BỘ NGOẠI GIAO | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 35/2014/TB-LPQT | Hà Nội, ngày 11 tháng 06 năm 2014 |
THÔNG BÁO
VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC
Thực hiện quy định tại Khoản 3, Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:
Hiệp định khung về hợp tác kinh tế và thương mại giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Đa dân tộc Bô-li-vi-a, ký tại La Paz ngày 05 tháng 12 năm 2013, có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 5 năm 2014.
Bộ Ngoại giao trân trọng gửi bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.
| TL. BỘ TRƯỞNG |
HIỆP ĐỊNH KHUNG
VỀ HỢP TÁC KINH TẾ VÀ THƯƠNG MẠI GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ NHÀ NƯỚC ĐA DÂN TỘC BÔ-LI-VI-A
Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Nhà nước Đa Dân tộc Bô-li-vi-a (sau đây gọi riêng là “một Bên” và gọi chung là “các Bên”):
Mong muốn nâng cao quan hệ hữu nghị và tinh thần hợp tác, mở rộng thương mại, đầu tư và tăng cường quan hệ kinh tế giữa các Bên trên cơ sở bình đẳng và cùng có lợi;
Công nhận tầm quan trọng của việc khuyến khích môi trường thương mại quốc tế năng động;
Công nhận những lợi ích mà các Bên có thể thu được thông qua việc tăng cường hoạt động thương mại và đầu tư quốc tế;
Xem xét mong muốn giảm các rào cản phi thuế để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho việc tiếp cận thị trường của nhau;
Mong muốn đảm bảo rằng chính sách thương mại và môi trường của mình sẽ cùng hỗ trợ cho sự phát triển bền vững;
Mong muốn củng cố hệ thống thương mại đa phương thông qua việc đóng góp vào thành công của Chương trình Phát triển Doha, tạo ra các cơ hội thương mại mới cho tất cả các thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO);
Ghi nhớ rằng các Bên đều là các thành viên của WTO và khẳng định rằng Hiệp định Khung về Hợp tác Kinh tế và Thương mại (“Hiệp định này”) không có bất kỳ tác động nào đến các quyền và nghĩa vụ của các Bên theo các hiệp định, thỏa thuận, và các văn kiện khác có liên quan hoặc được ký kết dưới sự bảo trợ của WTO;
Theo đuổi việc thiết lập một cơ chế đối thoại sâu sắc hơn về các sáng kiến nhằm mở rộng thương mại và đầu tư thông qua việc tăng cường hợp tác và các thỏa thuận toàn diện hơn;
ĐÃ THỎA THUẬN như sau:
Điều 1. Mục tiêu của Hiệp định
Các Bên sẽ thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư trong các lĩnh vực vì lợi ích chung bằng cách tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, tăng cường trao đổi thông tin về kinh tế, thương mại và đầu tư, khuyến khích và tạo thuận lợi cho giao dịch giữa các doanh nghiệp các Bên.
Điều 2. Mục tiêu cụ thể
Để thực hiện các mục tiêu nêu trong điều 1 trên đây, các Bên sẽ khuyến khích và tạo thuận lợi cho các hoạt động, bao gồm, nhưng không giới hạn những hoạt động sau:
(a) Đối thoại chính sách và trao đổi thường xuyên thông tin và quan điểm để thúc đẩy và mở rộng thương mại và đầu tư giữa các Bên;
(b) Thúc đẩy cạnh tranh trong các hoạt động kinh tế ở mỗi Bên;
(c) Chia sẻ các thông tin liên quan đến các vấn đề kinh tế và thương mại quan trọng cũng như những cản trở (nếu có) nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa các Bên;
(d) Hỗ trợ và giúp đỡ các thương nhân và các phái đoàn thương mại của các Bên thăm lẫn nhau;
(e) Ủng hộ đối thoại và trao đổi kinh nghiệm giữa cộng đồng doanh nghiệp của các Bên
(f) Thiết lập và phát triển cơ chế cung cấp thông tin và tìm kiếm cơ hội thương mại và đầu tư ở các Bên.
Điều 3. Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác
Các Bên thống nhất thành lập một Ủy ban Hỗn hợp về Hợp tác Kinh tế và Thương mại giữa Việt Nam và Bô-li-vi-a (sau đây gọi tắt là Ủy ban) gồm đại diện của mỗi Bên. Ủy ban sẽ được đồng chủ trì bởi Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam và Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Bô-li-vi-a. Thành viên của Ủy ban gồm các quan chức thuộc Cơ quan chính phủ của mình tùy thuộc vào hoàn cảnh công việc.
Điều 4. Nhiệm vụ của Ủy ban
Ủy ban sẽ:
1. Giám sát quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa các Bên, xác định các cơ hội nhằm mở rộng thương mại và đầu tư, xác định các vấn đề liên quan để đàm phán tại một diễn đàn thích hợp;
2. Xem xét các vấn đề kinh tế, thương mại và đầu tư cụ thể mà các Bên quan tâm gồm các vấn đề phát sinh từ hiệp định này;
3. Thành lập các nhóm kỹ thuật về các vấn đề cụ thể với sự đồng ý của hai Bên để hỗ trợ công việc của Ủy ban;
4. Tổ chức họp nhiều lần nếu cần thiết nhưng ít nhất hai năm một lần và tại địa điểm mà hai Bên có thể thỏa thuận để rà soát tình hình triển khai Hiệp định này và tìm ra các biện pháp để thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Điều 5. Các đánh giá của Ủy ban
Một Bên có thể chuyển một vấn đề cụ thể về thương mại hoặc đầu tư đến Ủy ban bằng cách gửi văn bản yêu cầu tới Bên kia, trong đó mô tả cụ thể vấn đề quan lâm. Ủy ban sẽ khẩn trương tiếp nhận và xử lý vấn đề sau khi yêu cầu được chuyển đến, trừ khi Bên yêu cầu có thỏa thuận khác.
Điều 6. Giá trị pháp lý của Hiệp định
Hiêp định này không ảnh hưởng đến các nghĩa vụ của các Bên phát sinh từ tư cách thành viên tại các tổ chức quốc tế, các liên minh và hiệp hội khu vực và tiểu khu vực, công ước và các thỏa thuận đa phương khác.
Điều 7. Sửa đổi hoặc bổ sung
Hiệp định này có thể được sửa đổi thông qua việc ký kết các nghị định thư bổ sung Hiệp định trên cơ sở thỏa thuận giữa các Bên.
Điều 8. Giải quyết tranh chấp
Mọi tranh chấp phát sinh từ việc giải thích hoặc áp dụng Hiệp định khung này sẽ được giải quyết thông qua đàm phán và thương lượng.
Điều 9. Hiệu lực
Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày nhận được thông báo sau cùng qua đường ngoại giao về việc các Bên đã hoàn tất thủ tục pháp lý nội bộ cần thiết để Hiệp định có hiệu lực.
Điều 10. Thời gian hiệu lực và kết thúc
Hiệp định này sẽ có hiệu lực cho đến khi một Bên chính thức thông báo cho Bên kia qua con đường ngoại giao ý định của mình chấm dứt Hiệp định. Việc chấm dứt Hiệp định này sẽ có hiệu lực sau sáu tháng kể từ ngày nhận được thông báo của các Bên; tuy nhiên, việc chấm dứt Hiệp định sẽ không ảnh hưởng đến các dự án và hoạt động đã được thực hiện trong khuôn khổ của Hiệp định này, trừ khi mà các bên có thỏa thuận khác.
LÀM tại La Paz, Bô-li-vi-a ngày 05 tháng 12 năm 2013, thành 2 bản, mỗi bản bằng tiếng Việt, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh; các văn bản đều có giá trị như nhau.
ĐỂ LÀM BẰNG, những người ký tên dưới đây, được sự ủy quyền hợp thức của Chính phủ nước mình, đã ký Hiệp định này.
THAY MẶT CHÍNH PHỦ | THAY MẶT CHÍNH PHỦ |
- 1Thông báo hiệu lực của Hiệp định về thương mại tự do giữa Việt Nam - Chi Lê
- 2Thông báo hiệu lực của Bản ghi nhớ về thương mại gạo giữa Việt Nam và Băng-la-đét
- 3Thông báo hiệu lực của Hiệp định về Hợp tác Kinh tế - Thương mại và Khoa học Kỹ thuật giữa Việt Nam và A-déc-bai-gian
- 4Thông báo 41/2015/TB-LPQT về hiệu lực của Hiệp định hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học và kỹ thuật giữa Việt Nam và Ác-mê-ni-a
- 5Thông báo 54/2015/TB-LPQT hiệu lực của Hiệp định hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Xlô-ven-ni-a
- 1Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005
- 2Thông báo hiệu lực của Hiệp định về thương mại tự do giữa Việt Nam - Chi Lê
- 3Thông báo hiệu lực của Bản ghi nhớ về thương mại gạo giữa Việt Nam và Băng-la-đét
- 4Thông báo hiệu lực của Hiệp định về Hợp tác Kinh tế - Thương mại và Khoa học Kỹ thuật giữa Việt Nam và A-déc-bai-gian
- 5Thông báo 41/2015/TB-LPQT về hiệu lực của Hiệp định hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học và kỹ thuật giữa Việt Nam và Ác-mê-ni-a
- 6Thông báo 54/2015/TB-LPQT hiệu lực của Hiệp định hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Xlô-ven-ni-a
Thông báo hiệu lực của Hiệp định khung về hợp tác kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Bô-li-vi-a
- Số hiệu: 35/2014/TB-LPQT
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 05/12/2013
- Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa Đa dân tộc Bô-li-vi-a
- Người ký: Trần Tuấn Anh, Walter Clarmes Endara Vera
- Ngày công báo: 03/07/2014
- Số công báo: Từ số 639 đến số 640
- Ngày hiệu lực: 22/05/2014
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực