Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 28/2014/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 07 tháng 05 năm 2014

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại Khoản 3, Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Ca-dắc-xtan về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau, ký tại A-xta-na ngày 15 tháng 9 năm 2009, có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 4 năm 2014.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
KT. VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ
PHÓ VỤ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Ngự

 

HIỆP ĐỊNH

GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HOÀ CA - DẮC - XTAN VỀ KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ LẪN NHAU

Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Ca -dắc-xtan (sau đây gọi là “các Bên ký kết”);

Mong muốn tạo các điều kiện thuận lợi cho sự phát triển hợp tác kinh tế giữa hai nước và cụ thể cho đầu tư của nhà đầu tư một Bên ký kết trên lãnh thổ của Bên ký kết kia;

Thừa nhận rằng việc khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau sẽ có lợi cho việc thúc đẩy sáng kiến kinh doanh và tăng cường thịnh vượng ở cả hai Bên ký kết;

Đã thỏa thuận như sau:

Điều 1. CÁC ĐỊNH NGHĨA

Với mục đích của Hiệp định này:

1. Thuật ngữ “đầu tư” nghĩa là mọi loại tài sản do nhà đầu tư của một Bên ký kết đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia phù hợp với pháp luật của Bên ký kết đó, và kể cả những tài sản bao gồm hoặc dưới hình thức:

(a) Cổ phần, cổ phiếu của công ty, và các hình thức góp vốn khác, trái phiếu, các công cụ nợ, và các hình thức nợ khác trong công ty, các khoản nợ, khoản vay khác và chứng khoán do nhà đầu tư của một Bên ký kết phát hành;

(b) Các quyền đòi tiền và quyền đối với mọi tài sản khác hoặc việc thực hiện hợp đồng có giá trị kinh tế;

(c) Các quyền sở hữu trí tuệ, kể cả quyền tác giả, nhãn hiệu hàng hóa, sáng chế, kiểu dáng và mẫu công nghiệp, quy trình kỹ thuật, bí quyết, bí mật kinh doanh, tên thương mại và uy tín kinh doanh;

(d) Bất kỳ quyền nào theo luật, hợp đồng hoặc quyền có được từ bất kỳ giấy phép hoặc sự cho phép nào theo luật, kể cả các quyền thăm dò, tìm kiếm, tinh chế hoặc sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên;

(e) Bất kỳ tài sản hữu hình hoặc vô hình, động sản hoặc bất động sản, và bất kỳ quyền về tài sản nào khác có liên quan, như cho thuê, thế chấp, cầm cố và cầm giữ.

Đầu tư không được hiểu là các quyền đòi tiền phát sinh thuần túy từ:

(f) các hợp đồng bán hàng hóa hoặc dịch vụ của công dân hoặc doanh nghiệp trên lãnh thổ của một Bên ký kết cho doanh nghiệp trên lãnh thổ của Bên ký kết kia, hoặc

(g) việc cấp khoản tín dụng liên quan đến giao dịch thương mại, như cho vay thương mại; hoặc

(h) bất kỳ quyền đòi tiền nào khác không liên quan đến những lợi ích được quy định tại các điểm từ 1 (a) đến 1 (e) trên đây.

Bất kỳ sự thay đổi nào về hình thức của tài sản hoặc các quyền tài sản đã được đầu tư hoặc tái đầu tư sẽ không ảnh hưởng đến tính chất đầu tư của chúng với điều kiện là sự thay đổi đó phù hợp với pháp luật của Bên ký kết tiếp nhận đầu tư.

2. Thuật ngữ “nhà đầu tư” đối với mỗi Bên ký kết có nghĩa là:

a) thể nhân có quốc tịch của một Bên ký kết phù hợp với pháp luật của Bên ký kết đó;

b) pháp nhân được thành lập hoặc tổ chức theo pháp luật của một Bên ký kết, như công ty, hợp danh, quỹ tín thác, liên doanh, hiệp hội hoặc doanh nghiệp.

3. Thuật ngữ “thu nhập” có nghĩa là các khoản thu được từ đầu tư, bất kể được thanh toán dưới hình thức nào, và cụ thể nhưng không chỉ bao gồm lợi nhuận, lợi tức, thu nhập từ vốn, cổ tức, tiền bản quyền, và phí quản lý, phí hỗ trợ kỹ thuật, các khoản thanh toán hoặc phí khác, và các khoản thanh toán bằng hiện vật dưới bất kỳ hình thức nào.

4. Thuật ngữ “lãnh thổ” có nghĩa là:

a) Đối với Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là lãnh thổ đất liền, các hải đảo, nội thủy, lãnh hải và vùng trời phía trên, các vùng biển ngoài lãnh hải bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với pháp luật quốc gia và luật pháp quốc tế.

b) Đối với Cộng hòa Ca-dắc-xtan, là lãnh thổ đất liền, vùng nội thủy, lãnh hải và vùng trời phía trên, các vùng biển ngoài lãnh hải kể cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển mà Cộng hòa Ca-dắc-xtan thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán phù hợp với pháp luật quốc gia và luật pháp quốc tế.

5. Thuật ngữ “đồng tiền tự do chuyển đổi” có nghĩa là bất cứ đồng tiền nào mà Quỹ tiền tệ quốc tế, trong từng thời kỳ, xác định là đồng tiền tự do sử dụng phù hợp với Điều lệ của Quỹ tiền tệ quốc tế và các sửa đổi của Điều lệ này.

6. Thuật ngữ “mục đích công cộng” được xác định theo quy định của pháp luật quốc gia của mỗi Bên Ký kết.

Điều 2. PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Hiệp định này được áp dụng đối với các khoản đầu tư do nhà đầu tư của một Bên ký kết đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia từ thời điểm Hiệp định này có hiệu lực và phù hợp với pháp luật và chính sách của Bên ký kết đó.

2. Hiệp định này không áp dụng đối với các tranh chấp đầu tư phát sinh từ các sự kiện đã xảy ra, hoặc đối với các tranh chấp đầu tư đã được giải quyết, hoặc đang trong quá trình giải quyết theo thủ tục tư pháp hoặc trọng tài trước thời điểm Hiệp định này có hiệu lực.

3. Hiệp định này không áp dụng đối với:

a) thuế;

b) mua sắm của chính phủ;

c) các khoản trợ cấp hoặc tài trợ của một Bên ký kết; và

d) các dịch vụ do cơ quan có liên quan hoặc cơ quan có thẩm quyền của một Bên ký kết cung cấp nhằm thực hiện thi quyền hạn của chính phủ. Với mục đích của Hiệp định này, dịch vụ được cung cấp nhằm thực thi quyền hạn của chính phủ được hiểu là bất kể dịch vụ nào được cung cấp không dựa trên cơ sở thương mại hoặc không dựa trên cơ sở cạnh tranh với một hoặc nhiều nhà cung cấp dịch vụ.

Điều 3. KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO HỘ ĐẦU TƯ

1. Mỗi Bên ký kết phải khuyến khích và tạo các điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia đầu tư trên lãnh thổ nước mình, và tiếp nhận các khoản đầu tư đó tùy thuộc vào việc thực hiện thẩm quyền theo pháp luật của mình.

2. Đầu tư của nhà đầu tư mỗi Bên ký kết phải luôn được đối xử công bằng, thỏa đáng và phải được bảo hộ đầy đủ, an toàn trên lãnh thổ của Bên ký kết kia. Không Bên ký kết nào được sử dụng các biện pháp bất hợp lý hoặc phân biệt đối xử bằng bất kỳ cách nào để gây phương hại đến việc quản lý, duy trì, sử dụng, thụ hưởng hoặc định đoạt các khoản đầu tư của nhà đầu tư của Bên ký kết kia trên lãnh thổ của mình.

Điều 4. ĐỐI XỬ ĐẦU TƯ

1. Liên quan đến việc sử dụng, quản lý, điều hành, hoạt động, mở rộng, bán hoặc định đoạt bằng cách khác đầu tư do nhà đầu tư của Bên ký kết kia thực hiện trên lãnh thổ của mình, mỗi Bên ký kết sẽ dành sự đối xử không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên đó dành cho đầu tư của nhà đầu tư của bất kỳ nước thứ ba nào trong những hoàn cảnh tương tự.

2. Những quy định tại Điều này không được hiểu là bắt buộc một trong các Bên ký kết phải dành cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia lợi ích của bất kỳ sự đối xử, ưu đãi hoặc đặc quyền nào phát sinh từ:

a) Bất kỳ liên minh thuế quan, liên minh kinh tế, khu vực thương mại tự do, liên minh tiền tệ, hoặc hình thức hiệp định kinh tế khu vực hoặc song phương khác hay hiệp định quốc tế tương tự khác mà mỗi Bên ký kết là thành viên hoặc có thể trở thành thành viên; và

b) Bất kỳ hiệp định quốc tế, khu vực hoặc song phương nào hay các thỏa thuận tương tự khác hoặc bất kỳ quy định pháp luật trong nước nào liên quan toàn bộ hoặc chủ yếu đến thuế.

Điều 5. BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI

Trong trường hợp đầu tư của nhà đầu tư mỗi Bên ký kết bị thiệt hại do chiến tranh, xung đột vũ trang khác, tình trạng khẩn cấp quốc gia, nổi dậy, bạo loạn, khởi nghĩa, nổi loạn, hoặc sự kiện tương tự khác trên lãnh thổ của Bên ký kết kia, nhà đầu tư đó sẽ được Bên ký kết kia dành sự đối xử, liên quan đến việc hoàn trả, đền bù, bồi thường hoặc các giải pháp khác, không kém thuận lợi hơn sự đối xử mà Bên ký kết đó dành cho nhà đầu tư nước mình hay nhà đầu tư của bất kỳ nước thứ ba nào, tùy thuộc vào sự đối xử nào thuận lợi hơn đối với nhà đầu tư.

Điều 6. TƯỚC QUYỀN SỞ HỮU

1. Các Bên ký kết không được thực hiện bất kỳ biện pháp tước quyền sở hữu, quốc hữu hóa, hoặc biện pháp nào có kết quả như quốc hữu hóa hoặc tước quyền sở hữu (sau đây gọi là ‘tước quyền sở hữu’) đối với đầu tư của nhà đầu tư Bên ký kết kia, trừ trường hợp vì mục đích công cộng phù hợp với pháp luật quốc gia, trên cơ sở không phân biệt đối xử, và phải bồi thường nhanh chóng, thỏa đáng và có hiệu quả.

2. Khoản bồi thường phải tương đương với giá trị đầu tư bị tước quyền sở hữu tính vào thời điểm trước ngày thực hiện tước quyền sở hữu hoặc trước thời điểm việc tước quyền sở hữu được công bố, tùy thuộc vào thời điểm nào đến trước. Việc bồi thường sẽ bao gồm khoản lãi suất theo thị trường có hiệu lực tính từ ngày tước quyền sở hữu đến ngày trả tiền bồi thường. Khoản bồi thường được thực hiện đầy đủ và được tự do chuyển ra nước ngoài không hạn chế hoặc trì hoãn phi lý.

3. Mặc dù có quy định tại khoản 1 và 2 trên đây, bất kỳ biện pháp tước quyền sở hữu nào liên quan đến đất đai phải tuân thủ điều kiện tước quyền sở hữu và thanh toán khoản bồi thường phù hợp với pháp luật của Bên ký kết thực hiện việc tước quyền sở hữu.

4. Nhà đầu tư của một Bên ký kết bị ảnh hưởng do việc tước quyền sở hữu có quyền được cơ quan tư pháp hoặc cơ quan có thẩm quyền độc lập khác của Bên ký kết kia xem xét nhanh chóng vụ việc và xem xét việc định giá các khoản đầu tư phù hợp với các nguyên tắc quy định tại Điều này và pháp luật của Bên ký kết thực hiện tước quyền sở hữu.

5. Trong trường hợp một Bên ký kết tước quyền sở hữu tài sản của một công ty được tổ chức hoặc thành lập theo pháp luật của Bên ký kết đó, và nhà đầu tư của Bên ký kết kia sở hữu cổ phần, công cụ nợ hoặc các hình thức vốn góp khác trong công ty đó, các quy định của Điều này sẽ được áp dụng đối với phần vốn góp trong công ty đó.

Điều 7. CHUYỂN RA NƯỚC NGOÀI CÁC KHOẢN THANH TOÁN LIÊN QUAN ĐẾN ĐẦU TƯ

1. Mỗi Bên ký kết, tùy thuộc pháp luật của mình, đảm bảo cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia được chuyển tự do vào hoặc ra ngoài lãnh thổ của mình các khoản thanh toán liên quan đến đầu tư, bao gồm:

a) Vốn ban đầu và bất kỳ khoản vốn bổ sung nào để duy trì, quản lý và phát triển đầu tư;

b) Các khoản thu nhập;

c) Các khoản thanh toán theo hợp đồng, bao gồm việc trả dần tiền vốn và lãi luỹ kế phát sinh từ hợp đồng vay;

d) Tiền bản quyền và phí đối với các quyền theo Điều 1 khoản 1 (c);

e) Các khoản thu được từ việc bán hoặc thanh lý toàn bộ hoặc một phần đầu tư;

f) Các khoản thu nhập và các khoản tiền khác của nhân viên thu được từ nước ngoài liên quan đến đầu tư;

g) Các khoản thanh toán bồi thường theo các Điều 5 và 6;

h) Các khoản thanh toán phát sinh từ việc giải quyết tranh chấp.

2. Mỗi Bên ký kết phải đảm bảo việc chuyển tiền theo quy định tại khoản (1) của Điều này được thực hiện bằng đồng tiền tự do chuyển đổi theo tỷ giá có hiệu lực áp dụng vào ngày chuyển tiền trên lãnh thổ của Bên ký kết đó.

3. Mặc dù có quy định tại các khoản 1 và 2, một Bên ký kết có thể ngăn cản hoặc trì hoãn việc chuyển tiền trên cơ sở áp dụng các quy định pháp luật của mình một cách công bằng, không phân biệt đối xử và thiện chí trong các trường hợp liên quan đến:

a) phá sản, mất khả năng thanh toán, hoặc bảo vệ quyền của chủ nợ;

b) phát hành, kinh doanh, hoặc giao dịch chứng khoán, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng quyền chọn, hoặc sản phẩm phái sinh khác;

c) tội phạm hoặc vi phạm hình sự và thu hồi thu nhập do phạm tội mà có;

d) báo cáo tài chính hoặc giữ sổ sách về các khoản chuyển tiền khi cần thiết nhằm hỗ trợ thi hành pháp luật hoặc hỗ trợ cơ quan quản lý tài chính;

e) đảm bảo việc tuân thủ các quyết định và phán quyết theo thủ tục hành chính và tư pháp; và

f) thuế;

g) an sinh xã hội, chế độ hưu trí công, hoặc chương trình tiết kiệm bắt buộc; và

h) trợ cấp thôi việc của người lao động.

Điều 8. THẾ QUYỀN

1. Nếu một Bên ký kết hoặc cơ quan được Bên ký kết đó chỉ định (“Bên thanh toán”), thực hiện thanh toán theo một hợp đồng thanh toán hoặc bảo lãnh mà Bên đó đã đảm nhận liên quan đến khoản đầu tư trên lãnh thổ của Bên ký kết kia (“Nước tiếp nhận đầu tư”), Nước tiếp nhận đầu tư phải công nhận:

a) Việc chuyển giao cho Bên thanh toán theo pháp luật hoặc theo các giao dịch hợp pháp tất cả các quyền và khiếu nại phát sinh từ khoản đầu tư đó;

b) Quyền của Bên thanh toán được thực hiện tất cả các quyền đó và đảm bảo thực hiện các khiếu nại đó và đảm nhận tất cả các nghĩa vụ liên quan đến khoản đầu tư phát sinh từ việc thế quyền.

2. Bên thanh toán, trong mọi trường hợp, được hưởng sự đối xử như nhà đầu tư ban đầu đối với:

a) Các quyền, khiếu nại có được và các nghĩa vụ do Bên thanh toán tiếp nhận từ việc chuyển giao theo khoản 1 trên đây;

b) Bất kỳ khoản thanh toán nào nhận được theo các quyền và khiếu nại đó, như nhà đầu tư ban đầu có được theo Hiệp định này đối với các khoản đầu tư có liên quan.

Điều 9. GIẢI QUYỂT TRANH CHẤP GIỮA MỘT BÊN KÝ KẾT VÀ NHÀ ĐẦU TƯ

1. Bất kỳ tranh chấp pháp lý nào phát sinh trực tiếp từ đầu tư giữa một Bên ký kết và nhà đầu tư của Bên ký kết kia liên quan đến cáo buộc vi phạm nghĩa vụ của Bên ký kết tiếp nhận đầu tư theo Hiệp định này đối với việc quản lý, điều hành, hoạt động, bán hoặc định đoạt bằng cách khác đầu tư của nhà đầu tư này, và đã gây ra thiệt hại hoặc tổn thất đối với khoản đầu tư đó sẽ, trong chừng mực có thể, giải quyết bằng hòa giải thông qua đàm phán giữa các bên tranh chấp.

2. Nếu bất kỳ tranh chấp nào không được giải quyết trong thời hạn (6) sáu tháng kể từ ngày tranh chấp được nhà đầu tư thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết đó, vụ tranh chấp có thể được đưa ra giải quyết tại:

a) Tòa án có thẩm quyền trên lãnh thổ của Bên ký kết nơi đầu tư được thực hiện; hoặc

b) Trung tâm quốc tế về giải quyết tranh chấp đầu tư (Trung tâm) được thành lập theo Công ước Washington ngày 18 tháng 3 năm 1965 về giải quyết các tranh chấp đầu tư giữa nhà nước và công dân của nhà nước khác với điều kiện hai Bên ký kết đều là thành viên của Công ước này; hoặc

c) Cơ chế phụ trợ của Trung tâm nếu chỉ một Bên ký kết là thành viên của Công ước Washington; hoặc

d) Trọng tài ad hoc, trừ trường hợp và các bên tranh chấp có thỏa thuận khác, được thành lập theo các Quy tắc trọng tài của Ủy ban Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL).

Một khi nhà đầu tư đã đưa vụ tranh chấp ra giải quyết theo bất kỳ thủ tục nào được quy định trên đây, thì sự lựa chọn thủ tục đó là cuối cùng.

Để chắc chắn hơn, các quy định về đối xử Tối huệ quốc trong Hiệp định này không bao gồm yêu cầu phải dành cho nhà đầu tư của Bên ký kết kia việc thực hiện các thủ tục giải quyết tranh chấp khác với các quy định trong Hiệp định này.

3. Việc đệ trình vụ tranh chấp ra trọng tài theo quy định tại khoản 2 phải đáp ứng điều kiện là việc đệ trình đó được thực hiện trong thời hạn (2) năm tính từ thời điểm nhà đầu tư trong vụ tranh chấp đã biết, hoặc có lý do để biết về vi phạm nghĩa vụ theo Hiệp định này và thiệt hại hoặc tổn thất đã gây ra đối với nhà đầu tư hoặc đầu tư của nhà đầu tư đó.

4. Hội đồng trọng tài ra quyết định phù hợp với các quy định của Hiệp định này, pháp luật của Bên ký kết có liên quan trong vụ tranh chấp trên lãnh thổ nơi đầu tư được thực hiện (bao gồm các nguyên tắc về xung đột pháp luật), các điều kiện trong các thỏa thuận cụ thể về đầu tư và các nguyên tắc có liên quan của luật quốc tế.

5. Trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình tố tụng trọng tài hoặc trong thời gian thi hành các quyết định của trọng tài, không một Bên ký kết nào có quyền kiện ngược để biện hộ với lý do nhà đầu tư của Bên ký kết kia trong vụ tranh chấp đã nhận hoặc sẽ nhận được khoản đền bù hoặc khoản bồi thường khác cho toàn bộ hoặc một phần thiệt hại theo hợp đồng bảo hiểm, bảo lãnh thanh toán hoặc bồi thường khác.

6. Bất kỳ quyết định nào của trọng tài được đưa ra theo quy định của Điều này là chung thẩm và ràng buộc các bên tranh chấp, và phải được thi hành phù hợp với pháp luật quốc gia trên lãnh thổ của Bên ký kết nơi quyết định được đưa ra.

Điều 10. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP GIỮA CÁC BÊN KÝ KẾT

1. Các Bên ký kết, trong chừng mực có thể, sẽ giải quyết bất kỳ tranh chấp nào liên quan đến giải thích và áp dụng Hiệp định này thông qua tham vấn hoặc các kênh ngoại giao khác.

2. Nếu tranh chấp không được giải quyết trong vòng sáu tháng kể từ ngày việc tham vấn hoặc các kênh ngoại giao khác theo yêu cầu của mỗi Bên ký kết và trừ khi các Bên ký kết có thỏa thuận khác bằng văn bản, mỗi Bên ký kết có thể, thông qua việc thông báo bằng văn bản cho Bên ký kết kia, đưa tranh chấp ra giải quyết tại một hội đồng trọng tài ad hoc phù hợp với các quy định sau đây của Điều này.

3. Hội đồng trọng tài sẽ được thành lập như sau: mỗi Bên ký kết sẽ chỉ định một thành viên, và hai thành viên này sẽ thỏa thuận về một công dân của nước thứ ba làm Chủ tịch tòa trọng tài để các Bên ký kết chỉ định. Các thành viên này sẽ được chỉ định trong vòng hai tháng, và Chủ tịch sẽ được chỉ định trong vòng bốn tháng, kể từ ngày một Bên ký kết thông báo bằng văn bản cho Bên ký két kia ý định đưa tranh chấp ra giải quyết tại tòa trọng tài.

4. Nếu các thời hạn nêu tại khoản 3 không được tuân thủ, mỗi Bên ký kết có thể, trong trường hợp không có thỏa thuận khác, mời Chủ tịch Tòa án tư pháp quốc tế Liên hiệp quốc tiến hành các chỉ định cần thiết. Nếu Chủ tịch Tòa án quốc tế Liên hiệp quốc là công dân của một Bên ký kết hoặc vì lý do khác không được thực hiện chức năng này, Phó Chủ tịch Tòa án tư pháp quốc tế Liên hiệp quốc sẽ được mời tiến hành các chỉ định cần thiết. Nếu Phó Chủ tịch Tòa án tư pháp quốc tế Liên hiệp quốc là công dân của một Bên ký kết hoặc vì lý do nào khác không được thực hiện chức năng này, thành viên cao cấp tiếp theo của Tòa án tư pháp quốc tế Liên hiệp quốc không phải là công dân của một Bên ký kết sẽ được mời tiến hành các chỉ định cần thiết.

5. Hội đồng trọng tài sẽ ra quyết định bằng biểu quyết theo đa số. Quyết định đó phải phù hợp với Hiệp định này và các quy tắc được thừa nhận của luật pháp quốc tế có liên quan và là chung thẩm, ràng buộc với cả hai Bên ký kết. Mỗi Bên ký kết sẽ chịu chi phí cho thành viên do mình chỉ định trong hội đồng trọng tài, cũng như các chi phí cho đại diện của mình trong các thủ tục trọng tài. Chi phí cho Chủ tịch cũng như các chi phí khác trong thủ tục trọng tài do mỗi Bên ký kết chịu bằng nhau. Tuy nhiên hội đồng trọng tài có thể quyết định một trong hai Bên ký kết sẽ phải chịu phần chi phí cao hơn hoặc toàn bộ chi phí đó. Trong những trường hợp khác hội đồng trọng tài tự quyết định thủ tục của mình.

Điều 11. HIỆU LỰC CỦA HIỆP ĐỊNH

Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo cuối cùng bằng văn bản qua đường ngoại giao về việc các Bên ký kết đã hoàn tất các yêu cầu pháp lý cần thiết để Hiệp định có hiệu lực.

Điều 12. THỜI HẠN CÓ HIỆU LỰC VÀ CHẤM DỨT HIỆU LỰC

1. Hiệp định này sẽ có hiệu lực trong thời hạn mười (10) năm, sau đó sẽ tự động gia hạn không hạn định.

2. Mỗi Bên ký kết có thể chấm dứt Hiệp định này sau thời hạn 10 năm đầu kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Hiệp định sẽ chấm dứt sau một năm kể từ ngày một Bên ký kết nhận được thông báo bằng văn bản của Bên ký kết kia về việc chấm dứt Hiệp định.

3. Liên quan đến các khoản đầu tư đã được thực hiện hoặc có được trước ngày chấm dứt hiệu lực Hiệp định này, các quy định của tất cả các Điều khoản khác của Hiệp định này sẽ tiếp tục có hiệu lực trong thời hạn mười (10) năm kể từ ngày chấm dứt hiệu lực Hiệp định này.

Để làm bằng, những người ký tên dưới đây, được ủy quyền hợp lệ của Chính phủ nước mình, đã ký Hiệp định này.

Làm tại Astana, ngày 15 tháng 9 năm 2009 thành hai bản bằng tiếng Việt, tiếng Ca-dắc, tiếng Nga và tiếng Anh, các văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự khác nhau về việc áp dụng và giải thích các điều khoản của Hiệp định này, văn bản tiếng Anh sẽ được dùng làm căn cứ.

 

THAY MẶT
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA
XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM




Cao Viết Sinh
Thứ trưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư

THAY MẶT
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA
CA-DẮC-XTAN




Erkhat Iskaliev
Thứ trưởng
Bộ Công nghiệp và Thương Mại

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo hiệu lực của Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư lẫn nhau giữa Việt Nam và Ca-dắc-xtan

  • Số hiệu: 28/2014/TB-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 15/09/2009
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hoà Ca-dắc-xtan
  • Người ký: Cao Viết Sinh, Erkhat Iskaliev
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 527 đến số 528
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản