ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1880/UB | Tp. Hồ Chí Minh, ngày 11 tháng 11 năm 1976 |
THÔNG TRI
HƯỚNG DẪN VIỆC KIỂM KÊ XỬ LÝ TÀI SẢN VẮNG CHỦ
Thực hiện chủ trương đăng ký khai trình tài sản vắng chủ từ ngày 20 tháng 7 năm 1976 đến nay kết quả có t ên 6.700 người đang quản lý, trông coi và thuê mướn tài sản vắng chủ và vắng mặt đã đăng ký.
Tổng số tài sản vắng chủ và vắng mặt bao gồm các loại tư liệu sản xuất, vật tư hàng hóa và tư liệu sinh hoạt gồm: 129 công ty, xí nghiệp, 86 kho hàng, 16 hàng và cửa hàng, 54.339 cổ phần vắng chủ, 1.836 trương mục ngân hàng, 5.049 nhà và căn nhà, 863 ô tô, 578 xe gắn máy, 130.657đ Ngân hàng Việt Nam và nhiều loại máy móc, thiết bị, vật tư, nguyên liệu, hàng hóa, tư liệu sinh hoạt khác nhu đã được khai trình.
Kết quả trên có ý nghĩa về chính trị, kinh tế tương đối lớn đối với Thành phố, nói lên chủ trương đăng ký khai trình tài sản vắng chủ của Thường vụ Thành ủy đề ra là đúng đắn. Việc tổ chức chỉ đạo thực hiện được tiến hành chu đáo, kịp thời thể hiện ý thức về quyền làm chủ tập thể của cán bộ, công nhân viên chức và nhân dân Thành phố.
Sau khi đăng ký khai trình, tài sản vắng chủ, vắng mặt phải được kiểm kê, xử lý. Công tác kiểm kê tài sản vắng chủ và vắng mặt là một công tác phức tạp, đụng chạm đến nhiều từng lớp nhân dân, phải vận dụng nhiều mặt chính sách và pháp luật, làm tốt thì càng sáng tỏ chính sách đúng đắn của Đảng, được quần chúng nhân dân đồng tình ủng hộ, củng cố thêm khối đoàn kết nhân dân.
Để đảm bảo công tác kiểm kê xử lý tài sản vắng chủ, vắng mặt nhanh gọn, làm đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạt yêu cầu của Thường vụ Thành ủy đề ra, căn cứ Thông tư số 234/TT-76-CP ngày 11/5/1976 của Ban Đại diện Đảng và Chính phủ ở miền Nam, căn cứ chính sách xử lý đổi mới vớ tư sản mại bản của Trung ương ; căn cứ vào những nguyên tắc xử lý đối với tài sản vắng chủ của Thường vụ Thành ủy, Ủy ban nhân dân Thành phố tạm thời quy định cụ thể một số điểm cho công tác kiểm kê xử lý tài sản vắng chủ, vắng mặt như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU KIỂM KÊ XỬ LÝ
Mục đích yêu cầu của việc kiểm kê xử lý là: phải phát hiện triệt để và xác minh chính xác quyền sở hữu của tài sản để bảo đảm quyền sỡ hữu chính đáng của tài chủ, để quần chúng yên tâm và để Nhà nước thu hồi trọn vẹn, tổ chức quản lý, điều hành chặt chẽ tài sản vắng chủ thuộc diện Nhà nước quản lý, nhanh chóng đưa nhà máy ; vật tư thiết bị nguyên liệu vào sản xuất, tổ chức lưu thông phân phối hàng hóa phục vụ đời sống nhân dân, xử lý thích đáng những kẻ cố tình chiếm đoạt bất hợp pháp, khen thưởng những người có công.
Trong khi tiến hành, cần thực hiện tốt những nguyên tắc cụ thể sau đây:
1- Cần phân loại xác định rõ: tài sản vắng chủ, vắng mặt hay có mặt (vắng chủ là người chủ trốn chạy theo địch ; vắng mặt là người chủ không có mặt tại Việt Nam, đã đi ra nước ngoài với lý do chính đáng như: đi làm ăn bình thường trước 30-4-1975 hoặc đi chữa bệnh hay đi thăm bà con sau ngày 30-4-1975, không phải chạy trốn theo địch ; có mặt là chỉ những người có liên quan đến tài sản vắng chủ hoặc vắng mặt như: Công ty có cổ đông có mặt và có cổ đông vắng chủ hoặc vắng mặt; người có ủy quyền được xét là hợp pháp quản lý tài sản vắng chủ hoặc vắng mặt ; người mướn nhà vắng chủ hoặc vắng mặt ; những tiện nghi sinh hoạt là của người mướn nhà mua sắm ; người giữ nhà cho người chủ tài sản vắng chủ hoặc vắng mặt, do yêu cầu đời sống, mua sắm riêng một số tư liệu sinh hoạt v.v...).
Trong từng cơ sở phải xác định rõ tài sản nào là vắng chủ, vắng mặt và có mặt. Đối với từng loại đối tượng vắng chủ, vắng mặt và có mặt, cần phải phân biệt người thuộc giai cấp bóc lột với người lao động, kẻ bán nước hại dân với người bị cưỡng ép lừa gạt ; kẻ trốn chạy làm tay sai cho địch với người đi vắng bình thường trước và sau ngày 30-4-1975. Người đi vắng sau 30-4-1975 cũng có thể nhiều loại:
- Được chính quyền cho phép đi ra nước ngoài,
- Đi vắng ở địa phương nhưng vẫn ở trong nước.
- Loại trốn ra nước ngoài.
Vì vậy cần nắm rõ lai lịch, lý do của người trốn chạy bất hợp pháp hay chính quyền cho phép đi ra nước ngoài hợp pháp ; lai lịch, lý do của người đang quản lý tài sản vắng chủ và vắng mặt. (Cần lưu ý: những giấy ủy quyền, cho phép người ở lại quản lý tài sản, làm từ ngoại quốc gởi về hoặc do ngụy quyền Sài gòn chứng nhận trong tháng 3, tháng 4/1975 là không hợp pháp. Trường hợp ngoại lệ, phải do Ủy ban nhân dân Quận cứu xét).
2- Cần phân loại tài sản thuộc loại chủ yếu (tư liệu sản xuất, vật tư hàng hóa) và thông thường (nhà ở và tư liệu sinh hoạt). Trọng tâm công tác kiểm kê, xử lý là tài sản chủ yếu của các đối tượng vắng chủ, vắng mặt cũng như có mặt. Trong công tác xử lý, phải vận dụng chính sách, luật pháp đối với từng loại đối tượng cụ thể (vắng chủ, vắng mặt, có mặt). Trong công tác kiểm kê, nếu phát hiện những hành động chiếm đoạt tài sản, tẩu tán, trốn lậu thuế, đầu cơ v.v... thì xem là phạm pháp hiện hành, xử lý theo chính sách, luật pháp của Nhà nước ban hành.
Phải kiểm kê chặt chẽ những tài sản thuộc loại chủ yếu. Đối với những tài sản thuộc loại thông thường, trừ nhà ở, xe hơi và những tiện nghi có giá trị cao, thì không nên quá khắt khe, bắt phải trình nộp hóa đơn, chứng từ cho mọi thứ, gây khó khăn cho đồng bào.
3- Nói chung, tài sản chính đáng của người vắng mặt có người quản lý hợp pháp được bảo đảm để phục vụ sản xuất và đời sống của quần chúng. Tùy theo tính chất tài sản như xí nghiệp quan trọng, phần nguyên liệu, vật tư thiết bị và hàng hóa nhập cảng đang khan hiếm, thiết yếu đến đời sống nhân dân thì Nhà nước có thể cho họ hợp doanh hoặc thu mua với giá phải chăng (việc thu mua và định giá do Ban cải tạo Thành phố quyết định).
4- Để xử lý được nhanh gọn, kịp thời và để đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống, cần phân loại và tiến hành làm 3 bước:
a) Trước hết, cần tập trung kiểm kê, xử lý các loại tài sản chủ yếu (tư liệu sản xuất, vật tư hàng hóa) vắng chủ, vắng mặt cũng như có mặt. Cố gắng làm dứt điểm loại tài sản chủ yếu trong tháng 11/1976.
b) Kế đó, tiến hành kiểm kê, xử lý loại tài sản thông thường (nhà ở và tư liệu sinh hoạt) vắng chủ, vắng mặt và có mặt. Cần nghiên cứu, sưu tầm đủ các yếu tố để xác định được rõ ràng, xử lý nhanh, gọn, dứt khoát để sớm kết thúc loại tài sản này.
c) Sau hết, nghiên cứu chu đáo, xác minh cụ thể loại tài sản vắng chủ, vắng mặt hoặc có mặt, có nhiều mối quan hệ phức tạp, nhập nhằng, để có đủ yếu tố kết luận và xử lý hợp tình hợp lý, đúng chính sách và luật pháp.
Kịp thời khen thưởng người có công phát hiện, bảo quản tài sản vắng chủ; nghiêm trị những người cố tình chiếm đoạt.
II. HƯỚNG GIẢI QUYẾT ĐỐI VỚI CÁC LOẠI TÀI SẢN VẮNG CHỦ, VẮNG MẶT:
1- Tài sản vắng chủ:
a)- Tài sản vắng chủ hoàn toàn: Tiến hành kiểm kê toàn bộ (bao gồm tư liệu sản xuất, vật tư hàng hóa, tư liệu sinh hoạt) và Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định việc quản lý, sử dụng.
b)- Tài sản vắng chủ 1 bộ phận (còn có cổ đông có mặt, người trong gia đình có tên chung tài sản...): Tiến hành kiểm kê toàn bộ tài sản. Trong xử lý có phân biệt: tài sản vắng chủ thì Nhà nước tịch thu. Phần tài sản có mặt trong cùng một cơ sở có tài sản vắng chủ, nếu hợp pháp và không liên quan đến tư sản mại bản, đại gian thương thì bảo đảm quyền sở hữu chính đáng của họ.
c)- Tài sản vắng chủ của ngoại kiều:
- Nếu có đủ cơ sở kết luận là vắng chủ (là địch hay là chạy theo địch) thì tiến hành kiểm kê xử lý như điểm a nói trên.
- Tài sản vắng chủ một bộ phận thì kiểm kê và xử lý theo điểm b nói trên.
Việc kiểm kê, xử lý tài sản vắng chủ của ngoại kiều phải do Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định và Ban Cải tạo Thành phố tổ chức thực hiện.
2- Tài sản vắng mặt:
a)- Tài sản vắng mặt hoàn toàn (không có người thay thế hợp pháp cho người chủ vắng mặt): tiến hành kiểm kê toàn bộ tài sản. Nhà nước tạm thời quản lý cho đến khi người chủ vắng mặt trở về và tùy theo từng trường hợp cụ thể, sẽ xem xét và xử lý.
b)- Tài sản vắng mặt có người thay thế hợp pháp cho người chủ: chỉ tiến hành kiểm kê các loại tài sản chủ yếu (tư liệu sản xuất, vật tư hàng hóa) và nếu xét thấy cần, Nhà nước sẽ thu mua phần tài sản đó để đưa vào sản xuất hoặc phục vụ cho đời sống nhân dân. Không kiểm kê tài sản thông thường (nhà ở và tư liệu sinh hoạt).
c)- Tài sản ngoại kiều vắng mặt:
- Tài sản ngoại kiều vắng mặt hoàn toàn (không có người thay thế hợp pháp cho người chủ): tiến hành kiểm kê toàn bộ tài sản và Nhà nưuớc tạm thời quản lý cho đến khi chủ tài sản trở lại, tùy từng trường hợp cụ thể sẽ xem xét và xử lý.
- Tài sản ngoại kiều vắng mặt có người thay thế hợp pháp cho người chủ: chỉ tiến hành kiểm kê các loại tài sản chủ yếu (như đã nói ở điểm b trên đây) và nếu xét thấy cần thiết thì Nhà nước sẽ thu mua. Không kiểm kê các loại tài sản thông thường.
Việc kiểm kê, xử lý tài sản ngoại kiều vắng mặt phải do Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định và Ban Cải tạo Thành phố tổ chức thực hiện.
3- Hướng giải quyết đối với từng loại tài sản cụ thể của các đối tượng vắng chủ, vắng mặt:
a)- Xí nghiệp, vật tư hàng hóa, thuộc loại tài sản vắng chủ, vắng mặt chủ yếu, thì giải quyết như đã quy định ở mục 1 và 2 theo nguyên tắc đã nêu ở phần I.
b)- Các loại đất, kể cả ao hồ, không kể diện tích nhiều hay ít, thuộc tài sản vắng chủ, vắng mặt, đều do Nhà nước quản lý. Từ sau ngày 30.4.1975, mọi việc mua bán, sang nhượng, cho thuê đất dùng vào việc xây cất nhà, mở cơ sở sản xuất, nếu không được Ủy ban nhân dân Thành phố cấp giấy phép, thì đều coi là không hợp pháp.
c)- Nhà cửa vắng chủ, vắngmặt (không có người thay thế hợp pháp cho người chủ) sẽ do Nhà nước quản lý hoặc tạm quản lý theo như các điều đã quy định trên đây. Từ ngày giải phóng Tây Nguyên (11.3.1975) đến ngày 30.4.1975, các trường hợp ủy quyền, sang tên, đều coi là không hợp pháp. Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 ; mọi trường hợp mua bán sang nhượng, ủy quyền, sang tên, nếu không được cơ quan quản lý nhà đất Thành phố cho phép, cũng đều coi là không hợp pháp.
Trường hợp nhà có người đang ở, không phải là người thay thế hợp pháp cho người chủ, phải được xem xét và xử lý cụ thể từng trường hợp: nếu người đang ở cố ý chiếm đoạt nhà cửa bất hợp pháp thì nhà cửa sẽ được Nhà nước thu hồi, người chiếm nhà sẽ bị trục xuất ; nhưng nếu người đó tự nguyện khai báo, trả lại nhà cho Nhà nước thì được hoan nghênh. Trường hợp người đang ở, do hoàn cảnh khó khăn, thật sự không có chỗ ở, thì phải ký hợp đồng thuê nhà với Sở Quản lý Nhà đất Thành phố; nếu ở quá rộng hoặc không thích hợp, Sở Quản lý Nhà đất sẽ xem xét hoặc điều chỉnh chỗ ở, hoặc thu hồi bớt diện tích cho hợp lý.
d)- Từ sau ngày 30.4.1975, mọi trường hợp mua bán, sang nhượng xe ôtô vắng chủ, vắng mặt (không có người thay thế hợp pháp cho người chủ) đều không hợp pháp. Trường hợp người giữ xe ôtô vắng chủ, vắng mặt, tự giác khai báo đem nộp cho Chính quyền thì sẽ được hoan nghênh. Nếu bảo quản phương tiện tốt, người bảo quản sẽ được khen thưởng. Trường hợp những người cố ý chiếm đoạt xe ôtô vắng chủ, vắng mặt, không chịu khai báo, đem nộp, thì xe ôtô sẽ được thu hồi, người chiếm đoạt sẽ bị nghiêm trị.
e)- Trường hợp mua xe gắn máy vắng chủ, vắng mặt, nếu người mua là cán bộ, công nhân, viên chức, nhân dân lao động vì yêu cầu đi lại làm ăn, việc mua bán thực sự là bị lầm, có thể cho phép người mua được tiếp tục sử dụng, nhưng không được đem bán lại cho người khác. Trường hợp xét rõ là ăn cắp của vắng chủ, vắng mặt hoặc dùng quyền lực chiếm đoạt thì tài sản ấy phải được thu hồi. Người ăn cắp chiếm đoạt sẽ bị trừng trị.
III. PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP XỬ LÝ TÀI SẢN VẮNG CHỦ, VẮNG MẶT:
Vấn đề xử lý tài sản vắng chủ, vắng mặt là một công tác rất phức tạp trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, Ủy ban nhân dân Thành phố quy định việc phân công, phân cấp cho các Sở, Ban, Ngành, Quận trong Thành phố xử lý tài sản vắng chủ, vắng mặt như sau:
1/ Cấp Thành:
Ủy ban nhân dân Thành phố quyết định xử lý tài sản vắng chủ, vắng mặt về các mặt hành chính, kinh tế. Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố là các cơ quan xử lý về mặt tư pháp.
Để giúp cho Ủy ban nhân dân Thành phố tiến hành kiểm kê và ra quyết định xử lý tài sản vắng chủ, vắng mặt, nay giao trách nhiệm cho các Sở, Ban, Ngành chức năng của Thành phố như sau:
+ Ban Cải tạo Thành phố tổ chức việc kiểm kê và hướng dẫn Ban Cải tạo các Quận kiểm kê các loại tài sản vắng chủ, vắng mặt. Ban Cải tạo Thành phố phối hợp với Ủy ban Thanh tra, Sở Công an, Phòng Pháp chế của Ủy ban nhân dân Thành phố và các Sở có liên quan, nghiên cứu hồ sơ, kiến nghị nội dung và hình thức xử lý cũng như xác định quyền sở hữu hợp pháp của chủ tài sản, chuẩn bị văn bản để trình cho Ủy ban nhân dân Thành phố xét duyệt, quyết định xử lý, Chứng nhận quyền sở hữu chánh đáng của chủ tài sản hoặc truy tố ra trước pháp luật.
+ Ủy ban Kế hoạch Thành phố, Sở Tài chính, Công ty vật tư Tổng hợp chịu trách nhiệm thu hồi, quản lý phân phối theo kế hoạch toàn bộ các tư liệu sản xuất, vật tư nguyên liệu, thành phẩm và bán thành phẩm, các loại phụ tùng và nguyên liệu phế thải.
+ Sở Công nghiệp phối hợp cùng các Sở có liên quan tổ chức tiếp nhận, xây dựng bộ máy quản lý điều hành các xí nghiệp nhà máy, các cơ sở sản xuất vắng mặt thuộc diện quản lý của Sở Công nghiệp. Các Sở Y tế, Sở Thông tin văn hóa chịu trách nhiệm tiếp nhận quản lý, tổ chức bộ máy điều hành các cơ sở sản xuất thuộc phạm vi ngành mình phụ trách.
+ Sở Nông nghiệp quản lý ruộng đất dùng vào việc canh tác ở ngoại thành, các vườn cây ăn quả, cao su, cà phê, các cơ sở sản xuất thức ăn gia súc, chăn nuôi vắng chủ, vắngmặt. Những cơ sở nằm trên lãnh thổ các tỉnh khác thì tiến hành bàn giao cho các tỉnh kiểm kê và quản lý.
+ Sở Thương nghiệp tổ chức quản lý, điều hành các cửa hàng, công ty, kho hàng, thu hồi, quản lý và đưa vào kế hoạch phân phối tất cả các loại hàng hóa vắng chủ, vắng mặt đã được Ủy ban nhân dân Thành phố và các Quận xử lý chuyển giao.
+ Sở Tài chính thu hồi quản lý và đưa vào kế hoạch phân phối sử dụng trong nội bộ các cơ quan Nhà nước các loại tư liệu sinh hoạt, đồ dùng văn phòng như bàn ghế, giường tủ, tivi, tủ lạnh v.v....
+ sở Quản lý Nhà đất thu hồi quản lý các loại nhà cửa vắng chủ, vắng mặt, các lô đất xây dựng nội ngoại thành.
+ Ngân hàng Thành ph61 thu hồi quản lý tiền ở các trương mục, vàng, hột xoàn, đá qúi, tiền nộ của các đối tượng vắng chủ, vắng mặt.
+ Công ty Vật tư Tổnghợp, Sở Giao thông Vận tải thu hồi, quản lý toàn bộ ôtô, tàu thuyền, phụ tùng và võ ruột xe ôtô, xe gắn máy của các đối tượng vắng chủ, vắng mặt.
2- Các Quận:
Ủy ban nhân dân Quận, Toà án nhân dân và Viện Kiểm sát nhân dân Quận là những cơ quan có trách nhiệm xử lý các đối tượng vắng chủ, vắng mặt theo nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan cấp Quận và theo sự phân công của Ủy ban nhân dân Thành phố.
+ Ủy ban nhân dân Quận giải quyết những việc của nhân dân khiếu nại về quyền sở hữu tài sản vắng chủ, vắng mặt, xử lý những vụ sang đoạt tài sản vắng chủ. Sau khi xử lý, phải bàn giao tài sản cho các cơ quan cấp thành theo sự phân công ở mục 1.
Ban Cải tạo Quận, Công an Quận, phối hợp cùng các cơ quan có liên quan, chịu trách nhiệm chuẩn bị hồ sơ để Ủy ban nhân dân Quận quyết định xử lý các đối tượng và tài sản vắng chủ, vắng mặt trong phạm vi được phân công kiểm kê, xử lý.
Khen thưởng và xử phạt:
Ủy ban nhân dân Quận sẽ khen thưởng:
- Những người có công tố giác kẻ gian, giúp chính quyền thu hồi được tài sản vắng chủ.
- Những người đang giữ, cất giấu, bảo quản tài sản vắng chủ đã khai báo, mang nạp đầy đủ cho chính quyền không thất thoát.
- Xét và đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố khen thưởng những người, những đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh giúp chính quyền thu hồi được những loại tài sản vắng chủ có giá trị kinh tế lớn.
Ủy ban nhân dân Quận sẽ xử phạt:
- Những người sang đoạt tài sản vắng chủ, nhưng ngoan cố không chịu khai báo bị nhân dân tố giác hoặc bị phát hiện.
- Những người dùng giấy tờ giả mạo để chiếm đoạt tài sản vắng chủ, thông đồng với gian thương, tham gia vào việc mua bán, đổi chác tài sản vắng chủ, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm rối cho thị trường, có hại cho trật tự trị an xã hội.
Tùy theo mức độ nặng nhẹ của từng trường hợp, Ủy ban nhân dân Quận sẽ xử lý bằng biện pháp hành chính, kinh tế hoặc đề nghị với Viện kiểm sát truy tố ra Toà.
Để công tác kiểm kê xử lý tài sản vắng chủ, vắng mặt tiến hành được nhanh gọn, đúng chính sách và pháp luật Nhà nước đạt kết quả tốt, các Ban Ngành, Ủy ban nhân dân các Quận cần tăng cường chỉ đạo chặt chẽ công tác này. Trước hết, cần tổ chức phổ biến Thông tri này cho thật thông suốt đến toàn thể cán bộ, đảng viên, bộ đội, công an, công nhân viên chức; đặc biệt cần tập huấn cho số anh chị em đang được giao nhiệm vụ làm công tác kiểm kê, xử lý, quản lý tài sản vắng chủ, vắng mặt, từng đơn vị, bộ phận, tổ công tác, cần khắc phục những nhận thức tư tưởng lệch lạc và hành động sai trái với nội dung tinh thần Thông tri này và có kế hoạch, biện pháp triển khai ngay các mặt công tác.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ |
Thông tri 1880/UB năm 1976 hướng dẫn việc kiểm kê xử lý tài sản vắng chủ do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
- Số hiệu: 1880/UB
- Loại văn bản: Thông tri
- Ngày ban hành: 11/11/1976
- Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
- Người ký: Lê Đình Nhơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/11/1976
- Ngày hết hiệu lực: 11/11/1998
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực