Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
------

CỘNG HÒA XÃ HỌI CHỦ NGHĨA VIỆTNAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
------------

Số: 36/TB-BGTVT

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2008

 

THÔNG BÁO

NỘI DUNG CUỘC HỌP GIỮA THỨ TRƯỞNG NGÔ THỊNH ĐỨC VỚI ĐOÀN NGÂN HÀNG THẾ GIỚI VỀ BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI DỰ ÁN CẢI TẠO CỬA ĐỊNH AN VÀ DỰ ÁN XÂY DỰNG ĐƯỜNG CAO TỐC ĐÀ NẴNG – QUẢNG NGÃI KÊU GỌI VỐN VAY NGÂN HÀNG THẾ GIỚI.

Ngày 15/01/2008, tại Văn phòng Bộ GTVT, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã chủ trì cuộc họp với Bà Hoonae Kim Giám đốc Vụ Phát triển bền vững tại Việt Nam, Ông William D.O. Paterson Trưởng nhóm Cơ sở hạ tầng, Trưởng nhóm công tác Chương trình phát triển bền vững tại Việt Nam – Châu Á Thái Bình Dương và một số cán bộ Văn phòng của Ngân hàng Thế giới để nghe báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cải tạo cửa Định An và Dự án Xây dựng Đường cao tốc Đà Nẵng  - Quảng Ngãi dự kiến kêu gọi vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB). Tham dự cuộc họp có Đại diện Ngân hàng Thế giới, Lãnh đạo và chuyên viên Vụ Kế hoạch đầu tư, Vụ Hợp tác Quốc tế, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường bộ Việt Nam, Ban QLDA 85 và Công ty cổ phần Tư vấn Thiết kế cảng – Kỹ thuật biển (PORT-COAST)

Sau khi nghe tư vấn PORT-COAST và Ban QLDA 85 trình bày báo cáo nghiên cứu khả thi (F/S) 2 dự án Dự án Cải tạo cửa Định An và Dự án Xây dựng Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, phía WB đã đưa ra một số câu hỏi về các vấn đề liên quan đến Dự án Cải tạo cửa Định An do PORT-COAST trình bày như: tính pháp lý và bền vững, tính khả thi, về tỷ lệ nội hoàn và việc tăng phí dịch vụ khai thác; Về mức độ chính xác của dự báo về lưu lượng vận tải qua luồng, mô hình vận chuyển hàng hóa trong tương lai, phân bổ giữa vận tải thủy – bộ, kinh phí cho nạo vét luồng hàng năm, các vấn đề về ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xã hội (GPMB, tái định cư) trong báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Thứ trưởng đã có giải thích cụ thể những vấn đề Bạn quan tâm, cụ thể:

1. Cải tạo cửa Định An (nay gọi là Dự án Luồng cho tàu tải trọng lớn vào sông Hậu)

- Đây là báo cáo tối ưu và cuối cùng, Dự án có sự tham gia của tư vấn quốc tế, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và là cơ sở để triển khai dự án.

- Về tỷ lệ nội hoàn, lưu lượng vận tải, phân tích mô hình vận chuyển hàng hóa trong tương lai, nghiên cứu F/S đều có phân tích và tính toán chi tiết, Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm cung cấp tài liệu nghiên cứu chi tiết cho WB.

- Về kinh phí 1,4 triệu USD cho nạo vét luồng hàng năm, có thể trích từ nguồn thu cước phí hàng hải của tàu qua luồng, Cục Hàng hải cung cấp tài liệu tính toán chi tiết cho WB để nghiên cứu.

- Dự án sẽ đóng góp cho sự phát triển quan hệ tiểu vùng Mê Kông, về tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa với Lào và Căm phu chia …

- Về đánh giá tác động môi trường xã hội, Dự án đã được Bộ Tài nguyên môi trường và các Bộ ngành liên quan thông qua báo cáo đánh giá tác động môi trường trong đó có các biện pháp giảm thiểu trong quá trình thực hiện và khai thác Dự án.

- Thứ trưởng cũng nêu vấn đề GPMB, tái định cư là một điều kiện thuận lợi của Dự án vì diện tích GPMB và các hộ dân bị ảnh hưởng không đáng kể.

- Giao Cục Hàng hải cấp toàn bộ báo cáo F/S chi tiết và các tài liệu bổ sung cho WB trong thời gian sớm nhất. Về các cuộc họp liên quan sắp tới, WB thông báo cho Cục Hàng hải để thống nhất lịch họp và nội dung.

WB đưa ra ý kiến mong muốn tài trợ cho dự án này và hứa sẽ sớm nghiên cứu để đưa Dự án vào triển khai sớm. Sắp tới WB sẽ có Đoàn công tác về lĩnh vực GTVT tới Việt Nam, WB đề nghị có các tài liệu chi tiết vào đầu tháng 2/2008 (từ 09 đến 11/02/2008) để nghiên cứu và có quyết định.

2. Dự án Xây dựng Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi:

- Đây là Dự án phù hợp với Qui hoạch Phát triển mạng lưới đường cao tốc sắp được TTgCP phê duyệt và nằm trên tuyến đường cao tốc Bắc Nam đang là ưu tiên đầu tư của Chính phủ Việt Nam.

- Đây cũng là Dự án đã có Nghiên cứu khả thi (Như yêu cầu của WB) để nghiên cứu tài trợ vốn.

- Về hiệu quả kinh tế: Đà Nẵng là một Trung tâm kinh tế trọng điểm của miền Trung với lưu lượng giao thông lớn, nhất là sau khi Hầm Hải Vân hoàn thành. Dự án sẽ góp phần vào mạng lưới giao thông nối hệ thống các cảng (Chân Mây, Tiên Sa, Liên Chiểu …) và các khu kinh tế (Chu Lai, Nhà máy lọc dầu …) cũng như các đường nhánh sang các nước láng giềng tại khu vực miền Trung.

- Đây là dự án ưu tiên kêu gọi vốn của WB vì trước đây WB cũng đã tài trợ cho dự án Cải tạo Quốc lộ 1 đoạn Đà Nẵng – Quãng Ngãi, vì vậy tư vấn và các cán bộ quản lý của Ngân hàng nắm khá rõ khu vực này của Dự án. Dự án cũng sẽ góp phần hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc Nam là nhu cầu cấp thiết cho phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam.

Hiện tại Qui hoạch Mạng lưới đường cao tốc chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã quyết định và công bố danh mục các dự án kêu gọi các nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.

3. Hiện nay Bộ GTVT đang triển khai các dự án sau:

- Đoạn Ninh Bình – Thanh Hóa: Thủ tướng Chính phủ giao Tổng công ty xi măng là nhà đầu tư.

- Đoạn Thanh Hóa – Hà Tĩnh: Thủ tướng Chính phủ giao VIETEL là nhà đầu tư, đang lập dự án đầu tư.

- Đoạn Cửa Lò – Túy Loan: Đang kêu gọi vốn ODA, tuy nhiên nhu cầu đoạn này không bức xúc như đoạn Đà Nẵng – Quảng Ngãi.

- Đoạn Trung Lương – Cần Thơ: chuẩn bị giao Ngân hàng Đầu tư và Phát triển (BIDV) là nhà đầu tư.

- Đoạn Bến Lức - Long Thành: đang lập dự án để gọi vốn đầu tư.

- Đoạn Dầu Giây – Phan Thiết: Thủ tướng Chính phủ đã giao Công ty sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (BITEXCO) là nhà đầu tư, lập đề xuất dự án.

- Đoạn Nội Bài – Hạ Long: đang được đề xuất dự án.

- Đoạn Hạ Long – Móng Cái: Cục ĐBVN là Chủ đầu tư, đã hoàn thành báo cáo đầu kỳ. Cục ĐBVN đang lập đề xuất và dự án đầu tư.

- Đoạn Hà Nội - Lạng Sơn: đang lập đề xuất dự án và dự án đầu tư.

Thứ trưởng đề nghị WB quan tâm đầu tư hoặc làm đầu mối kêu gọi các nhà đồng tài trợ khác đầu tư cho các dự án Bộ GTVT đang kêu gọi vốn và đặc biệt là Đoạn cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có tỷ lệ tăng trưởng lớn và là ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.

WB đưa ra đề nghị Bộ GTVT có thể chọn 1 dự án đầu tư phối hợp giữa Nhà nước và Tư nhân (PPP) như là một thí điểm áp dụng cho nghiên cứu PPP thuộc Dự án WB4. Tuy nhiên WB cũng lưu ý công tác chuẩn bị cho một dự án PPP có thể kéo dài (Khoảng 18 tháng đến 2 năm). Thứ trưởng đồng ý và hứa sẽ cung cấp danh mục cho WB sau (ví dụ Đoạn Cam Lộ - TP. Huế).

WB hứa sẽ có các hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong các nội dung liên quan đến thể chế chính sách (như đưa ra tiêu chí lựa chọn các dự án PPP, lựa chọn nhà đầu tư …) và sẽ tổ chức hội thảo về các vấn đề liên quan. WB cũng đưa ra khả năng hỗ trợ kỹ thuật và vay vốn từ Ngân hàng Tái thiết và Phát triển (IBRD) hoặc hỗn hợp cho các dự án có khả năng hoàn vốn cao.

Ưu tiên của Chính phủ Việt Nam trong năm 2008 là:

- Phát triển Cơ sở hạ tầng;

- Nâng cao và đào tạo nguồn nhân lực;

Thứ trưởng đề nghị WB quan tâm đến việc hỗ trợ cho Bộ GTVT trong xây dựng nguồn nhân lực và tăng cường năng lực cho các đơn vị tham mưu và các cán bộ (từng chức danh) của Bộ GTVT.

Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ GTVT thông báo để các cơ quan, đơn vị biết và thực hiện đảm bảo tiến độ các Dự án./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Thứ trưởng (để b/c);
- Văn phòng WB tại Hà Nội;
- Các thành viên dự họp;
- Lưu VT, KHĐT

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Văn Công

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 36/TB-BGTVT về việc nội dung cuộc họp giữa Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức với đoàn Ngân hàng Thế giới về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cải tạo Cửa Định An và dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi kêu gọi vốn vay Ngân hàng Thế giới do Bộ Giao thông vận tải ban hành

  • Số hiệu: 36/TB-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 30/01/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Văn Công
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 30/01/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản