Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 95/TB-UBND

Hà Nội, ngày 05 tháng 04 năm 2010

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA ĐỒNG CHÍ NGUYỄN VĂN KHÔI, PHÓ CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ VỀ DỰ ÁN PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC AN TOÀN GIAO THÔNG TẠI HÀ NỘI (TRAHUD)

Ngày 18/3/2010, tại trụ sở UBND Thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đã chủ trì cuộc họp Ban điều phối chung dự án TRAHUD. Cùng dự họp có đại diện Ban Tuyên giáo thành ủy, các ủy viên Ban điều phối, JICA Việt Nam, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Việt Nam, các sở: Giao thông Vận tải, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Công an Thành phố, Học viện cảnh sát nhân dân, chuyên gia dự án TRAHUD.

Sau khi nghe báo cáo của sở Giao thông vận tải; ý kiến của các ủy viên Ban điều phối; đồng chí Phó Chủ tịch UBND Thành phố kết luận như sau:

1. Về việc triển khai, thực hiện dự án: Trong 4 năm qua đã đạt được kết quả tốt, thực hiện được các mục tiêu đề ra. Đã góp phần phối hợp để tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân về an toàn giao thông. Đã trang bị những kiến thức cơ bản về an toàn giao thông cho các đối tác là cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, kỹ sư giao thông và cán bộ quản lý, đã góp phần cùng thành phố làm giảm tai nạn giao thông, giảm số người chết và bị thương.

2. Về kế hoạch hoạt động an tòan giao thông 5 năm của thành phố Hà Nội: Thống nhất với những mục tiêu và nội dung cơ bản Kế hoạch hoạt động an tòan giao thông 5 năm đã đề ra. Thường trực an toàn giao thông thành phố, các Sở, ban, ngành căn cứ bản Kế hoạch 5 năm chung này, chuyển hóa thành kế hoạch cụ thể từng năm của ngành, đơn vị mình để thực hiện. Đặc biệt lưu ý công tác tuyên truyền và văn hóa giao thông, Sở Thông tin và Truyền thông cần phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Thường trực An toàn giao thông Thành phố & Tư vấn để có nội dung tuyên truyền sát thực và cụ thể hơn. Kinh phí tuyên truyền được trích từ chi phí của dự án.

Về khung thể chế: Tiếp tục tham gia ý kiến trình Bộ Giao thông Vận tải, Công an và Tư pháp điều chỉnh mức xử phạt để phù hợp với thực tế.

3. Cần tiếp tục có kế hoạch nâng cao năng lực về an tòan giao thông cho cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự, thanh tra xây dựng, cán bộ quản lý cấp quận, huyện, thị xã…

4. Về cải tạo và phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ an toàn giao thông:

Trên cơ sở các tuyến đường hệ đường đã có, thiết kế mẫu một số tuyến hè đường cho người đi bộ đảm bảo an tòan giao thông và văn minh đô thị. Trước hết là: xung quanh Hồ Hoàn Kiếm, Tràng Tiền, Tràng Thi – Điện Biên Phủ, Hàng Bài – Phố Huế, Bà Triệu. Chấn chỉnh việc lấn chiểm hè đường từ đó phát triển ra các tuyến khác.

Về hạ tầng xe buýt:

Cần nghiên cứu đề xuất một tuyến mẫu mực về hạ tầng xe buýt, có đầy đủ nhà chờ, đỗ xe buýt, hệ thống biển báo, mặt đường tốt. Trước hết chọn tuyến Hàng Bài – Phố Huế, Bà Triệu. Từ đó rút kinh nghiệm và triển khai trên các tuyến khác.

Về cải tạo các nút giao thông:

Trên cơ sở 75 nút của dự án đề xuất, có kế hoạch cụ thể đề xuất cải tạo đảm bảo an toàn giao thông đồng thời phải đạt mục tiêu giảm ùn tắc và phù hợp với cảnh quan đô thị. Trên cơ sở đó xây dựng những hành lang giao thông mẫu mực về an toàn giao thông. Kể từ nay, đối với các tuyến hè đường mới xây dựng phải thiết kế và thi công đảm bảo:

- Có hè đường cho người đi bộ;

- Có hệ thống đi bộ an toàn cho người qua đường;

- Có hạ tầng xe buýt;

- Có tổ chức giao thông phân luồng, phân làn theo loại phương tiện

5. Về xử lý điểm đen:

Căn cứ vào kết quả điều tra về các điểm đen, cần nghiên cứu để xuất biện pháp khắc phục, có hệ thống đảm bảo an toàn giao thông đồng thời phát hiện và xóa bỏ cácc điểm mới xuất hiện.

6 .Về giao thông tĩnh:

- Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, triển khai cùng với Tổng công ty vận tải Hà Nội và các quận, huyện, thị xã kêu gọi xã hội hóa đầu tư các điểm đỗ xe, bến xe tĩnh.

- Khi tham gia góp ý kiến cho các công trình dự án trên địa bàn Hà Nội (khu đô thị, nhà ở, khu thương mại, văn phòng…); Yêu cầu các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Quy hoạch – Kiến trúc và Giao thông vận tải phải có ý kiến về giao thông tĩnh cho các dự án.

7. Về phân làn theo loại phương tiện:

Cần củng số các tuyến đã tổ chức phân làn và xây dựng kế hoạch để triển khai 7 tuyến đã nghiên cứu và đề xuất

8. Về kiểm sóat và chính sách quản lý phương tiện: Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị đưa kế hoạch điều chỉnh phương tiện xe buýt thay thế trong năm 2010 để đảm bảo môi trường.

9. Yêu cầu Ban quản lý dự án TRAHUD hoàn chỉnh dự án giai đoạn II trong tháng 3 để bắt đầu triển khai dự án trong tháng 4.

Văn phòng UBND Thành phố xin thông báo ý kiến kết luận của đ/c Phó Chủ tịch UBND Thành phố để các đơn vị liên quan biết và thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Đ/c Chủ tịch UBND TP; (để b/c)
- Đ/c PCT Nguyễn Văn Khôi; (để b/c)
- Đ/c Chánh văn phòng; (để b/c);
- Đ/c PVP Nguyễn Văn Thịnh;
- Các Sở, ngành và đơn vị dự họp;
- Các phòng: GT, GThải;
- Lưu: VT, GTthi.

TL. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG
PHÓ VĂN PHÒNG




Nguyễn Văn Thịnh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 95/TB-UBND ý kiến kết luận của đồng chí Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố về dự án phát triển nguồn nhân lực an toàn giao thông tại Hà Nội (TRAHUD)

  • Số hiệu: 95/TB-UBND
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 05/04/2010
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Văn Thịnh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/04/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản