Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 27/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 15 tháng 02 năm 2008

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC Y TẾ NĂM 2007 VÀ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC NĂM 2008

Ngày 23 tháng 01 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã dự Hội nghị tổng kết năm 2007 và triển khai công tác năm 2008 của ngành y tế.

Tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo một số Bộ, ngành liên quan và Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Y tế, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến như sau:

I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ CÔNG TÁC NĂM 2007

Năm 2007, cùng với nhiều thời cơ thuận lợi, đất nước ta phải đương đầu với nhiều thách thức, khó khăn không lường trước: giá cả thế giới tăng cao, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh bùng phát gây thiệt hại lớn... Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với sự nỗ lực của tất cả các cấp, ngành và của toàn dân, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn và khá toàn diện, trong đó có những đóng góp rất quan trọng của ngành y tế, đặc biệt là những nỗ lực của cán bộ công chức, viên chức y tế trong phòng, chống dịch bệnh, cấp cứu thảm họa, thiên tai.

1. Một số kết quả nổi bật:

a) Hệ thống y tế tiếp tục được củng cố và phát triển, 100% xã, phường đã có cán bộ y tế; 69,4% xã có bác sỹ làm việc thường xuyên; 93,7% số xã có y sỹ sản nhi hoặc nữ hộ sinh. Trên 70% số xã thực hiện khám, chữa bệnh ban đầu cho người dân có thẻ bảo hiểm y tế; tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về y tế ước đạt 57% tính chung cả nước.

b) Công tác y tế dự phòng đạt được những kết quả tích cực; chủ động tổ chức bám sát, phát hiện sớm và kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp ngăn chặn không để dịch bệnh lan rộng. Đặc biệt đã phát hiện và khống chế kịp thời một số dịch bệnh nguy hiểm có nguy cơ bùng phát rộng như dịch tiêu chảy cấp, dịch sốt xuất huyết,...

c) Tiếp tục triển khai có hiệu quả các Dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh dịch nguy hiểm và HIV/AIDS; công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm được tăng cường.

d) Chất lượng công tác khám, chữa bệnh ở các cơ sở y tế, trước hết ở tuyến trung ương và các tỉnh, thành phố lớn được nâng lên như khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi, cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội được chú trọng hơn.

Ngành đã tích cực đẩy mạnh công tác xã hội hóa y tế theo Nghị quyết số 05 của Chính phủ; một số cơ sở y tế công lập (như một số bệnh viện lớn ở thành phố) đã thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ. Hoạt động hành nghề y tư nhân đã có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

đ) Công tác quản lý, sản xuất, cung ứng thuốc và trang thiết bị y tế có nhiều cố gắng; không để biến động lớn về giá thuốc.

2. Bên cạnh những thành tựu cơ bản nêu trên, ngành y tế cũng còn những yếu kém, bất cập cần sớm được khắc phục:

a) Mạng lưới y tế (nhất là các cơ sở khám, chữa bệnh) tuy đã có bước phát triển, song vẫn còn nhiều bất cập, chưa hợp lý, hiệu quả chưa cao. Tình trạng quá tải ở các bệnh viện trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh chậm được khắc phục làm ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân; mô hình quản lý hệ thống y tế cơ sở (cấp huyện chưa hợp lý).

b) Một số bệnh dịch nguy hiểm như dịch tiêu chẩy cấp, cúm A (H5N1), sốt xuất huyết,..., vẫn là nguy cơ tiềm ẩn đối với sự phát triển ổn định kinh tế-xã hội của đất nước; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém, bất cập.

c) Một số nội dung chính của chính sách khám, chữa bệnh, chính sách viện phí, bảo hiểm y tế chậm được sửa đổi, điều chỉnh kịp thời làm khó khăn cho việc khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế.

d) Không đạt chỉ tiêu Quốc hội giao về mức giảm tỷ lệ sinh (đạt 0,25‰ so với kế hoạch đề ra là 3‰).

đ) Công tác đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực y tế ở mọi trình độ và mọi lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2008 VÀ THỜI GIAN TỚI

Nhằm hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân trong thời gian tới, ngành y tế cần tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời tích cực tổ chức thực hiện toàn diện các nhiệm vụ được giao, trong đó cần tập trung vào một số vấn đề trọng tâm sau:

1. Tăng cường năng lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước là khâu công tác có ý nghĩa quyết định sự thành công của ngành y tế:

a) Tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của ngành y tế. Đặc biệt chú trọng kiện toàn hệ thống tổ chức làm công tác dân số- kế hoạch hóa gia đình. Bộ Y tế là cơ quan chủ trì về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vì vậy, phải đẩy mạnh công tác này một cách quyết liệt và liên tục từ trung ương đến địa phương. Hệ thống tổ chức y tế tuyến huyện như hiện nay còn nhiều điểm chưa phù hợp, hiệu quả thấp, cần tổ chức lại nhằm bảo đảm sự phối hợp có hiệu quả giữa y tế dự phòng, khám, chữa bệnh và quản lý nhà nước về y tế trên địa bàn huyện.

b) Tập trung chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách y tế, đặc biệt là các chính sách về khám, chữa bệnh, viện phí, bảo hiểm y tế; chỉ đạo thực hiện các chiến lược quy hoạch, kế hoạch, chính sách và giải pháp phát triển từng lĩnh vực như phát triển công nghiệp dược, y học cổ truyền... Qua thực tiễn, cần thường xuyên rà soát, đánh giá hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành để kịp thời bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện, nhằm huy động mọi nguồn lực, tài năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ y tế để phát triển hệ thống y tế nhanh và hiệu quả, đáp ứng ngày càng tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

c) Đẩy mạnh đổi mới cơ chế quản lý, phân cấp quản lý, cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế tự chủ của các cơ sở y tế phù hợp với tính chất, điều kiện của từng vùng, từng cơ sở, đặc biệt đối với các cơ sở khám, chữa bệnh, nhằm tạo điều kiện để các cơ sở hoạt động có hiệu quả, không ngừng nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, phục vụ tốt nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

d) Tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, đôn đốc các cơ sở y tế thực hiện đúng các cơ chế, chính sách của Nhà nước, các quy định đã ban hành, nhất là các quy định liên quan đến doanh nghiệp, đến dân. Loại trừ các hành vi sách nhiễu, gây phiền hà, thái độ vô cảm đối với người bệnh; đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng ở mọi cấp, mọi đơn vị.

2. Sửa đổi, bổ sung hoàn thiện quy hoạch mạng lưới y tế và tiếp tục đẩy mạnh đầu tư: Bộ Y tế cần rà soát, bổ sung hoàn thiện quy hoạch mạng lưới y tế cơ sở khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của từng vùng, bảo đảm khả thi và thực sự có hiệu quả, bảo đảm sự đồng bộ giữa nhu cầu khám, chữa bệnh, đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và nguồn nhân lực; bảo đảm sự phối hợp có hiệu quả giữa các tuyến trung ương, tuyến tỉnh, huyện, liên huyện và tuyến xã.

Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển hệ thống y tế, trước hết là đối với vùng sâu, vùng xa và các vùng khó khăn, đặc biệt đối với hệ thống y tế cơ sở cấp huyện, cấp xã, dành điều kiện thuận lợi nhất cho người dân lao động được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương. Bộ Y tế sớm làm việc cụ thể với Bộ Tài chính để bố trí đủ ngân sách đầu tư cho các Trạm y tế xã trong cả nước; đầu tư đồng bộ cả về cơ sở vật chất và nhân lực y tế.

Trên cơ sở hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế cấp huyện, cần chỉ đạo thực hiện đầu tư xây dựng bệnh viện tuyến huyện và bệnh viện đa khoa khu vực và Trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện theo quy hoạch, bảo đảm được sự phối hợp, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phục vụ tốt công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.

Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc tuyến tỉnh, tuyến trung ương, các Trung tâm y tế chuyên sâu cũng sẽ tiếp tục được Nhà nước đầu tư. Ngành y tế cần quản lý, sử dụng vốn đầu tư hiệu quả, tránh thất thoát lãng phí, tiêu cực, đồng thời kêu gọi, khuyến khích các thành phần khác trong cả nước và ngoài nước xây dựng các cơ sở khám, chữa bệnh.

Bộ Y tế cần làm việc với các Bộ, ngành, địa phương liên quan có kế hoạch di chuyển các bệnh viện không đảm bảo đủ diện tích hoạt động và phát triển, ảnh hưởng đến môi trường... ra khỏi trung tâm các thành phố lớn.

3. Đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực y tế:

Xã hội hóa để ngành y tế phát triển nhanh hơn, đáp ứng tốt hơn nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân; người nghèo cũng được quan tâm chăm sóc, người có nhu cầu khám, chữa bệnh theo yêu cầu cũng được đáp ứng.

Nhà nước tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư cho các cơ sở y tế công lập. Không thực hiện cổ phần hóa bệnh viện công lập lớn, chỉ thực hiện thí điểm cổ phần hóa một số bệnh viện thuộc các ngành, bệnh viện chuyên khoa. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế khác liên kết với nhà nước mở thêm nhiều cơ sở khám, chữa bệnh theo yêu cầu nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh đa dạng của nhân dân.

Bộ Y tế cần nghiên cứu ban hành rõ các quy định về xã hội hóa: nội dung, mô hình, điều kiện, cơ chế hoạt động, các tiêu chuẩn, tiêu chí dịch vụ; trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của các bác sỹ tham gia khám, chữa bệnh ở các bệnh viện công lập và ngoài công lập theo cơ chế xã hội hóa; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm.

4. Khẩn trương hoàn thiện Đề án sửa đổi, bổ sung chính sách viện phí, trình Chính phủ trong quý I năm 2008. Chính sách viện phí cần phải điều chỉnh theo hướng: thực hiện tốt chính sách khám, chữa bệnh của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo, các đối tượng chính sách. Người nghèo, các đối tượng chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi được miễn viện phí theo quy định của Nhà nước. Người cận nghèo được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí khám, chữa bệnh; người có khả năng thanh toán thì thu đủ chi phí khám, chữa bệnh.

5. Đẩy mạnh công tác y tế dự phòng, vì đây là khâu quyết định trong việc ngăn chặn và giảm nhẹ hậu quả của dịch, bệnh. Cần phát huy các thành tựu đã đạt được, đẩy mạnh xã hội hóa. Chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động tham gia cùng ngành y tế làm tốt công tác y tế dự phòng; đẩy mạnh công tác phòng, chống HIV/AIDS.

6. Khẩn trương ổn định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của hệ thống làm công tác dân số kế hoạch hóa gia đình; đẩy mạnh chỉ đạo thực hiện các chính sách, giải pháp phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu về mức giảm tỷ lệ sinh năm 2008 và những năm tiếp theo. Từng bước nâng cao chất lượng dân số.

7. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác đào tạo và nâng cao phẩm chất đạo đức của người thày thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế.

Bộ Y tế cần chủ động phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ, ngành và địa phương liên quan xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực cho ngành y tế (cho các lĩnh vực và các cấp độ sử dụng); chú trọng đào tạo chuyên gia y tế giỏi, kỹ thuật chuyên sâu ở cả trong nước và nước ngoài. Đối với những vùng sâu, vùng xa, ở cấp xã cần nghiên cứu, vận dụng hình thức đào tạo phù hợp, đào tạo theo địa chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân tại địa phương.

Cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch hệ thống đào tạo, mạng lưới trường lớp và các chương trình đào tạo của ngành; triển khai thực hiện các giải pháp để hiện đại hóa và nâng cao chất lượng đào tạo.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng (để b/c);
- Thủ tướng, các PTT Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, các Vụ: ĐP, KTTH, V.IV, TH, Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
- Lưu: Văn thư, VX (5). A. 130

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Trần Quốc Toản

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 27/TB-VPCP về việc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại hội nghị tổng kết công tác y tế năm 2007 và triển khai công tác năm 2008 do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 27/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 15/02/2008
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Trần Quốc Toản
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/02/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản
Các nội dung liên quan: một lần cho cả thời gian thuêthuê đất trả tiềnnghĩa vụ mời bạn đọc tham khảo thêm trong Điều 85 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai

Điều 85. Trình tự, thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất do thay đổi thông tin về người được cấp Giấy chứng nhận; giảm diện tích thửa đất do sạt lở tự nhiên; thay đổi về hạn chế quyền sử dụng đất; thay đổi về nghĩa vụ tài chính; thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký, cấp Giấy chứng nhận; chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê hoặc từ giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất hoặc từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất

1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký biến động.

2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu phù hợp quy định của pháp luật thì thực hiện các công việc sau đây:

a) Trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp có thay đổi về diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất hoặc trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa có bản đồ địa chính, chưa trích đo địa chính thửa đất;

b) Trường hợp đăng ký thay đổi diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, tầng cao, kết cấu, cấp (hạng) nhà hoặc công trình xây dựng mà không phù hợp với giấy phép xây dựng hoặc không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải xin phép thì gửi phiếu lấy ý kiến của cơ quan quản lý, cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;

c) Gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật;

d) Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp phải cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thông báo cho người sử dụng đất ký hoặc ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan tài nguyên và môi trường đối với trường hợp phải thuê đất;

đ) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.

3. Trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất kết hợp với đăng ký biến động về các nội dung theo quy định tại Điều này thì thực hiện thủ tục quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này đồng thời với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.