Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 09/TT-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 4 năm 1978

 

THÔNG TRI

VỀ NHỮNG QUY ĐỊNH TRONG QUAN HỆ VỚI CÁC CƠ QUAN NƯỚC NGOÀI VÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI.

Hoạt động đối ngoại của thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, việc giao dịch giữa các cơ quan, đoàn thể cũng như cán bộ và nhân dân ta với các cơ quan nước ngoài và người nước ngoài ngày càng nhiều và liên quan đến nhiều lĩnh vực phức tạp.

Ủy ban nhân dân thành phố giao cho Sở Ngoại vụ nhiệm vụ quản lý thống nhất công tác đối ngoại trong Thành phố để bảo đảm việc thực hiện đúng đắn đường lối chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta và việc thi hành nghiêm chỉnh luật pháp của nước ta, phù hợp với luật pháp và tập quán quốc tế.

Để làm tốt công tác trên, Ủy ban nhân dân thành phố thông tri để các Ban, Ngành, Sở thuộc Ủy ban, các cơ quan đoàn thể đóng trong Thành phố, các Ủy ban nhân dân các Quận, Huyện, các Phường, Xã nội, ngoại thành và cán bộ, nhân dân biết những quy định sau đây trong quan hệ giao dịch với cơ quan nước ngoài (1), đoàn khách nước ngoài (2) và người nước ngoài tạm trú (3) và thường trú. Những quy định này căn cứ vào các chỉ thị, thông tư đã ban hành và đang có hiệu lực của Phủ Thủ tướng (Chỉ thị số 67/TTg-NC và Thông tư số 68/TTg-NC ngày 10/6/1965, chỉ thị số 265/TTg ngày 28/10/1974) và của Bộ Ngoại giao (Thông tư số 01/VPNG ngày 19/12/1970). Đây là những quy định mà mọi cơ quan, đoàn thể, cán bộ và nhân dân trong Thành phố phải chấp hành nghiêm chỉnh.

1) Các cơ quan, đoàn thể của Việt Nam đóng trong Thành phố (kể cả các cơ quan của Trung ương) và người Việt Nam (cán bộ và nhân dân) không được tự ý trực tiếp hay gián tiếp tiếp xúc, giao dịch với các cơ quan nước ngoài (1), đoàn khách nước ngoài (2) và người nước ngoài tạm trú (3). Mọi quan hệ với các đối tượng trên đều phải thông qua Sở Ngoại vụ.

Riêng các cơ quan phục vụ lợi ích công cộng như Công ty cấp nước, Công ty Điện lực, Sở Vệ sinh… các cơ quan nghiệp vụ như Sở Ngoại thương, Ngân hàng Nhà nước, Phân Cục Hải quan, Công ty cung ứng tàu biển… cần liên hệ với cơ quan nước ngoài (1), đoàn khách nước ngoài (2) và người nước ngoài tạm trú (3) để giải quyết các vấn đề về sinh hoạt hàng ngày hay bàn biện pháp thực hiện những điều đã thỏa thuận hoặc liên hệ để thảo luận với họ việc thi hành một chủ trương của Chính phủ ta có liên quan đến họ… thì có thể trực tiếp với những đối tượng trên. Nhưng trong trường hợp có khó khăn, vướng mắc thì cần trao đổi ý kiến với Sở Ngoại vụ trước và sau khi tiếp xúc.

2) Các cơ quan nước ngoài (1), đoàn khách nước ngoài (2) và người nước ngoài tạm trú (3) không được tự ý liên hệ với cơ quan Việt Nam và người Việt Nam. Muốn liên hệ với các cơ quan đoàn thể Việt Nam đóng tại Thành phố (kể cả các cơ quan của Trung ương) và người Việt Nam (cán bộ và nhân dân) thì họ đều phải qua Sở Ngoại vụ. Nếu họ trực tiếp với các cơ quan, đoàn thể Việt Nam và người Việt Nam thì phía Việt Nam cần nhắc cho họ nguyên tắc nói trên và chỉ làm việc với họ sau khi họ đã được sự đồng ý của Sở Ngoại vụ.

Đối với những yêu cầu cụ thể của cơ quan nước ngoài như các Tổng Lãnh sự quán các nước đóng tại Thành phố, những yêu cầu về việc thuê mướn nhân viên phục vụ trong cơ quan, thuê mướn sửa chữa nhà cửa, điện, nước, những yêu cầu về xuất bản phát hành các bản tin, về trao đổi các tài liệu văn hóa (sách báo, phim, ảnh) về xuất, nhập khẩu những tài liệu sách báo, văn hóa phẩm, về tổ chức các hội nghị báo chí, tổ chức chiêu đải, chiếu phim, nói chuyện, triển lãm tranh ảnh… đều phải được họ chuyển đến Sở Ngoại vụ để cùng với các cơ quan hữu quan nghiên cứu giải quyết.

Đối với những yêu cầu tiếp xúc, gặp gỡ của các đoàn khách nước ngoài và người nước ngoài tạm trú thì các cơ quan đón tiếp khách hoặc quản lý khách cần trao đổi ý kiến với Sở Ngoại vụ và tùy trường hợp cụ thể mà giải quyết các yêu cầu đó của họ.

3) Việc xử lý những vấn đề liên quan đến cơ quan nước ngoài và người nước ngoài đều phải bàn bạc trước với Sở Ngoại vụ để thống nhất về chủ trương và biện pháp xử lý, nhằm bảo đảm phù hợp với luật pháp nước ta, luật pháp và tập quán quốc tế, phù hợp với tình hình quan hệ chính trị giữa nước ta với nước hữu quan.

Trường hợp khẩn cấp, phải xử lý ngay thì liền sau đó cơ quan chức trách cần thông báo cho Sở Ngoại vụ, giúp Sở Ngoại vụ nắm vấn đề báo cáo với Ủy ban nhân dân thành phố và Bộ Ngoại giao để có cách xử lý tiếp.

Căn cứ vào những quy định trên, các cơ quan chính quyền, cơ quan an ninh các cấp trong Thành phố không được tự ý xử lý vấn đề tài sản, nhà cửa của người nước ngoài, không được tự ý bắt bớ, giam giữ người nước ngoài, trừ trường hợp quả tang, không được tự ý chứng nhận về vấn đề quốc tịch của họ , tự ý cắt khẩu phần lương thực, chứng nhận chung sống, kết hôn mà không có quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố hoặc của cơ quan có thẩm quyền.

4) Mỗi khi có yêu cầu tiếp xúc với khách nước ngoài, thì Thủ trưởng cơ quan phải chỉ định người đi tiếp xúc, chuẩn bị chu đáo và chịu trách nhiệm về nội dung tiếp xúc. Cần có hai người cùng dự (trừ trường hợp khách yêu cầu thì có thể gặp riêng nhưng phải được Thủ trưởng đồng ý). Chỉ được tiếp ở phòng khách của cơ quan, không được tiếp ở phòng làm việc của cán bộ hoặc ở nhà riêng; người tiếp nói ít nghe nhiều, không tiết lộ cơ mật quốc gia, không hứa hẹn vô nguyên tắc; tiếp xong cần lập ngay biên bản chi tiết nạp cho Thủ trưởng cơ quan vào trao đổi ý kiến với Sở Ngoại vụ về nội dung cuộc tiếp xúc.

5) Trong việc đối xử với các cơ quan nước ngoài và người nước ngoài, các cơ quan, đoàn thể và người Việt Nam cần quán triệt những quy định trên đây, đồng thời phải nắm vững các nguyên tắc :

a) Đối với những vấn đề có liên quan đến chính trị, đến đường lối chính sách đối ngoại thì phải chặt chẽ, nghiêm túc, nhưng thái độ thì phải mềm dẻo, khéo léo, lịch sự.

b) Đối với các vấn đề thông thường thuộc về sinh hoạt thì có thể rộng rãi, không nên gò bó, tuy rằng phải đúng mức.

c) Phải luôn luôn đề cao cảnh giác, hết sức giữ gìn bí mật của đất nước về các mặt (chính trị, kinh tế, quân sự…) không để có những sơ hở mà kẻ địch có thể lợi dụng.

d) Cần đối xử bình đẳng như nhau đối với các cơ quan nước ngoài đóng tại Thành phố, nhưng cũng có sự phân biệt thích đáng đối với từng nước tùy theo quan hệ giữa nước ta với nước đó.

Trên đây là một số quy định cần thiết. Trong quá trình thực hiện nếu thấy có vấn đề gì khó khăn, trở ngại, đề nghị các cấp, các ngành đề đạt ý kiến với Ủy ban nhân dân thành phố hoặc với Sở Ngoại vụ để nghiên cứu bổ sung./.

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Vũ Đình Liệu

 

(1) Các cơ quan nước ngoài ở nước ta gồm các cơ quan ngoại giao, cơ quan lãnh sự, các cơ quan đại diện thương mại, kinh tế, văn hóa, đại diện hàng không, hàng hải.

(2) Các đoàn khách nước ngoài gồm các đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ, Quốc hội, đoàn hữu nghị, đoàn đại biểu kinh tế, quốc phòng, văn hóa, khoa học kỹ thuật, các đoàn nhà văn, nhà báo…

(3) Người nước ngoài tạm trú gồm các chuyên gia nước ngoài do Phân Cục Chuyên gia quản lý, các khách đến Thành phố du lịch, tham quan của Công ty du lịch quản lý. Họ chỉ tạm trú một thời gian ở Thành phố ta.

Đối với người nước ngoài thường trú thì việc quản lý họ là do Sở Công an Thành phố phụ trách.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông tri 09/TT-UB năm 1978 về những quy định trong quan hệ với các cơ quan nước ngoài và người nước ngoài do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 09/TT-UB
  • Loại văn bản: Thông tri
  • Ngày ban hành: 25/04/1978
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Vũ Đình Liệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/04/1978
  • Ngày hết hiệu lực: 04/03/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản