Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 121/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 08 tháng 04 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI GIAO BAN TRỰC TUYẾN VỚI CÁC TỈNH: NINH BÌNH, QUẢNG NINH VÀ THỪA THIÊN HUẾ

Ngày 27 tháng 3 năm 2009, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì buổi giao ban trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh Ninh Bình, Quảng Bình và Thừa Thiên Huế. Cùng dự với Thủ tướng có đại diện lãnh đạo của các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Văn phòng Chính phủ.

Tại buổi làm việc, sau khi nghe Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008, quý I năm 2009 và một số đề nghị của Tỉnh; ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Đánh giá cao và biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh: Ninh Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế đã đạt được những kết quả tích cực và toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong năm 2008 và quý 1 năm 2009, trong hoàn cảnh rất nhiều khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, lạm phát, giá cả vật tư, hàng hoá tăng cao, suy giảm kinh tế, nhưng các địa phương đã có nhiều nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều lĩnh vực: duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP tăng 15 % đối với Ninh Bình, 11,42% đối với Quảng Bình và 10% đối với Thừa Thiên Huế), sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; công tác đầu tư xây dựng được thực hiện khẩn trương; việc huy động vốn đầu tư tập trung cho các công trình và chương trình trọng điểm có dấu hiệu khả quan, đã khắc phục được tình trạng giải ngân chậm của năm trước. Vốn cho vay hỗ trợ lãi suất, vốn đầu tư tăng, giá tiêu dùng đứng ở mức thấp, giải ngân vốn ngân sách nhanh hơn.

Lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế tiếp tục có những chuyển biến tích cực, chính sách xã hội được thực hiện kịp thời, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, nhất là trong dịp tết Kỷ Sửu.

Tuy nhiên, những khó khăn do suy giảm kinh tế thế giới sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng chậm; xuất khẩu có hướng giảm sút; du lịch đã có sự suy giảm cả về lượt khách và doanh thu (tại Thừa Thiên Huế giảm 18%); nhiều doanh nghiệp kinh doanh du lịch gặp khó khăn; chất lượng tăng trưởng kinh tế thiếu tính bền vững; đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo tại Quảng Bình còn cao (19%), một số vùng có nguy cơ tái nghèo. Cuộc sống của người dân vạn đò trên sông Hương vẫn chưa được cải thiện; cần có những giải pháp cụ thể để ổn định đời sống của người dân và bảo đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

II. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Về cơ bản đồng ý với báo cáo và các giải pháp triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 của các Tỉnh. Bước sang năm 2009, bên cạnh những dấu hiệu khả quan của 3 tháng đầu năm, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội sẽ còn gặp nhiều khó khăn, các địa phương cần năng động, sáng tạo, tập trung triển khai có hiệu quả các nhóm giải pháp mà Chính phủ đã đề ra với nhiệm vụ trọng tâm là chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì mức tăng trưởng, bảo đảm các hoạt động an sinh xã hội; chủ động liên kết chặt chẽ với các địa phương khác để phát huy tiềm năng, lợi thế vì sự phát triển chung của đất nước; trong đó tập trung vào những định hướng sau đây:

1. Chỉ đạo quyết liệt, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Đây phải được coi là giải pháp căn bản, hàng đầu, đặc biệt trong bối cảnh suy thoái, khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay;

2. Thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, có chính sách khuyến khích và thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn. Tiếp tục đẩy nhanh việc giải ngân các nguồn vốn đầu tư trong kế hoạch năm 2009 một cách hiệu quả; có kiểm tra, kiểm soát, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng và bảo đảm chất lượng các công trình, dự án, góp phần giải quyết tốt việc làm, thu nhập cho người lao động. .

3. Quan tâm, chỉ đạo sâu sát thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp; chú ý việc hỗ trợ cho nông dân trong sản xuất và đời sống; cho vay đối với học sinh, sinh viên nghèo đi học đại học, học nghề.

4. Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở một số vùng trọng điểm có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng đầm phá ven biển; sắp xếp bố trí tại dân cư; quy hoạch vùng nguyên liệu, kết hợp xây dựng các cơ sở công nghiệp chế biến tại khu vực nông thôn theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

5. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công; làm tốt công tác phòng chống tham nhũng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh; bảo đảm an toàn giao thông; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA CÁC ĐỊA PHƯƠNG

A. TỈNH NINH BÌNH

Về việc bố trí vốn cho các dự án phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, bao gồm: dự án xây dựng sân lễ hội trước đền vua Đinh Tiên Hoàng; dự án xây dựng Quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng tại phường Ninh Khánh; đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, vua Lê Đại Hành; lăng vua Đinh Tiên Hoàng và vua Lê Đại Hành; chùa Nhất Trụ; đền thờ công chúa Phất Kim; nhà bia cầu Đông, cầu Dền; chùa và động Liên Hoa, động An Tiêm; dự án nạo vét xây kè bào tồn cảnh quan sông Sào Khê; các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu du lịch Tràng An.

Trong dự toán năm 2009, Ngân sách trung ương đã bố trí 300 tỷ đồng cho Tỉnh để thực hiện các Dự án kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Tỉnh chủ động sử dụng nguồn vốn hỗ trợ trên để thực hiện. Đối với các dự án đã nằm trong danh mục sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bố trí ứng vốn cho Tỉnh theo tiến độ thực hiện cụ thể từng dự án.

Đối với các dự án còn lại nếu tỉnh sử dụng hết vốn năm 2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ bố trí ứng vốn năm 2010 để thực hiện.

2. Đối với khu du lịch Tràng An: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 41/TB-VPCP ngày 26/02/2004; Thông báo số 84/TB-VPCP ngày 16/3/2009 của Văn phòng Chính phủ, Tỉnh chủ động phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan sớm triển khai nghiên cứu, lập điều chỉnh quy hoạch khu du lịch này với yêu cầu phải tương xứng với quy mô để hướng tới đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đồng thời cho phép tổ chức thi tuyển tư vấn nước ngoài trong việc xây dựng quy hoạch.

Đối với các dự án xi măng và quy hoạch các vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất xi măng trên địa bàn đã đầu tư xây dựng theo đúng quy hoạch, Tỉnh cần rà soát, trước mắt cần giữ nguyên hiện trạng, lưu ý giải pháp công nghệ để không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và phát triển du lịch, đồng thời tạo điều kiện để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh.

3. Về việc hỗ trợ vốn đối với các dự án thuộc quy hoạch phòng, chống lũ sông Hoàng Long: nạo vét, nâng cấp các tuyến đê sông Hoàng Long và sông Đáy; sông Vạc, Bến Đang; tuyến đường tránh bão, cứu nạn, phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh vùng biển huyện Kim Sơn: đồng ý, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính xem xét bố trí vốn cho Tỉnh thực hiện, nếu Tỉnh sử dụng hết số vốn năm 2009, cho phép ứng vốn kế hoạch năm 2010 để thực hiện.

- Đối với các dự án (chống ngập úng thành phố Ninh Bình và huyện Hoa Lư, cải tạo, nâng cấp tuyến đường cứu hộ, cứu nạn Bình Sơn - Lai Thành; cải tạo, nâng cấp tuyến đường đến trung tâm các xã miền núi; nắn tuyến đê hữu sông Đáy và mở rộng cửa thoát lũ ngã ba Độc Bộ): đồng ý chủ trương hỗ trợ nguồn vốn để triển khai thực hiện các dự án nêu trên đúng quy định. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan xem xét sự cần thiết, tính khả thi của các dự án trên để tổng hợp bổ sung vào danh mục đầu tư sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

4. Về Dự án xây dựng Bệnh viện đa khoa 700 giường: đồng ý, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính bố trí vốn từ nguồn Trái phiếu Chính phủ để Tỉnh thực hiện, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng.

5. Về một số công trình thủy lợi và giao thông cấp bách đến các xã miền núi, vùng biển có nhiều khó khăn: giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất nguồn vốn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

6. Về việc chỉ định thầu đối với các dự án phục vụ Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; các công trình cấp bách phòng, chống bão, lũ, cứu hộ, cứu nạn: đồng ý áp dụng hình thức chỉ định thầu. Việc chỉ định thầu phải thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

B. TỈNH QUẢNG BÌNH

1. Đồng ý về chủ trương Tỉnh được chuyển nhượng cảng Hòn La giai đoạn 1 cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam quản lý, khai thác, trước mặt đáp ứng nhu cầu vận chuyển xi măng, clinker tiêu thụ vào thị trường phía Nam và lưu thông hàng hóa khác; Tỉnh hoàn tất thủ tục quyết toán, kiểm toán dự án trên theo quy định.

Đồng ý Tỉnh được sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng cảng Hòn La giai đoạn 1 (100 tỷ đồng) do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hoàn trả. Tỉnh còn có phương án cụ thể sử dụng nguồn vốn này để đầu tư các công trình thật sự cấp bách và bảo đảm đúng trình tự thủ tục đầu tư theo quy định.

2. Về việc lập Quy hoạch tổng thể Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng: giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Tỉnh và các Bộ, cơ quan liên quan tổ chức thi tuyển, lựa chọn tư vấn lập quy hoạch; Ngân sách trung ương hỗ trợ kinh phí cho Tỉnh thực hiện việc này.

3. Việc hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Quốc lộ 1A (đoạn qua thành phố Đồng Hới): Thủ tướng Chính phủ sẽ có văn bản xử lý riêng.

4. Các dự án: đường và cầu về xã Văn Hoá, tỉnh lộ 16 nối từ quốc lộ ra đến biên giới Việt - Lào: đồng ý chủ trương đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, bổ sung vào danh mục, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đối với các dự án chống xói lở bờ sông Gianh, sông Kiến Giang và sông Long Đại: Tỉnh khảo sát, tính toán kỹ từng dự án cụ thể, lựa chọn giữa phương án kè và di dân cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả đầu tư;

Giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sớm xây dựng tiêu chí xử lý sạt lở bờ sông, bờ biển để các địa phương triển khai khi thực hiện.

5. Về việc nâng cấp bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới: giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính bổ sung vào danh mục đầu tư sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, trước mắt tạm ứng vốn để Tỉnh triển khai thực hiện.

6. Về việc mở thêm tuyến bay Đồng Hới đi thành phố Hồ Chí Minh tại sân bay Đồng Hới: giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khảo sát, tính toán kỹ nhu cầu thực tế, hiệu quả đầu tư, kinh doanh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

C. TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

1. Về việc phê duyệt Đề án "Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020": Thủ tướng Chính phủ sẽ có văn bản xử lý riêng.

2. Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính thẩm định điều chỉnh đề án Quy hoạch bảo tồn và phát huy hai di sản văn hoá thế giới của cố đô Huế; đồng thời, xem xét cơ chế chính sách đặc thù để huy động nguồn vốn đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ.

3. Về dự án cấp bách để đầu tư, xây dựng thành phố Huế trở thành thành phố Festival: Tỉnh cần hoàn tất thủ tục và trình duyệt theo quy định. Sau khi dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạm ứng vốn kế hoạch năm 2010 để Tỉnh thực hiện.

4. Về đầu tư phát triển cảng hàng không Quốc tế Phú Bài: Thủ tướng Chính phủ sẽ có văn bản xử lý riêng.

5. Bộ Tài chính ứng vốn theo tiến độ triển khai, thực hiện đầu tư hạ tầng thuộc dự án tái định cư dân vạn đò trên sông Hương, thành phố Huế. Đối với việc thành lập quỹ phát triển nhà ở (trích từ ngân sách hỗ trợ của Trung ương) để giải quyết nhà ở cho người dân vạn đò, Tỉnh cần tính toán kỹ và có phương án cụ thể, có thể kết hợp lồng ghép với Chương trình nhà ở xã hội để triển khai, thực hiện.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo bố trí đủ vốn để đầu tư phát triển khu quy hoạch Đại học Huế theo quy hoạch và dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

7. Đồng ý đầu tư dự án đường La Sơn - Nam Đông bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, bổ sung vào danh mục sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

8. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, sớm hoàn chỉnh thủ tục để triển khai thực hiện dự án nâng cấp quốc lộ 1A đoạn La Sơn - Hầm đường bộ Hải Vân và 2 hầm đường bộ (Phú Gia, Phước Tượng) theo hình thức BOT.

9. Về việc nâng cấp mở rộng đường quốc lộ 49A nhằm khắc phục tình trạng sạt lở, tắc nghẽn trong mùa mưa lũ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bộ Tài chính tổng hợp, bổ sung vào danh mục trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2 để thực hiện.

10. Đồng ý bố trí vốn trái phiếu Chính phủ để triển khai xây dựng cầu qua sông Hương; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp, bổ sung vào danh mục trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2 để thực hiện. Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành liên quan giúp Tỉnh tuyển chọn tư vấn kiến trúc công trình cầu trên, bảo đảm hài hòa với cảnh quan cố đô Huế.

11. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Quốc phòng, Giao thông vận tải xem xét bố trí nguồn vốn để hoàn thành đường 74 giai đoạn 2; hỗ trợ triển khai dự án rà phá bom, mìn giai đoạn 2 ở khu vực 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông và khu vực chiến khu cũ.

12. Giao Bộ Nội vụ làm việc với Tỉnh để xác định ranh giới hành chính giữa tỉnh Quảng Trị và tỉnh Thừa Thiên Huế, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Ủy ban nhân dân các tỉnh: Ninh Bình, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế và các Bộ, cơ quan có liên quan biết, thực hiện./. 

 

 

Nơi nhận:
- TTg, các Phó TTg Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quốc phòng, Nội vụ, Y tế;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Bình;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTN, KTTH, TKBT;
- Lưu: VT, ĐP (5).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Văn Phượng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo số 121/TB-VPCP về kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi giao ban trực tuyến với các tỉnh: Ninh Bình, Quảng Ninh và Thừa Thiên Huế do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 121/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 08/04/2009
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Phượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản