Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 47/2011/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 07 tháng 10 năm 2011

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Thỏa thuận về quyền ưu đãi và miễn trừ dành cho Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế INTERPOL trong thời gian diễn ra các cuộc họp của Ban Lãnh đạo thường trực và Đại hội đồng INTERPOL, được tổ chức tại nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 04 tháng 11 năm 2011, ký tại Lyon ngày 20 tháng 9 năm 2011, có hiệu lực kể từ ngày 20 tháng 9 năm 2011 và chấm dứt hiệu lực vào ngày 08 tháng 11 năm 2011.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao lục Thỏa thuận theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ




Nguyễn Thị Hoàng Anh

 


THỎA THUẬN VỀ QUYỀN ƯU ĐÃI VÀ MIỄN TRỪ

DÀNH CHO

TỔ CHỨC CẢNH SÁT HÌNH SỰ QUỐC TẾ  INTERPOL

 

 

 

 

 

 

TRONG THỜI GIAN DIỄN RA

CÁC CUỘC HỌP CỦA BAN LÃNH ĐẠO THƯỜNG TRỰC

VÀ ĐẠI HỘI ĐỒNG INTERPOL

 

 

 

 

ĐƯỢC TỔ CHỨC TẠI

NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM,

TỪ NGÀY 28/10 - 4/11/2011

 

Ngài Ronald K.Noble, Tổng thư ký Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế INTERPOL (Tổ chức INTERPOL), và

Ngài Trung tướng Phạm Quý Ngọ, Thứ trưởng Bộ Công an, đại diện cho Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Việt Nam), được sự ủy quyền hợp pháp,

Liên quan đến Kỳ họp Đại hội đồng INTERPOL lần thứ 80 và Cuộc họp lần thứ 171 của Ban lãnh đạo thường trực Tổ chức INTERPOL, sẽ được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 04 tháng 11 năm 2011, đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. Nhập cảnh vào lãnh thổ Việt Nam

1. Phù hợp với quy định của pháp luật, các cơ quan Chính phủ có thẩm quyền của Việt Nam cho phép nhập cảnh và xuất cảnh đối với:

a) Các thành viên Ban lãnh đạo thường trực Tổ chức INTERPOL;

b) Các Đoàn đại biểu quốc gia thành viên tham gia Kỳ họp Đại hội đồng có tên trong danh sách đại biểu;

c) Các thành viên Ban Tổng thư ký được chỉ định giúp đỡ Ban lãnh đạo thường trực và Đại hội đồng INTERPOL;

d) Phiên dịch và thư ký Kỳ họp do Ban Tổng thư ký thuê;

e) Các Cố vấn của Tổ chức INTERPOL;

f) Các chuyên gia và quan sát viên được mời tham dự Kỳ họp; và

g) Thành viên gia đình và nhân viên đi cùng của những thành phần nêu trên trong suốt thời gian diễn ra Cuộc họp của Ban lãnh đạo thường trực và Kỳ họp Đại hội đồng INTERPOL lần thứ 80.

2. Ban tổng thư ký INTERPOL sẽ chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam danh sách các đại biểu nêu tại khoản 1 Điều này chậm nhất là 7 ngày trước khi Kỳ họp diễn ra.

3. Trừ trường hợp được miễn thị thực theo Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo Quyết định của Chính phủ Việt Nam, thị thực hoặc giấy phép nhập cảnh, xuất cảnh cho những cá nhân tham dự Cuộc họp Ban lãnh đạo thường trực và Kỳ họp Đại hội đồng sẽ được cấp miễn phí và nhanh chóng.

4. Thỏa thuận này không làm phương hại đến quyền của Việt Nam trong việc từ chối cấp phép nhập cảnh, xuất cảnh đối với những cá nhân bị cấm xuất nhập cảnh vào Việt Nam theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 2. Quyền ưu đãi và miễn trừ

1. Trong thời gian diễn ra Cuộc họp Ban lãnh đạo thường trực và Kỳ họp Đại hội đồng, các Cơ quan Chính phủ có thẩm quyền tại Việt Nam sẽ dành cho Tổ chức INTERPOL các quyền ưu đãi, miễn trừ giống như dành cho các Tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc đang hoạt động tại Việt Nam.

2. Trong thời gian diễn ra Cuộc họp Ban lãnh đạo thường trực và Kỳ họp Đại hội đồng tại Việt Nam từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 04 tháng 11 năm 2011, Tổ chức INTERPOL khi thực hiện các nhiệm vụ của mình sẽ được hưởng quyền miễn trừ đối với thủ tục pháp lý và thực hiện thủ tục pháp lý trong:

- Các vấn đề dân sự, trừ sự từ bỏ miễn trừ theo điều khoản trong hợp đồng mà Tổ chức INTERPOL tham gia; trừ các tổn thất do ô tô hoặc các phương tiện đi lại khác thuộc quyền sở hữu hoặc được sử dụng dưới danh nghĩa của Tổ chức INTERPOL và trừ khi Tổ chức INTERPOL có tuyên bố ngược lại;

- Các vấn đề hành chính.

Tổ chức INTERPOL có thể từ bỏ các quyền miễn trừ thủ tục pháp lý trong một số trường hợp.

Điều 3. Tính bất khả xâm phạm về hồ sơ, thư tín

1. Trong thời gian diễn ra Cuộc họp Ban lãnh đạo thường trực và Kỳ họp Đại hội đồng tại Việt Nam từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 04 tháng 11 năm 2011, mọi tài liệu thuộc Tổ chức INTERPOL hoặc do Tổ chức INTERPOL nắm giữ dưới bất kỳ hình thức nào, trong đó bao gồm hồ sơ, sổ sách là bất khả xâm phạm ở bất kỳ nơi đâu.

2. Trong thời gian diễn ra Cuộc họp Ban lãnh đạo thường trực và Kỳ họp Đại hội đồng tại Việt Nam từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 04 tháng 11 năm 2011, sự bất khả xâm phạm thư tín chính thức của Tổ chức INTERPOL sẽ được đảm bảo. Thông tin liên lạc chính thức của Tổ chức INTERPOL không phải là đối tượng kiểm duyệt và có thể dưới dạng mã hóa.

Điều 4. Ngoại tệ

Trong thời gian diễn ra Cuộc họp Ban lãnh đạo thường trực và Kỳ họp Đại hội đồng tại Việt Nam từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 04 tháng 11 năm 2011, Tổ chức INTERPOL có thể không bị kiểm soát tài chính, không phải tuân theo các quy định hoặc không bị tạm ngừng hoạt động khi:

a) Tiếp nhận, giữ các quỹ và tất cả các loại ngoại tệ, thực hiện các giao dịch tài khoản liên quan đến các loại tiền tệ trên lãnh thổ Việt Nam;

b) Tự do chuyển tiền và ngoại tệ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và từ Trụ sở hoặc từ một trong các Văn phòng khu vực của Tổ chức INTERPOL tới Việt Nam và ngược lại.

Điều 5. Miễn thuế nhập khẩu

Các tài liệu, thiết bị khoa học, kỹ thuật, hành chính do Tổ chức INTERPOL cung cấp cho Cuộc họp Ban lãnh đạo thường trực và Kỳ họp Đại Hội đồng, cũng như các ấn phẩm của Tổ chức INTERPOL và các tài liệu chính thức cần thiết cho công việc, quà của Tổng thư ký và các nhân viên của Tổ chức INTERPOL dùng để tặng hoặc nhận được trong Kỳ họp Đại Hội đồng sẽ được miễn thuế và lệ phí nhập khẩu. Tổ chức INTERPOL chịu trách nhiệm tái xuất các thiết bị, tài liệu, ấn phẩm và tặng phẩm chưa được sử dụng hoặc chưa phân phát khi kết thúc Kỳ họp Đại hội đồng.

Điều 6. Quyền ưu đãi và miễn trừ dành cho các Đại biểu

Việt Nam sẽ thực hiện các biện pháp phù hợp để đảm bảo rằng các Đại biểu tham dự Cuộc họp Ban lãnh đạo thường trực và Kỳ họp Đại hội đồng, các cố vấn của Tổ chức INTERPOL, các quan sát viên và chuyên gia, các thành viên Ban Tổng thư ký được chỉ định giúp đỡ Ban lãnh đạo thường trực và Đại hội đồng cũng như các thành viên gia đình cùng đi với họ, ngoại trừ các nhân viên tại địa phương bao gồm cả đại biểu Việt Nam là thành viên của Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Kỳ họp Đại hội đồng, sẽ được trao những quyền ưu đãi và miễn trừ sau đây trên lãnh thổ Việt Nam trong suốt thời gian diễn ra Cuộc họp hoặc Kỳ họp và trong quá trình đi đến và về từ địa điểm tổ chức Cuộc họp hoặc Kỳ họp, phù hợp với pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế:

a) Bất khả xâm phạm về thân thể và chỗ ở, không bị bắt, giam giữ, tịch thu tài sản cá nhân trừ khi bị bắt phạm tội quả tang;

b) Miễn thủ tục pháp lý về các vấn đề dân sự, hành chính và hình sự đối với các hoạt động được thực hiện trong khi thi hành nhiệm vụ, ngay cả sau khi kết thúc Cuộc họp Ban lãnh đạo thường trực và Kỳ họp Đại hội đồng;

c) Bất khả xâm phạm về tài liệu và giấy tờ chính thức, thư tín, điện tín, điện thoại;

d) Được tạo điều kiện thuận lợi liên quan đến ngoại tệ như các viên chức ngoại giao.

Điều 7. Quyền ưu đãi, miễn trừ ngoại giao

Trong thời gian diễn ra Cuộc họp Ban lãnh đạo thường trực và Kỳ họp Đại hội đồng tại Việt Nam từ ngày 28 tháng 10 đến ngày 04 tháng 11 năm 2011, ngoài những quyền ưu đãi và miễn trừ như đã nêu ở Điều 6, Tổng Thư ký, các thành viên Ban lãnh đạo thường trực và các thành viên gia đình cùng đi với họ sẽ được hưởng các quyền ưu đãi, miễn trừ và các điều kiện thuận lợi như dành cho các viên chức ngoại giao, phù hợp với luật pháp Việt Nam và pháp luật quốc tế.

Điều 8. Sử dụng quyền ưu đãi, miễn trừ

1. Các quyền ưu đãi và miễn trừ quy định tại Điều 6 và 7 của Thỏa thuận này được dành cho những người có liên quan không phải vì lợi ích cá nhân của họ mà vì lợi ích hoạt động nhịp nhàng của các cơ quan của Tổ chức INTERPOL. Các cơ quan có thẩm quyền tại các nước thành viên của Tổ chức INTERPOL có thể và cần phải từ bỏ các quyền miễn trừ này bất cứ khi nào quyền miễn trừ gây trở ngại cho việc thực thi công lý và khi việc từ bỏ không làm phương hại đến lợi ích của Tổ chức.

2. Việt Nam chỉ đảm bảo thực hiện các quyền ưu đãi và miễn trừ quy định tại Điều 2 Khoản 2, Điều 3, Điều 4, Điều 6 và Điều 7 trong thời gian các Đại biểu đến Việt Nam tham dự các Cuộc họp Ban Lãnh đạo Thường trực và Kỳ họp Đại hội đồng INTERPOL cho đến khi Thỏa thuận này hết hiệu lực. Các đại biểu được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ theo Thỏa thuận này có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và không can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

3. Việc thực hiện các điều khoản của Thỏa thuận này không được làm phương hại đến an ninh quốc gia, việc bảo vệ pháp luật và trật tự xã hội tại Việt Nam.

Điều 9. Các biện pháp an ninh, An toàn công cộng và Y tế

Bất kể mọi quy định trong Thỏa thuận này, Việt Nam được quyền áp dụng mọi biện pháp, có tham khảo ý kiến của Tổ chức INTERPOL trong các trường hợp cho phép, vì lý do an ninh, an toàn công cộng và y tế có thể ảnh hưởng hoặc gây nguy hiểm cho các đại biểu tham dự Cuộc họp Ban lãnh đạo thường trực hoặc Kỳ họp Đại hội đồng.

Điều 10. Giải quyết tranh chấp

Mọi tranh chấp phát sinh giữa hai bên liên quan đến việc giải thích và áp dụng các điều khoản của Thỏa thuận này sẽ được hai bên giải quyết một cách thân thiện thông qua đàm phán và thương lượng.

Điều 11. Hiệu lực

Thỏa thuận này có hiệu lực kể từ ngày ký và sẽ chấm dứt hiệu lực sau 3 ngày kể từ ngày kết thúc Kỳ họp.

Để làm bằng, những người đại diện dưới đây, được sự ủy quyền hợp pháp, đã ký Thỏa thuận này.

Thỏa thuận được làm thành 2 bản tại Lyon vào ngày 20 tháng 9 năm 2011 bằng tiếng Việt và tiếng Anh, các văn bản có giá trị như nhau./.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
VIỆT NAM




Ngài Trung tướng Phạm Quý Ngọ

Thứ trưởng Bộ Công an

THAY MẶT TỔ CHỨC INTERPOL






Ngài Ronald K. Noble
Tổng thư ký Tổ chức INTERPOL

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo hiệu lực của Thỏa thuận về quyền ưu đãi và miễn trừ dành cho Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế - INTERPOL trong thời gian diễn ra cuộc họp của Ban Lãnh đạo thường trực và Đại hội đồng INTERPOL, được tổ chức tại Việt Nam

  • Số hiệu: 47/2011/TB-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 20/09/2011
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổ chức INTERPOL
  • Người ký: Phạm Quý Ngọ, Ronald K. Noble
  • Ngày công báo: 18/10/2011
  • Số công báo: Từ số 529 đến số 530
  • Ngày hiệu lực: 20/09/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản