VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 17/TB-VPCP | Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2008 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI HỘI NGHỊ AN TOÀN GIAO THÔNG TOÀN QUỐC
Ngày 24 tháng 01 năm 2008 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì Hội nghị an toàn giao thông toàn quốc, đánh giá công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2007, và nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2008. Tham dự Hội nghị có các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành là thành viên Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Chủ tịch Ủy ban nhân dân, kiêm Trưởng Ban An toàn giao thông, Giám đốc Công an, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (Giao thông công chính), kiêm Phó Ban An toàn giao thông các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đại diện một số tổ chức đoàn thể Trung ương.
Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia báo cáo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông năm 2007, phương hướng, nhiệm vụ năm 2008, ý kiến của lãnh đạo Bộ Công an và lãnh đạo một số cơ quan Trung ương, địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có ý kiến kết luận như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2007
Năm 2007 mặc dù có rất nhiều khó khăn thách thức nhưng với sự lãnh đạo sát sao của Đảng, sự chỉ đạo và điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân nên đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; trong đó công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông thực hiện theo Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tại nạn giao thông và ùn tắc giao thông đã đạt được những kết quả ban đầu rất đáng khích lệ, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, xử lý các "điểm đen" tai nạn giao thông nên đã giảm được số người bị chết vì tai nạn giao thông so với năm 2006, trong đó có 09 tỉnh đã thực hiện tốt Quyết định số 128/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt là việc thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy được nhân dân đồng tình, hưởng ứng, dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Điều này cho thấy nếu cả hệ thống chính trị cùng quyết tâm thực hiện thì công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông chắc sẽ có những thành công mới.
Tuy nhiên, năm 2007 số người bị chết vì tai nạn giao thông vẫn cao, còn 25 tỉnh, thành phố có số người bị chết vì tai nạn giao thông tăng so với năm 2006, tai nạn giao thông vẫn là hiểm họa, là vấn đề xã hội hết sức bức xúc; ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông còn chuyển biến chậm; công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông còn nhiều hạn chế, nhiều nơi, nhiều lúc chỉ đạo không quyết liệt, còn lơi lỏng, nhất là dịp Tết Đinh Hợi năm 2007 đã để tai nạn giao thông tăng đột biến.
II. VỀ NHIỆM VỤ BẢO ĐẢM TRẬT TỰ AN TOÀN GIAO THÔNG NĂM 2008
Với quyết tâm phấn đấu kiềm chế, tiến tới đẩy lùi tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông, yêu cầu các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp chặt chẽ với các tổ chức đoàn thể nhân dân đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, thực hiện kiên trì các giải pháp cấp bách, đồng bộ của Nghị quyết 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ.
Cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ, mục tiêu trong kế hoạch năm 2008 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong đó yêu cầu tập trung một số giải pháp trọng tâm sau:
1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông cả chiều rộng và chiều sâu, tuyên truyền phải đến được từng gia đình, từng người tham gia giao thông. Phải huy động cả hệ thống chính trị tham gia công tác tuyên truyền giáo dục cộng đồng, trong đó các cơ quan báo chí, thông tin có vai trò rất quan trọng; cán bộ, công nhân, viên chức, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, học sinh, sinh viên, các cô giáo, thầy giáo phải đóng vai trò đầu tầu, gương mẫu.
Công tác tuyên truyền, giáo dục vừa là biện pháp trước mắt, vừa là biện pháp lâu dài, phải làm kiên trì, liên tục, sáng tạo để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông, hình thành cho được nếp sống có văn hóa trong giao thông.
2. Đi đôi với tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông, phải nâng cao hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Phải coi xử lý vi phạm hành chính là một biện pháp giáo dục có hiệu quả nhất. Xử lý vi phạm phải kiên quyết, nghiêm minh, công khai, minh bạch. Trong thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, lực lượng công an giữ vai trò nòng cốt quan trọng; cần huy động tối đa lực lượng tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông, huy động cả lực lượng công an xã, tình nguyện viên, dân phòng... không để trống địa bàn, dù ở nông thôn hay vùng sâu, vùng xa.
Tiếp tục duy trì kết quả thực hiện bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, không được lơi lỏng trong xử lý; cần hướng dẫn người dân thực hiện đội mũ bảo hiểm đúng cách để đảm bảo an toàn.
3. Phát hiện và xử lý các "điểm đen" tai nạn giao thông là nhiệm vụ phải được ưu tiên hàng đầu, các cơ quan quản lý đường bộ phải chủ động phát hiện, xử lý "điểm đen" tai nạn giao thông; người đứng đầu cơ quan quản lý giao thông phải chịu trách nhiệm theo đúng yêu cầu của Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP nếu để chậm trễ xử lý "điểm đen" tai nạn giao thông.
4. Nâng cao năng lực hiệu quả quản lý nhà nước, trước hết là xây dựng thể chế như xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về công tác an toàn giao thông; rà soát sửa đổi, bổ sung những quy định chưa phù hợp với thực tiễn cuộc sống; quản lý tốt việc đăng ký, đăng kiểm phương tiện giao thông, kiên quyết không cho lưu thông những phương tiện giao thông không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn; đồng thời, cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, xây dựng lộ trình thay thế, hỗ trợ chuyển đổi phương tiện, chuyển đổi nghề. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chủ động, sớm quy định các chính sách hỗ trợ, quy định phạm vi hoạt động của các loại xe ba, bốn bánh theo quy định của Luật Giao thông đường bộ; đồng thời tăng cường công tác quản lý việc đào tạo, sát hạch cấp Giấy phép lái xe.
5. Các Bộ, ngành, chính quyền các cấp cần tăng cường hơn nữa nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phải tiếp tục coi đây là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, thường xuyên; đây là yếu tố quyết định bảo đảm thành công trong công tác kiềm chế tai nạn giao thông, giảm ùn tắc giao thông (thực tế đã cho thấy ở đâu, thời điểm nào chính quyền thiếu quan tâm đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông thì tai nạn giao thông gia tăng).
III. VỀ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
Các cấp, các ngành cần đồng tâm nhất trí, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an, các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo kiên quyết, kiên trì, bền bỉ các giải pháp nêu trên. Đặc biệt ngay từ dịp Tết Mậu Tý năm 2008, phải chỉ đạo quyết liệt, kiểm tra, đôn đốc thường xuyên để tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông dịp Tết Mậu Tý 2008 giảm mạnh so với Tết Đinh Hợi; đồng thời kiên quyết ngăn chặn cho được việc mua bán, vận chuyển, đốt pháo nổ trong dịp Tết để nhân dân cả nước đón Tết cổ truyền của dân tộc trong không khí vui tươi, hạnh phúc và an toàn.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: | BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
- 1Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông do Chính phủ ban hành.
- 2Luật Giao thông đường bộ 2001
- 3Quyết định 128/2007/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thị trường vốn Việt Nam đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Công văn số 7235/VPCP-CN về việc tổ chức hội nghị an toàn giao thông toàn quốc do Văn phòng Chính phủ ban hành
Thông báo số 17/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị An toàn giao thông toàn quốc do Văn phòng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 17/TB-VPCP
- Loại văn bản: Thông báo
- Ngày ban hành: 30/01/2008
- Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 30/01/2008
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực