Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2000/TT-BXD

Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2000

THÔNG TƯ

CỦA BỘ XÂY DỰNG SỐ 01/2000/TT-BXD NGÀY 01 THÁNG 3 NĂM 2000 HƯỚNG DẪN CÁC HÌNH THỨC QUẢN LÝ THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG VÀ ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 04/3/1994 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng.
Căn cứ Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ.
Bộ Xây dựng hướng dẫn các hình thức quản lý thực hiện dự án và đăng ký hoạt động xây dựng như sau:

I. CÁC HÌNH THỨC QUẢN LÝ THỰC HIỆN DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG

1. Các hình thức quản lý thực hiện dự án:

1.1. Theo quy định tại Điều 59 của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng 52/CP): Tuỳ theo quy mô, tính chất của dự án và năng lực của mình, Chủ đầu tư lựa chọn một trong các hình thức sau đây để quản lý thực hiện dự án:

- Chủ đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện dự án

- Chủ nhiệm điều hành dự án

- Chìa khoá trao tay

- Tự thực hiện dự án

1.2. Việc tổ chức hoạt động và đăng ký hoạt động xây dựng của các hình thức quản lý dự án thực hiện theo Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng 52/CP và Thông tư này.

1.3. Chi phí quản lý dự án thực hiện theo Thông tư số 08/1999/TT-BXD ngày 16/11/1999 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

2. Trách nhiệm về quản lý thực hiện dự án:

2.1. Chủ đầu tư dù áp dụng hình thức nào để quản lý thực hiện dự án vẫn phải chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và người có thẩm quyền quyết định đầu tư về quá trình thực hiện dự án.

2.2. Tổ chức quản lý thực hiện dự án chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư và pháp luật theo nhiệm vụ được Chủ đầu tư giao hoặc hợp đồng ký kết với Chủ đầu tư. Khi thay đổi tổ chức quản lý thực hiện dự án thì tổ chức mới phải chịu trách nhiệm kế thừa toàn bộ công việc của tổ chức quản lý cũ.

3. Hình thức Chủ đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện dự án:

3.1. Hình thức này được áp dụng đối với các Chủ đầu tư có đủ năng lực chuyên môn để quản lý thực hiện dự án.

3.2. Chủ đầu tư được sử dụng bộ máy có đủ năng lực chuyên môn của mình và cử người phụ trách để quản lý thực hiện dự án mà không cần lập Ban Quản lý dự án.

3.3. Trường hợp bộ máy của Chủ đầu tư không đủ điều kiện để kiêm nhiệm việc quản lý thực hiện dự án thì Chủ đầu tư lập Ban quản lý dự án trực thuộc mình, có đủ năng lực về chuyên môn, nghiệp vụ để quản lý thực hiện dự án. Ban Quản lý dự án trong trường hợp này là đơn vị trực thuộc Chủ đầu tư, thực hiện các nhiệm vụ do Chủ đầu tư giao.

Cơ cấu tổ chức của Ban quản lý dự án và Trưởng ban quản lý dự án do Chủ đầu tư quyết định. Sau khi dự án đã hoàn thành thì Ban quản lý dự án phải được giải thể.

3.4. Nhiệm vụ của Ban quản lý dự án:

Căn cứ trách nhiệm, quyền hạn của Chủ đầu tư quy định tại Điều 14 của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng 52/CP, Chủ đầu tư giao nhiệm vụ cho Ban quản lý dự án trên nguyên tắc sau đây:

- Nhiệm vụ, quyền hạn được giao để thực hiện các yêu cầu về quản lý thực hiện dự án phải rõ ràng; phù hợp với điều lệ hoạt động, nguyên tắc tổ chức của Chủ đầu tư và các quy định của pháp luật.

- Ban quản lý dự án phải thực hiện chế độ báo cáo thường xuyên với Chủ đầu tư. Chủ đầu tư phải thực hiện việc kiểm tra hoạt động của Ban quản lý dự án và có trách nhiệm xử lý kịp thời những vấn đề vượt thẩm quyền của Ban quản lý dự án để đảm bảo tiến độ và yêu cầu của dự án.

3.5. Yêu cầu về năng lực của Ban quản lý dự án:

Ban quản lý dự án phải có lực lượng chuyên môn phù hợp để quản lý thực hiện dự án và phải đăng ký hoạt động tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trưởng ban quản lý dự án nhóm A, B phải có trình độ đại học trở lên, chuyên môn phù hợp với nhiệm vụ quản lý thực hiện dự án và phải qua các lớp đào tạo về quản lý dự án.

4. Hình thức Chủ nhiệm điều hành dự án:

4.1. Chủ đầu tư không đủ điều kiện để trực tiếp quản lý thực hiện dự án thì phải giao cho Ban quản lý điều hành dự án chuyên ngành làm Chủ nhiệm điều hành dự án hoặc thuê tổ chức có năng lực chuyên môn phù hợp để quản lý điều hành dự án. Chủ nhiệm điều hành dự án là một pháp nhân độc lập, có năng lực và có đăng ký hoạt động xây dựng.

4.2. Hình thức Chủ nhiệm điều hành dự án áp dụng đối với các trường hợp sau:

a/ Các dự án do Chính phủ giao cho các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND cấp tỉnh quản lý thực hiện; Các dự án do UBND cấp tỉnh giao cho các Sở, Quận, Huyện thực hiện; Các dự án đặc biệt quan trọng do Thủ tướng Chính phủ quyết định; Các cơ quan nói trên giao cho Ban quản lý dự án chuyên ngành trực tiếp quản lý điều hành dự án.

b/ Các dự án khác, Chủ đầu tư không có điều kiện trực tiếp quản lý thực hiện dự án thì Chủ đầu tư phải thuê tổ chức chuyên môn có đủ năng lực để quản lý điều hành dự án. Tổ chức quản lý điều hành dự án trong trường hợp này gọi là "Tư vấn quản lý điều hành dự án".

4.3. Nội dung quản lý điều hành dự án:

a/ Ban quản lý điều hành dự án thực hiện các nội dung quản lý theo nhiệm vụ được giao.

b/ Tư vấn quản lý điều hành dự án thực hiện các nội dung quản lý theo hợp đồng đã ký với Chủ đầu tư.

4.4. Yêu cầu về năng lực đối với hình thức Chủ nhiệm điều hành dự án:

a/ Ban quản lý điều hành dự án và Giám đốc Ban quản lý điều hành dự án phải có năng lực tối thiểu như quy định đối với Ban quản lý dự án và Trưởng ban quản lý dự án tại mục 3.5 ở trên.

b/ Tư vấn quản lý điều hành dự án chỉ được nhận thầu quản lý điều hành các dự án phù hợp với năng lực của mình đã đăng ký hoạt động xây dựng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

5. Hình thức chìa khoá trao tay:

5.1. Hình thức Chìa khoá trao tay được áp dụng khi Chủ đầu tư được phép tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà thầu thực hiện tổng thầu toàn bộ dự án từ khảo sát, thiết kế, mua sắm vật tư thiết bị, xây lắp cho đến khi bàn giao công trình đưa dự án vào khai thác sử dụng.

Đối với các dự án sử dụng các nguồn vốn quy định tại Điều 10 và Điều 11 của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng 52/CP thì hình thức này chỉ áp dụng đối với dự án nhóm C, các trường hợp khác phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

5.2. Chủ đầu tư có trách nhiệm:

a/ Lựa chọn tư vấn để thực hiện công việc chuẩn bị đầu tư cho đến khi dự án được phê duyệt và tổ chức đấu thầu.

b/ Thực hiện hợp đồng đã ký với nhà thầu.

c/ Đảm bảo vốn để thanh toán theo kế hoạch và hợp đồng kinh tế.

d/ Tổ chức việc giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho nhà thầu theo quy định của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng 52/CP.

e/ Thực hiện các chức năng, nhiệm vụ khác của Chủ đầu tư theo quy định của pháp luật.

5.3. Nhà thầu có trách nhiệm:

a/ Thực hiện hợp đồng đã ký với Chủ đầu tư, chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư và pháp luật về chất lượng, khối lượng của công trình, dự án và các quy định khác trong hợp đồng.

b/ Trường hợp có giao thầu lại cho các thầu phụ thì phải thực hiện đúng cam kết trong hồ sơ dự thầu và hợp đồng.

c/ Chịu hoàn toàn trách nhiệm về chất lượng công trình và quá trình thực hiện dự án cho đến khi bàn giao cho Chủ đầu tư khai thác, vận hành dự án; thực hiện bảo hành công trình và các chế độ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.

6. Hình thức Tự thực hiện dự án:

6.1. Chủ đầu tư có đủ năng lực hoạt động sản xuất, xây dựng, quản lý phù hợp với yêu cầu thực hiện dự án thì được áp dụng hình thức Tự thực hiện dự án.

Hình thức này áp dụng đối với:

- Dự án sử dụng vốn hợp pháp của chính Chủ đầu tư gồm vốn tự có (là vốn tích luỹ từ lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp), vốn tự vay tự trả không có bảo lãnh của Nhà nước, vốn huy động từ các nguồn khác;

- Các công việc duy tu bảo dưỡng thường xuyên các công trình xây dựng, các thiết bị sản xuất; Các công việc chăm sóc cây trồng hàng năm.

6.2. Khi thực hiện hình thức Tự thực hiện dự án (tự sản xuất, tự xây dựng), Chủ đầu tư phải tổ chức giám sát chặt chẽ việc sản xuất, xây dựng và chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm, chất lượng công trình xây dựng.

6.3. Chủ đầu tư có thể sử dụng bộ máy quản lý của mình hoặc sử dụng Ban quản lý dự án trực thuộc để quản lý thực hiện dự án, tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm và công trình xây dựng.

II. ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG

1. Đối tượng đăng ký hoạt động xây dựng:

1.1. Theo quy định tại các Điều 14, 15, 16 của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định số 52/1999/NĐ-CP của Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp dưới đây phải đăng ký hoạt động xây dựng tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

a/ Các Tổ chức quản lý thực hiện dự án theo bốn hình thức quản lý dự án; trường hợp Chủ đầu tư sử dụng bộ máy của mình để trực tiếp quản lý thực hiện dự án thì Chủ đầu tư đăng ký.

b/ Các tổ chức tư vấn đầu tư xây dựng quy định tại Điều 15 và các doanh nghiệp xây dựng quy định tại Điều 16 của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng 52/CP.

1.2. Các nhà thầu nước ngoài trúng thầu, các công ty 100% vốn nước ngoài, các công ty liên doanh giữa Việt Nam và nước ngoài, hoạt động xây dựng tại Việt Nam đăng ký hoạt động xây dựng theo quy định riêng.

1.3. Các doanh nghiệp thực hiện đăng ký hoạt động xây dựng trước khi đăng ký kinh doanh về xây dựng, tư vấn đầu tư xây dựng;

Các tổ chức quản lý thực hiện dự án trước khi hoạt động phải đăng ký hoạt động xây dựng theo Thông tư này;

Trong quá trình hoạt động nếu có thay đổi năng lực hoặc mở rộng quy mô, lĩnh vực hoạt động xây dựng thì phải bổ sung đăng ký.

1.4. Trách nhiệm của đối tượng đăng ký:

a/ Hoàn thiện bản đăng ký hoạt động xây dựng và chịu trách nhiệm về những nội dung đăng ký của mình; gửi bản đăng ký hoạt động xây dựng tới cơ quan có thẩm quyền để xác nhận; nộp lệ phí theo quy định của pháp luật.

b/ Các tổ chức, doanh nghiệp không hoạt động xây dựng ngoài phạm vi đã đăng ký.

2. Cơ quan có thẩm quyền quản lý việc đăng ký hoạt động xây dựng:

2.1. Bộ Xây dựng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, hướng dẫn, kiểm tra việc tổ chức đăng ký hoạt động xây dựng trong phạm vi cả nước; Trực tiếp tổ chức đăng ký hoạt động xây dựng đối với các tổ chức quản lý thực hiện dự án, các tổ chức tư vấn đầu tư xây dựng, các doanh nghiệp có hoạt động xây dựng thuộc các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội và các tổ chức xã hội khác, các Tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập.

2.2. Sở Xây dựng giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức đăng ký hoạt động xây dựng đối với các tổ chức quản lý thực hiện dự án, các tổ chức tư vấn đầu tư xây dựng, các doanh nghiệp có hoạt động xây dựng ngoài các đối tượng nêu tại mục 2.1 ở trên và các đối tượng khác do địa phương thành lập và trực tiếp quản lý, theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.

2.3. Trách nhiệm của cơ quan quản lý việc đăng ký hoạt động xây dựng:

a/ Cung cấp mẫu đăng ký, tổ chức đăng ký hoạt động xây dựng theo đúng quy định;

b/ Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc thực hiện đăng ký hoạt động xây dựng, phát hiện các vi phạm, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị xử lý theo pháp luật.

c/ Báo cáo định kỳ 6 tháng và một năm theo mẫu tại Phụ lục số 2; Sở Xây dựng các địa phương báo cáo về Bộ Xây dựng, Bộ Xây dựng tổng hợp báo cáo Chính phủ.

3. Thủ tục đăng ký hoạt động xây dựng:

Các tổ chức, doanh nghiệp đăng ký hoạt động xây dựng theo mẫu tại phụ lục số 1 của Thông tư này.

Đăng ký hoạt động xây dựng được làm thành 2 bản chính, 1 bản đối tượng đăng ký giữ, 1 bản lưu tại cơ quan xác nhận.

Đối tượng đăng ký đến cơ quan có thẩm quyền (Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng) để đăng ký và được hướng dẫn cụ thể để người đăng ký ghi các thông tin theo đúng quy định; sau đó hoàn thiện và nộp bản đăng ký hoạt động xây dựng cho cơ quan có thẩm quyền để xác nhận. Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận được bản đăng ký hợp lệ, Cơ quan có thẩm quyền hoàn thành việc xác nhận đăng ký hoạt động xây dựng và gửi tới đối tượng đăng ký.

III. KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

1. Kiểm tra, thanh tra:

1.1. Cơ quan quản lý xây dựng của các ngành và địa phương, cơ quan xác nhận đăng ký hoạt động xây dựng có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

1.2. Thanh tra xây dựng các cấp thực hiện việc thanh tra các vi phạm Thông tư này theo quyết định của cấp có thẩm quyền và phải báo trước cho đối tượng thanh tra theo pháp luật về thanh tra.

1.3. Đối tượng kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm báo cáo, cung cấp số liệu theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra, thanh tra theo quy định.

1.4. Việc kiểm tra, thanh tra phải có kết luận bằng văn bản, nếu có sai phạm thì phải được xử lý theo pháp luật.

2. Xử lý các vi phạm:

2.1. Cơ quan quản lý xây dựng các cấp, Chủ đầu tư, các tổ chức quản lý thực hiện dự án, các tổ chức tư vấn đầu tư xây dựng, các doanh nghiệp xây dựng và các tổ chức, cá nhân có liên quan nếu làm trái Thông tư này, tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý theo pháp luật.

2.2. Tổ chức, doanh nghiệp không đăng ký hoạt động xây dựng hoặc hoạt động vượt quá phạm vi đã đăng ký, gây sự cố công trình, gây ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân thì Cơ quan quản lý đăng ký hoạt động xây dựng, cơ quan quản lý xây dựng địa phương được xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hiệu lực:

Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế cho các văn bản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành trước đây: Thông tư số 18/BXD-VKT ngày 10/6/1995 Hướng dẫn thực hiện các hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư và xây dựng; Quyết định số 19/BXD-CSXD ngày 10/6/1995 ban hành Quy chế hoạt động và đăng ký hành nghề tư vấn xây dựng; Quyết định số 500/BXD-CSXD ngày 18/9/1996 ban hành Quy chế đăng ký và cấp chứng chỉ hành nghề xây dựng.

2. Xử lý chuyển tiếp:

2.1. Các Hình thức quản lý thực hiện dự án được quyết định theo Nghị định số 42/CP ngày 16/7/1996 và Nghị định số 92/CP ngày 23/8/1997 vẫn hoạt động theo quy định cũ cho đến khi kết thúc dự án. Các Hình thức quản lý thực hiện dự án được quyết định theo quy định của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng 52/CP, thực hiện theo Thông tư này.

2.2. Các tổ chức, doanh nghiệp đã được cấp Chứng chỉ hành nghề xây dựng, tư vấn xây dựng theo Quyết định số 500/BXD-CSXD ngày 18/9/1996 và Quyết định số 19/BXD-CSXD ngày 10/6/1995, được coi như đã đăng ký hoạt động xây dựng.

2.3. Các doanh nghiệp đang kinh doanh về xây dựng, tư vấn xây dựng và các tổ chức quản lý dự án đang hoạt động nhưng chưa đăng ký hoạt động xây dựng thì thực hiện đăng ký theo Thông tư này trước quý III năm 2000.

Nguyễn Mạnh Kiểm

(Đã ký)

PHỤ LỤC SỐ 1

(Kèm theo Thông tư số 01/2000/TT-BXD ngày 01/3/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG

- Tên tổ chức/doanh nghiệp:

- Quyết định thành lập số:

- Trực thuộc:

- Hạng của doanh nghiệp:

- Trụ sở chính:

- Số điện thoại: - Fax:

------------------------------------------------------------------------------------------

XÁC NHẬN CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ XÂY DỰNG

- Bộ Xây dựng (hoặc Sở Xây dựng) xác nhận đã đăng ký hoạt động xây dựng.

- Hồ sơ đăng ký số:

- Đăng ký có giá trị hiệu lực từ ngày:

....., ngày tháng năm
Thủ trưởng
(ký tên, đóng dấu)

I. NỘI DUNG ĐĂNG KÝ CỦA TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP

A. PHẦN KÊ KHAI NĂNG LỰC:

- Vốn pháp định:

- Tổng vốn kinh doanh:

- Số và địa chỉ tài khoản:

- Tổng số cán bộ, công nhân viên trong biên chế của đơn vị (không kể người ngoài biên chế và cộng tác viên):

Lực lượng kỹ thuật phân tích theo các ngành, nghề:

TT

Ngành, nghề kỹ thuật

Đại học trở lên

Trung cấp

Công nhân kỹ thuật

Loại khác

1

Xây dựng

2

Thuỷ lợi

3

Giao thông

4

Điện

5

Cơ khí

6

Cấp, thoát nước

7

Kiến trúc

8

Kinh tế

9

Địa chất

10

Môi trường

11

Nông nghiệp

12

Ngành, nghề khác

- Một số thiết bị chính phục vụ cho hoạt động xây dựng:

TT

Tên và mã hiệu của thiết bị

Số lượng

Năng lực hoạt động

Ghi chú

1

2

3

...

B. PHẦN ĐĂNG KÝ PHẠM VI HOẠT ĐỘNG:

Tổ chức, doanh nghiệp căn cứ năng lực thực tế của mình, đối chiếu với Thông tư số 01/2000/TT- BXD ngày01 tháng 3 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng để đăng ký các nội dung hoạt động xây dựng cho phù hợp, theo nguyên tắc: Đăng ký nội dung nào thì phải có lực lượng chuyên môn, kỹ thuật và kinh nghiệm để thực hiện nội dung đó đảm bảo chất lượng theo quy định của nhà nước.

1. Đăng ký hoạt động Quản lý thực hiện dự án và hoạt động Tư vấn đầu tư xây dựng (Đăng ký Quản lý thực hiện dự án theo nhóm dự án; Đăng ký hoạt động Tư vấn đầu tư xây dựng theo loại dịch vụ tư vấn, loại và cấp công trình):

- ...

- ...

2. Đăng ký hoạt động Xây lắp công trình (Đăng ký theo loại và cấp công trình):

- ...

- ...

3. Đăng ký hoạt động Tổng thầu xây dựng (Đăng ký theo nhóm dự án, loại và cấp công trình):

- ...

- ...

Tôi xin chịu trách nhiệm về toàn bộ nội dung bản đăng ký này.

Thủ trưởng đơn vị

(ký tên, đóng dấu)

-------------------------------------------------------------------------------------------

C. PHẦN ĐĂNG KÝ BỔ SUNG

(Chỉ ghi những nội dung thay đổi so với đăng ký trước):

1. Bổ sung phần A:

- ...

- ...

2. Bổ sung phần B:

- ...

- ...

Tôi xin chịu trách nhiệm về nội dung đăng ký bổ sung này.

XÁC NHẬN BỔ SUNG ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG

Thủ trưởng đơn vị

(ký tên, đóng dấu)

Ghi chú:

- Nhóm dự án theo quy định của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng 52/CP;

- Loại công trình, Cấp công trình theo các Tiêu chuẩn kỹ thuật và Quy chuẩn xây dựng Việt nam;

- Hạng doanh nghiệp theo Thông tư liên tịch số 17/1998/TTLT- BLĐTBXH- BTC ngày 31/12/1998 của Bộ Lao động- Thương binh- Xã hội và Bộ Tài chính.

II. DANH SÁCH CÁN BỘ QUẢN LÝ, KỸ THUẬT CHỦ YẾU

- Đối với doanh nghiệp, tổ chức tư vấn gồm: Giám đốc; các phó giám đốc phụ trách kinh tế và kỹ thuật, trưởng phòng kỹ thuật, các xưởng trưởng thiết kế, chủ nhiệm đồ án thiết kế, chỉ huy công trình, trưởng ban quản lý điều hành dự án.

- Đối với tổ chức quản lý dự án gồm: Giám đốc và các phó giám đốc (hoặc trưởng Ban và các phó trưởng ban), các trưởng phòng (hoặc ban) trực thuộc.

Số tt

Họ và tên

Chức vụ

Trình độ chuyên môn, bằng cấp

Thâm niên nghề nghiệp

1

2

3

4

5

6

7

8

9

...

PHỤ LỤC SỐ 2

(kèm theo Thông tư số 01/2000/TT- BXD ngày 01/3/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

BÁO CÁO

TÌNH HÌNH ĐĂNG KÝ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG TẠI ĐỊA PHƯƠNG

(định kỳ 6 tháng và 1 năm)

Kính gửi: Bộ Xây dựng

- Tên cơ quan báo cáo:

- Trụ sở tại:

- Số điện thoại: - FAX:

- Tình hình đăng ký hoạt động xây dựng trên địa bàn:

Đối tượng đăng ký

Tổng số đơn vị đăng ký

Đăng ký lần đầu

Đăng ký bổ sung

Số lượng chấm dứt hoạt động trong kỳ

Số lượng vi phạm quy định trong kỳ

I/ Các tổ chức, doanh nghiệp nhà nước:

- Hoạt động Quản lý thực hiện dự án:

- Hoạt động Tư vấn đầu tư xây dựng:

- Hoạt động Xây lắp:

- Hoạt động Tổng thầu:

II/ Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác:

- Hoạt động Quản lý thực hiện dự án:

- Hoạt động Tư vấn đầu tư xây dựng:

- Hoạt động Xây lắp:

- Hoạt động Tổng thầu:

Tổng cộng:

Tôi xin chịu trách nhiệm về nội dung bản báo cáo này.

............, ngày.....tháng.....năm.....
Thủ trưởng cơ quan
(Ký tên, đóng dấu)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tư 01/2000/TT-BXD hướng dẫn hình thức quản lý thực hiện dự án đầu tư và xây dựng và đăng ký hoạt động xây dựng do Bộ Xây dựng ban hành

  • Số hiệu: 01/2000/TT-BXD
  • Loại văn bản: Thông tư
  • Ngày ban hành: 01/03/2000
  • Nơi ban hành: Bộ Xây dựng
  • Người ký: Nguyễn Mạnh Kiểm
  • Ngày công báo: 15/04/2000
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 16/03/2000
  • Tình trạng hiệu lực: Ngưng hiệu lực
Tải văn bản