Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 37/2006/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 23 tháng 02 năm 2006 

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VŨ KHOAN TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH VĨNH PHÚC

Ngày 26 tháng 01 năm 2006, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã thăm Khu công nghiệp Quang Minh, Công ty TOYOTA Việt Nam và làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi nghe đồng chí Trịnh Đình Dũng, Bí Thư Tỉnh ủy báo cáo một số nét cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội của Tỉnh trong thời gian qua và định hướng phát triển trong giai đoạn tới, Phó Thủ tướng Vũ Khoan đã có ý kiến như sau:

I. VỀ TÌNH HÌNH KINH TẾ - XÃ HỘI:

1. Đánh giá chung:

- Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã thành công tốt đẹp. Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế - xã hội: tốc độ tăng trưởng GDP năm 2005 tăng 17,9% (cao hơn nhiều so với mức bình quân chung cả nước), cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực (công nghiệp - xây dựng 52,3%, dịch vụ 26,5%, nông, lâm nghiệp, thủy sản 21,2%). Công nghiệp tăng trưởng liên tục trong 8 năm, tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng năm 2005 đạt trên 16,720 tỷ đồng, tăng gần 24% so với năm 2004; dịch vụ có bước phát triển; nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, tăng 4,8% so với năm 2004; thu ngân sách đạt 3.440,5 tỷ đồng; an ninh chính trị, trật tư an toàn xã hội được giữ vũng.

- Nguyên nhân đạt được kết quả trên:

Một là, Vĩnh Phúc đã củng cố được sự đoàn kết, thống nhất nội bộ lãnh đạo, tạo dựng được sự đồng thuận, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Hai là, Vĩnh Phúc đã nắm bắt được xu thế, biết phát huy lợi thế gần Thủ đô Hà Nội, nằm trên trục tuyến giao thông quan trọng của đất nước để phát triển.

hính phủ biểu dương sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã khắc phục khó khăn, đạt được những thành tích đáng khích lệ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đã được Đại hội lần thứ IX của Đảng đề ra.

2. Một số vấn đề cần lưu ý:

- Kinh tế của Tỉnh đã có bước phát triển, nhưng quy mô đang còn quá nhỏ (thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 600 USD)

- Công nghiệp chiếm tỷ trọng khá (trên 52% trong cơ cấu kinh tế) nhưng chưa hiện đại.

- Dịch vụ là lĩnh vực yếu kém nhất, cần tập trung đầu tư để phát triển mạnh mới đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đòi hỏi của công nghiệp.

- Kết cấu hạ tầng tuy đã được đầu tư, nhưng vẫn còn kém, chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa.

- Đô thị hóa tuy chưa nhiều, nhưng đã bộc lộ những bất cập, nhất là về quy hoạch, quản lý và thực hiện theo quy hoạch.

- Xuất khẩu của tỉnh mới đạt 189 triệu USD là chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.

II. VỀ ĐỊNH HƯỚNG TRONG THỜI GIAN TỚI:

Thống nhất với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nêu ra cho năm 2006. Phó Thủ tướng nhấn mạnh một số định hướng cơ bản để phát triển bền vững:

- Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới: kinh tế đang trên đà phát triển, uy tín nước ta trên trường quốc tế ngày càng cao, thu hút đầu tư đang có sức hấp dẫn đối với Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác, tạo lợi thế cho kinh tế - xã hội Việt Nam phát triển. Vì vậy, tỉnh cần nắm bắt và vận dụng được thời cơ này để tăng cường thu hút đầu tư, hiện đại hóa nhằm phát triển toàn diện.

- Vĩnh Phúc là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, sẽ có sự tác động của hai hành lang kinh tế: Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng và Lạng Sơn - Hải Phòng. Tỉnh cần có kế hoạch tận dụng lợi thế này, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tương lai đối với Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước.

- Cần xác định hướng phát triển công nghiệp chế tạo và công nghệ cao; đồng thời, phải phát triển công nghiệp bổ trợ nhằm đào tạo ra thế phát triển của nền công nghiệp bền vững.

- Tỉnh chủ động thu hút đầu tư trên cơ sở chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu và dự án cụ thể để giới thiệu với các đối tác trong quá trình vận động đầu tư. Đồng thời, Tỉnh cần đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao giới thiệu một số địa chỉ cụ thể ở một số nước, khu vực để có thể tiếp cận nhanh, đạt kết quả.

- Cần giải quyết một số tồn tại để đẩy mạnh thu hút đầu tư của cả các doanh nghiệp trong nước.

- Về phát triển nông nghiệp: Tỉnh cần phát triển một số cây con có năng suất, chất lượng cao phục vụ nhu cầu của Hà Nội và xuất khẩu để từng bước nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn so với thành thị.

- Cần đầu tư phát triển du lịch theo hướng khai thác tiềm năng và bảo vệ cảnh quan, môi trường để tăng trưởng bền vững.

- Cần phát triển nguồn nhân lực tương xứng với quá trình công nghiệp hóa trong quá trình chuyển dịch cơ cấu lao động, cần đáp ứng đòi hỏi của người nông dân khi mất đất canh tác có việc làm mới, có thu nhập cao hơn sản xuất nông nghiệp. Tỉnh cần nghiên cứu cơ chế phù hợp gắn việc đào tạo lao động với các hoạt động của cơ sở sản xuất; từng bước khắc phục tình trạng thiếu lao động có tay nghề, đồng thời chăm lo nhà ở, điều kiện vật chất và tinh thần cho người lao động.

- Cần đầu tư nâng cao năng lượng đội ngũ cán bộ để nắm được chủ trương, đường lối, pháp luật và chính sách, vận dụng vào quá trình thực thi nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, phục vụ nhân dân.

- Cần làm tốt công tác lập quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch, khắc phục tình trạng không đồng bộ, trùng chéo, gây lãng phí. Một số quy hoạch tổng thể, cơ bản cần mời chuyên gia nước ngoài, có kinh nghiệp, tránh tình trạng quy hoạch thực hiện một thời gian ngắn đã lạc hậu.

III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH

1. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương trao đổi với phía đối tác đẩy nhanh việc ký kết Hiệp định tài chính với Chính phủ ITALIA đầu tư Dự án nước Phúc Yên.

2. Đồng ý về nguyên tắc Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cùng Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư vận động Nhật Bản về nguồn vốn ODA để xây dựng kết cấu hạ tầng tại địa phương.

3. Xúc tiến đầu tư nước ngoài là việc làm quan trọng và rất cần thiết thuộc chức năng quản lý nhà nước của cấp tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc cần chủ động trong công tác này phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Ngoại giao.

4. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ thẩm định, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án thành lập 3 khu công nghiệp mà tỉnh đã trình từ tháng 5 năm 2005, gồm: Chấn Hưng, Khai Quang, Bình Xuyên.

5. Đồng ý triển khai đầu tư tuyến đường tránh quốc lộ 2A qua thị xã Vĩnh Yên theo hình thức BOT với nguồn vốn đầu tư từ thu vé tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài. Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc làm việc cụ thể, có tính đến việc kết nối với việc xây dựng đường hành lang Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng nhằm đạt hiệu quả thiết thực.

6. Đồng ý thực hiện chủ trương hỗ trợ Vĩnh Phúc xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào vào các khu công nghiệp Khai Quang, Quang Minh và đường vào khu du lịch Đại Lải theo Thông báo số 81/TB-VPCP ngày 13 tháng 6 năm 2003 của Văn phòng Chính phủ. Giao Bộ Tài chính chủ trì cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm nguồn vốn và thống nhất để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định mức hỗ trợ theo quy định chi tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ phục vụ phát triển các khu công nghiệp, khu du lịch để thu huét đầu tư trong và ngoài nước.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, công nghiệp, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, LĐ-TB&XH
- Tổng cục Du lịch;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Vĩnh Phúc;
- UBND thành phố Hà Nội;
- VPCP: BTCN, các PCN, BNC, các Vụ: TH, KTTH, CN, NN, QHQT, KG, VX, TTBC;
- Lưu: VT, ĐP (5) Minh

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM



 
Nguyễn Văn Lâm

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 37/2006/TB-VPCP về ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Khoan tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 37/1006/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 23/02/2006
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Văn Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/02/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản