Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 91/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 12 tháng 3 năm 2020

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN XUÂN PHÚC TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI LÃNH ĐẠO TỈNH BẠC LIÊU

Ngày 26 tháng 02 năm 2020, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu. Cùng dự buổi làm việc có Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công thương, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn điện lực Việt Nam.

Sau khi nghe lãnh đạo Tỉnh báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đảng, hệ thống chính trị thời gian qua, nhiệm vụ chủ yếu năm 2020 và một số đề xuất, kiến nghị của Tỉnh, ý kiến của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Thay mặt Chính phủ, biểu dương và đánh giá cao nỗ lực, cố gắng, đoàn kết, quyết tâm cao và khát vọng phát triển mạnh mẽ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bạc Liêu trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua. Năm 2019, Tỉnh đã hoàn thành 20/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đề ra, trong đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 10,61%; so với đầu nhiệm kỳ thu nhập bình quân đầu người tăng 1,6 lần, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 2,1 lần, số doanh nghiệp mới tăng 1,3 lần, tổng thu ngân sách tăng 1,78 lần; công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 12,66%/năm, dịch vụ tăng bình quân 16,07%/năm. Tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đã xây dựng được mô hình nuôi tôm siêu thâm canh, ứng dụng công nghệ cao (sản lượng tôm đứng thứ 2 cả nước), đã hoàn thành tiêu chí nông thôn mới đối với 36/49 xã đạt 73,4%.

Văn hóa, xã hội tiếp tục đạt nhiều kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,38%; giáo dục, y tế tiếp tục phát triển. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định và giữ vững. Công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí được quan tâm chỉ đạo kịp thời; tai nạn giao thông giảm trên cả 03 tiêu chí; cải cách hành chính có tiến bộ, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong tốp khá của Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Tỉnh ủy và các cấp ủy trong tỉnh triển khai kịp thời, nghiêm túc đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ Chính trị.

Thời gian qua, Bạc Liêu đã phát triển toàn diện các lĩnh vực, đóng góp vào thành tích chung của đất nước nhưng kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; đặc biệt là để thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thu ngân sách; nhà nước tuy có tăng hàng năm nhưng vẫn còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu chi. Thu nhập bình quân đầu người thấp so mức bình quân cả nước; cải cách thủ tục hành chính và tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức tuy đã được nâng lên nhưng chưa đồng đều ở các cấp, các ngành.

II. NHIỆM VỤ TRONG THỜI GIAN TỚI

Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục đoàn kết, khắc phục khó khăn, khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đưa Bạc Liêu sớm trở thành tỉnh khá của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước; lưu ý một số trọng tâm công tác sau:

1. Tiếp tục thực hiện tốt các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội và các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP của Chính phủ; Nghị quyết của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bạc Liêu lần thứ XV; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch cúm Covid-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng chống dịch, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân; bám sát và thực hiện tốt nhiệm vụ đã đề ra cho năm 2020, góp phần cùng cả nước thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Triển khai, thực hiện tốt Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Bộ chính trị và Kế hoạch số 111-KH/TU ngày 30 tháng 7 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đảng các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025.

2. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, phải tổ chức lại sản xuất nông nghiệp cho phù hợp, phát triển các loại gạo chất lượng cao, có thương hiệu, các mô hình tôm, lúa được coi là lợi thế so sánh của địa phương; rà soát các xã chưa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, thúc đẩy hoàn thành nông thôn mới, cải thiện đời sống nhân dân, hướng tới mục tiêu Bạc Liêu là tỉnh đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của vùng Tây Nam Bộ. Bạc Liêu phấn đấu hoàn thành trung tâm sản xuất tôm lớn nhất cả nước và xuất khẩu đi các thị trường lớn trên thế giới.

3. Phát triển mạnh mẽ các khu công nghiệp để thực hiện mục tiêu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thu hút các loại hình sản xuất và dịch vụ giá trị gia tăng cao; phát huy thế mạnh tự nhiên của tỉnh để phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời, triển khai nhanh các dự án năng lượng điện trên địa bàn; đối với dự án nhiệt điện khí quy mô lớn trên địa bàn thực hiện đúng quy trình, đúng pháp luật gắn với bảo vệ môi trường; thường xuyên bám sát, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn để triển khai nhanh dự án, nhất là các dự án phục vụ nhân dân.

4. Huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi, cấp, thoát nước. Bộ Giao thông Vận tải sớm công bố quy hoạch phát triển hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy, nhất là đối với vùng trũng, vùng khó khăn; chọn các dự án quan trọng để ưu tiên triển khai theo quy hoạch, trong đó cần tính đến xã hội hóa nguồn lực, nhất là đầu tư tư nhân.

5. Phát triển du lịch theo hướng khai thác bền vững những yếu tố văn hóa độc đáo, truyền thống của địa phương, phát động người dân trồng cây xanh để khách tới Bạc Liêu có thể thấy “lúa xanh, biển xanh và nhiều cây xanh”, gìn giữ một Bạc Liêu xanh, sạch, đẹp. Huy động nguồn lực đầu tư các dự án khu du lịch quy mô lớn, chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2020 thu hút 3-4 triệu lượt khách du lịch, phấn đấu gia tăng tỷ trọng khách du lịch quốc tế (hiện nay đạt trên 1,7 triệu nghìn lượt).

6. Tiếp tục cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện cho người dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao (chuyên gia, cán bộ quản lý, công nhân lành nghề, ...). Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số Hoa, Chăm và Khmer. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, làm tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố thế trận quốc phòng toàn dân.

III. VỀ MỘT SỐ ĐỀ NGHỊ CỦA TỈNH

1. Về đề án Phát triển kinh tế liên kết Tiểu vùng Bán đảo Cà Mau: Tỉnh phối hợp với các địa phương trong Tiểu vùng bán đảo Cà Mau chủ động xây dựng Đề án gắn với việc triển khai thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6 tháng 4 năm 2016; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xem xét, thẩm tra Đề án theo quy định pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Về việc triển khai dự án Nhà máy Điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu theo cơ chế đặc biệt:

a) Về thực hiện các nhiệm vụ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư: Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan xem xét kiến nghị của Tỉnh, xử lý theo quy định của pháp luật với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, không để xảy ra tình trạng chậm trễ trong xử lý các kiến nghị của địa phương và nhà đầu tư. Tỉnh chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn nhà đầu tư có đầy đủ năng lực để thực hiện Dự án.

b) Về đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường; việc thuê khu vực biển xây dựng Khu kho nổi tiếp nhận và lưu trữ khí tự nhiên hóa lỏng: Tỉnh khẩn trương gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường hồ sơ đánh giá tác động môi trường và hồ sơ đề nghị giao khu vực biển để tổ chức thẩm định theo quy định.

c) Về việc đẩy nhanh tiến độ ký kết Hợp đồng mua bán điện (PPA) với chủ đầu tư dự án Nhiệt điện Bạc Liêu: Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam khẩn trương phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu và nhà đầu tư đàm phán hợp đồng mua bán điện theo quy định của pháp luật. Không đưa Chính phủ và các cơ quan hành chính nhà nước vào các cam kết, bảo lãnh quốc tế của doanh nghiệp. Phải tuyệt đối không để xảy ra kiện tụng, ảnh hưởng uy tín đất nước và môi trường đầu tư.

d) Về việc đưa Dự án vào chương trình trao đổi trong khuôn khổ chuyến công tác Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ; việc Tập đoàn điện lực Việt Nam và nhà đầu tư ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về đàm phán hợp đồng mua bán diện (PPA): Giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam xem xét kiến nghị của Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Về đầu tư lưới điện truyền tải 500kV đồng bộ các dự án điện trên địa bàn theo cơ chế đầu tư xã hội hóa: Bộ Công Thương khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 509/VPCP-CN ngày 20 tháng 01 năm 2020.

4. Đối với việc phát triển điện gió:

a) Về việc bổ sung quy hoạch với tổng quy mô công suất khoảng 1.000MW đối với các dự án điện gió trên địa bàn: Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu quy hoạch đấu nối tổng thể cho các nguồn điện khu vực Tây Nam Bộ; rà soát, cập nhật tình hình đầu tư, tính khả thi thực hiện của các dự án dự kiến đưa vào vận hành; đề xuất lộ trình phát triển các nguồn điện gió theo từng giai đoạn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

b) Về cơ chế đặc thù đối với việc 2.000MW điện gió tỉnh Bạc Liêu đóng điện trước tháng 11 tháng 2022 đề nghị được hưởng ưu đãi giá mua điện theo Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ: Bộ Công Thương khẩn trương tổ chức sơ kết việc thực hiện Quyết định số 39/2018/QĐ-TTg; trên cơ sở đó xây dựng, đề xuất cơ chế phát triển điện gió trước ngày 01 tháng 11 năm 2021, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Về việc bổ sung quy hoạch sân bay Bạc Liêu: Giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét trong quá trình lập quy hoạch mạng cảng hàng không giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050, đề xuất phương án quy hoạch tổng thể mạng cảng hàng không toàn quốc cho phù hợp, chặt chẽ.

6. Về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án cao tốc Bạc Liêu - Rạch Giá - Hà Tiên (225Km); việc triển khai đầu tư từ năm 2022 đối với đoạn cuối từ Quốc lộ 1A ra đê biển Bạc Liêu: Giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương rà soát thứ tự ưu tiên, sắp xếp, lựa chọn các dự án quan trọng, cấp bách để đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 (sau khi điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các tuyến đường bộ cao tốc vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong đó có điều chỉnh lộ trình đầu tư tuyến cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu đẩy lên đầu tư trong giai đoạn trước năm 2030 được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

7. Về vốn đầu tư tuyến đường liên kết vùng ĐT.980 (Gành Hào - Hộ Phòng - Phó Sinh - Cạnh Đền nối vào đường Hồ Chí Minh): Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu căn cứ số vốn đã được giao kế hoạch năm 2020, khẩn trương giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư cho các dự án theo quy định; trường hợp thiếu vốn, tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của Tỉnh, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xem xét, tổng hợp chung, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

8. Về bổ sung vốn (khoảng 150 tỷ đồng) triển khai trong năm 2020 đối với một số đoạn kè xung yếu, cấp bách của dự án Kè chống ngập dọc theo Quốc lộ 1A: Tỉnh tập trung giải ngân số vốn được giao để triển khai; giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính căn cứ vào khả năng cân đối vốn ngân sách trung ương, xem xét, đề xuất việc hỗ trợ thêm vốn của Tỉnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

9. Về bổ sung vốn từ nguồn tăng thu ngân sách Trung ương năm 2019 đối với các dự án: Xây dựng, nâng cấp tuyến đường Ninh Quới - Ngan Dừa, huyện Hồng Dân; Nạo vét hệ thống thủy lợi cấp bách, thau chua rửa mặn vùng Bắc và Nam Quốc lộ 1A; Nâng cấp tuyến đê biển tại một số điểm sạt lở nặng (từ kênh Mương 1 đến kênh Huyện Kệ): Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, cơ quan liên quan thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 414/VPCP-KTTH ngày 18 tháng 02 năm 2020 xem xét, tổng hợp chung nhu cầu các địa phương trong đó có tỉnh Bạc Liêu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

10. Về đầu tư nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1A (đoạn Cần Thơ đi Cà Mau): Bộ Giao thông vận tải rà soát phương án đầu tư, đề xuất nguồn vốn phù hợp, bảo đảm hiệu quả đầu tư.

11. Về phát triển tuyến đường sắt nối dài từ Cần Thơ đi qua Tiểu vùng Bán đảo Cà Mau: Giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, xem xét trong quá trình lập quy hoạch ngành, sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

12. Về đầu tư 02 cống âu thuyền trên tuyến kênh Bạc Liêu - Cà Mau: Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét việc đưa dự án này vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

13. Về giải pháp công trình, phi công trình giảm sóng, gây bồi từ xa; việc nghiên cứu, đánh giá tổng thể về tình hình sạt lở bờ biển, bờ sông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long:

Tỉnh rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên đối với những đoạn đê biển xung yếu, không đảm bảo ngăn triều, chủ động bố trí ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện. Trường hợp khó khăn về nguồn vốn, Tỉnh có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tài chính xem xét, đề xuất báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc hỗ trợ kinh phí cho Tỉnh thực hiện, bảo đảm phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách trung ương. Đối với các dự án còn lại, Tỉnh hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định, tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 của Tỉnh, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp chung, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu tổng thể, có các giải pháp phù hợp đối với từng khu vực, theo thẩm quyền hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện để xây dựng các giải pháp khắc phục, ứng phó hiệu quả việc sạt lở bờ sông, bờ biển. Chú trọng hơn nữa đến các công trình điện gió và trồng rừng ngập mặn trong quá trình xử lý này.

14. Về việc công nhận Khu di tích Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu là Khu Di tích Lịch sử - Văn hóa đặc biệt cấp Quốc gia: Đồng ý về nguyên tắc; Tỉnh hoàn thiện hồ sơ, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, quyết định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu và các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Ngoại giao;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Tập đoàn Điện lực Việt Nam;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bạc Liêu;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, Trợ lý các PTTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, NN, QHQT, CN, KGVX;
- Lưu: VT, QHĐP (3b) Huyen.

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Mai Tiến Dũng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Thông báo 91/TB-VPCP năm 2020 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu do Văn phòng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 91/TB-VPCP
  • Loại văn bản: Thông báo
  • Ngày ban hành: 12/03/2020
  • Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ
  • Người ký: Mai Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 12/03/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản