Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 122/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 01 tháng 6 năm 2007

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH NINH BÌNH

Ngày 22 tháng 5 năm 2007, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình. Cùng dự có đại diện các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ và Tổng cục Du lịch. Sau khi nghe đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và một số đề nghị của Tỉnh, ý kiến chỉ đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Những năm qua, Đảng bộ và chính quyền nhân dân tỉnh Ninh Bình đã nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu khá toàn diện, kinh tế xã hội đang từng bước phát triển, đặc biệt là ngành công nghiệp có bước tăng trưởng mạnh, đã thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và tạo bước chuyển dịch cơ câu kinh tế nhanh, hiệu quả; góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, nhất là xóa đói giảm nghèo. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Tỉnh cần nhận thức đầy đủ vai trò, vị trí trong sự phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và đối với cả nước. Với lợi thế có trục giao thông Bắc - Nam, đường quốc lộ 1, đường cao tốc Bắc - Nam, đường Hồ Chí Minh và cách không xa Thủ đô - Hà Nội, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển công nghiệp và du lịch. Do vậy, Tỉnh cần rà soát các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững; trọng tâm là phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ, gắn với bảo vệ môi trường. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành du lịch tương xứng với tiềm năng, lợi thế, đi đôi với bảo vệ, tôn tạo cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa. Cần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch đặc trưng, các cấp (Các tuyến du lịch gắn với khảo sát, tham quan hang động, du lịch mạo hiểm leo núi, du lịch sinh thái, các khu nghỉ dưỡng cao cấp...)nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ du lịch, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp có giá trị tăng cao, công nghệ cao và dịch vụ chât lượng cao như tài chính, ngân hàng, bưu chính -  viễn thông...

Các Bộ, cơ quan Trung ương cần quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững.

II. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH

1.Về vốn đầu tư cho Dự án nạo vét sông Sào Khê (347 tỷ đồng): giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ có liên quan bố trí vốn trong kế hoạch năm 2008, bảo đảm Dự án hoàn thành trong 2 năm 2007 - 2008; trước mắt, để đẩy nhanh tiến độ, Bộ Tài chính cho ứng trước kế hoạch năm 2008 để Tỉnh thực hiện.

2. Về Khu du lịch Tràng An: Phần vốn ngân sách trung ương hỗ trợ còn thiếu 57 tỷ đồng, Bộ Tài chính tạm ứng cho tỉnh để triển  khai thực hiện tiếp trong năm 2007. Ngoài phần vốn hỗ trợ của ngân sách Trung ương, Tỉnh sử dụng vốn ngân sách địa phương, vốn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất Khu đô thị mới Tân An, vốn của các doanh nghiệp, vốn đầu tư nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư. Đồng ý Tỉnh được chỉ thị thầu xây lắp một số hạng mục phức tạp cần hoàn thành trước mùa mưa lũ năm 2007; việc chỉ thị thầu phải thực hiện theo đúng quy định.

3. Về vốn đầu tư Quốc lộ 10 đoạn từ Ninh Bình đến Thanh Hóa, nối thông với đường vành đai Tam Điệp: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu tìm nguồn vốn, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Về Dự án hạ tầng phân lũ, chậm lũ: yêu cầu các Bộ, cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ tại Công văn số 1525/TTg-NN ngày 27 tháng 9 năm 2006, về việc kéo dài thời hạn thực hiện Quyết định số 132/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ.

Để đẩy nhanh tiến độ Dự án hạ tầng phân lũ, chậm lũ của tỉnh Ninh Bình, Bộ tài chính tạm ứng số vốn còn thiếu 53 tỷ đồng cho Tỉnh triển khai trong năm 2007

5. Về đề nghị di chuyển địa điểm xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình II đến khu công nghiệp Ninh Phúc: đồng ý thành lập Tổ công tác, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng và các Bộ: Công nghiệp, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tham gia làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình để xem xét, đánh giá tác động môi trường của Dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Ninh Bình II (bên cạnh Nhà máy cũ) đối với thành phố Ninh Bình, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10 tháng 6 năm 2007.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và PTNT, Công nghiệp, Xây dựng, Tài nguyên và MT;
- Tổng cục Du lịch; Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ, các Vụ: TH, KTTH, CN, NN, KG, TTBC;
- Lưu: Văn thư, Đp (4b).40

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Đoàn Mạnh Giao

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 122/TB-VPCP về việc kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Bình do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 122/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 01/06/2007
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Đoàn Mạnh Giao
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/06/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản