Hệ thống pháp luật

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 168/TB-BGTVT

Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 2008

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỨ TRƯỞNG NGÔ THỊNH ĐỨC TẠI CUỘC HỌP NGÀY 25/4/2008 VỀ VIỆC BÁO CÁO KẾT QUẢ ĐÀM PHÁN HỢP ĐỒNG BOT DỰ ÁN XÂY DỰNG CẦU ĐỒNG NAI MỚI VÀ TUYẾN HAI ĐẦU CẦU TỪ NGÃ BA TÂN VẠN ĐẾN ĐIỂM CUỐI TUYẾN TRÁNH TP. BIÊN HÒA

Ngày 25 tháng 4 năm 2008, tại Văn phòng Bộ GTVT, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức chủ trì cuộc họp giải quyết một số tồn tại vướng mắc trong quá trình đàm phán Hợp đồng dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh TP. Biên Hòa theo hình thức BOT. Tham dự cuộc họp có Lãnh đạo các đơn vị: Vụ KHĐT, Vụ Tài chính, Cục Giám định và QLCLCTGT, Cục Đường bộ Việt Nam, Nhà đầu tư – Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1) và Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT.

Sau khi nghe Cục Đường bộ Việt Nam là cơ quan NNCTQ và Nhà đầu tư báo cáo kết quả đàm phán hợp đồng dự án, các đại biểu tham dự cuộc họp phát biểu ý kiến, Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức đã kết luận như sau:

1. Dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh TP. Biên Hòa là dự án cấp bách, quan trọng trong điều kiện Cầu Đồng Nai cũ được xây dựng từ trước năm 1975 và đang ở tình trạng mãn tải do lưu lượng thay đổi từ không quá 5.000 xe quy đổi/ngày đêm trước năm 1975 đến nay đã tăng trên 100.000 xe quy đổi/ngày đêm. Kết cấu cầu Đồng Nai hiện nay vẫn đủ khả năng chịu lực nếu khai thác đúng quy định. Trên thực tế các cơ quan quản lý cầu, công an, chính quyền địa phương đã nỗ lực kiểm soát và phân luồng phương tiện giao thông, tuy nhiên do sự quá tải về lưu lượng cũng như nhiều phương tiện giao thông quá tải quá khổ dẫn đến cầu Đồng Nai ở trong tình trạng nguy hiểm.

2. Khả năng bố trí vốn ngân sách để thực hiện cầu mới trong nhiều năm qua do Bộ GTVT đề nghị nhưng chưa thực hiện được, vì vậy chủ trương xây dựng cầu Đồng Nai mới theo hình thức BOT là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tế. Trên tinh thần đó, Thủ tướng chấp thuận giao cho Tổng công ty xây dựng số 1 – đầu tư dự án theo phương thức BOT. Trong đó CC1 đầu tư toàn bộ kinh phí phần xây dựng, Nhà nước hỗ trợ kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng bằng vốn ngân sách. Do ngân sách phân bổ cho Bộ GTVT năm 2008 hạn hẹp, Bộ GTVT đã có văn bản số 2330/BGTVT-KHĐT ngày 11/04/2008 về việc xin ứng trước kế hoạch gửi TTgCP xin ứng trước 200 tỷ để phục vụ công tác GPMB cho dự án.

3. Trong điều kiện hiện nay, Nghị định số 78/2007/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức BOT, BTO, BT thay thế cho Nghị định số 77/CP ngày 18/6/1997, nhưng từ khi Nghị định ban hành cho đến nay chưa có thông tin hướng dẫn về các vấn đề có liên quan như phương pháp tính hoàn vốn, lãi suất vay, hệ số bảo toàn vốn, hệ số tăng trưởng, thời gian ân hạn… Trên cơ sở các dự án xây dựng hạ tầng giao thông đường bộ theo hình thức BOT do Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam thực hiện trong thời gian qua cũng như các dự án BOT do thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận thực hiện để xem xét và đàm phán hợp đồng.

4. Ngày 31/12/2007, Bộ GTVT đã có quyết định số 4167/QĐ-BGTVT chấp thuận đề xuất dự án. Sau đó ngày 26/3/2008 Hội đồng quản trị CC1 có quyết định số 48/QĐ-HĐQT về việc phê duyệt dự án đầu tư. Bộ GTVT đã giao cho Cục Đường bộ Việt Nam (là cơ quan nhà nước có thẩm quyền) cùng Nhóm công tác liên ngành (có đại diện của các Bộ KHĐT, Bộ Tài chính, Bộ GTVT) tiến hành đàm phán hợp đồng dự án và tổ đàm phán đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của cơ quan quản lý đối với dự án để giải quyết các vấn đề còn vướng mắc.

5. Theo đề xuất của Cục Đường bộ Việt Nam và các cơ quan có liên quan, Bộ GTVT thống nhất giải quyết một số tồn tại vướng mắc như sau:

5.1. Về lãi suất phần vốn Nhà đầu tư huy động: Lãi suất được tính theo mức 12,6%/năm để đưa vào tính toán trong phương án tài chính hoàn vốn của dự án. Tại thời điểm ký hợp đồng mức lãi suất này được xác định lại bằng giá trị bình quân gia quyền của lãi suất huy động vốn kỳ hạn 12 tháng của 3 Ngân hàng thương mại (BIDV, VCB, VIB) cộng 1,5% (Phí dịch vụ). Lãi suất này được điều chỉnh khi biên độ lãi suất thay đổi 2%.

5.2. Về hệ số bảo toàn vốn: Hiện nay đây là vấn đề phức tạp, chưa có cơ sở pháp lý xác định vì vậy giao cho Cục Đường bộ Việt Nam tính toán đưa vào thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho Nhà đầu tư.

5.3. Về phần vốn Nhà đầu tư huy động để thực hiện cho công tác giải phóng mặt bằng trong trường hợp vốn ngân sách chưa kịp bố trí theo tiến độ: Thống nhất hoàn trả phần lãi vay theo tiến độ huy động với lãi suất bằng lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng bình quân liên ngân hàng (BIDV, VCB, VIB). Giao cho Vụ KHĐT và Cục Đường bộ Việt Nam làm thủ tục triển khai việc ứng phần vốn ngân sách hỗ trợ cho công tác đền bù với các cơ quan liên quan để tiếp nhận 200 tỷ chuyển cho Hội đồng đền bù của hai địa phương thực hiện.

5.4. Mức thu phí của dự án thống nhất áp dụng theo Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 07/9/2004. Tuy nhiên do Thông tư ban hành từ năm 2004 mức thu phí không còn phù hợp với điều kiện hiện nay do đó thống nhất mức thu phí theo lộ trình do Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị. Theo đó năm đầu tiên giá thu phí hệ số 1; 4 năm tiếp theo tăng hệ số 1,5; các năm tiếp theo hệ số là 2. Để bảo đảm tính cấp bách của dự án cũng như bảo đảm cho hiệu quả của phương án tài chính tính theo lộ trình nêu trên thống nhất thời gian thu phí dự án bắt đầu từ tháng 1/2009. Giao Vụ Tài chính và Cục Đường bộ Việt Nam phối hợp dự thảo văn bản để Bộ GTVT ký thỏa thuận với Bộ Tài chính về vấn đề này.

5.5. Về thời gian thu phí tạo lợi nhuận cho Nhà đầu tư được xác định trên cơ sở tỷ suất lợi nhuận của ngành giao thông vận tải đối với các dự án đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ đã thực hiện để Nhà đầu tư có lợi nhuận hợp lý.

5.6. Bảo lãnh hợp đồng thực hiện theo quy định của Nghị định 78/2007/NĐ-CP.

6. Trên cơ sở kết luận này, giao Cục Đường bộ Việt Nam hoàn thiện công tác đàm phán với Nhà đầu tư, hoàn tất nội dung hợp đồng dự án trình Bộ chấp thuận trước ngày 02/5/2008 và thực hiện ký kết hợp đồng trước ngày 08/5/2008.

7. Về việc khởi công dự án thống nhất theo đề xuất của Nhà đầu tư là ngày 19/5/2008. Tuy nhiên nếu đến ngày khởi công mà thủ tục cấp giấy phép đầu tư chưa hoàn thành thì vẫn cho phép khởi công để đáp ứng tính cấp bách của dự án.  

Thừa lệnh Bộ trưởng, Văn phòng Bộ thông báo để các cơ quan liên quan biết và thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Các đơn vị tham dự họp;
- Bộ trưởng (báo cáo);
- Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức (báo cáo);
- Lưu: VT, KHĐT.

TL. BỘ TRƯỞNG
CHÁNH VĂN PHÒNG




Nguyễn Văn Công

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 168/TB-BGTVT về kết luận của Thứ trưởng Ngô Thịnh Đức tại cuộc họp ngày 25/4/2008 về việc báo cáo kết quả đàm phán hợp đồng BOT dự án xây dựng cầu Đồng Nai mới và tuyến hai đầu cầu từ ngã ba Tân Vạn đến điểm cuối tuyến tránh thành phố Biên Hòa do Bộ Giao thông Vận tải ban hành

  • Số hiệu: 168/TB-BGTVT
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 29/04/2008
  • Nơi ban hành: Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Văn Công
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 29/04/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản