Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 269/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2007

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP THAN-KHOÁNG SẢN VIỆT NAM

Trong các ngày 05 đến 08 tháng 12 năm 2007, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đi kiểm tra các mỏ than, các đơn vị trực thuộc và làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam.

Tại buổi làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, sau khi nghe lãnh đạo Tập đoàn báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch năm 2007, các giải pháp năm 2008 và một số kiến nghị; ý kiến phát biểu của các Bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải có ý kiến kết luận như sau:

1. Năm 2007 là năm có nhiều diễn biến phức tạp về giá cả, các mặt hàng chủ yếu như xăng dầu, sắt, thép, điện... tăng cao; là năm thứ hai Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam hoạt động theo mô hình Tập đoàn kinh tế. Tập đoàn và các công ty thành viên đã nỗ lực phấn đấu trong mô hình tổ chức mới đạt được những kết quả hết sức phấn khởi. Các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt và vượt kế hoạch đề ra; đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên được nâng lên, điều kiện làm việc được cải thiện; công tác đầu tư xây dựng cơ bản đạt kết quả tốt, nhiều dự án mới được triển khai thực hiện phù hợp với định hướng phát triển của Tập đoàn; việc nghiên cứu cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới được quan tâm chỉ đạo nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm bớt người lao động làm việc trong hầm lò; công tác sắp xếp đổi mới doanh nghiệp được thực hiện theo kế hoạch đề ra.

2. Những mặt tồn tại:

- Về công tác an toàn hầm lò:

Đây là vấn đề yếu nhất trong công tác sản xuất than, gây lo lắng cho người lao động và xã hội. Trong 10 tháng năm 2007, đã để xảy ra 30 vụ tai nạn lao động, làm chết 38 người. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cần nghiêm túc kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và có biện pháp quyết liệt để hạn chế tai nạn lao động, nhất là trong khai thác than hầm lò.

- Về công tác bảo vệ môi trường:

Đây cũng là một khâu yếu của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam. Việc đầu tư vào công tác môi trường còn hạn chế, môi trường các khu dân cư trong vùng than chưa được cải thiện; việc khai thác, vận chuyển than và một số bãi thải có nguy cơ ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, thị trấn Đông Triều.

- Về tiến độ các Dự án: dự án Nhà máy nhiệt điện Cao Ngạn không hoàn thành đúng tiến độ, một số dự án khác cũng có nguy cơ chậm tiến độ. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cần nghiêm túc rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục, coi tiến độ các dự án là pháp lệnh để thực hiện.

3. Nhiệm vụ trong thời gian tới:

Thống nhất với nhiệm vụ và các chỉ tiêu chủ yếu Tập đoàn đã đề ra, nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

- Than là nguồn tài nguyên khoáng sản không tái tạo, trữ lượng than nước ta không nhiều, khai thác ngày càng khó khăn; do đó, mục tiêu trong giai đoạn tới là phải dành nguồn than đáp ứng cho các nhu cầu trong nước, hạn chế xuất khẩu. Tập đoàn cần phải có các biện pháp, kiểm tra việc tiết kiệm trong khai thác để tận thu hết khoáng sản than khi lập quy hoạch đóng cửa mỏ và trong quá trình vận chuyển than. Thống nhất với kế hoạch đầu tư mới, mở rộng các mỏ than tại vùng than Quảng Ninh của Tập đoàn. Tập đoàn cần sớm triển khai giai đoạn I Đề án điều tra, đánh giá tiềm năng than dưới mức -300m bể than Quảng Ninh tại Quyết định số 234/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ; tích cực hơn nữa trong việc triển khai công tác thăm dò khoáng sản tại nước ngoài; lập phương án cung ứng và chuyển than từ phía Bắc cung cấp than cho các trung tâm nhiệt điện phía Nam.

- Phải đặt mục tiêu an toàn lên hàng đầu, đồng thời phải tăng cường công tác bảo vệ môi trường, đây là điều kiện quan trọng để ngành than và khoáng sản phát triển bền vững. Tập đoàn cần có biện pháp quyết liệt, xây dựng quy chế, tăng cường giáo dục và kiểm tra việc thực hiện công tác an toàn lao động. Tăng cường công tác đầu tư, thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường tại các vùng khai thác và vận chuyển than; phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh xử lý dứt điểm trong năm 2008 những bãi thải có nguy cơ đe dọa đời sống của nhân dân.

- Bộ Công Thương cần rà soát lại quy hoạch phát triển các nhà máy nhiệt điện chạy than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường và bảo vệ di sản thiên nhiên thế giới; có phương án tiêu thụ tro, xỉ của nhà máy nhiệt điện chạy than;

- Quan tâm đầu tư cho công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Đây là yếu tố quyết định sự thành công của Tập đoàn trong quá trình phát triển và hội nhập.

4. Về những kiến nghị của Tập đoàn:

- Về giá than: tiếp tục thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 11/VPCP-KTTH ngày 02 tháng 01 năm 2007 của Văn phòng Chính phủ; Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai thực hiện;

- Về xuất nhập khẩu than: hiện nay và những năm tiếp theo, nhu cầu cung cấp than cho phát triển nền kinh tế nước ta là rất lớn, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam lập kế hoạch sản xuất đáp ứng đầy đủ nhu cầu than trong nước là chính, hạn chế xuất khẩu than. Giao Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ liên quan xác định mức xuất khẩu than trên cơ sở cân đối nhu cầu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; phối hợp với các cơ quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh kiểm tra nguồn gốc xuất khẩu than lậu trên thị trường và việc triển khai thực hiện Thông tư số 05/2007/TT-BCT ngày 22 tháng 10 năm 2007 của Bộ Công Thương về hướng dẫn xuất khẩu than;

- Về chính sách thuế đối với xuất khẩu than, xuất khẩu tinh quặng Ilmenite, Cromite, nhập khẩu ô tô tải hạng trung, hạng nặng nguyên chiếc, tài nguyên, chi phí điều tra địa chất, hỗ trợ vốn cho khảo sát than thềm lục địa...: giao Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ có liên quan nghiên cứu, có ý kiến đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

- Về công tác điều tra, thăm dò và cấp mỏ tại bể than Quảng Ninh, đồng bằng Sông Hồng: giao Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam làm các thủ tục cần thiết theo tinh thần Nghị quyết 59/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ, để trình cơ quan có thẩm quyền cấp mỏ theo quy định. Tập đoàn cần tập trung thăm dò, khai thác các mỏ than lớn đã được giao;

- Đối với mỏ bauxit tại tỉnh Bình Phước, khu vực Konplong-Kanak: sẽ xem xét sau khi thực hiện việc điều tra cơ bản khoáng sản này. Còn các khoáng sản khác (đồng, chì, kẽm, thiếc, mangan, titan,...), Tập đoàn làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương liên quan thực hiện theo quy định của Luật Khoáng sản.

- Về cơ chế chỉ định thầu: thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 59/2007/NQ-CP ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp xử lý vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng và cải cách một số thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp;

- Về phát triển nguồn điện và dự án Hydrat nhôm Lâm Đồng: giao Bộ Công Thương rà soát quy hoạch địa điểm xây dựng các nhà máy nhiệt điện tại Quảng Ninh, đảm bảo môi trường tốt nhất cho tỉnh Quảng Ninh và quy hoạch bauxit để có ý kiến đề xuất báo cáo Chính phủ;

- Dự án sản xuất Nitrat amon công suất 200 ngàn tấn/năm dùng làm nguyện liệu thuốc nổ công nghiệp: đồng ý về nguyên tắc để Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam lập dự án trình duyệt theo quy định;

- Ủng hộ việc cổ phần hoá trường Cao đẳng. Tập đoàn xây dựng phương án thí điểm trình duyệt theo quy định;

- Về việc đưa công nghiệp nhôm vào Chương trình trọng điểm quốc gia và thành lập Ban chỉ đạo Nhà nước đối với Chương trình này: giao Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ;

- Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh lập Đề án xử lý môi trường tại tỉnh Quảng Ninh, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các PTTg CP;
- Các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư,
  Tài nguyên và Môi trường, Tài chính,
  Khoa học và Công nghệ;
- UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Bình Phước;
- Tập đoàn CN Than - Khoáng sản VN;
- Tập đoàn Điện lực VN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website CP;
  Các Vụ: TH, KTTH, ĐMDN, KG, VX, NN, ĐP;
- Lưu: VT, CN (5). 38

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 269/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với Tập đoàn công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 269/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 25/12/2007
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Văn Trọng Lý
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản