử, Ban bầu cử hết nhiệm vụ mà công tác quyết toán kinh phí vẫn chưa hoàn tất thì Chủ tịch Hội đồng bầu cử, trưởng Ban bầu cử giao trách nhiệm và uỷ quyền cho đồng chí Uỷ viên là đại diện Uỷ ban nhân dân chịu trách nhiệm quyết toán kinh phí với cơ quan tài chính. Đối với Tổ bầu cử thì Tổ trưởng tiếp tục chịu trách nhiệm quyết toán.

Chậm nhất sau khi kết thúc cuộc bầu cử 45 ngày, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về tình hình sử dụng kinh phí phục vụ bầu cử cùng với báo cáo tình hình tổ chức thực hiện nhiệm vụ bầu cử; cuối năm tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách địa phương (có kèm bản giải trình, thuyết minh chi tiết từng nội dung chi).

- Đối với các Bộ, cơ quan trung ương: Chậm nhất sau khi kết thúc cuộc bầu cử 45 ngày, các Bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính về tình hình sử dụng kinh phí phục vụ bầu cử cùng với báo cáo tình hình tổ chức thực hiện nhiệm vụ bầu cử; cuối năm tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách nhà nước của Bộ, cơ quan trung ương.

Trong trường hợp kinh phí bầu cử chi không hết, các Bộ, cơ quan trung ương được giao kinh phí có trách nhiệm hoàn trả lại ngân sách nhà nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và áp dụng cho cuộc bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương phản ánh về Bộ Tài chính để xử lý kịp thời.

Huỳnh Thị Nhân

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 01/2004/TT-BTC hướng dẫn cấp phát, sử dụng và quyết toán kinh phí bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 do Bộ Tài chính ban hành

  • Số hiệu: 01/2004/TT-BTC
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 07/01/2004
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Huỳnh Thị Nhân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 10
  • Ngày hiệu lực: 29/01/2004
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản