Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 102/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 20 tháng 6 năm 2002

 

THÔNG BÁO

CỦA VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ SỐ 102/TB-VPCP NGÀY 20 THÁNG 6 NĂM 2002 VỀ Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG PHẠM GIA KHIÊM TẠI CUỘC HỌP VỀ TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN HIỆP ĐỊNH HỢP TÁC VỀ NUÔI CON NUÔI GIỮA VIỆT NAM VÀ PHÁP

Ngày 12 tháng 6 năm 2002, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Pháp. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Phú Bình, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tây Nguyễn Thị Mùi, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Thân Văn Mưu, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh phúc Hoàng Trường Kỳ, đại diện Bộ Công an, Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ, Uỷ ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam, UBND thành phố Hà Nội, Sở Tư pháp thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường báo cáo tình hình triển khai thực hiện Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Pháp, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm đã kết luận như sau:

1. Nuôi con nuôi là vấn đề nhân đạo đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Các Bộ, ngành và địa phương cần tăng cường trách nhiệm trong việc bảo vệ và chăm sóc những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trong đó có vấn đề con nuôi, bảo đảm sự lành mạnh, phòng ngừa các hành vi tiêu cực và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực con nuôi có yếu tố nước ngoài.

2. Trong bối cảnh hiện tại, nước ta chưa gia nhập Công ước La Hay 1993 về bảo vệ trẻ em và hợp tác nuôi con nuôi giữa các nước. Hiệp định hợp tác về nuôi con nuôi giữa Việt Nam và Pháp là điều ước quốc tế song phương đầu tiên trong lĩnh vực này mà nước ta ký kết với nước ngoài, đã tạo ra cơ chế hợp tác giữa nước ta với Pháp, bảo đảm giải quyết chặt chẽ việc cho, nhận con nuôi.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xúc tiến đề xuất việc ký kết với các nước khác Hiệp định tương tự và tiến tới gia nhập Công ước La Hay 1993, bảo đảm giải quyết việc nuôi con nuôi theo cơ chế pháp lý thống nhất, chặt chẽ.

3. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2002, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đã có ý kiến kết luận đồng ý thành lập cơ quan con nuôi quốc tế của Việt Nam thuộc Bộ Tư pháp.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức – Cán bộ Chính phủ và các Bộ, ngành hữu quan khẩn trương xây dựng đề án thành lập Cơ quan con nuôi quốc tế, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn ở địa phương, các cơ sở nuôi dưỡng thuộc quyền thực hiện tốt hơn việc giới thiệu trẻ em có đủ điều kiện để làm con nuôi theo quy định của pháp luật và Hiệp định mà nước ta ký với Pháp.

Các Bộ, ngành và địa phương liên quan có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong việc tổ chức thực hiện tốt Hiệp định, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, trao đổi thông tin kiểm tra, có giải pháp kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh tại địa phương trong quá trình thực hiện Hiệp định; quản lý chặt chẽ các Văn phòng của các tổ chức phi Chính phủ nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam với mục đích nhân đạo phi lợi nhuận trong lĩnh vực nuôi con nuôi, xử lý nghiêm các hành vi môi giới con nuôi trái phép, trục lợi, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

5. Đại sứ quán Cộng hoà Pháp tại Việt Nam đã có công hàm về việc phía Pháp hỗ trợ vật chất, kinh phí cho các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt của Việt Nam.

Giao Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan thống nhất và trao đổi với phía Pháp, đề xuất ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ để có thể ký với phía Pháp Nghị định thư bổ sung Hiệp định về việc hỗ trợ vật chất, kinh phí cho các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em của Việt Nam.

Các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan cần nhận thức rằng: đây là khoản kinh phí hỗ trợ, mang tính chất nhân đạo để các cơ sở nuôi dưỡng trẻ em có khả năng tiếp nhận thêm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và cải thiện chất lượng nuôi dưỡng trẻ em trong các cơ sở này, không phải là điều kiện để giải quyết việc cho, nhận con nuôi.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.

 

Trần Quốc Toản

(Đã ký)