Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 159/TB-VPVP

Hà Nội, ngày 22 tháng 9 năm 2003

 

THÔNG BÁO

CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 159/TB-VPCP, NGÀY 22 THÁNG 9 NĂM 2003 VỀ KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG PHẠM GIA KHIÊM TẠI HỘI NGHỊ VỀ CÁC GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG PHỤ NỮ, TRẺ EM BỊ LỪA GẠT, BUÔN BÁN RA NƯỚC NGOÀI

Ngày 8 tháng 9 năm 2003, tại thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Phạm gia Khiêm đã chủ trì Hội nghị bàn về các giải pháp khắc phục tình hình phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt, buôn bán ra nước ngoài. Tham dự Hội nghị có đồng chí Trương Vĩnh Trọng, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban nội chính Trung ương; đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu, Chủ nhiệm Uỷ Ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; đại diện các Bộ, ban, ngành liên quan và 35 tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau khi nghe Bộ Công an báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị 766/TTg ngày 17 thàng 9 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ, ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Trương Vĩnh Trọng, ý kiến của 16 đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã kết luận như sau:

1. Thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã đạt được một số kết quả sau:

a. Bộ Công an với vai trò chủ trì đã bám sát cơ sở, bám sát tình hình nên từ năm 1991 đến nay đã bắt giữ 2.269 vụ, với 3787 đối tượng, trong đó khởi tố 1.818 vụ, với 3.118 bị can, từ năm 1998 - 2002 Toà án đã xét xử 820 vụ, với 1048 bị can, triệt phá nhiều đường dây tội phạm có tổ chức mang tính chất quốc tế, góp phần hạn chế tình hình lừa gạt, buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài.

b. Với sự cố gắng của các cơ quan chức năng, Nhà nước ta đã xây dựng và từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý để xử lý loại tội phạm mới xuất hiện; bổ sung một số điều trong Bộ luật Hình sự năm 1999; một số chính sách, chương trình hành động quốc gia như: vì sự tiến bộ của phụ nữ giai đoạn 2001 - 2010, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng, phòng chống tội phạm, phòng chống mại dâm và nhiều trung tâm trợ giúp những người trở về; góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, ý thức cảnh giác cho nhân dân nói chung và phụ nữ nói riêng, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

c. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành chức năng, nhất là các tỉnh biên giới giáp với Cămpuchia và Trung Quốc đã từng bước nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc đấu tranh, phòng chống nạn phụ nữ và trẻ em bị lừa gạt, buôn bán ra nước ngoài.

d. Các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng quan tâm với tinh thần trách nhiệm cao đã có nhiều hoạt động nhằm cảnh báo, ngăn chặn tình trạng buôn bán, lừa gạt phụ nữ trẻ em; tạo ra bước chuyển biến về nhận thức trong xã hội và góp phần phát động nhân dân tham gia phát hiện, đấu tranh trên mặt trận này.

2. Tuy vậy, tình hình lừa gạt, buôn bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài vẫn diễn ra phức tạp và nghiêm trọng, gây xúc động sâu sắc trong xã hội, gây tai hoạ cho hàng ngàn phụ nữ, trẻ em và gia đình họ, tiềm ẩn những hậu quả xấu về trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc gia. Tình trạng đó là do những nguyên nhân sau:

a. Nguyên nhân khách quan: Do ảnh hưởng của mặt trái nền kinh tế thị trường, sự phân hoá giàu nghèo, thiếu việc làm, đời sống của nhân dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí còn thấp, bên cạnh đó cũng có một số người ham làm giàu, thích hưởng thụ, do vậy đã sa vào cạm bẫy của bọn buôn bán người.

b. Nguyên nhân chủ quan:

- Nhận thức của nhiều cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể chưa đồng đều, chưa sâu sắc thậm chí một số nơi chính quyền có biểu hiện bàng quan, thiếu trách nhiệm. Công tác tuyên truyền giáo dục, nhất là giáo dục luật pháp nhìn chung còn yếu.

- Việc phối kết hợp của các ngành chức năng, các đoàn thể chưa đồng bộ, chưa đặt cuộc đấu tranh này trên mặt bằng của các yếu tố: chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng; việc giải quyết tình hình chủ yếu khoán trắng cho cơ quan Công an thực hiện; cơ chế tổ chức chỉ đạo cũng chưa rõ, chưa có ban chỉ đạo và chưa giao nhiệm vụ cho cơ quan chủ trì, phối hợp.

- Công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực liên quan như quản lý hộ khẩu, xuất khẩu lao động, xuất nhập cảnh, kết hôn và cho nhận con nuôi với người nước ngoài.... còn nhiều sơ hở, bất cập.

- Công tác kiểm tra, chỉ đạo chưa sâu sát, thường xuyên. Trình độ, năng lực cán bộ trên lĩnh vực này còn hạn chế.

- Hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện, đồng bộ; tương trợ tư pháp giữa nước ta với các nước nhất là với các nước trong khu vực còn chưa toàn diện. Hiệu quả phát hiện, điều tra tội phạm buôn người còn thấp.

3. Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị 766/TTg của Thủ tướng Chính phủ, giải quyết tận gốc vấn đề lừa gạt, buôn bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện tốt những biện pháp như sau:

a. Hệ thống chính quyền từ Trung ương tới địa phương phải xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng thường xuyên; phải huy động các ngành, các cấp, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội tham gia thực hiện, tạo nên sức mạnh tổng hợp để giải quyết vấn đề.

b. Nguyên nhân sâu xa của vấn đề không chỉ đơn thuần là chống tội phạm, mà là vấn đề kinh tế - xã hội; do đó chống tội phạm lừa gạt, buôn bán phụ nữ, trẻ em phải gắn với xóa đói giảm nghèo, gắn với chăm lo đời sống nhân dân, tạo việc làm, giảm bớt khoảng cách giàu nghèo, nâng cao dân trí.... phát triển kinh tế - xã hội.

c. Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, các địa phương chỉ đạo tổ chức tuyên truyền đúng đối tượng, đúng trọng điểm, đúng định hướng. Trong công tác tuyên truyền đại chúng để thông tin kịp thời đến vùng sâu, vùng xa, trong đó phương tiện phát thanh, truyền hình là quan trọng.

d. Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội.... hoàn thiện hành lang pháp lý, quy định chặt chẽ về việc cho người nước ngoài nhận con nuôi, phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, trợ giúp cho phụ nữ và trẻ em quốc tịch Việt Nam bị xâm hại ở nước ngoài; cần tham gia đầy đủ các Công ước quốc tế, trong đó chú ý đến quan hệ song phương với các nước có chung đường biên giới với ta.

4. Để khắc phục những bất cập trong chỉ đạo điều hành cần phải thực hiện vấn đề sau:

- Về tổ chức: Bộ Công an chủ trì cùng Văn phòng Chính phủ nghiên cứu trình Thủ tướng Chính phủ về hệ thống tổ chức để chỉ đạo giải quyết vấn đề này, trong đó phải có một cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp, đặt nó trong mối liên hệ giữa phòng, chống tội phạm với vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội.

- Về xây dựng chiến lược: Bộ Công an chủ trì xây dựng đề án hoặc chương trình chống tội phạm buôn bán, lừa gạt phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài đến năm 2010. Đề án (hoặc chương trình) với mục tiêu là ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này; trong đề án cần nêu rõ quan điểm, bước đi, phân công nhiệm vụ cụ thể, cơ chế tài chính, vấn đề xã hội hoá, đào tạo cán bộ và sơ kết, tổng kết.

5. Sau hội nghị này yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương thực hiện ngay việc đánh giá kiểm điểm, sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 766/TTg của Thủ tướng Chính phủ, quán triệt nội dung Hội nghị này tại Bộ, ngành, địa phương; sau đó có báo cáo gửi về Bộ Công an trước 15 tháng 11 năm 2003 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở đó Thủ tướng Chính phủ sẽ đề nghị Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về phòng, chống tội phạm lừa gạt, buôn bán phụ nữ và trẻ em ra nước ngoài.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.

 

Nguyễn Văn Lâm

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 159/TB-VPVP về ý kiến kết luận của Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm tại hội nghị về các giải pháp khắc phục tình trạng phụ nữ, trẻ em bị lừa gạt, buôn bán ra nước ngoài do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 159/TB-VPVP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 22/09/2003
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Văn Lâm
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản