Hệ thống pháp luật

BỘ NGOẠI GIAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 03/2012/TB-LPQT

Hà Nội, ngày 20 tháng 01 năm 2012

 

THÔNG BÁO

VỀ VIỆC ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CÓ HIỆU LỰC

Thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế năm 2005, Bộ Ngoại giao trân trọng thông báo:

Hiệp định hợp tác giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Đan Mạch về chương trình hợp tác phát triển trong lĩnh vực văn hóa, ký tại Hà Nội ngày 09 tháng 9 năm 2011, có hiệu lực kể từ ngày 22 tháng 12 năm 2011.

Bộ Ngoại giao trân trọng gửi Bản sao Hiệp định theo quy định tại Điều 68 của Luật nêu trên./.

 

 

TL. BỘ TRƯỞNG
VỤ TRƯỞNG
VỤ LUẬT PHÁP VÀ ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ




Nguyễn Thị Hoàng Anh

 

HIỆP ĐỊNH HỖ TRỢ CHƯƠNG TRÌNH

HIỆP ĐỊNH HỢP TÁC GIỮA CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM VÀ CHÍNH PHỦ ĐAN MẠCH VỀ CHƯƠNG TRÌNH HỢP TÁC PHÁT TRIỂN TRONG LĨNH VỰC VĂN HÓA

XÉT RẰNG, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sau đây gọi là “CPVN”) đã yêu cầu Chính phủ Đan Mạch (sau đây gọi là “CPĐM”) hỗ trợ kinh phí cho hai hợp phần ‘Đối thoại giữa các nhà quản lý và hoạch định chính sách văn hóa’ và ‘Hỗ trợ nghệ thuật nơi công cộng’. Hai hợp phần này nằm trong Chương trình Hợp tác phát triển về Văn hóa Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2011 - 2015.

XÉT RẰNG, CPĐM đã nhất trí hỗ trợ thực hiện Chương trình như được nêu trong Văn kiện Chương trình với tổng kinh phí viện trợ không hoàn lại là 2,662,500 Cu-ron Đan Mạch (sau đây gọi là “Viện trợ”) với hình thức hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các cơ quan thực hiện Chương trình là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (sau đây gọi là Đối tác thực hiện);

XÉT RẰNG, điều khoản chung của Hiệp định này được nêu trong Hiệp định về Những điều khoản và Thủ tục chung trong Hợp tác phát triển giữa Đan Mạch và Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký ngày 25/08/1993.

XÉT RẰNG, CPVN và CPĐM đã thống nhất rằng Bộ Ngoại giao Đan Mạch sẽ ký các thỏa thuận hợp tác hành chính riêng với đối tác thực hiện trong khuôn khổ Hiệp định này. Thỏa thuận hợp tác sẽ ghi nhận những thủ tục chung về tham vấn và ra quyết định, cơ chế giải ngân, quản lý tài chính, giám sát, báo cáo và kiểm toán, thẩm định, đánh giá và trao đổi thông tin hợp tác giữa đối tác thực hiện và Bộ Ngoại giao Đan Mạch.

XÉT RẰNG, cam kết tuân thủ luật pháp quốc tế, chống xung đột, tôn trọng nhân quyền, các nguyên tắc dân chủ bao gồm bầu cử tự do và công bằng, nhà nước pháp quyền, độc lập của bộ máy tư pháp, tiến trình tự do, minh bạch và dân chủ, trách nhiệm giải trình và đấu tranh chống tham nhũng, chính sách kinh tế vĩ mô phù hợp và cam kết xóa đói giảm nghèo chi phối những chính sách của CPVN và CPĐM và là những điều kiện tiên quyết của hiệp định này và do đó trở thành một phần thiết yếu của hiệp định này.

XÉT RẰNG, CPVN và CPĐM sẽ tuân thủ luật pháp quốc gia và các văn kiện quốc tế được áp dụng khác, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em và Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế;

XÉT RẰNG, CPĐM và CPVN cam kết các nguyên tắc về hài hòa và nỗ lực ở mức độ cao nhất để tuân thủ với hệ thống ngân sách và giải trình của các đối tác thực hiện và luật pháp của CPVN nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện, giảm gánh nặng hành chính, giảm thiểu tối đa chi phí giao dịch và tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình khoản hỗ trợ;

DO ĐÓ, CPĐM và CPVN quyết định như sau:

Điều 1. Các định nghĩa

Phục vụ cho mục đích của Hiệp định này, nếu không được định nghĩa theo cách khác, các thuật ngữ được liệt kê dưới đây có nghĩa như sau:

a) “Các bên” đối với Chính phủ Đan Mạch/CPĐM dùng để chỉ Bộ Ngoại giao Đan Mạch, Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, và đối với Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam/CPVN dùng để chỉ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc bất kỳ cơ quan nào của hai bên được trao quyền thực hiện chức năng của các cơ quan có thẩm quyền nói trên.

b) “Thỏa thuận cùng ra quyết định” dùng để chỉ hình thức quản lý chương trình, là những cuộc họp đột xuất/trao đổi thư từ giữa các bên như được mô tả trong Điều 3.

c) “Văn kiện” là Văn kiện mô tả Dự án được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Đại sứ quán Đan Mạch phê duyệt và được đính kèm làm Phụ lục 1 của Hiệp định này, do đó, là một phần không thể thiếu của Hiệp định này. Văn kiện phải được xem xét kết hợp với các biên bản cùng đánh giá chương trình. Những thay đổi của Văn kiện phải được phê duyệt theo cơ chế thỏa thuận cùng ra quyết định. Các mục tiêu phát triển được mô tả trong Văn kiện chương trình và tổng số tiền đóng góp của Đan Mạch không thể thay đổi.

d) “Thời hạn của Chương trình” là thời gian thực hiện chương trình, kéo dài năm (05) năm, bắt đầu từ ngày Hiệp định này có hiệu lực.

Điều 2. Mục tiêu của các Hợp phần

a) Mục tiêu phát triển của Chương trình Hợp tác phát triển về Văn hóa Việt Nam - Đan Mạch giai đoạn 2011 - 2015 là:

“Người dân Việt Nam tham dự vào các hoạt động văn hóa được phát triển đa dạng”.

b) Mục tiêu ngắn hạn của hai hợp phần là:

Hợp phần 1:

● Các cơ quan quản lý văn hóa và hoạch định chính sách văn hóa ở cấp Trung ương, các nghệ sỹ đạt được một sự hiểu biết về quản lí và phát triển văn hóa nghệ thuật.

● Đưa ra những đề xuất về chính sách phát triển và quản lí nghệ thuật đương đại và những vấn đề văn hóa khác.

Hợp phần 2: Hỗ trợ phát triển một nền nghệ thuật đương đại (đa dạng) ở Việt Nam bằng việc tăng cường sự tham gia của công chúng và hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Đan Mạch.

như được nêu trong văn kiện.

CPĐM sẽ hỗ trợ tài chính thực tế theo tiến độ đạt được so với tiến độ được lên kế hoạch trong Văn kiện. Tiến độ sẽ được đánh giá theo các chỉ số đã thống nhất và hệ thống giám sát được mô tả trong Văn kiện.

Mục tiêu ngắn hạn chỉ có thể được điều chỉnh theo những thay đổi trong bối cảnh thực hiện Chương trình thông qua quyết định được thỏa thuận theo cơ chế cùng ra quyết định đã đề cập ở trên, kèm theo thỏa thuận bằng văn bản giữa các bên. Bản thỏa thuận bằng văn bản như vậy sẽ là phụ lục của Hiệp định này.

Điều 3. Quản lý và thực hiện

Trách nhiệm quản lý tổng thể Chương trình được giao cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Bộ sẽ phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Hà Nội triển khai các hợp phần.

Đơn vị thực hiện

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Đại sứ quán Đan Mạch

Thỏa thuận cùng ra quyết định

Họp Ban triển khai dự án

Phương thức

Viện trợ không hoàn lại

Điều 4. Trách nhiệm của Chính phủ Việt Nam

Theo Hiệp định này, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ:

a) Thông tin kịp thời cho CPĐM về bất kỳ điều kiện nào gây cản trở hoặc đe dọa gây cản trở việc thực hiện thành công hai hợp phần.

b) Trong khoảng thời gian hợp lý tham gia đưa ý kiến tất cả các báo cáo, khuyến nghị và các vấn đề khác mà CPĐM yêu cầu nhằm không làm chậm hoặc không làm gián đoạn quá trình thực hiện dịch vụ hay hoạt động của Chương trình.

c) Đảm bảo tất cả điều khoản liên quan trong Hiệp định về Những điều khoản và Thủ tục chung trong Hợp tác Phát triển ký ngày 25/08/1993 về việc thực hiện các hoạt động của CPĐM được tôn trọng.

d) Điều tra sự việc nếu phát hiện sử dụng sai nguồn vốn, gian lận hoặc tham nhũng trong Chương trình. Các cơ quan chức năng tương ứng như Thanh tra Chính phủ, Thanh tra của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch của Việt Nam sẽ tham gia thực hiện nhiệm vụ này. Khi nguồn vốn của dự án bị thất thoát theo cách thức như mô tả ở trên, Các bên sẽ hợp tác buộc đối tác thực hiện phải hoàn trả lại số vốn đó cho chương trình nhằm đảm bảo các hoạt động theo kế hoạch không bị gián đoạn.

e) Cung cấp nguồn nhân lực và tài chính đầy đủ ở cấp quốc gia và cấp tỉnh ví dụ như cán bộ đủ năng lực và lương cho các cơ quan thực hiện của Chính phủ trong suốt giai đoạn chương trình. Cung cấp tài chính và cơ sở vật chất cho việc triển khai dự án như văn phòng, máy tính, phô tô, điện, nước và các trang thiết bị khác trong suốt giai đoạn chương trình.

f) Cung cấp nguồn tài chính và chi phí hoạt động chung đầy đủ. Đảm bảo kinh phí thanh toán cho các chi phí khác cần thiết cho việc xây dựng và hoạt động của Chương trình quốc gia mà không được đề cập là những hạng mục do CPĐM hỗ trợ.

g) Tạo điều kiện cấp thị thực Việt Nam có giá trị xuất nhập cảnh nhiều lần cho chuyên gia Đan Mạch.

h) Các trang thiết bị, vật liệu, hàng hóa và các phụ tùng thay thế do CPĐM mua phục vụ chương trình, nếu có, sẽ được miễn mọi khoản thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế và các khoản phí và lệ phí công ngoài phí và lệ phí của người sử dụng. Khoản tiền thuế VAT và các khoản chi phí hoàn lại khác từ các trang thiết bị và vật liệu này sẽ được chuyển vào ngân sách của chương trình cho năm tài khóa sau.

i) Đảm bảo kịp thời giải quyết các thủ tục liên quan khác có thể khiến chương trình bị chậm so với kế hoạch.

j) Các khoản tiền lãi cộng dồn từ các khoản ngân sách đã được chuyển sẽ được đối tác thực hiện hoàn trả cho CPĐM hàng năm.

Điều 5. Trách nhiệm của Chính phủ Đan Mạch

a) CPĐM sẽ cung cấp các phương tiện tài chính sau để thực hiện chương trình:

Tên dự án

Đối tác thực hiện

Kinh phí (Curon Đan Mạch)

Dự án 1:

Đối thoại giữa các nhà quản lý và hoạch định chính sách văn hóa.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

800,000

Dự án 2: Hỗ trợ nghệ thuật nơi công cộng

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1,862,500

b) Mọi cam kết tài trợ của CPĐM được tính bằng đồng Curon Đan Mạch (DKK)

c) CPĐM sẽ nỗ lực đảm bảo dự toán trước về tiền tài trợ bằng cách thông báo cho CPVN không chậm hơn cuối quý 3 hàng năm, trước khi hoàn thiện chi tiết về kinh phí hỗ trợ dự kiến của năm tiếp theo theo Hiệp định này.

e) Hỗ trợ của Đan Mạch sẽ được chuyển cho các cơ quan thực hiện là khoản tài trợ không kèm theo bất cứ điều kiện hoàn trả nào đối với Chính phủ Việt Nam.

f) CPĐM sẽ hợp tác và trao đổi thông tin đầy đủ và kịp thời với CPVN về mọi vấn đề liên quan đến việc thực hiện Chương trình như đã nêu trong Văn kiện dự án và Hiệp định này.

g) Định mức chi phí về tài trợ các khoản chi phí ngoài Việt Nam sẽ tuân thủ theo Thông tư số 91/2005/TT-BTC ngày 18/10/2005 của Chính phủ Việt Nam và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế cho Thông tư này. Phí đi lại sẽ được hoàn trả theo giá vé máy bay thực tế dựa trên cuống vé và thẻ lên máy bay. Tuy nhiên, Chính phủ Đan Mạch sẽ chỉ hoàn trả chi phí cho các chuyến bay quốc tế với hạng ghế phổ thông. Chi phí chỗ ở sẽ được hoàn trả trên cơ sở phòng đơn loại thường cho 1 người hoặc phòng đôi loại thường cho 2 người.

h) Chuyên gia tư vấn trong nước do các cơ quan thực hiện thuê tuyển và có sự tham gia của Chính phủ Đan Mạch sẽ theo “Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc-Liên minh Châu Âu về Chi phí địa phương trong hợp tác phát triển với Việt Nam năm 2009” ký ngày 3/06/2009 và các văn bản cập nhật có liên quan cho đến khi có thông báo mới. Các chuyên gia tư vấn quốc tế và khu vực do Chính phủ Đan Mạch tuyển chọn sẽ được chi trả theo định mức chi phí hiện hành của Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch (Danida).

i) Nếu Chính phủ Đan Mạch có bất kỳ thay đổi nào trong các năm cam kết tài trợ hoặc kế hoạch giải ngân thì hai bên sẽ cùng nhau thảo luận trước khi thực hiện điều chỉnh.

j) CPĐM sẽ không chịu bất kỳ trách nhiệm, và/hoặc trách nhiệm pháp lý nào đối với bên thứ ba liên quan đến việc thực hiện chương trình.

Điều 6. Trách nhiệm của hai bên

Hai bên sẽ:

a) Tăng cường hiệu quả viện trợ bằng cách phối hợp nỗ lực của hai bên theo Hiệp định này với các đối tác phát triển khác như các quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc tổ chức phi chính phủ.

b) Nỗ lực hết sức nhằm tối ưu hóa việc sử dụng nguồn lực của chương trình.

Điều 7. Thông tin, giám sát và đánh giá

a) Các bên sẽ phối hợp toàn diện nhằm đảm bảo đạt được mục đích của Hiệp định này. Do đó, các bên sẽ trao đổi ý kiến về những vấn đề liên quan đến Chương trình và cung cấp cho nhau tất cả các dữ liệu, tài liệu và thông tin sẵn có; hỗ trợ nhau một cách phù hợp theo yêu cầu trong việc thực hiện nghĩa vụ của các bên; cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện chương trình đúng kế hoạch.

b) Đại sứ quán Đan Mạch sẽ tiến hành đánh giá giữa kỳ sau khoảng thời gian hai năm rưỡi. Hoạt động đánh giá sẽ tập trung vào các kết quả đạt được và những bước cần thiết tiếp theo để đảm bảo kết thúc thành công dự án vào năm 2015 và đảm bảo tính bền vững của các hoạt động dự án sau năm 2015 như đã mô tả trong văn kiện hợp phần.

c) CPĐM có quyền thực hiện bất cứ nhiệm vụ kỹ thuật hay tài chính nào được xem là cần thiết để giám sát tình hình thực hiện chương trình. Để tạo điều kiện thuận lợi cho những người thực hiện công việc giám sát đó, CPVN sẽ hỗ trợ, cung cấp thông tin và các tài liệu liên quan cho họ.

d) Đại diện của Tổng Kiểm toán Đan Mạch có quyền:

i) Tiến hành kiểm toán hoăc kiểm tra khi xét thấy cần thiết, đối với việc sử dụng nguồn vốn tài trợ của Đan Mạch bị nghi ngờ, dựa trên những tài liệu liên quan.

ii) Kiểm tra tài khoản và hồ sơ của các nhà cung cấp và các nhà thầu liên quan đến việc thực hiện hợp đồng và tiến hành kiểm toán tổng thể.

f) Việc đánh giá chương trình, CPĐM và CPVN cùng nhau đảm nhận nhiệm vụ này, và việc đánh giá Chương trình có thể được thực hiện theo yêu cầu của mỗi bên.

g) Sau khi kết thúc Chương trình, Chính phủ Đan Mạch có quyền tiến hành đánh giá theo điều khoản này.

Điều 8. Chuyển giao quyền sở hữu

a) Các đối tác thực hiện chịu trách nhiệm thực hiện các dự án của chương trình sẽ giữ các bản kê tài sản cập nhật tất cả các thiết bị được tài trợ bởi nguồn hỗ trợ của CPĐM ví dụ như xe cộ, máy tính, trang thiết bị và dụng cụ.

b) Thiết bị, tài liệu, hàng cung cấp và trang thiết bị do Đan Mạch mua để sử dụng trong thời gian thực hiện chương trình như xe cộ, máy tính, trang thiết bị và các dụng cụ vẫn là tài sản của Đan Mạch cho đến khi các bên có thỏa thuận khác.

Việc chuyển giao quyền sở hữu các tài sản được đề cập ở trên cho các đối tác thực hiện có thể diễn ra trong suốt giai đoạn thực hiện chương trình. Trước khi kết thúc chương trình, các bên sẽ đánh giá và thỏa thuận về việc chuyển giao cuối cùng những

Điều 9. Tham nhũng

Không được thực hiện, hứa hẹn, tìm kiếm hoặc chấp nhận cung cấp, thanh toán, xem xét hay hưởng lợi dưới bất kỳ hình thức nào, dù là trực tiếp hay gián tiếp, mà có thể được coi là hành động bất hợp pháp hoặc hối lộ như đưa tiền hối lộ hay tiền hoa hồng liên quan đến các hoạt động được tài trợ trong hiệp định này bao gồm đấu thầu, quyết thầu hoặc thực hiện hợp đồng. Bất cứ hành động nào như vậy sẽ là cơ sở để chấm dứt ngay toàn bộ hay một phần hiệp định này và đối với bất cứ hành động nào khác như vậy có thể khởi tố dân sự và/hoặc hình sự phù hợp. Theo quan điểm của CPĐM thì bất cứ hậu quả nào khác của những hành động như vậy có thể bị loại trừ hoàn toàn khỏi các dự án do Chính phủ Đan Mạch tài trợ.

Điều 10. Tạm ngưng

Trong trường hợp không tuân theo những điều khoản của Hiệp định này và/hoặc vi phạm những yếu tố thiết yếu được đề cập trong Hiệp định này, Chính phủ Đan Mạch có quyền tạm ngưng tức thì việc giải ngân thêm cho các đối tác thực hiện theo Hiệp định này. Việc không tuân thủ bao gồm những trường hợp sau:

● Dự án phát triển không tuân theo mục tiêu phát triển và mục tiêu ngắn hạn được đề cập trong Điều 2,

● Có sai lệch đáng kể so với kế hoạch hoặc ngân sách đã thỏa thuận,

● Quản lý tài chính đối với các hoạt động không đạt yêu cầu,

● Nguồn kinh phí được CPVN phân bổ không đạt được như thỏa thuận.

Nếu có bất thường một cách nghiêm trọng trong Chương trình hoặc sự nghi ngờ từ việc đó được khẳng định, thì mỗi bên có thể tạm ngưng thực hiện một phần hay toàn bộ chương trình cho đến khi bên tạm ngưng quyết định bắt đầu thực hiện lại chương trình.

Điều 11. Giải quyết tranh chấp

Nếu có bất kỳ tranh chấp nào nảy sinh giữa các bên như việc hiểu, áp dụng hoặc thực hiện hiệp định này, các bên sẽ cùng nhau trao đổi để đưa ra giải pháp hòa giải.

Điều 12. Hiệu lực, thời hạn và kết thúc hiệp định

Hiệp định này có hiệu lực kể từ ngày phát hành thông báo cuối cùng của mỗi Bên thông báo cho nhau, dưới dạng văn bản và thông qua kênh ngoại giao, qua đó khẳng định các thủ tục pháp lý cần thiết để Hiệp định có hiệu lực đã được hoàn tất.

Hiệp định này có hiệu lực trong thời gian năm (5 năm) và có thể được gia hạn với sự đồng ý của hai Bên và trong phạm vi ngân sách thỏa thuận.

Mặc dù có điều khoản trước, nhưng mỗi bên có thể chấm dứt Hiệp định này khi có thông báo bằng văn bản trước 6 tháng.

Chứng nhận, các bên tham gia Hiệp định này ký vào 02 bản bằng tiếng Anh và tiếng Việt tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 09 tháng 9 năm 2011, các văn bản đều có giá trị như nhau. Trong trường hợp có sự giải thích khác nhau, bản tiếng Anh sẽ được dùng làm căn cứ.

 

THAY MẶT CHÍNH PHỦ VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG
BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH VIỆT NAM




Hoàng Tuấn Anh

THAY MẶT CHÍNH PHỦ ĐAN MẠCH
ĐẠI SỨ
ĐẠI SỨ QUÁN ĐAN MẠCH
TẠI VIỆT NAM




John Nielsen

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo hiệu lực của Hiệp định hợp tác về Chương trình hợp tác phát triển trong lĩnh vực văn hóa giữa Việt Nam - Đan Mạch

  • Số hiệu: 03/2012/TB-LPQT
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 09/09/2011
  • Nơi ban hành: Chính phủ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Đan Mạch
  • Người ký: Hoàng Tuấn Anh, John Nielsen
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 149 đến số 150
  • Ngày hiệu lực: 22/12/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản