Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 29/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2007 

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN PHÁT BIỂU CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ THƯƠNG MẠI TOÀN QUỐC 2006-2007

Ngày 01/02/2007, Thủ tướng Chính phủ đã đến dự Hội nghị thương mại toàn quốc năm 2006-2007 được tổ chức tại Hà Nội. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Thương mại về tình hình, kết quả hoạt động của ngành thương mại trong năm 2006 và phương hướng phát triển năm 2007, ý kiến của các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu chỉ đạo như sau:

Bước vào thực hiện kế hoạch năm 2006, năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm 2006-2010, kinh tế nước ta gặp không ít khó khăn: giá cả thị trường thế giới gia tăng, cạnh tranh thương mại gay gắt; thiên tai gây thiệt hại tương đương gần 2% GDP; dịch sâu bệnh lúa, dịch cúm gia cầm và dịch bệnh gia súc tái xuất hiện, làm giảm sản lượng lương thực và thực phẩm, giảm thu nhập của nông dân. Tuy vậy, với quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, hầu hết các chỉ tiêu Quốc hội đặt ra trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... đã được hoàn thành vượt mức; tăng trưởng GDP được duy trì ở mức cao. Có được thành tích trên là có sự đóng góp to lớn của ngành thương mại trên cả ba mặt: tăng trưởng xuất khẩu đạt mức trên 22% so với năm 2005, tổng trị giá xuất khẩu đạt tương đương khoảng 60% GDP, nhập siêu giảm so với năm 2005; thương mại nội địa phát triển, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ gia tăng, tiêu dùng xã hội phát triển; đàm phán gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) thành công, đánh dấu bước phát triển mới của nền kinh tế Việt Nam tham gia sâu, rộng hơn vào nền kinh tế toàn cầu.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của toàn thể cán bộ trong ngành và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời biểu dương nhiệt liệt thành tích của ngành thương mại trong năm qua.

Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong năm 2007 là: tiếp tục duy trì tăng trưởng GDP ở mức 8,5% đi đôi với việc nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững; nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy mạnh cải cách hành chính gắn liền với công tác chống tham nhũng.

Đối với ngành thương mại, Thủ tướng Chính phủ hoàn toàn nhất trí với đánh giá về tình hình năm 2006 và các giải pháp đưa ra để thực hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2007 đã được đề cập trong Báo cáo tại Hội nghị; đồng thời, Thủ tướng nhấn mạnh một số yêu cầu cần chú trọng chỉ đạo:

- Kết quả của ngành thương mại năm 2007 sẽ có ý nghĩa to lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Muốn GDP đạt mức tăng trưởng 8,5%, tăng trưởng xuất khẩu phải đạt mức trên 20%; để xuất khẩu tăng nhanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế ở mọi cấp độ phải được nâng cao và xuất phát từ đó phải đẩy mạnh cải cách hành chính; cần chú trọng rằng khả năng cạnh tranh về thể chế kinh tế có tác động rất lớn đối với quá trình phát triển kinh tế của đất nước. Cơ chế gì, thủ tục gì hạn chế sức cạnh tranh cần phải được loại bỏ; các Bộ, ngành cần rà soát lại, những gì đang cản trở trong từng ngành hàng, từng doanh nghiệp, phải có biện pháp xử lý kịp thời. Chính quyền các tỉnh phải thật sự chăm lo, giúp đỡ, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh thuận tiện, đúng pháp luật.

- Yêu cầu đặt ra là công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện phải hết sức cụ thể để đạt được mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu trên 20%. Bộ Thương mại cần bàn kỹ với các Bộ, ngành hàng lớn, các Hiệp hội để xem xét toàn diện các khả năng, các giải pháp cụ thể để thực hiện cho sát thực tế, thúc đẩy được tăng nhanh xuất khẩu ở mọi ngành hàng.

Từ năm 2007, xuất khẩu dầu thô sẽ không tăng do yêu cầu chuẩn bị cho công nghiệp hoá dầu trong vài năm tới; xuất khẩu than vừa qua cũng ít hiệu quả và gây ô nhiễm môi trường. Sắp tới hàng nông sản cũng ít có khả năng gia tăng, ngoại trừ một số sản phẩm như cà phê, cao su, hạt tiêu, chè, hạt điều... Như vậy, cần phải khai thác mạnh mẽ các ngành hàng khác để bù đắp khả năng thiếu hụt này. Cần chú trọng đến tiềm năng xuất khẩu của các ngành hàng cơ khí chế tạo, thủ công nghiệp đang còn chưa được khai thác tốt, trong khi đây là những nhóm hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao, tỷ lệ vật tư đầu vào phải nhập khẩu thấp; ví dụ như loại động cơ điện, biến thế điện, đông cơ diesel, máy nông nghiệp, máy làm vườn, kết cấu thép, sản phẩm cơ khí, hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm nhựa...

Bên cạnh những mặt hàng cần chú trọng khai thác nêu trên, cơ cấu hàng xuất khẩu nói chung cần được điều chỉnh phù hợp để kích thích, định hướng cho đầu tư sản xuất trong nước. Chú trọng tìm kiếm các giải pháp tăng mạnh xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp, chế biến; trong thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này tuy có tăng nhanh, nhưng 70 - 80% vật tư đầu vào cho sản xuất các mặt hàng này phải nhập khẩu, thậm chí phải sử dụng nhãn mác nước ngoài... làm giảm hiệu quả xuất khẩu. Chủ trương của chúng ta là giảm xuất khẩu các mặt hàng nhiên liệu, khoáng sản. Đối với hàng nông, lâm, thủy, hải sản, cần chú trọng đến cả số lượng và giá trị gia tăng xuất khẩu bằng đầu tư các giải pháp khoa học kỹ thuật trong chọn giống, canh tác, chăn nuôi và đầu tư công nghệ chế biến sâu; trong thời gian qua, các mặt hàng này chủ yếu là xuất khẩu dưới dạng thô và gia công cho nước ngoài.

- Trong xuất khẩu, cũng rất cần chú trọng đến thương mại dịch vụ. Trong mấy năm qua, xuất khẩu dịch vụ đã có chuyển biến, tuy vậy tăng trưởng còn chậm. Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thương mại cần phối hợp đồng bộ để có các chính sách, cơ chế thúc đẩy thương mại dịch vụ. Trong Chương trình công tác của Chính phủ giai đoạn 2006-2010 đã có nội dung này. Các Bộ, ngành cần xây dựng và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ; chú trọng phát triển các ngành dịch vụ có tiềm năng, có sức cạnh tranh; mở rộng, nâng cao chất lượng và hiệu quả các ngành dịch vụ truyền thống: vận tải, thương mại, du lịch, ngân hàng, tài chính, bưu chính viễn thông, dịch vụ hỗ trợ kinh doanh... Trong thời gian tới phải đẩy nhanh, tăng tỷ lệ đóng góp của thương mại dịch vụ vào GDP nói chung và tổng kim ngạch xuất khẩu nói riêng.

- Bên cạnh việc xác định được những ngành hàng, nhóm hàng xuất khẩu có giá trị gia tăng cao, phải chỉ đạo mạnh mẽ hoạt động dự báo thị trường và xúc tiến thương mại một cách có hiệu quả và gắn với hoạt động xuất khẩu của từng nhóm hàng ở từng khu vực thị trường. Công tác này rất quan trọng và rất có ý nghĩa quyết định đối với định hướng đầu ra của sản xuất trong nước. Vấn đề này đã được chỉ đạo cụ thể trong Đề án Phát triển xuất khẩu giai đoạn 2006-2010; Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bộ Thương mại cùng các ngành cần có kế hoạch triển khai theo nội dung và phân công cụ thể trong Đề án này. Công tác dự báo thị trường trong và ngoài nước cần được tổ chức khoa học hơn, sát thực tiễn hơn và có sự phối hợp chung của các ngành, cơ quan liên quan, để tạo ra một hệ thống thông tin đáng tin cậy, giúp cho chỉ đạo điều hành của Chính phủ, giúp cho các ngành, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp định hướng trong đầu tư, sản xuất kinh doanh một cách có hiệu quả. Cần tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại; phối hợp với công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; phải khai thác được tiềm lực và tính chủ động của doanh nghiệp trong công tác xúc tiến thương mại, không chỉ dựa vào Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia được Nhà nước hỗ trợ; cần quan tâm hỗ trợ xúc tiến thương mại đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan đại diện thương mại Việt Nam ở nước ngoài; tham tán thương mại không chỉ làm tốt vai trò là đại diện thương mại mà còn phải làm tròn vai trò một nhà ngoại giao, nhà kinh tế, cung cấp thông tin chính trị - kinh tế - đối ngoại và thông tin thương mại đáng tin cậy cho các cơ quan hoạch định chính sách và cộng đồng doanh nghiệp; hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp nắm bắt được pháp luật kinh doanh ở nước sở tại và vượt qua được các rào cản của chính sách bảo hộ; xử lý tốt các tranh chấp thương mại.

- Từ năm 2007, Việt Nam bắt đầu thực hiện các cam kết song phương và đa phương trong WTO. Về vấn đề này, Hội nghị Trung ương 4 đã bàn và đã có Nghị quyết. Chính phủ đã nghe Bộ Thương mại báo cáo và đã có ý kiến chỉ đạo việc tiếp tục hoàn thiện nội dung Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế nước ta phát triển nhanh, bền vững trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Bộ Thương mại cần bàn tiếp với các Bộ, ngành để xác định rõ những nội dung trọng tâm cần triển khai sớm. Trước mắt, cần chú trọng đến các nội dung về hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; xây dựng phương pháp và cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong đấu tranh ứng phó với chính sách bảo hộ, giành quyền được đối xử công bằng với tư cách của Việt Nam là thành viên của WTO.

- Đối với thị trường trong nước, phải phấn đấu để tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt trên 20%. Bộ Thương mại, chính quyền địa phương các cấp và các Sở Thương mại phải hết sức lưu ý tổ chức tốt thị trường trong nước với mục tiêu phát triển thương mại nội địa, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng; điều tiết cung cầu, ổn định giá cả thị trường trong nước, chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường; bảo đảm cho thị trường trong nước phát triển lành mạnh, thương mại bình đẳng, văn minh và hiện đại.

Thủ tướng Chính phủ nhất trí cơ bản với quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển và các giải pháp chủ yếu thực hiện "Đề án phát triển thương mại trong nước giai đoạn 2007-2010" được Bộ Thương mại đề cập trong Báo cáo chung tại Hội nghị. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thương mại cùng các Bộ, ngành, các tập đoàn, các Tổng công ty ngành hàng lớn tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án này; đồng thời nhấn mạnh việc phối hợp, tổ chức giữa các Bộ, ngành và UBND các cấp trong thực hiện Đề án ở cả 3 nội dung: tổ chức các mô hình doanh nghiệp và phương thức kinh doanh thương mại nội địa, công tác quy hoạch và đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại và tổ chức phân phối, lưu thông đối với các ngành hàng chủ yếu theo cơ chế thị trường có điều tiết vĩ mô của Nhà nước. Việc tổ chức các mô hình hoạt động và phương thức kinh doanh không tách rời quá trình sắp xếp, đổi mới và cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước trong ngành thương mại với mục tiêu chủ yếu là tích tụ được sức mạnh của nền kinh tế nhà nước và nâng cao được sức cạnh tranh của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, từng bước vươn lên nắm giữ thị trường nội địa, chủ động hợp tác có hiệu quả với các tập đoàn phân phối bên ngoài.

Để tăng xuất khẩu, cần phải phát triển thị trường mới, tăng cường xúc tiến thương mại và tạo mối liên kết giữa các Bộ, ngành, Hiệp hội và doanh nghiệp và phải coi đó là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thương mại trong năm 2007. Việc gia nhập WTO mở ra thời cơ thuận lợi cho xuất khẩu nhưng thách thức cũng không nhỏ, do đó phải tranh thủ khai thác thời cơ, vượt qua thách thức để tăng xuất khẩu. Bộ Thương mại, các Sở Thương mại, các Hiệp hội ngành hàng đề xuất với Chính phủ cơ chế điều hành phù hợp, cũng như tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu. Bên cạnh đó, yêu cầu Bộ Thương mại triển khai chương trình hành động của Chính phủ về các chủ trương, giải pháp hội nhập thắng lợi, phát triển bền vững.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, UBND các tỉnh biết và quán triệt trong chỉ đạo thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ của ngành thương mại trong năm 2007.

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ,
 cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
 trực thuộc Trung ương;
- Ban Kinh tế Trung ương Đảng;
- VPCP: BTCN, các Phó Chủ nhiệm,
 Website CP,
 các Vụ: NN, CN, TH, QHQT;
- Lưu: Văn thư, KTTH(5b)

KT. BỘ TRƯỞNG CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
 
 


Nguyễn Quốc Huy

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 29/TB-VPCP về việc ý kiến phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị thương mại toàn quốc 2006-2007 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 29/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 27/02/2007
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Quốc Huy
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/02/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản