Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 60/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 04 tháng 4 năm 2005

 

THÔNG BÁO

CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 60/TB-VPCP NGÀY 04 THÁNG 4 NĂM 2005 VỀ KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ BAN CHỈ ĐẠO TỔ CHỨC ĐIỀU PHỐI PHÁT TRIỂN VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM PHÍA NAM

Trong hai ngày 17 và 18 tháng 3 năm 2005, tại thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị Ban Chỉ đạo Tổ chức điều phối phát triển Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đao, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương và lãnh đạo các địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Sau khi nghe các Bộ trình bày dự thảo các quy hoạch: Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kết quả rà soát, điều chỉnh Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp; Bộ Xây dựng báo cáo Quy hoạch xây dựng Vùng và thành phố Hồ Chí Minh; Bộ Công nghiệp báo cáo quy hoạch phát triển điện lực và quy hoạch phát triển sản phẩm chủ yếu; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông báo cáo Quy hoạch hệ thống thủy lợi; Bộ Giao thông vận tải báo cáo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải; Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Phương án sử dụng đất, tài nguyên nước, tài nguyên biển và bảo vệ môi trường của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có vị trí, vai trò hết sức quan trọng, là động lực thúc đẩy công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế toàn Vùng và của cả nước. Thời gian qua tăng trưởng kinh tế của Vùng góp phần rất quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.

Tuy nhiên, phát triển kinh tế - xã hội của Vùng còn chưa tương xứng với vị thế, tiềm năng. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế đạt tỷ lệ khá, nhưng tỷ trọng các ngành kinh tế chủ lực, các sản phẩm có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn còn thấp; một số loại hình dịch vụ quan trọng như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, tư vấn,.... chậm phát triển. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống đường giao thông (thủy, bộ, đường sắt, cảng) còn lạc hậu và chưa đồng bộ; nhu cầu điện, nước cho sản xuất và đời sống chưa đáp ứng đủ; các cơ sở giáo dục, y tế còn nhiều bất cập.

Những yếu kém trên có nguyên nhân từ chất lượng công tác lập quy hoạch thấp, chưa sát đúng với xu hướng phát triển hoặc không kịp thời; tổ chức thực hiện quy hoạch chưa đồng bộ, chưa huy động được các nguồn lực của vùng nên kém hiệu quả. Quản lý kinh tế còn mang tính cứng nhắc theo địa giới hành chính, chưa tạo được không gian kinh tế thống nhất, phù hợp yêu cầu thị trường. Cơ chế chính sách chung của Nhà nước chưa được các địa phương cụ thể hóa phù hợp; cơ chế phối hợp của các địa phương trong Vùng chưa được thống nhất, phạm vi phối hợp chưa rõ ràng....

II. PHƯƠNG HƯỚNG THỜI GIAN TỚI

Để khắc phục những yếu kém trên, nhằm phát huy hơn nữa vị thế của vùng và từng địa phương, các Bộ, ngành trong Ban Chỉ đạo phối hợp với các tỉnh, thành phố trong Vùng kinh tế trọng điểm căn cứ các mục tiêu, ý kiến nêu trong Quyết định số 146/2004/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương rà soát, điều chỉnh bổ sung các Quy hoạch đã báo cáo trong Hội nghị, tiến hành thẩm định và trình duyệt theo quy định. Cần lưu ý một số vấn đề sau đây:

1. Về quy hoạch xây dựng: đây là quy hoạch chung trên không gian của cả Vùng, nên trước hết phải phù hợp quy hoạch chung của cả nước, đồng thời phải bổ sung một số địa phương mới được đưa vào Vùng KTTĐ, như Long An, Tây Ninh và khu vực phía Tây, Tây Nam để đảm bảo một không gian thống nhất, dựa trên phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội Vùng đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, theo đúng các yêu cầu nêu tại Quyết định 146/2004/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2004. Quy hoạch chung phải thể hiện rõ định hướng phát triển về giao thông, kết cấu hạ tầng.... làm cơ sở cho các quy hoạch ngành.

Cùng với việc hoàn thiện Quy hoạch, cần nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách phù hợp trên địa bàn Vùng, đảm bảo việc thực hiện quy hoạch hiệu quả cao, gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng, an ninh.

2. Về Quy hoạch phát triển giao thông vận tải: trên cơ sở tiếp thu ý kiến đóng góp của các địa phương tại Hội nghị, Bộ Giao thông vận tải hoàn chỉnh Quy hoạch, thống nhất với các địa phương về quỹ đất cần sử dụng cho giao thông, thứ tự ưu tiên đầu tư các công trình, phân cấp đầu tư giữa Trung ương và địa phương hoặc phối hợp đầu tư giữa các địa phương, phương thức đầu tư (ngân sách đầu tư, đầu tư theo hình thức BOT hay đầu tư rồi bán quyền thu phí,.....), tiến độ thực hiện. Các vấn đề này cần được xác định rõ trong bước lập quy hoạch.

Về Quy hoạch Cụm cảng 5: đây là Cụm cảng rất quan trọng không chỉ cho Vùng mà cho cả nước. Quy hoạch cần thể hiển rõ việc chuyển các cảng của thành phố Hồ Chí Minh ra khỏi nội ô theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị. Cần tính theo 2 hướng đến Cát Lái và Hiệp Phước, gắn các cảng này với địa bàn tỉnh Long An; có cơ chế về vốn để di dời cảng, lưu ý việc cấp đất cho Ba Son, Tân Cảng. Cần hết sức hạn chế xây dựng cảng chuyên dụng ở khu vực này để tiết kiệm đất, vốn đầu tư và phát huy hiệu quả. Phải cân nhắc kỹ, thống nhất giữa Bộ Giao thông vận tải và các địa phương về thứ tự ưu tiên đầu tư, phân rõ nguồn vốn, đất đai, tiến độ thực hiện.

Quy hoạch giao thông phải đảm bảo mục tiêu trước mắt là giảm ùn tắc giao thông Vùng thành phố Hồ Chí Minh. Bộ giao thông vận tải phối hợp với UBND thành phố Hồ Chí Minh, chuẩn bị để có thể tổ chức cuộc họp quy hoạch giao thông vận tải thành phố trong tháng 4 năm 2005.

3. Về quy hoạch phát triển điện lực và sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Vùng: Bộ Công nghiệp căn cứ Quyết định số 146/2004/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ, nghiên cứu dự thảo quy hoạch xây dựng, quy hoạch khu công nghiệp.... để xác định rõ định hướng phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Vùng. Quy hoạch công nghiệp là "quy hoạch mềm", quy hoạch định hướng, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên phát triển các ngành, các sản phẩm chủ yếu. Đồng thời, từng bước giảm dần hoặc không đầu tư một số ngành, một số sản phẩm không quan trong, mà đầu tư ở các địa phương khác có hiệu quả hơn.

Cần làm tốt Quy hoạch tổng sơ đồ điện VI; trong đó, ngoài các nhà máy điện chạy bằng khí, cần có kế hoạch xây dựng một số nhà máy điện chạy bằng than ở khu vực phái nam của Vùng tiếp giáp với Tiền Giang, Cần Thơ, Bến Tre... Tính toán kỹ phương án nhiệt điện Nhơn Trạch, nếu không hiệu quả thì phải cân nhắc lại. Việc xây dựng sơ đồ lưới điện cần tính toán kỹ để tiết kiệm đất xây dựng và đảm bảo mỹ quan đô thị.

Rà soát lại quy hoạch các khu công nghiệp trong Vùng theo hướng hình thành các khu, cụm công nghệ cao, dịch vụ tập trung; xây dựng cơ chế thống nhất về thu hút đầu tư cho các khu, cụm này, nhất là các khu giáp ranh địa phương khác, và về tổ chức đào tạo nguồn nhân lực cho khu công nghiệp. Tổ chức các khu sinh dưỡng công nghiệp để phối hợp, thúc đẩy phát triển công nghiệp. Giao Bộ kế hoạch và đầu tư chỉ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan và các địa phương xây dựng cơ chế đòi hỏi các nhà đầu tư (đặc biệt là đầu tư nước ngoài) tăng suất đầu tư trên một diện tích đất sử dụng; xây dựng cơ chế phối hợp để phát triển các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, tạo môi trường đầu tư tốt và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương và toàn Vùng.

4. Về quy hoạch sử dụng đất, các nguồn tài nguyên và bảo vệ môi trường:

Rà soát lại Quy hoạch sử dụng đất theo hướng dẫn hết sức chặt chẽ, tiết kiệm đất (tiết kiệm đất ngay cả ở các khu công nghiệp). Khi thu hồi đất làm khu công nghiệp và đô thị, phải hết sức lưu ý giải quyết tốt công tác tái định cư và giải quyết việc làm, đảm bảo cuộc sống cho đồng bào phải di dời, không để phát sinh khiếu kiện.

Quy hoạch sản xuất nông nghiệp trong Vùng cần điều chỉnh theo hướng phát triển những loại sản phẩm có công nghệ, chất lượng và giá trị cao, đồng thời sử dụng ít nước.

Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, địa phương liên quan khẩn trương tiến hành xây dựng Quy hoạch sử dụng nguồn nước theo hướng sử dụng liên hoàn nước các con sông, hồ trong Vùng và nước ngầm. Xây dựng cơ chế chính sách (trong đó xác định trách nhiệm, mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, địa phương) sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước. Cần tính toán để sử dụng hợp lý nước cho thủy lợi, công nghiệp và tiêu dùng. Xây dựng quy chế quản lý, khai thác đồng thời với các giải pháp xử lý ô nhiễm các con sông trong Vùng. Việc xử lý rác thải, đặc biệt là rác thải công nghiệp, y tế cần được đưa vào Quy hoạch và cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ và các tỉnh trong Vùng. Bộ Xây dựng lưu ý việc quy hoạch các nghĩa trang và vận động nhân dân áp dụng hình thức hỏa táng.

5. Về quy hoạch thủy lợi của Vùng: Rà soát lại hệ thống hồ chứa nước, kênh mương tưới tiêu phục vụ sản xuất và đời sống. Quy hoạch thủy lợi phải đảm bảo đa mục tiêu, gắn với cây trồng, vật nuôi, bảo đảm tiết kiệm nước tối đa, đồng thời phục vụ tốt phát triển du lịch, nuôi trồng thủy sản và bảo vệ môi trường, chống hạn, ngăn mặn,...

6. Trên cơ sở các Quy hoạch chung, Uỷ ban nhân dân các tỉnh trong Vùng rà soát, bổ sung quy hoạch của địa phương mình, làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch phát triẻn kinh tế - xã hội 5 năm tới; đồng thời vận dụng cơ chế, chính sách chung vào điều kiện cụ thể của địa phương để đảm bảo thực hiện tốt quy hoạch đã được duyệt.

III. KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG NĂM 2005 CỦA BAN CHỈ ĐẠO:

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư với chức năng thường trực Ban Chỉ đạo, khẩn trương hoàn thành việc tổng hợp và xếp thứ tự ưu tiên các chương trình, dự án phát triển Vùng; đề xuất với Ban Chỉ đạo về khai thác các nguồn vốn đầu tư; xác định rõ các dự án then chốt, quyết định cho sự phát triển của Vùng phải được ưu tiên giải quyết vốn đầu tư, kế hoạch và tiến độ thực hiện để bảo đảm tính đồng bộ.

- Văn Phòng ban chỉ đạo do một Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư chủ trì, cùng Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư của các địa phương trong Vùng và Viện Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, hình thành một tổ chức tư vấn, định kỳ họp kiểm điểm đôn đốc việc lập và triển khai thực hiện các quy hoạch trong Vùng.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng cơ chế, chính sách cho Vùng, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Chính sách khuyến khích đầu tư đối với một số ngành, sản phẩm của Vùng cần được thống nhất, tránh việc tranh giành đầu tư giữa các địa phương. Khắc phục tình trạng ban hành chính sách thu hút đầu tư trái với quy định của pháp luật.

- Các Quy hoạch nêu trên cần được hoàn chỉnh để đưa ra trao đổi, thảo luận lần cuối tại Hội nghị, dự kiến trong tháng 6 năm 2005, trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Các Bộ, cơ quan cần lưu ý: khi trình lên cấp có thẩm quyền phê duyệt, các quy hoạch phải có cơ chế, chính sách và các dự án ưu tiên đầu tư kèm theo để thực hiện quy hoạch đó.

- Trong Hội nghị tới, Ban Chỉ đạo sẽ nghe và cho ý kiến về một số quy hoạch ngành: y tế, giáo dục, dịch vụ,... Văn phòng Ban chỉ đạo đôn đốc các Bộ, cơ quan hoàn thành quy hoạch đúng tiến độ.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, cơ quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam biết, thực hiện.

 

Nguyễn Quốc Huy

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 60/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Ban chỉ đạo tổ chức điều phối phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía nam do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 60/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 04/04/2005
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Quốc Huy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/04/2005
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản