Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 137/TB-UB

TP. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 05 năm 1984

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC PHỤ CẤP TẠM THỜI CHO CÁN BỘ, CÔNG NHÂN VIÊN THÀNH PHỐ ĐI HỌC DÀI HẠN TẠI HÀ NỘI

Trong nhiều năm nay, Thành phố đã cử nhiều cán bộ, công nhân, nhân viên đi học dài hạn tại các trường của Bộ, Ngành trung ương, Hà Nội và các tỉnh phía Bắc ; Thành phố đã nghiêm chỉnh thực hiện các chính sách, chế độ của Nhà nước quy định.

Thực tế trong thời gian qua, nhiều nhu cầu hợp lý của anh chị em được cử đi học như : tiền tàu xe về Tết, tiền mua sắm đồ rét, tiền tiêu vặt v.v …chưa được giải quyết thỏa đáng; anh chị em gặp nhiều thiếu thốn, vật chất ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Sau khi khảo sát tại chỗ về đời sống của anh chị em thành phố ta nói trên và cân nhắc, tham khảo mức trợ cấp của một số tỉnh, thành phố khác, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tạm thời quy định :

a) Anh chị em cán bộ, công nhân, nhân viên trong biên chế của các ngành hoạt động Nhà nước thuộc thành phố Hồ Chí Minh quản lý được cử đi học dài hạn từ 1 năm trở lên tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc được hưởng thêm các khoản phụ cấp sau:

1. Đồ lạnh (cấp 1 lần)… 1.000 đồng

2. Tiền tàu xe về Tết hàng năm… 850 đồng

3. Tiền mua sách vở, tài liệu hàng năm… 150 đồng.

4. Phụ cấp thường xuyên 150 đồng mỗi tháng cho mỗi anh chị em đã công tác trên 5 năm trong biên chế Nhà nước ; 100 đồng mỗi tháng cho mỗi anh chị em công tác dưới 5 năm và 60 đồng mỗi tháng cho mọi học sinh khác đi học các hệ sơ, trung cấp nghiệp vụ và đại học tại Hà Nội do cơ quan chánh quyền thành phố tuyển chọn gởi đi (kể cả lực lượng vũ trang).

Đối với học sinh là con của cha hay mẹ là liệt sĩ, chưa có nguồn thu nhập bản thân được chiếu cố hưởng cao hơn một mức theo quy định trên.

Năm học 1983-1984 được cấp đồ lạnh và tiền mua sách vở. Riêng tiền tàu xe về Tết được tính từ năm học 1984-1985. Tiền phụ cấp thường xuyên được tính từ tháng 4-1984.

b) Cơ quan có người được cử đi học phải lập dự trù kinh phí nói trên, đề nghị Sở Tài chánh cấp phát theo định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng một lần. Cơ quan đó có trách nhiệm lĩnh và gởi đến nơi cho người được cấp phát. Sở Tài chánh có trách nhiệm quy định cụ thể thủ tục này, mặc dù cán bộ, công nhân, nhân viên của cơ quan gởi đi đã không còn danh sách biên chế trong cơ quan đó.

- Từ nay về sau, cơ quan nào có kế hoạch đào tạo hoặc được ngành dọc cấp trên chiêu sinh đều phải dựa vào ngân sách của thành phố. Chỉ tiêu đào tạo này phải được ghi vào kế hoạch hàng năm để Ủy ban Kế hoạch thành phố và Sở Tài chánh thành phố có trách nhiệm trình Ủy ban Nhân dân thành phố xét duyệt và phụ cấp.

Thông báo này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và được bổ sung hoặc sửa đổi khi có chính sách chế độ mới về vấn đề này của Nhà nước.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Võ Danh

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ VIỆC TRỢ CẤP CHO CÁN BỘ, NHÂN VIÊN THÀNH PHỐ ĐƯỢC CỬ ĐI HỌC DÀI HẠN TẠI HÀ NỘI
(ban hành kèm theo thông báo số 137/TB-UB ngày 19-5-1984 của UBND Thành phố)

Để góp phần giải quyết các khó khăn về sinh hoạt cho nhân viên cán bộ được cử đi học dài hạn tại các trường của Bộ, Ngành, Trung ương (Hà Nội và các tỉnh phía Bắc) nhằm tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tạm thời quy định về trợ cấp như sau :

Điều 1. Đối tượng được hưởng trợ cấp theo quy định này gồm có :

Tất cả nhân viên, cán bộ (sau đây gọi là học viên) được cơ quan chủ quản thuộc hệ thống cơ quan chánh quyền thành phố Hồ Chí Minh cử đi học dài hạn từ một năm trở lên tại các trường ở thủ đô Hà Nội - dù có lĩnh lương hay không, đã cắt biên chế ở cơ quan hay chưa – với mục đích đào tạo để trở về phục vụ công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh đều được hưởng các khoản trợ cấp theo quy định tạm thời này.

Điều 2. Mỗi học viên được hưởng trợ cấp tiền tàu xe và mua sắm như sau :

- Tiền mua đồ lạnh, cấp một lần cho suốt thời gian học… 1.000đ00

- Tiền tàu xe nghỉ Tết hoặc hè, cấp 1 lần cho 1 năm…850đ00

- Tiền mua sách vở tài liệu học tập, cấp 1 lần cho 1 năm… 150đ00

Điều 3. Mỗi học viên trong biên chế Nhà nước đều được hưởng trợ cấp sinh hoạt phí thường xuyên hàng tháng theo 2 bậc :

- Học viên có thâm niên công tác từ 5 năm trở lên…150đ00/tháng.

- Học viên có thâm niên công tác dưới 5 năm… 100đ00/tháng

- Mỗi học viên chưa vào biên chế Nhà nước hưởng trợ cấp… 60đ00/tháng.

Riêng học viên con gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, con của cán bộ đã được thưởng huân chương hoặc bản thân là bộ đội chuyển ngành, bộ đội đã mãn hạn tại ngũ hoặc thương binh thì được hưởng trợ cấp trên 1 bậc.

Điều 4. Các khoản trợ cấp tiền tàu xe, mua sắm được tính từ năm học 1983-1984. Khoản trợ cấp sinh hoạt phí thường xuyên được tính từ tháng 4 năm 1984.

Điều 5. Các khoản trợ cấp nói trên chỉ áp dụng cho học viên đang học tập tại các trường của Bộ, Ngành Trung ương và các tỉnh phía Bắc. Kể cả thời gian đau ốm phải điều trị.

Nếu học viên tự ý bỏ học hoặc bị kỹ luật buộc thôi học thì đương nhiên không được hưởng trợ cấp sinh hoạt phí nữa.

Điều 6- Cơ quan chủ quản cử người đi học có trách nhiệm theo dõi chặt chẽ số học viên thuộc ngành mình quản lý, gởi dự trù kinh phí bổ sung năm 1984 cho Sở Tài chánh xét, cấp phát theo định kỳ 3 tháng và chuyển tiền chu đáo cho học viên.

Kinh phí này được tính vào kinh phí đào tạo cán bộ của ngành.

Điều 7. Từ nay cơ quan nào có kế hoạch đào tạo cán bộ, cử học viên đi học ở các trường tại Hà Nội đều phải đưa vào kế hoạch ngân sách của thành phố - Chỉ tiêu đào tạo này phải được ghi vào kế hoạch đào tạo hàng năm gởi Ủy ban Kế hoạch và Sở Tài chánh thành phố để được trình Ủy ban Nhân dân thành phố xét duyệt và quyết định việc trợ cấp.

Điều 8. Bản quy định tạm thời này có hiệu lực bắt đầu từ tháng 4 năm 1984 cho đến khi có quyết định mới về vấn đề này.