Hệ thống pháp luật

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN 
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

------------

Số: 5162/TB-BNN-VP

Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2008

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG DIỆP KỈNH TẦN TẠI HỘI THẢO QUẢN LÝ DỊCH HẠI TỔNG HỢP GÓP PHẦN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CÀ PHÊ BỀN VỮNG

Ngày 06/8/2008 tại Thành phố Ban Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo Quản lý dịch hại tổng hợp, góp phần phát triển sản xuất cà phê bền vững. Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần chủ trì hội thảo; tham dự hội thảo có đồng chí Y DHăm ÊNuôi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk; Lãnh đạo và đại diện các cơ quan, đơn vị của Bộ, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học công nghệ, Sở Tài nguyên môi trường các tỉnh trồng cà phê trọng điểm; Lãnh đạo và cán bộ kỹ thuật của các Chi cục Bảo vệ thực vật của các tỉnh, thành phố có trồng cà phê; một số doanh nghiệp kinh doanh vật tư, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ sản xuất cà phê và đại diện các cơ quan thông tấn báo chí.

Sau khi nghe Báo cáo của Cục Bảo vệ thực vật, Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, các báo cáo tham luận chuyên đề tại Hội thảo, Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần đã kết luận như sau:

1. Bộ Nông nghiệp và PTNT hoan nghênh Cục Bảo vệ thực vật, Viện Bảo vệ thực vật và Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã chủ động và có nhiều cố gắng trong việc nghiên cứu, phòng trừ, quản lý dịch hại nhất là các đối tượng dịch hại mới trên cây cà phê góp phần phát triển bền vững một trong những cây trồng chủ lực, có giá trị xuất khẩu cao của Việt Nam. Các kết quả nghiên cứu được trình bày trong hội thảo đã tháo gỡ một phần khó khăn rất lớn cho các địa phương, doanh nghiệp trồng, sản xuất cà phê.

2. Từ kinh nghiệm và kết quả của Hội thảo, giao Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục làm việc và thống nhất với các cơ quan nghiên cứu chuyên ngành đã có những nghiên cứu chuyên sâu (tương tự như đối với cây cà phê) về phòng trừ dịch hại trên những cây trồng có giá trị xuất khẩu như: cao su, hồ tiêu, chè, điều …, để tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác bảo vệ thực vật của các địa phương và tạo thế chủ động phòng chống dịch hại trên các cây trồng.

3. Riêng đối với đối tượng ve sầu hại cà phê, giao Cục Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu có liên quan xác định rõ cơ chế gây hại, cách phòng trừ và sơ bộ khuyến cáo các địa phương về biện pháp phòng trừ, chú ý nên áp dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp là chính, trừ khi mật độ ve sầu quá cao thì mới áp dụng phương pháp khác.

Tuyến trùng là đối tượng dịch hại rất phức tạp và khó khăn, trong khi kết quả nghiên cứu về vấn đề này còn ở mức độ nhất định. Việc xác định tuyến trùng có phải là nguyên nhân gây hại, làm chết cây cà phê ở chu kỳ 2 cần được tiếp tục nghiên cứu và có giải pháp xử lý kịp thời. Trước mắt, giao Viện Bảo vệ thực vật, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu có liên quan khẩn trương làm rõ vấn đề này và đề xuất các biện pháp xử lý.

4. Một số vấn đề khác:

- Giao Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chủ trì xây dựng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho cây cà phê;

- Cục Bảo vệ thực vật chủ trì, phối hợp với Viện Bảo vệ thực vật xây dựng bộ tài liệu tập huấn về IPM riêng cho cây cà phê;

- Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Quốc gia có trách nhiệm lập kế hoạch, bố trí kinh phí trong Chương trình Khuyến nông hàng năm để tổ chức các lớp tập huấn, xây dựng các mô hình trình diễn … cho cây cà phê và một số cây công nghiệp có giá trị xuất khẩu cao;

- Vụ Khoa học, công nghệ và Môi trường, Vụ Tài chính có trách nhiệm dành một phần kinh phí sự nghiệp khoa học hàng năm để bố trí thực hiện các đề tài, nội dung nghiên cứu về phòng trừ dịch hại trên cây trồng, trong đó cần ưu tiên bố trí ngay kinh phí trong năm 2009 để nghiên cứu phòng trừ ve sầu và tuyến trùng trên cây cà phê;

- Các địa phương cần chủ động, tăng cường đầu tư cho công tác khuyến nông và bảo vệ thực vật nhằm phát triển sản xuất cà phê bền vững.

Văn phòng Bộ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết và phối hợp chỉ đạo, triển khai thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (để báo cáo);
- Thứ trưởng: Diệp Kỉnh Tần, Bùi Bá Bổng;
- Ủy ban nhân dân tỉnh ĐắkLắc;
- Sở NN&PTNT các tỉnh trồng cà phê;
- Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam;
- Vụ: KHCN, TC;
- Cục: TT, BVTV; Tr. tâm KN-KNQG;
- Các Viện: BVTV KHKTNLNTN;
- Tcty Cà phê Việt Nam;
- Lưu: VT, TH.

TL. BỘ TRƯỞNG
PHÓ VĂN PHÒNG PHỤ TRÁCH




Nguyễn Minh Nhạn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 5162/TB-BNN-VP về việc ý kiến kết luận của Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần tại hội thảo quản lý dịch hại tổng hợp góp phần phát triển sản xuất cà phê bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

  • Số hiệu: 5162/TB-BNN-VP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 28/08/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
  • Người ký: Nguyễn Minh Nhạn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản