Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BỘ NGOẠI GIAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/2014/TB-LPQT | Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2014 |
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại Khoản 3, Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Thỏa thuận về sửa đổi, bổ sung Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Cam-pu-chia nhằm loại trừ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán, ký tại TP. Hồ Chí Minh ngày 28 tháng 9 năm 2012, có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 5 năm 2014.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao thỏa thuận theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
VỀ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG HIỆP ĐỊNH GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ HOÀNG GIA CĂM-PU-CHIA ĐỂ LOẠI TRỪ NẠN BUÔN BÁN PHỤ NỮ, TRẺ EM
VÀ GIÚP ĐỠ NẠN NHÂN BỊ BUÔN BÁN
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Căm-pu-chia (Sau đây được gọi tắt là “hai Bên”);
Căn cứ Điều 16 của Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia vương quốc Căm-pu-chia về hợp tác song phương để loại trừ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán ký tại Hà Nội ngày 10 tháng 10 năm 2005;
Căn cứ các Biên bản Hội nghị rà soát, sửa đổi, bổ sung Hiệp định giữa các cơ quan chức năng hai nước Việt Nam - Căm-pu-chia ngày 19 - 20 tháng 9 năm 2011 tại Siêm-Riệp, Căm-pu-chia và ngày 27 - 28 tháng 9 năm 2012 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam;
Đã Thỏa thuận nội dung sửa đổi, bổ sung Hiệp định kể trên như sau:
Điều 1. Tên Hiệp định được sửa đổi như sau: “Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Căm-pu-chia về hợp tác song phương trong phòng, chống buôn bán người và bảo vệ nạn nhân bị buôn bán”.
Điều 2. Trong toàn bộ Hiệp định, sửa cụm từ “phụ nữ trẻ em” thành cụm từ “người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em”.
Điều 3. Một số sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ cụ thể như sau:
1. Sửa đổi các khoản 5, 7, 11 của Điều 2 và bổ sung khoản 12 vào Điều 2 của Hiệp định đã ký ngày 10 tháng 10 năm 2005 cụ thể như sau:
“5. Hôn nhân với mục đích xấu.
7. Du lịch và giải trí tình dục, đặc biệt trẻ em.
11. Sử dụng ma túy là phương tiện để làm cho người khác, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em trở thành nô lệ.
12. Để lấy bộ phận cơ thể.”
2. Sửa đổi Điều 3 của Hiệp định đã ký ngày 10 tháng 10 năm 2005 như sau:
“Hai Bên sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết và thích hợp để đảm bảo thực hiện khuôn khổ pháp lý trong phạm vi quyền tài phán của mình phù hợp với Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền, Công ước về Quyền trẻ em, Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung cho Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và các văn kiện về nhân quyền cũng như các Công ước khác liên quan tới trấn áp nạn buôn bán người mà hai Bên đã ký kết hoặc là thành viên”.
3. Bổ sung khoản 5 và khoản 6 vào Điều 4 của Hiệp định đã ký ngày 10 tháng 10 năm 2005 như sau:
“5. Tăng cường quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh và phối hợp tuần tra kiểm soát biên giới, cửa khẩu phù hợp với pháp luật nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi buôn bán người.
6. Khuyến khích sự tham gia và hợp tác của các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân và các cá nhân trong phòng, chống buôn bán người, bóc lột tình dục, bóc lột lao động và lao động cưỡng bức, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em”.
4. Sửa đổi tiêu đề Phần III của Hiệp định đã ký ngày 10 tháng 10 năm 2005 như sau: “Bảo vệ nạn nhân và quyền của nạn nhân bị buôn bán”.
5. Bổ sung khoản 5 và khoản 6 vào Điều 5 của Hiệp định đã ký ngày 10 tháng 10 năm 2005 như sau:
“5. Nạn nhân là trẻ em được chăm sóc phù hợp với lứa tuổi, giới tính trong quá trình bảo vệ, hồi hương và tham gia tố tụng hình sự;
6. Trẻ em đi cùng nạn nhân được hưởng chăm sóc, hỗ trợ như đối với nạn nhân trẻ em theo quy định của chính sách và/hoặc pháp luật mỗi nước”.
6. Bỏ khoản 2 của Điều 6 của Hiệp định đã ký ngày 10 tháng 10 năm 2005.
7. Sửa đổi tiêu đề Phần IV của Hiệp định đã ký ngày 10 tháng 10 năm 2005 như sau: “Hợp tác trấn áp tội phạm buôn bán người”.
8. Bổ sung đoạn 2 vào Điều 7 của Hiệp định đã ký ngày 10 tháng 10 năm 2005 như sau:
“Hai Bên sẽ tiến hành các hoạt động thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ, phát hiện, bắt giữ và bàn giao nghi phạm, giải cứu nạn nhân theo luật pháp hiện hành của mỗi nước cũng như các quy định của Hiệp định khung ASEAN về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự ký tại Kuala-lumpur, Ma-lai-xi-a ngày 29 tháng 11 năm 2004”.
9. Sửa đổi Điều 10 của Hiệp định đã ký ngày 10 tháng 10 năm 2005 như sau:
“Hai Bên sẽ ủy quyền cho các cơ quan hữu quan tiến hành soạn thảo, đàm phán để tiến tới ký Hiệp định tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự và dân sự nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hợp tác song phương trong việc phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử các loại tội phạm có liên quan đến hai nước, trong đó có tội phạm buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.”
10. Bổ sung khoản 4 vào Điều 11 của Hiệp định đã ký ngày 10 tháng 10 năm 2005 như sau:
“4. Trình tự, thủ tục xác minh, xác định và hồi hương nạn nhân phải tuân theo quy định tại Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia vương quốc Căm-pu-chia về Quy trình chuẩn trong xác định và hồi hương nạn nhân bị buôn bán ký ngày 03 tháng 12 năm 2009 tại Phnom Penh, Căm-pu-chia và tuân theo quy định, pháp luật của mỗi nước”.
11. Sửa đổi khoản 1 của Điều 12 của Hiệp định đã ký ngày 10 tháng 10 năm 2005 như sau:
“Hai bên sẽ tiếp tục tăng cường các Nhóm công tác sẵn có, gồm đại diện các cơ quan có thẩm quyền của mình tiếp tục tiến hành quá trình hồi hương cho các nạn nhân bị buôn bán”.
Điều 4. Thỏa thuận này có hiệu lực kể từ ngày nhận được thông báo bằng văn bản khẳng định Chính phủ hai Bên đã phê duyệt.
Thỏa thuận này làm tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, ngày 28 tháng 9 năm 2012, thành hai bản bằng: tiếng Việt, tiếng Khơ-me và tiếng Anh; tất cả các văn bản đều có giá trị pháp lý như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau thì văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm căn cứ.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ NƯỚC | THAY MẶT CHÍNH PHỦ HOÀNG GIA VƯƠNG QUỐC CĂM-PU-CHIA |
Thông báo hiệu lực của Thỏa thuận sửa đổi Hiệp định nhằm loại trừ nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em và giúp đỡ nạn nhân bị buôn bán giữa Việt Nam và Cam-pu-chia
- Số hiệu: 40/2014/TB-LPQT
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 28/09/2012
- Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Hoàng gia Cam pu chia
- Người ký: Trần Đại Quang, Ing Kantha Phavi
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Từ số 657 đến số 658
- Ngày hiệu lực: 12/05/2014
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra